Kinh tế thế giới 9 tháng năm 2021 dần hồi phục khi các quốc gia đẩy mạnh chương trình tiêm chủng vắc - xin phòng chống dịch Covid-19 nhằm đạt miễn dịch cộng đồng; đồng thời triển khai các gói kích thích tăng trưởng kinh tế và các biện pháp nới lỏng chính sách tiền tệ, tài khóa. Ở trong nước, sự bùng phát dịch Covid-19 cùng với các đợt giãn cách xã hội từ đầu năm đến nay khiến hoạt động sản xuất kinh doanh bị ảnh hưởng nặng nề. Trong bối cảnh đó, chỉ số giá sản xuất, chỉ số giá nguyên nhiên vật liệu dùng cho sản xuất, chỉ số giá xuất khẩu và nhập khẩu 9 tháng năm 2021 đều tăng so với cùng kỳ năm trước. Tỷ giá thương mại hàng hóa 9 tháng năm 2021 giảm 3,75% so với cùng kỳ năm 2020, phản ánh giá xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam ra nước ngoài không thuận lợi so với giá nhập khẩu hàng hóa từ nước ngoài về Việt Nam.
Chỉ số giá sản xuất sản phẩm nông, lâm nghiệp và thủy sản
Chỉ số giá sản xuất sản phẩm nông, lâm nghiệp và thủy sản quý III/2021 giảm 2,28% so với quý II/2021 và tăng 0,05% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 9 tháng, chỉ số giá sản xuất sản phẩm nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,82% so với cùng kỳ năm trước, trong đó chỉ số giá sản xuất sản phẩm nông nghiệp tăng 3,52%; lâm nghiệp tăng 0,46%; thủy sản tăng 0,94%.
Chỉ số giá sản xuất sản phẩm nông nghiệp
Chỉ số giá sản xuất sản phẩm nông nghiệp quý III/2021 giảm 2,45% so với quý trước và giảm 0,57% so với cùng kỳ năm 2020, trong đó sản phẩm từ cây hàng năm giảm 0,62% và tăng 2,85%; sản phẩm từ cây lâu năm giảm 1,36% và tăng 5,91%; sản phẩm từ chăn nuôi giảm 6,66% và giảm 10,66%; dịch vụ nông nghiệp tăng 0,3% và tăng 1,25%. Tính chung 9 tháng năm 2021, chỉ số giá sản xuất sản phẩm nông nghiệp tăng 3,52% so với cùng kỳ năm trước, trong đó:
Chỉ số giá sản phẩm từ cây hàng năm 9 tháng tăng 4,9% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên nhu cầu dự trữ gạo trong nước và nhu cầu nhập khẩu gạo của các nước tăng làm giá thóc tăng 6,4%. Giá sản phẩm ngô và cây lương thực có hạt khác tăng 5,13% do nhu cầu sử dụng làm thức ăn chăn nuôi tăng, trong khi nguồn cung trong và ngoài nước giảm do hết vụ thu hoạch. Bên cạnh đó, giá sản phẩm rau, đậu, hoa, cây cảnh 9 tháng tăng 0,58% so với cùng kỳ năm trước; giá sản phẩm mía tăng 7,25%; củ có chất bột tăng 5,74%.
Chỉ số giá sản phẩm từ cây lâu năm 9 tháng tăng 6,66% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, giá hồ tiêu tăng cao 43,48% theo giá thế giới do nhu cầu nhập khẩu hồ tiêu của các nước tăng, trong khi nguồn cung hồ tiêu trong nước hạn chế do giá hồ tiêu giảm thấp trong ba năm gần đây([1]) làm nhiều hộ chặt bỏ cây hồ tiêu chuyển đổi sang cây trồng khác. Giá sản phẩm cao su tăng mạnh 17,92% do nhu cầu nhập khẩu cao su làm nguyên liệu đầu vào cho các ngành sản xuất tại Liên minh châu Âu (EU), Trung Quốc, Mỹ và Ấn Độ tăng cao.
Chỉ số giá sản phẩm từ chăn nuôi 9 tháng năm 2021 giảm 0,59% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, giá sản phẩm chăn nuôi lợn 9 tháng giảm 0,62% do dịch tả lợn châu Phi được kiểm soát tốt, nguồn cung lợn hơi tăng([2]), đồng thời nhiều địa phương thực hiện giãn cách xã hội khiến nhu cầu tiêu dùng giảm, trong khi vận chuyển hàng hóa khó khăn và giá thức ăn chăn nuôi tăng cao làm cho các hộ chăn nuôi phải bán sớm cắt lỗ. Giá sản phẩm chăn nuôi gia cầm 9 tháng giảm 2,27% so với cùng kỳ năm trước do nguồn cung dồi dào([3]), trong đó giá gà giảm 2,93%; vịt, ngan, ngỗng giảm 0,27%.
Chỉ số giá sản xuất sản phẩm lâm nghiệp
Chỉ số giá sản xuất sản phẩm lâm nghiệp quý III/2021 tăng 0,07% so với quý trước và tăng 0,77% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, chỉ số giá sản xuất sản phẩm trồng rừng và chăm sóc rừng tăng 0,13% và tăng 0,58%; khai thác gỗ và lâm sản khác giảm 0,08% và tăng 0,72%; lâm sản thu nhặt giảm 1,09% và tăng 3,31%; dịch vụ lâm nghiệp tăng 3,02% và tăng 0,73%.
Tính chung 9 tháng năm 2021, chỉ số giá sản xuất sản phẩm lâm nghiệp tăng 0,46% so với cùng kỳ năm 2020, trong đó chỉ số giá sản xuất sản phẩm trồng rừng và chăm sóc rừng tăng 0,35%; khai thác gỗ và lâm sản khác tăng 0,42%; lâm sản thu nhặt tăng 4,16%; riêng chỉ số giá dịch vụ lâm nghiệp giảm 0,43%. Chỉ số giá sản xuất lâm nghiệp tăng chủ yếu do đang vào vụ trồng rừng tập trung nhất trong năm tại các tỉnh Lai Châu, Yên Bái nên giá cây giống tăng. Bên cạnh đó, nhu cầu gỗ xây dựng, gỗ cho sản xuất và xuất khẩu tăng, trong khi vận chuyển gỗ nguyên liệu gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến giá gỗ tăng tại các tỉnh Lai Châu, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Nam.
Chỉ số giá sản xuất sản phẩm thủy sản
Chỉ số giá sản xuất sản phẩm thủy sản quý III/2021 giảm 2,02% so với quý trước và tăng 1,88% so với cùng kỳ năm trước, trong đó giá nhóm thủy sản khai thác giảm 1,08% và tăng 1,8%; giá nhóm thủy sản nuôi trồng giảm 2,58% và tăng 1,93%. Tính chung 9 tháng năm 2021, chỉ số giá sản xuất sản phẩm thủy sản tăng 0,94% so với cùng kỳ năm trước, trong đó giá nhóm thủy sản khai thác tăng 1,41%; giá nhóm thủy sản nuôi trồng tăng 0,66%.
Trong nhóm thủy sản nuôi trồng, chỉ số giá sản phẩm tôm nuôi nước lợ 9 tháng tăng 3,49% so với cùng kỳ năm trước do giá thức ăn chăn nuôi, giá thuốc thủy sản, chi phí xử lý môi trường nước nuôi tôm hạn chế nguy cơ dịch bệnh tăng, đồng thời nhu cầu nhập khẩu tôm của các nước cũng tăng cao. Trong nhóm thủy sản khai thác, chỉ số giá sản phẩm thủy sản khai thác biển 9 tháng năm 2021 tăng 1,62% so với cùng kỳ năm trước do chi phí nguyên vật liệu đầu vào phục vụ khai thác biển như giá xăng dầu, chi phí thuê nhân công tăng.
Chỉ số giá sản xuất sản phẩm công nghiệp
Chỉ số giá sản xuất sản phẩm công nghiệp quý III/2021 tăng 1,12% so với quý trước và tăng 3,71% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 9 tháng năm nay, chỉ số giá sản xuất sản phẩm công nghiệp tăng 2,44% so với cùng kỳ năm 2020, trong đó chỉ số giá sản xuất sản phẩm khai khoáng tăng 12,7%; sản phẩm công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 2,18%; sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng 1,32%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 1,62%.
Chỉ số giá sản xuất sản phẩm khai khoáng
Chỉ số giá sản xuất sản phẩm khai khoáng quý III/2021 tăng 3,33% so với quý trước và tăng 18,35% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 9 tháng năm 2021, chỉ số giá sản xuất sản phẩm khai khoáng tăng 12,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, chỉ số giá dầu thô và khí đốt tự nhiên bình quân 9 tháng tăng 26,16% so với cùng kỳ năm trước do giá dầu thế giới tăng cao khi hoạt động sản xuất tại các quốc gia đang dần phục hồi và OPEC+ tiếp tục duy trì khai thác sản lượng dầu dưới mức nhu cầu sử dụng của thị trường thế giới; chỉ số giá nhóm quặng kim loại và tinh quặng kim loại 9 tháng tăng 7,67% so với cùng kỳ năm trước do ảnh hưởng của giá thế giới.
Chỉ số giá sản xuất sản phẩm công nghiệp chế biến, chế tạo
Chỉ số giá sản xuất sản phẩm công nghiệp chế biến, chế tạo quý III/2021 tăng 0,95% so với quý trước và tăng 3,26% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 9 tháng năm 2021, chỉ số giá sản xuất sản phẩm công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 2,18% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu do: Chỉ số giá than cốc, sản phẩm dầu mỏ tinh chế tăng 32,54% do chi phí đầu vào sản xuất tăng; nhu cầu sử dụng nhiên liệu, xăng dầu trên thế giới tăng mạnh khi các nước kiểm soát được dịch Covid-19 đã tác động đến giá nhiên liệu, xăng dầu trong nước. Chỉ số giá sản phẩm kim loại tăng 15,77%, nguyên nhân do giá sản phẩm sắt, thép tăng từ đầu năm 2021 theo giá thế giới; nguồn cung sắt, thép toàn cầu giảm do Trung Quốc giảm sản lượng sản xuất. Chỉ số giá thực phẩm chế biến tăng 3,39% do chi phí đầu vào sản xuất các loại thực phẩm chế biến tăng như giá nguyên liệu ngũ cốc, giá thức ăn chăn nuôi và chi phí vận chuyển nguyên nhiên vật liệu đầu vào sản xuất các loại thực phẩm chế biến tăng do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Chỉ số giá hóa chất tăng 3,3% do giá nguyên vật liệu đầu vào, chi phí vận chuyển tăng trong khi nguồn cung giảm. Bên cạnh đó, một số tỉnh vào mùa mưa nên nhu cầu phân bón, thuốc trừ sâu tăng cao như Lâm Đồng, Vĩnh Long, Đồng Nai, Cà Mau.
Chỉ số giá sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí
Trong quý III/2021, nắng nóng gay gắt trên phạm vi cả nước, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) huy động tối đa nguồn cung từ các nhà máy nhiệt điện, mặt khác giá than nhập khẩu phục vụ sản xuất điện tăng đã làm cho giá điện sản xuất của các nhà máy nhiệt điện tăng. Chỉ số giá sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí quý III/2021 tăng 2,06% so với quý trước và tăng 2,93% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 9 tháng, chỉ số giá sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng 1,32% so với cùng kỳ năm trước.
Chỉ số giá sản xuất cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải
Chỉ số giá sản xuất cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải quý III/2021 tăng 0,52% so với quý trước và tăng 1,77% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 9 tháng năm 2021, chỉ số giá sản xuất cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 1,62% so với cùng kỳ năm 2020. Nguyên nhân chủ yếu do nhu cầu sử dụng nước sinh hoạt tăng cao trong mùa nắng nóng. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp thực hiện sản xuất 3 tại chỗ trong thời gian giãn cách xã hội nên nhu cầu sử dụng nước tăng.
Chỉ số giá sản xuất dịch vụ
Chỉ số giá sản xuất dịch vụ quý III/2021 giảm 0,07% so với quý trước và tăng 0,46% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 9 tháng năm 2021, chỉ số giá sản xuất dịch vụ tăng 0,68% so với cùng kỳ năm 2020, trong đó dịch vụ vận tải, kho bãi giảm 0,46%; dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 0,76%; thông tin và truyền thông giảm 0,33%; giáo dục và đào tạo tăng 3,02%; y tế và hoạt động trợ giúp xã hội tăng 0,49%; nghệ thuật vui chơi, giải trí tăng 0,47%.
Chỉ số giá dịch vụ vận tải, kho bãi
Chỉ số giá dịch vụ vận tải, kho bãi quý III/2021 giảm 2,15% so với quý trước, trong đó giá dịch vụ vận tải hàng không giảm 14,58%. So với cùng kỳ năm trước, chỉ số giá dịch vụ vận tải, kho bãi quý III/2021 giảm 1,78%, trong đó nhóm dịch vụ vận tải đường hàng không giảm cao nhất 10,46% do nhu cầu đi lại của người dân giảm mạnh trong thời gian giãn cách xã hội. Ở chiều ngược lại, chỉ số giá dịch vụ vận tải đường thủy tăng 12,14% do từ quý IV/2020 xảy ra hiện tượng khan hiếm công-ten-nơ rỗng tại các cảng biển, thiếu tàu biển, trong khi nhu cầu vận chuyển hàng hóa bằng đường thủy tăng cao đẩy giá vận tải đường thủy tăng so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung 9 tháng năm 2021, chỉ số giá dịch vụ vận tải, kho bãi giảm 0,46% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, chỉ số giá dịch vụ vận tải đường sắt, đường bộ tăng nhẹ 0,13% (dịch vụ vận tải đường bộ và xe buýt tăng 0,32% theo giá xăng dầu và cước vận chuyển hàng hóa đường bộ tăng tại các tỉnh thực hiện giãn cách xã hội; dịch vụ vận tải đường sắt giảm 0,68%). Chỉ số giá dịch vụ vận tải đường thủy tăng 5,95%, trong đó giá dịch vụ vận tải đường ven biển và viễn dương tăng 7%. Nhiều cảng biển ở các nước, đặc biệt là châu Âu và châu Mỹ rơi vào tình trạng ứ đọng hàng hóa do thiếu nhân lực xử lý, hàng triệu công-ten-nơ bị ùn tắc tại cảng hoặc biên giới gây ra tình trạng thiếu công-ten-nơ rỗng để đóng hàng. Chỉ số giá dịch vụ vận tải đường hàng không giảm 2,89% so với cùng kỳ năm trước; chỉ số giá dịch vụ kho bãi và các dịch vụ liên quan đến hỗ trợ vận tải tăng 0,44%; dịch vụ bưu chính và chuyển phát tăng 0,6%.
Chỉ số giá dịch vụ lưu trú và ăn uống
Chỉ số giá dịch vụ lưu trú và ăn uống quý III/2021 tăng 0,05% so với quý trước, tăng 0,98% so với cùng kỳ năm trước, trong đó dịch vụ lưu trú giảm 0,45% và giảm 4,36%; dịch vụ ăn uống tăng 0,13% và tăng 1,89%. Tính chung 9 tháng, chỉ số giá dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 0,76% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, chỉ số giá dịch vụ lưu trú giảm 5,76% so với cùng kỳ năm trước do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều địa phương áp dụng Chỉ thị số 16/CT-TTg, đặc biệt là các tỉnh phía Nam, dẫn tới tình trạng khách du lịch hoãn, hủy tour, hủy phòng tại các cơ sở lưu trú, do đó các cơ sở kinh doanh giảm giá để thu hút khách. Bên cạnh đó, các cơ sở lưu trú còn giảm giá dịch vụ để chia sẻ, đồng hành với người dân, đội ngũ các chuyên gia, người lao động trong phòng, chống dịch Covid-19. Chỉ số giá dịch vụ ăn uống tăng 1,89% do thực hiện giãn cách xã hội, các hàng quán đóng cửa nhiều để phòng chống dịch Covid-19, việc buôn bán gặp nhiều khó khăn nên người bán chủ động tăng giá đối với các đồ ăn, uống mua mang về làm giá dịch vụ ăn uống tăng.
Chỉ số giá dịch vụ y tế và trợ giúp xã hội
Chỉ số giá dịch vụ y tế và trợ giúp xã hội quý III/2021 tăng 0,44% so với quý trước và tăng 0,81% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 9 tháng năm 2021, chỉ số giá dịch vụ y tế và trợ giúp xã hội tăng 0,49% so với cùng kỳ năm trước do thực hiện lộ trình tăng giá các dịch vụ trợ giúp xã hội đối với các đối tượng bảo trợ xã hội theo Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15/3/2021 của Chính phủ.
Chỉ số giá dịch vụ giáo dục và đào tạo
Chỉ số giá dịch vụ giáo dục và đào tạo quý III/2021 tăng 0,07% so với quý trước do các cơ sở giáo dục ngoài công lập ở một số địa phương tăng học phí đào tạo tiếng Anh và lệ phí thi chứng chỉ Toeic. So với cùng kỳ năm trước, chỉ số giá giáo dục và đào tạo quý III/2021 tăng 2,58%, tính chung 9 tháng tăng 3,02%, chủ yếu do thực hiện lộ trình tăng học phí theo Nghị định số 86/2015/NĐ-CP ngày 02/10/2015 của Chính phủ, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã tăng học phí các cấp trong năm học 2020-2021.
Chỉ số giá nguyên nhiên vật liệu dùng cho sản xuất
Chỉ số giá nguyên nhiên vật liệu dùng cho sản xuất quý III/2021 tăng 1,36% so với quý trước và tăng 5,36% so với cùng kỳ năm trước, trong đó chỉ số giá nguyên nhiên vật liệu dùng cho sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,27% và tăng 6,3%; dùng cho sản xuất công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 1,27% và tăng 5,6%; dùng cho xây dựng tăng 2,4% và tăng 5,35%.
Tính chung 9 tháng năm 2021, chỉ số giá nguyên nhiên vật liệu dùng cho sản xuất tăng 4,87% so với cùng kỳ năm trước, trong đó chỉ số giá nguyên nhiên vật liệu dùng cho sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 6,66%; dùng cho sản xuất công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 5,18%; dùng cho xây dựng tăng 3,59%. Sản phẩm nguyên liệu chế biến từ dầu mỏ tăng 19,26%; sản phẩm chế biến lương thực tăng 9,93%; sản phẩm trồng rừng và chăm sóc rừng tăng 6,18%; sản phẩm lâm nghiệp và dịch vụ có liên quan tăng 5,48%. Trong nhóm nguyên nhiên vật liệu dùng cho sản xuất công nghiệp chế biến, chế tạo, sản phẩm nguyên liệu chế biến từ dầu mỏ 9 tháng tăng 21,22% so với cùng kỳ năm trước; thức ăn gia súc, gia cầm và thủy sản tăng 12,92%; sản phẩm gang, sắt, thép tăng 10,99%; sản phẩm linh kiện điện tử tăng 9,97%; sản phẩm cây lâu năm tăng 6,36%; sản phẩm cá, mực biển, yến sào nguyên liệu tăng 6,71%; sản phẩm thủy sản khai thác tăng 4,93%. Trong nhóm nguyên nhiên vật liệu dùng cho xây dựng, sản phẩm nguyên liệu từ kim loại gang, sắt, thép 9 tháng tăng 12,22% so với cùng kỳ năm trước; sản phẩm chế biến từ dầu mỏ tăng 10,58%; sản phẩm đá, cát, sỏi, đất sét tăng 5,89%; sản phẩm dây và thiết bị dây dẫn tăng 5,82%; sản phẩm từ gỗ tăng 3,73%; dịch vụ hoàn thiện công trình xây dựng tăng 2,23%.
Chỉ số giá xuất khẩu, nhập khẩu, tỷ giá thương mại hàng hóa
Chỉ số giá xuất khẩu hàng hóa
Chỉ số giá xuất khẩu hàng hóa quý III/2021 tăng 1,1% so với quý trước và tăng 3,72% so với cùng kỳ năm trước, trong đó chỉ số giá của nhóm nông sản, thực phẩm tăng 0,96% và tăng 5,69%; nhóm nhiên liệu tăng 7,74% và tăng 25,67%; nhóm hàng hóa chế biến, chế tạo khác tăng 0,87% và tăng 2,68%. Tính chung 9 tháng năm 2021, chỉ số giá xuất khẩu hàng hóa tăng 2,05% so với cùng kỳ năm trước, trong đó chỉ số giá của nhóm nông sản, thực phẩm tăng 3,28%; nhóm nhiên liệu tăng 8,86%; nhóm hàng hóa chế biến, chế tạo khác tăng 1,62%.
Trong 40 nhóm hàng xuất khẩu chính, 32 nhóm hàng có chỉ số giá 9 tháng tăng so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: Giá xuất khẩu sắt, thép tăng cao 24,37% (cùng kỳ năm 2020 giảm 5,6%); giá xuất khẩu xăng dầu các loại tăng 13,06% theo giá nhiên liệu thế giới; giá gạo xuất khẩu tăng 8,92%; giá xuất khẩu hàng may mặc tăng 8,64%; giá xuất khẩu phân bón tăng 12,68%. Ở chiều ngược lại, có 7 nhóm hàng có chỉ số giá xuất khẩu 9 tháng năm nay giảm so với cùng kỳ năm trước, trong đó điện thoại di động và linh kiện giảm 2,2%; sản phẩm từ cao su giảm 0,19%; máy ảnh, máy quay phim và linh kiện giảm 0,17%... Riêng nhóm hàng thủy tinh, sản phẩm từ thủy tinh có chỉ số giá xuất khẩu 9 tháng năm 2021 không biến động so với cùng kỳ năm trước.
Chỉ số giá nhập khẩu hàng hóa
Chỉ số giá nhập khẩu hàng hóa quý III/2021 tăng 4,17% so với quý trước và tăng 9,46% so với cùng kỳ năm trước, trong đó chỉ số giá của nhóm nông sản, thực phẩm tăng 2,08% và tăng 6,24%; nhóm nhiên liệu tăng 2,01% và tăng 38,93%; nhóm hàng hóa chế biến, chế tạo khác tăng 4,39% và tăng 8,38%. Tính chung 9 tháng năm 2021, chỉ số giá nhập khẩu hàng hóa tăng 6,03% so với cùng kỳ năm trước, trong đó chỉ số giá của nhóm nông sản, thực phẩm tăng 4,36%; nhóm nhiên liệu tăng 34,13%; nhóm hàng hóa chế biến, chế tạo khác tăng 4,92%.
Trong 42 nhóm hàng nhập khẩu chính, 35 nhóm hàng có chỉ số giá 9 tháng tăng so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: Giá nhập khẩu khí đốt hóa lỏng tăng 42,5%; giá nhập khẩu xăng dầu các loại tăng 36,05% theo giá dầu thô thế giới; giá nhập khẩu sắt, thép tăng 17,93%; giá nhập khẩu thức ăn gia súc và nguyên liệu tăng 14,42%; giá nhập khẩu cao su nguyên liệu tăng 13,24% so với cùng kỳ năm trước; dầu mỡ động thực vật tăng 6,58%... Ở chiều ngược lại, có 6 nhóm hàng có chỉ số giá nhập khẩu 9 tháng năm 2021 giảm so với cùng kỳ năm trước, trong đó giá nhập khẩu ô tô nguyên chiếc các loại giảm 2,06%; giá nhập khẩu linh kiện, phụ tùng ô tô giảm 1,87%...Nhóm bánh kẹo và sản phẩm từ ngũ cốc có chỉ số giá không biến động so với cùng kỳ năm trước.
Tỷ giá thương mại hàng hóa
Tỷ giá thương mại hàng hóa (TOT)([4]) quý III/2021 giảm 2,95% so với quý trước và giảm 5,24% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 9 tháng năm 2021, TOT giảm 3,75% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xăng dầu các loại giảm 16,9%; cao su giảm 5,93%; hàng rau quả giảm 2,65%; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện giảm 1,25%; hàng thủy sản giảm 0,02%; gỗ và sản phẩm gỗ tăng 7,19%; sắt, thép tăng 5,47%./.
TỔNG CỤC THỐNG KÊ
([1]) Giá hồ tiêu các năm 2018-2020 so với năm trước: Năm 2018 giảm 40,6%; năm 2019 giảm 22,39%; năm 2020 giảm 4,29%.
([2]) Sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng 9 tháng năm 2021 ước tính đạt 3.060,9 nghìn tấn, tăng 5% so với cùng kỳ năm 2020.
([3]) Sản lượng thịt gia cầm hơi xuất chuồng 9 tháng năm 2021 ước tính đạt 1402,7 nghìn tấn, tăng 4,3% so với cùng kỳ năm trước.
([4]) Chỉ số giá xuất khẩu hàng hóa so với chỉ số giá nhập khẩu hàng hóa.