Tổng quan thị trường giá cả tháng 6 và 6 tháng đầu năm 2023

29/06/2023 - 12:07 PM

Giá thực phẩm tăng, giá điện sinh hoạt tăng do thời tiết nắng nóng kéo dài cùng với việc Tập đoàn Điện lực Việt Nam điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân là những nguyên nhân chính làm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6/2023 tăng 0,27% so với tháng trước. So với tháng 12/2022 CPI tháng Sáu tăng 0,67% và so với cùng kỳ năm trước tăng 2,0%.

Bình quân 6 tháng đầu năm 2023, CPI tăng 3,29% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 4,74%.

I. TỔNG QUAN

Trong 6 tháng đầu năm 2023, giá hàng hóa trên thị trường quốc tế có nhiều biến động và chịu ảnh hưởng bởi các nhân tố kinh tế, chính trị, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn và xung đột quân sự Nga - Ucraina, chính sách tiền tệ thắt chặt dẫn đến sụt giảm nhu cầu tiêu dùng ở nhiều nước và tăng trưởng chậm lại, lạm phát tuy có xu hướng giảm nhưng vẫn ở mức cao. Lạm phát của khu vực đồng Euro tháng 5/2023 tăng 6,1% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát của Mỹ tăng 4,0%. Tại châu Á, lạm phát tháng 5/2023 của Trung Quốc tăng 0,2% so với cùng kỳ năm trước; Thái Lan tăng 0,53%; Hàn Quốc tăng 3,3%; In-đô-nê-xi-a tăng 4,0%; Phi-lip-pin tăng 6,1%; Lào tăng 38,86%. So với các quốc gia, Việt Nam không thuộc nhóm nước có mức lạm phát cao khi lạm phát tháng 6/2023 tăng 2,0% so với cùng kỳ năm trước.

Các nhân tố địa chính trị, kinh tế tạo sức ép khác nhau lên giá dầu trong 6 tháng đầu năm 2023 như: Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và các nước đồng minh (OPEC+) sau cuộc họp ngày 02/4/2023 tiếp tục cắt giảm sản lượng khoảng 1,66 triệu thùng/ngày tương đương hơn 3,7% nhu cầu thế giới; lệnh cấm nhập khẩu của Liên minh châu Âu đối với sản phẩm dầu và các nhiên liệu tinh chế của Nga; tâm lý lo ngại lạm phát và chính sách thắt chặt tiền tệ ảnh hưởng tới sự phục hồi kinh tế toàn cầu; Trung Quốc gỡ bỏ hầu hết các hạn chế xuất nhập cảnh, tăng đầu tư công và triển vọng tiêu thụ dầu tại Trung Quốc tăng.

Trong nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chủ động, quyết liệt, sát sao chỉ đạo các Bộ, ngành triển khai nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế; giảm mặt bằng lãi suất cho vay, ổn định thị trường ngoại hối; thúc đẩy giải ngân đầu tư công; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, sớm ổn định lại và hỗ trợ phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản, bảo đảm an sinh xã hội. Theo đó, thị trường các mặt hàng thiết yếu không có biến động bất thường, nguồn cung được bảo đảm, giá hàng hóa tăng giảm đan xen. Chỉ số giá tiêu dùng quý II/2023 tăng 2,41% so với cùng kỳ năm 2022.

II. CHỈ SỐ GIÁ TIÊU DÙNG THÁNG 6/2023

So với tháng trước, CPI tháng 6/2023 tăng 0,27% (khu vực thành thị tăng 0,22%; khu vực nông thôn tăng 0,32%). Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính, có 10 nhóm hàng tăng giá so với tháng trước và 01 nhóm hàng giảm giá.

 Tổng quan thị trường giá cả tháng 6 và 6 tháng đầu năm 2023

Diễn biến giá tiêu dùng tháng 6/2023 so với tháng trước của một số nhóm hàng chính như sau:

1. Hàng ăn và dịch vụ ăn uống (+0,57%)

Chỉ số giá nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tháng 6/2023 tăng 0,57% so với tháng trước, tác động làm CPI chung tăng 0,19 điểm phần trăm. Trong đó, chỉ số giá nhóm lương thực chỉ tăng nhẹ 0,09%; nhóm thực phẩm tăng 0,72%, tác động làm CPI tăng 0,15 điểm phần trăm; ăn uống ngoài gia đình tăng 0,42%, tác động tăng 0,04 điểm phần trăm.

1.1. Lương thực (+0,09%)

Chỉ số giá nhóm lương thực tháng 6/2023 tăng 0,09% so với tháng trước, trong đó chỉ số giá nhóm bánh mỳ tăng 0,59%; bún, bánh phở, bánh đa tăng 0,3%; mỳ sợi, mỳ, phở tăng 0,45%; bột ngô tăng 0,3%; ngũ cốc ăn liền tăng 0,3%. Riêng giá gạo tẻ ngon giảm 0,01%, giá gạo nếp giảm 0,21% do đang mùa thu hoạch vụ đông xuân nên lượng cung dồi dào.

Trong tháng, giá gạo tẻ thường dao động từ 13.000-16.500 đồng/kg; giá gạo Bắc Hương từ 18.500-22.300 đồng/kg; giá gạo tẻ ngon Nàng Thơm chợ Đào từ 19.000-20.800 đồng/kg; giá gạo nếp từ 25.000-34.700 đồng/kg.

1.2. Thực phẩm (+0,72%)

Chỉ số giá nhóm thực phẩm tháng 6/2023 tăng 0,72% so với tháng trước, nguyên nhân chủ yếu tập trung ở một số mặt hàng sau:

- Giá thịt lợn tháng Sáu tăng 3,16% so với tháng trước do nhu cầu trên thị trường tăng vào mùa du lịch. Bên cạnh đó, giá thịt lợn tại một số nước trong khu vực như Trung Quốc, Thái Lan, Cam-pu-chia tăng cũng hỗ trợ giá thịt lợn hơi trong nước. Tính đến ngày 25/6/2023, giá thịt lợn hơi cả nước dao động từ 58.000-63.000 đồng/kg, tăng khoảng 3.000 đồng so với tháng trước. Theo đó, giá nội tạng động vật, mỡ động vật tăng lần lượt 1,58% và 1,94% so với tháng trước; giá thịt chế biến tăng 0,95%, trong đó thịt quay, giò chả tăng 0,98%, thịt hộp tăng 0,91% và thịt chế biến khác tăng 0,15%.

- Giá thịt gia cầm tăng 0,13% so với tháng trước; giá cá tươi hoặc ướp lạnh tăng 0,41% chủ yếu do nhu cầu tiêu dùng tăng cao vào dịp hè.

- Giá nhóm rau tươi, khô và chế biến tăng 0,87% so với tháng trước, chủ yếu tăng cao ở các loại rau, củ trái vụ như giá rau bắp cải tăng 6,1%; su hào tăng 3,6%; khoai tây tăng 2,27%. Bên cạnh đó, do thời tiết mưa liên tục tại nhiều địa phương, các loại rau trồng dễ bị hư hỏng ảnh hưởng đến nguồn cung nên rau gia vị tươi, khô tăng 3,91% so với tháng trước.

- Giá đường, mật tăng 0,58%; sữa, bơ, phô mai tăng 0,38%; chè, cà phê, ca cao tăng 0,29% do giá đường tăng 0,82% khi thời tiết nắng nóng nên nhu cầu sử dụng tăng và giá đường thế giới duy trì ở mức cao.

Riêng giá quả tươi, chế biến giảm 0,95% so với tháng trước do vào mùa thu hoạch nên nguồn cung các loại quả dồi dào, cụ thể: Giá xoài giảm 2,5% so với tháng trước; giá chuối giảm 1%; giá táo giảm 0,95%; giá quả tươi khác giảm 0,87%.

1.3. Ăn uống ngoài gia đình (+0,42%)

Chỉ số giá nhóm ăn uống ngoài gia đình tháng 6/2023 tăng 0,42% so với tháng trước do thời tiết nắng nóng, học sinh được nghỉ hè nên nhu cầu tiêu dùng tăng. Trong đó, giá uống ngoài gia đình tăng 0,6%; giá ăn ngoài gia đình tăng 0,42%; đồ ăn nhanh mang đi tăng 0,3%.

2. Đồ uống và thuốc lá (+0,16%)

Chỉ số giá nhóm đồ uống và thuốc lá tháng 6/2023 tăng 0,16% so với tháng trước do thời tiết nắng nóng, oi bức nên nhu cầu tiêu dùng đồ uống giải khát tăng, cụ thể: Giá nước giải khát có ga tăng 0,25% so với tháng trước; giá nước uống tăng lực tăng 0,24%; nước quả ép tăng 0,22%. Bên cạnh đó, rượu các loại tăng 0,01%; bia các loại tăng 0,3% và thuốc hút tăng 0,09%.

3. May mặc, mũ nón và giày dép (+0,11%)

Chỉ số giá nhóm may mặc, mũ nón và giày dép tháng Sáu tăng 0,11% so với tháng trước do nhu cầu tiêu dùng tăng vào mùa hè. Trong đó, giá mũ nón tăng 0,24% so với tháng trước; giày dép tăng 0,15%; dịch vụ may mặc tăng 0,21%; dịch vụ giày dép tăng 0,3% và quần áo may sẵn tăng 0,08%.

4. Nhà ở và vật liệu xây dựng (+0,07%)

Chỉ số giá nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tháng 6/2023 tăng 0,07% so với tháng trước chủ yếu do các nguyên nhân sau:

- Giá điện sinh hoạt tháng Sáu tăng 2,72% so với tháng trước, giá nước sinh hoạt tăng 0,41%[1] do thời tiết nắng nóng kéo dài, dẫn đến nhu cầu sử dụng điện, nước của người dân tăng lên và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã có Quyết định 377/QĐ-EVN ngày 27/4/2023 về việc điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân từ ngày 04/5/2023.

Bên cạnh các mặt hàng tăng giá, có một số mặt hàng giảm giá:

- Giá gas trong tháng giảm 8,15% so với tháng trước do từ ngày 01/6/2023, giá gas trong nước điều chỉnh giảm 35.000 đồng/bình 12 kg sau khi giá gas thế giới giảm 110 USD/tấn (từ mức 555 USD/tấn xuống mức 445 USD/tấn).

- Giá dầu hỏa giảm 2,41% so với tháng trước do ảnh hưởng của đợt điều chỉnh giá ngày 01/6/2023, 12/6/2023 và 21/6/2023.

- Giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở giảm 0,13% do giá thép giảm khi giá quặng sắt trên thị trường thế giới giảm.

5. Thiết bị và đồ dùng gia đình (+0,19%)

Chỉ số giá nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tháng 6/2023 tăng 0,19% so với tháng trước, tập trung chủ yếu ở các mặt hàng điện lạnh do thời tiết nắng nóng nên nhu cầu tiêu dùng tăng. Trong đó, giá quạt điện tăng 1,66% so với tháng trước; giá điều hòa nhiệt độ tăng 0,28%; máy đánh trứng, trộn đa năng tăng 0,61% và thiết bị gia đình lớn có động cơ tăng 0,14%.

6. Giao thông (+0,16%)

Chỉ số giá nhóm giao thông tháng 6/2023 tăng 0,16% so với tháng trước làm CPI chung tăng 0,02 điểm phần trăm, chủ yếu do:

- Giá xăng, dầu trong nước tăng 0,5% so với tháng trước, tác động làm CPI chung tăng 0,02 điểm phẩn trăm do ảnh hưởng của các đợt điều chỉnh giá trong nước vào ngày 01/6/2023, 12/6/2023 và 21/6/2023.

- Phí thuê ô tô, xe máy tự lái tăng 0,02%; phí học bằng lái xe tăng 0,22% do nhu cầu cao.

- Giá dịch vụ bảo dưỡng phương tiện đi lại tăng 0,62%, trong đó giá sửa chữa xe máy tăng 0,61% và sửa chữa xe đạp tăng 0,83%.

Bên cạnh những mặt hàng tăng giá, có một số mặt hàng giảm giá trong tháng Sáu như sau:

- Giá nhóm phương tiện đi lại giảm 0,14% so với tháng trước, trong đó giá xe ô tô mới giảm 0,32%; xe ô tô đã qua sử dụng giảm 0,17%, chủ yếu do nhu cầu tiêu thụ của người dân giảm trong khi nguồn xe tồn kho lớn khiến các doanh nghiệp phải giảm giá bán để kích cầu tiêu dùng.

7. Giáo dục (+0,11%)

Chỉ số giá nhóm giáo dục tháng 6/2023 tăng 0,11% so với tháng trước do giá dịch vụ giáo dục trung cấp tăng 0,94%, giá dịch vụ giáo dục nghề nghiệp tăng 0,88%; giá văn phòng phẩm tăng 0,16%.

8. Văn hóa, giải trí và du lịch (+0,34%)

Chỉ số giá nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tháng Sáu tăng 0,34% so với tháng trước, trong đó giá dịch vụ du lịch trọn gói tăng 1,82% (du lịch trong nước tăng 2,11%; du lịch ngoài nước tăng 1,0%); nhà khách, khách sạn tăng 0,24% do nhu cầu đi du lịch trong dịp hè tăng cao.

9. Hàng hóa và dịch vụ khác (+0,26%)

Chỉ số giá nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tháng 6/2023 tăng 0,26% so với tháng trước, tập trung chủ yếu ở mặt hàng đồ dùng cá nhân tăng 0,09%; hàng chăm sóc cơ thể tăng 0,12%; dịch vụ phục vụ cá nhân tăng 0,88%; dịch vụ hiếu hỉ tăng 0,18%.

10. Chỉ số giá vàng (-0,64%)

Giá vàng trong nước biến động cùng chiều với giá vàng thế giới. Tính đến ngày 25/6/2023, bình quân giá vàng thế giới ở mức 1.964,09 USD/ounce, giảm 2,06% so với tháng 5/2023 do chịu áp lực bởi đồng USD mạnh hơn. Bên cạnh đó, sự sụt giảm của vàng đến từ việc Ngân hàng Trung ương Anh tăng lãi suất 50 điểm cơ bản so với dự kiến do lạm phát tại Anh tăng cao.

Trong nước, chỉ số giá vàng tháng 6/2023 giảm 0,64% so với tháng trước; tăng 3,3% so với tháng 12/2022; tăng 0,95% so với cùng kỳ năm trước; bình quân 6 tháng đầu năm 2023 tăng 0,67%.

11. Chỉ số giá đô la Mỹ (+0,14%)

Trên thế giới, chính sách tiền tệ thắt chặt từ các ngân hàng trung ương có thể dẫn đến suy thoái kinh tế, đã khiến các nhà đầu tư tìm đến các tài sản trú ẩn an toàn như đồng đô la Mỹ. Tính đến ngày 25/6/2023, chỉ số đô la Mỹ trên thị trường quốc tế đạt mức 102,99 điểm, tăng 0,7% so với tháng trước. Trong nước, giá đô la Mỹ bình quân trên thị trường tự do quanh mức 23.670 VND/USD. Chỉ số giá đô la Mỹ tháng 6/2023 tăng 0,14% so với tháng trước; giảm 2,23% so với tháng 12/2022; tăng 1,14% so với cùng kỳ năm trước; bình quân 6 tháng đầu năm 2023 tăng 2,61%.

Bảng 1. Tốc độ tăng/giảm CPI tháng Sáu từ năm 2019 đến năm 2023

 Đơn vị tính: %

  Năm 2019 Năm 2020 Năm 2021 Năm 2022 Năm 2023
CPI tháng 6 so với tháng trước -0,09 0,66 0,19 0,69 0,27
CPI tháng 6 so với cùng kỳ năm trước 2,16 3,17 2,41 3,37 2,00
CPI tháng 6 so với tháng 12 năm trước 1,41 -0,59 1,62 3,18 0,67
CPI bình quân 6 tháng đầu năm so với cùng kỳ năm trước 2,64 4,19 1,47 2,44 3,29
 

So với cùng kỳ năm trước, CPI tháng 6/2023 tăng 2,0%. Trong 11 nhóm hàng tiêu dùng chính có 9 nhóm tăng giá và 2 nhóm giảm giá.

Tổng quan thị trường giá cả tháng 6 và 6 tháng đầu năm 2023 1

Các nhóm hàng tăng giá:

- Nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 6,49% do giá vật liệu xây dựng và giá nhà ở thuê tăng.

- Chỉ số giá nhóm giáo dục tháng 6/2023 tăng 5,75% so với cùng kỳ năm trước do một số địa phương trong năm học 2022-2023 tăng học phí trở lại sau khi đã miễn, giảm học phí trong năm học 2021-2022 để chia sẻ khó khăn với người dân trong đại dịch.

- Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 3,34%, trong đó nhóm lương thực tăng 3,78%; thực phẩm tăng 2,62%; ăn uống ngoài gia đình tăng 4,96%.

- Nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 3,23% chủ yếu do chi phí vận chuyển tăng và nguồn cung thuốc lá giảm.

- Bên cạnh đó, nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tháng 6/2023 tăng 3,39% so với cùng kỳ năm trước; nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 2,3%; nhóm may mặc, mũ nón, giày dép tăng 2,16%; nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 2,11%; nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,61%.

Ở chiều ngược lại, có 2 nhóm hàng giảm giá:

- Nhóm giao thông tháng 6/2023 giảm 11,98% so với cùng kỳ năm trước, làm CPI chung giảm 1,16 điểm phần trăm, trong đó giá xăng dầu giảm 31,73% do từ tháng 6/2022 đến nay giá xăng A95 giảm 10.860 đồng/lít; xăng E5 giảm 10.430 đồng/lít và dầu diezen giảm 11.840 đồng/lít.

- Nhóm bưu chính, viễn thông giảm 0,58% làm CPI chung giảm 0,02 điểm phần trăm do giá điện thoại cố định và di động giảm.

So với tháng 12/2022, CPI tháng Sáu tăng 0,67%, trong đó có 9 nhóm hàng tăng giá và 2 nhóm giảm giá.

Trong các nhóm tăng giá:

- Nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 2,31% chủ yếu do giá vật liệu xây dựng và giá nhà ở thuê tăng.

- Nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 1,35% do nhu cầu tiêu dùng tăng cao trong các dịp Lễ, Tết.

- Nhóm giao thông tháng 6/2023 tăng 0,87% so với tháng 12/2022, trong đó giá xăng dầu tăng 0,86% do từ đầu năm đến nay, giá xăng dầu trong nước đã điều chỉnh 18 đợt làm cho giá xăng A95 tăng 1.310 đồng/lít; xăng E5 tăng 900 đồng/lít.

- Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,49% do giá lương thực tăng 2,12%; giá ăn uống ngoài gia đình tăng 1,84%.

Ở chiều ngược lại, có 2 nhóm hàng giảm giá:

- Nhóm giáo dục tháng Sáu giảm 3,68% so với tháng 12/2022 do trong 6 tháng đầu năm 2023 một số địa phương thực hiện theo Nghị quyết số 165/NQ-CP, trong đó yêu cầu các địa phương giữ ổn định mức thu học phí năm học 2022-2023 như năm học 2021-2022 để tiếp tục hỗ trợ cho người dân đã điều chỉnh giảm mức học phí sau khi đã thu theo Nghị định số 81/2021/NĐ-CP ngày 27/8/2021.

- Nhóm bưu chính, viễn thông tháng Sáu giảm 0,65% do giá điện thoại thế hệ cũ giảm.

III. CHỈ SỐ GIÁ TIÊU DÙNG QUÝ II NĂM 2023

Chỉ số giá tiêu dùng quý II/2023 tăng 2,41% so với cùng kỳ năm 2022.

1. Các yếu tố làm tăng CPI trong quý II năm 2023

- Nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng quý II/2023 tăng 6,03% so với cùng kỳ năm trước, tác động làm CPI tăng 1,13 điểm phần trăm do giá xi măng, sắt, thép, cát tăng theo giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào và giá thuê nhà ở tăng cao.

- Dịch vụ giáo dục tăng 6,03% do một số địa phương đã tăng học phí trở lại sau khi đã miễn, giảm học phí trong năm học 2021-2022 để chia sẻ khó khăn với người dân trong đại dịch, tác động làm CPI tăng 0,33 điểm phần trăm.

- Giá điện sinh hoạt tăng 3,53%, chủ yếu do nhu cầu sử dụng điện dịp Tết Nguyên đán, mùa hè nắng nóng và quyết định tăng giá điện từ ngày 04/5/2023 của EVN, tác động làm CPI tăng 0,12 điểm phần trăm.

- Giá các mặt hàng thực phẩm tăng 2,8% do nhu cầu tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên đán, nghỉ Lễ 30/4-1/5 và Tết Đoan Ngọ tăng, tác động làm CPI tăng 0,6 điểm phần trăm.

- Chỉ số giá nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 2,6% do dịch Covid-19 được kiểm soát, nhu cầu giải trí và du lịch của người dân tăng cao, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán và mùa du lịch hè, tác động làm CPI tăng 0,12 điểm phần trăm.

- Giá gạo trong nước tăng 2,53% theo giá gạo xuất khẩu, tác động làm CPI tăng 0,06 điểm phần trăm.

2. Các yếu tố làm giảm CPI trong quý II năm 2023

- Bình quân quý II/2023, giá dầu hỏa giảm 25,8% so với cùng kỳ năm trước theo biến động của giá thế giới; giá xăng dầu giảm 24,87%, tác động làm CPI chung giảm 0,9 điểm phần trăm.

- Giá gas trong nước giảm 17,49% theo giá thế giới, tác động làm CPI giảm 0,26 điểm phần trăm.

- Chỉ số giá nhóm giao thông giảm 8,34% do ảnh hưởng của giảm giá xăng dầu, tác động làm CPI giảm 0,81 điểm phần trăm.

- Chỉ số giá nhóm bưu chính, viễn thông giảm 0,47% do giá điện thoại thế hệ cũ giảm, tác động làm CPI giảm 0,01 điểm phần trăm.

IV. CHỈ SỐ GIÁ TIÊU DÙNG 6 THÁNG ĐẦU NĂM 2023

Tổng quan thị trường giá cả tháng 6 và 6 tháng đầu năm 2023 2

Chỉ số giá tiêu dùng các tháng từ đầu năm đến nay so với cùng kỳ năm trước có xu hướng giảm dần. Trong đó, CPI tháng Một tăng cao nhất với 4,89%, tháng Hai tăng 4,31%, tháng Ba tăng 3,35%, tháng Tư tăng 2,81%, tháng Năm tăng 2,43% và đến tháng Sáu mức tăng còn 2,0%. Nguyên nhân chủ yếu do giá xăng dầu trong nước giảm theo giá thế giới làm cho chỉ số giá nhóm giao thông so với cùng kỳ năm trước liên tục giảm, từ mức giảm 0,18% trong tháng 2/2023 đã giảm mạnh 11,98% trong tháng 6/2023. Tính bình quân 6 tháng đầu năm 2023, CPI tăng 3,29% so với cùng kỳ năm 2022.

1. Các yếu tố làm tăng CPI trong 6 tháng đầu năm 2023

- Chỉ số giá nhóm giáo dục bình quân 6 tháng đầu năm 2023 tăng 7,95% so với cùng kỳ năm trước do một số địa phương đã tăng học phí trở lại từ tháng 9/2022 sau khi đã miễn, giảm học phí trong năm học 2021-2022, tác động làm CPI tăng 0,49 điểm phần trăm.

- Nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 6,6% so với cùng kỳ năm trước, tác động làm CPI tăng 1,24 điểm phần trăm, do giá xi măng, sắt, thép, cát tăng theo giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào và giá thuê nhà ở tăng cao.

- Chỉ số giá nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 3,74% do dịch Covid-19 được kiểm soát, nhu cầu giải trí và du lịch của người dân tăng, tác động làm CPI tăng 0,17 điểm phần trăm.

- Chỉ số giá vé máy bay tăng 65,72%; giá vé tàu hỏa tăng 32,34%; giá vé ô tô khách tăng 11,12% do nhu cầu đi du lịch trong dịp Lễ, Tết, dịp hè của người dân tăng.

- Giá các mặt hàng thực phẩm tăng 3,6%, chủ yếu do nhu cầu tiêu dùng tăng trong các dịp Lễ, Tết, tác động làm CPI tăng 0,77 điểm phần trăm.

- Giá điện sinh hoạt tăng 3,12% do nhu cầu sử dụng điện tăng và quyết định tăng 3% giá điện của EVN áp dụng từ ngày 04/5/2023, tác động làm CPI tăng 0,1 điểm phần trăm.

- Giá gạo trong nước tăng 2,39% theo giá gạo xuất khẩu, tác động làm CPI tăng 0,06 điểm phần trăm.

2. Các yếu tố làm giảm CPI trong 6 tháng đầu năm 2023

- Bình quân 6 tháng đầu năm 2023, giá dầu hỏa giảm 8,94% so với cùng kỳ năm trước; giá xăng dầu trong nước giảm 18,27% theo biến động của giá thế giới, tác động làm CPI chung giảm 0,66 điểm phần trăm.

- Giá gas trong nước giảm 9,99% theo giá thế giới, tác động làm CPI giảm 0,15 điểm phần trăm.

- Chỉ số giá nhóm bưu chính, viễn thông giảm 0,37% do giá điện thoại thế hệ cũ giảm, tác động làm CPI giảm 0,01 điểm phần trăm.

V. LẠM PHÁT CƠ BẢN

Lạm phát cơ bản[2] tháng 6/2023 tăng 0,24% so với tháng trước, tăng 4,33% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 6 tháng đầu năm 2023, lạm phát cơ bản tăng 4,74% so với cùng kỳ năm 2022, cao hơn mức CPI bình quân chung (tăng 3,29%). Nguyên nhân chủ yếu do bình quân giá xăng dầu trong nước 6 tháng đầu năm 2023 giảm 18,27% so với cùng kỳ năm trước, giá gas giảm 9,99% là yếu tố kiềm chế tốc độ tăng của CPI nhưng thuộc nhóm hàng được loại trừ trong danh mục tính lạm phát cơ bản.

Bảng 2. Lạm phát cơ bản tháng Sáu từ năm 2019 đến năm 2023

Đơn vị tính: %

 

Năm 2019

Năm 2020

Năm
2021

Năm
2022

Năm
2023

Lạm phát cơ bản tháng 6 so với tháng trước

0,16

0,07

0,07

0,44

0,24

Lạm phát cơ bản tháng 6 so với cùng kỳ năm trước

1,96

2,45

1,14

1,98

4,33

Lạm phát cơ bản 6 tháng đầu năm so với cùng kỳ năm trước

1,87

2,81

0,87

1,25

4,74

 

 

TỔNG CỤC THỐNG KÊ


[1] Chỉ số giá điện, nước sinh hoạt tháng 6/2023 được tính dựa trên doanh thu và sản lượng tiêu dùng của tháng Năm, do đó phản ánh biến động trễ một tháng so với các mặt hàng khác.

[2] CPI sau khi loại trừ lương thực, thực phẩm tươi sống, năng lượng và mặt hàng do Nhà nước quản lý bao gồm dịch vụ y tế và giáo dục.

 

Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top