Tổng điều tra kinh tế năm 2021 - Cơ sở trực thuộc cơ sở kinh tế hành chính sự nghiệp phát triển khá

04/08/2022 - 03:02 PM
Thực hiện Quyết định số 307/QĐ-TTg  ngày 27/02/2020 của Thủ tướng Chính phủ, từ tháng 3/2021 đến tháng 12/2021, cuộc Tổng điều tra kinh tế được triển khai tập trung, thống nhất từ Trung ương đến địa phương. Kết quả Tổng điều tra kinh tế năm 2021 đã phác họa xu hướng phát triển của các cơ sở trực thuộc cơ sở kinh tế HCSN, góp phần giúp phục vụ xây dựng, ban hành chính sách, quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, vùng và liên vùng, phát triển nguồn nhân lực sát với tình hình thực tiễn để thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021-2025) và 10 năm (2021-2030) theo Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.
 
Theo kết quả TĐT kinh tế năm 2021, số lượng và lao động trong các cơ sở trực thuộc cơ sở kinh tế hành chính sự nghiệp năm 2020 tiếp tục tăng so với năm 2016, nhưng tốc độ tăng có xu hướng chậm hơn nhiều so với kỳ Tổng điều tra trước.
 
Số lượng cơ sở trực thuộc các đơn vị điều tra năm 2020 đạt gần 6,2 triệu cơ sở, tăng 8,3% (tăng 470,8 nghìn cơ sở) so với năm 2016, thấp hơn mức tăng 18,0% của năm 2016 so với năm 2011; bình quân mỗi năm số lượng cơ sở tăng 2,0%/năm trong giai đoạn 2016-2020. Trong đó, các cơ sở trực thuộc doanh nghiệp, hợp tác xã có tốc độ tăng cao nhất với mức 26,5%; các cơ sở thuộc đơn vị hành chính, sự nghiệp tăng 14,2%; cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo tăng 9,6%; và cơ sở SXKD cá thể tăng thấp nhất, tăng 5,9% so với năm 2016.
 
Lao động làm việc trong các cơ sở trực thuộc đơn vị điều tra trong năm 2020 đạt 27,5 triệu người, tăng 3,9% (tăng 1,0 triệu người) so với năm 2016, thấp hơn nhiều so với mức tăng 20,7% của năm 2016 so với năm 2011; bình quân hằng năm trong giai đoạn 2016-2020 tăng 1,0%/năm. Trong đó, lao động trong các cơ sở trực thuộc doanh nghiệp, hợp tác xã tăng 3,9%; các cơ sở SXKD cá thể tăng 5,2%; cơ sở thuộc đơn vị hành chính, sự nghiệp tăng 0,6% và các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng tăng 19,2% so với năm 2016.
 
Bình quân một đơn vị điều tra có 1,02 cơ sở trực thuộc, trong đó cứ 1 doanh nghiệp, hợp tác xã thì có 1,06 cơ sở trực thuộc, thấp hơn mức 1,1 của năm 2016, phản ánh xu hướng thu hẹp quy mô SXKD của các doanh nghiệp trong năm 2020, do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
 
Số lượng cơ sở và lao động trong các cơ sở trực thuộc tập trung nhiều nhất tại vùng Đồng bằng sông Hồng, tuy nhiên Đông Nam Bộ vẫn là vùng thu hút nhiều cơ sở trực thuộc doanh nghiệp nhất cả nước.
 
Vùng Đồng bằng sông Hồng tập trung đông nhất số cơ sở với gần 1,6 triệu cơ sở, chiếm 25,7%; thu hút trên 8,4 triệu lao động, chiếm 30,6%. Vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung có trên 1,3 triệu cơ sở, chiếm 22,0% và thu hút 4,6 triệu lao động, chiếm 16,8%. Vùng Đông Nam Bộ có gần 1,3 triệu cơ sở, chiếm 20,5%; thu hút gần 7,5 triệu lao động, chiếm 27,1% và là vùng có số cơ sở trực thuộc doanh nghiệp nhiều nhất. Đồng bằng sông Cửu Long tập trung gần 1,1 triệu cơ sở, chiếm 17,9% với 3,7 triệu lao động, chiếm 13,4%. Vùng Trung du và miền núi phía Bắc có 558,2 nghìn cơ sở, chiếm 9,1% và thu hút hơn 2,4 triệu lao động, chiếm 8,8%. Vùng Tây Nguyên có số lượng cơ sở và lao động thấp nhất cả nước, lần lượt là 295,8 nghìn cơ sở và 911,2 nghìn lao động, chiếm tỷ trọng tương ứng là 4,8% và 3,3%.
 
 
Cơ sở trực thuộc cơ sở kinh tế hành chính sự nghiệp phát triển khá.
 
Lao động bình quân một cơ sở trực thuộc đơn vị điều tra có xu hướng giảm dần so với năm 2016, trong đó quy mô lao động trong các cơ sở thuộc doanh nghiệp, hợp tác xã giảm mạnh nhất.
 
Lao động bình quân một cơ sở năm 2020 đạt 4,5 người, giảm 0,2 người so với năm 2016. Trong đó, lao động bình quân một cơ sở thuộc đơn vị hành chính sự nghiệp là 23,2 người; doanh nghiệp và hợp tác xã là 20 người; các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo là 3,6 người; cơ sở cá thể là 1,7 người. Ngoài cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo có sự tăng lên về lao động bình quân (tăng 0,3 người), còn lại các đơn vị điều tra khác đều giảm so với năm 2016. Cụ thể, lao động trong cơ sở trực thuộc doanh nghiệp, hợp tác xã giảm 4,3 người; cơ sở hành chính sự nghiệp giảm 2,7 người; cơ sở cá thể giảm 0,01 người.
 
Các cơ sở trực thuộc doanh nghiệp đa địa điểm chiếm tỷ trọng thấp, phản ánh thực trạng doanh nghiệp Việt Nam vẫn chủ yếu là các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ.
 
Cơ sở trực thuộc doanh nghiệp năm 2020 đạt 727,6 nghìn cơ sở, trong đó cơ sở thuộc doanh nghiệp đơn địa điểm chiếm tới 77,5%. Các cơ sở thuộc doanh nghiệp đơn địa điểm tập trung chủ yếu ở khu vực Dịch vụ, chiếm 67,5%; khu vực Công nghiệp - Xây dựng chiếm 31,6%; và khu vực Nông, lâm nghiệp và thủy sản chỉ chiếm 0,9%. Các cơ sở trực thuộc doanh nghiệp đa địa điểm chiếm 22,5% tổng số cơ sở thuộc doanh nghiệp, trong đó, các doanh nghiệp hoạt động trong khu vực Dịch vụ có nhiều cơ sở trực thuộc nhất, chiếm tới 84,5%; khu vực Công nghiệp - Xây dựng chiếm 14,7% và khu vực Nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng rất nhỏ với mức 0,8%.
 
Quy mô lao động bình quân một cơ sở trực thuộc doanh nghiệp chênh lệch lớn giữa cơ sở trực thuộc doanh nghiệp đơn địa điểm và đa địa điểm
 
Lao động bình quân một cơ sở trực thuộc doanh nghiệp năm 2020 đạt 20,2 người, trong đó, lao động trong các cơ sở thuộc doanh nghiệp đơn địa điểm là 14,2 người, thấp hơn nhiều so với mức 40,9 người của các cơ sở thuộc doanh nghiệp đa địa điểm.
 
Khu vực Công nghiệp - Xây dựng có lao động bình quân trong một cơ sở thuộc doanh nghiệp cao nhất trong ba khu vực và đạt 45,8 người; tiếp theo là khu vực Nông, lâm nghiệp và thủy sản là 34,2 người; khu vực Dịch vụ có lao động bình quân thấp nhất là 10,1 người./.
 
Bích Ngọc

Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top