Chiến dịch Điện Biên Phủ - Chuyện kể từ những con số thống kê

17/04/2024 - 08:43 AM
Chiến dịch Điện Biên Phủ không chỉ đặt dấu chấm hết cho 9 năm dài trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân Việt Nam, mà còn là chiến dịch gây chấn động địa cầu, khai đường mở lối, tạo động lực cho các khu vực thuộc địa của Pháp ở châu Phi đồng loạt nổi dậy và giành độc lập. Nhìn lại những con số thống kê liên quan đến Chiến dịch, không chỉ khiến mỗi người dân Việt Nam tự hào, mà nhân dân thế giới cũng phải bày tỏ sự kinh ngạc và ngưỡng mộ.

Chuẩn bị lực lượng, vũ trang cho trận tuyến Điện Biên Phủ

51.445 là số lượng chiến sĩ của lực lượng Quân đội Nhân dân Việt Nam tại Điện Biên Phủ tính đến trước giờ súng nổ. Để tập trung sức mạnh tiêu diệt Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, chỉ trong thời gian ngắn, đã có 11 trung đoàn bộ binh thuộc các đoàn bộ binh (308, 312 và 316), Trung đoàn Bộ binh 57 (Đại đoàn 304); 1 trung đoàn công binh, 1 trung đoàn pháo binh với 24 khẩu trọng pháo 105 mm; 1 trung đoàn pháo binh với 24 khẩu sơn pháo 75mm và 16 khẩu súng cối cỡ 120mm; 1 trung đoàn gồm 24 pháo cao xạ 61K-37 mm (367) (sau được tăng thêm một tiểu đoàn với thêm 12 khẩu 61K) vốn thuộc của Đại đoàn công pháo 351 (công binh - pháo binh) lên triển khai thế trận tiến công. Ngoài ra, còn có 4 đơn vị thanh niên xung phong với gần 20.000 người có nhiệm vụ hỗ trợ chiến đấu (vận tải, sửa đường...). Trong quá trình chiến dịch diễn ra, có khoảng 8.000 thanh niên xung phong được chuyển cho các đơn vị bộ đội chủ lực để bổ sung thêm lực lượng.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp 
- Ủy viên Bộ Chính trị, Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng tin tưởng giao toàn quyền quyết định tại Chiến dịch Điện Biên Phủ với vai trò là Tư lệnh kiêm Bí thư Đảng ủy mặt trận.

 
Điện Biên Phủ - Chuyện kể từ những con số thống kê
Chiến thắng Điện Biên Phủ đã góp phần khẳng định vị trí vững chắc của đất nước Việt Nam
trên bản đồ thế giới

12.000 là số quân được tướng Navarre của Pháp đưa lên chiếm đóng tại Điện Biên Phủ cuối năm 1953 với quyết tâm xây dựng nơi đây thành một tập đoàn cứ điểm mạnh, hòng thu hút và tiêu diệt lực lượng chủ lực của ta. Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ trở thành nơi tập trung quân lớn thứ hai của quân đội Pháp ở Đông Dương, chỉ sau Đồng bằng Bắc Bộ.

Tại thời kỳ cao điểm, quân số Pháp tại Điện Biên Phủ lên tới 16.200 người, được tổ chức thành 3 phân khu: Phân khu Bắc, phân khu Trung tâm, phân khu Nam. Trong đó, có 12 tiểu đoàn và 7 đại đội bộ binh (trong quá trình chiến dịch được tăng viện 4 tiểu đoàn và 2 đại đội lính nhảy dù), 2 tiểu đoàn pháo binh 105 mm, 1 đại đội pháo 155 mm (4 khẩu), 2 đại đội súng cối 120 m (20 khẩu), 1 tiểu đoàn công binh, 1 đại đội xe tăng 8 tấn (10 chiếc M24 Chaffee do Mỹ cung cấp), 1 đại đội xe vận tải 200 chiếc, 1 phi đội máy bay gồm 14 chiếc (7 máy bay khu trục, 6 máy bay liên lạc trinh sát, 1 máy bay lên thẳng). Chỉ huy trưởng tập đoàn cứ điểm của Pháp là Đại tá Christian de Castries do Tướng Navarre - Tổng chỉ huy quân đội Pháp tại chiến trường Điện Biên Phủ bổ nhiệm.

Một thế trận hậu phương lớn chưa từng có chuẩn bị và chi viện cho tiền tuyến

Để tập trung giành thắng lợi, Trung ương Đảng, Tổng Quân ủy và Bộ Tổng Tư lệnh đã chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể, địa phương trong cả nước huy động tối đa sức mạnh vật chất, tinh thần, với khẩu hiệu “Tất cả cho Điện Biên Phủ; tất cả để chiến thắng”. Hưởng ứng lời kêu gọi của Đảng, Nhân dân dồn sức người, sức của chi viện cho mặt trận Điện Biên Phủ. Một hệ thống tuyến đường vận tải gồm cả thủy, bộ được tổ chức chặt chẽ, hàng trăm ô tô, hàng nghìn thuyền mảng, hàng chục nghìn xe thồ, ngựa thồ, dân công vượt qua những đoạn đường hiểm trở bị địch đánh phá ác liệt, ngày đêm vận chuyển lương thực, đạn dược, thuốc men cung cấp cho chiến dịch.

210 ngày (từ tháng 11-1953 đến tháng 7-1954), với khẩu hiệu “Tất cả cho mặt trận, tất cả để chiến thắng”, quân dân Việt Nam đã đảm bảo cung cấp cho chiến dịch về mọi mặt bao gồm:

3.168 người là quân số hậu cần chiến dịch, được phân bố trong 7 đội điều trị, 1 đội vận tải ô tô 446 xe, binh trạm 18 và trạm điều chỉnh giao thông, kho quân nhu, quân khí. Lực lượng tăng cường có: 4 tiểu đoàn công binh sửa đường, 2 đại đội thông tin, 2 tiểu đoàn 37mm (24 khẩu) và đại đội 12,7mm.

261.453 dân công với 3 triệu ngày công, 20.991 xe đạp thồ, 11.800 bè mảng, 500 ngựa thồ, 18.200 cán bộ và đội viên thanh niên xung phong.

Vũ khí, quân trang, lương thực, thực phẩm được quân dân vận chuyển, cung cấp cho Chiến dịch gồm: 25.056 tấn gạo (trong đó Việt Bắc: 5.229 tấn, Liên khu III: 1.464 tấn, Liên khu IV: 9.052 tấn, Tây Bắc: 7.331 tấn, khu vực Nậm Hu và Thượng Lào 2.000 tấn); 1.824 tấn thịt và thực phẩm:  Trong đó, 907 tấn thịt (Việt Bắc: 454 tấn, Liên khu III: 64 tấn, Tây Bắc: 389 tấn), 917 tấn các loại thực phẩm khác; 1.860 lít dầu ăn và 280 kg mỡ; 71 tấn quân trang, 1.783 tấn xăng dầu, 55 tấn thuốc và dụng cụ quân y; 10.130 thương binh và bệnh binh đã được điều trị; 30.759 tấn vũ khí đạn dược được cung cấp cho chiến dịch, trong đó tiêu thụ hết 19.989 tấn.

Trừ số tiêu hao dọc đường, số hàng tới được mặt trận để cung cấp cho quân đội là 14.950 tấn gạo, 266 tấn muối, 62 tấn đường, 577 tấn thịt, 565 tấn lương khô, 1.200 tấn đạn, 1.733 tấn xăng dầu và 177 tấn vật chất khác. Số lượng hàng hóa bảo đảm cho hơn 87.000 người tham gia chiến dịch, trong đó 53.830 là bộ đội chủ lực (dự kiến 35.000 người) và 33.300 thanh niên xung phong/dân công phục vụ chiến dịch; vận chuyển và cứu chữa 8.458 thương bệnh binh (dự kiến 5.000).

500-600 km là khoảng cách từ hậu phương đến chiến trường Điện Biên Phủ, với điều kiện địa hình rừng núi hiểm trở, đường vận tải cơ giới đã hư hỏng, không có đường thủy, thời tiết khí hậu thất thường, dân cư thưa thớt, kinh tế nghèo nàn lạc hậu. Nhân dân Việt Nam đã tiến hành một cuộc vận động nhân dân chi viện tiền tuyến lớn lao chưa từng có trong kháng chiến chống Pháp, đã huy động một khối lượng lớn sức người, sức của ở cả vùng tạm bị địch chiếm, vùng tự do Thanh - Nghệ - Tĩnh, Việt Bắc và đặc biệt là Tây Bắc - hậu phương hậu cần tại chỗ của chiến dịch. Qua đó có thể thấy được những gian khổ, đồng thời cũng cho thấy quyết tâm cao độ, tinh thần đoàn kết, đồng sức đồng lòng của quân và dân ta chi viện, chiến đấu cho tiền tuyến Điện Biên Phủ.

Sau này, khi tổng kết về chiến thắng của Quân đội Nhân dân Việt Nam tại Điện Biên Phủ, các tướng lĩnh và các nhà nghiên cứu của hai bên đều thống nhất rằng, một trong những nguyên nhân chính làm nên chiến thắng của Quân đội Nhân dân Việt Nam tại trận đánh này là đã huy động được rất lớn nguồn sức người để đảm bảo hậu cần cho chiến dịch, một việc mà Pháp cho rằng không thể giải quyết được. 

Một số kết quả của Chiến dịch Điện Biên Phủ

56 ngày đêm, với 3 đợt chiến đấu, tiêu diệt từng cứ điểm, cụm cứ điểm, trung tâm đề kháng của địch, quân và dân ta đã đập tan Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, đánh bại hình thức phòng ngự cao nhất của địch, đánh bại biện pháp tác chiến chiến lược cuối cùng, những nỗ lực quân sự cuối cùng của địch, góp phần đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đến thắng lợi. Xác định Điện Biên Phủ là trận quyết chiến chiến lược để giành thắng lợi quyết định, xoay chuyển cục diện chiến tranh đã khẳng định sự tài tình trong nghệ thuật chỉ đạo chiến tranh của Đảng.

16.200 tên địch bị tiêu diệt và bắt sống, trong đó có 11.721 tù binh. Số quân sĩ Pháp bị tiêu diệt và bị bắt trong Chiến dịch Điện Biên Phủ bằng 4% quân số địch ở Đông Dương, 20% lính Âu - Phi. Tổng số sĩ quan và hạ sĩ quan bị diệt và bị bắt là 1.706 người, gồm 1 chuẩn tướng, 16 đại tá và trung tá, 353 sĩ quan từ thiếu úy đến thiếu tá. Về không quân, Pháp bị tổn thất 59 phi cơ bị phá hủy; ngoài số máy bay bị phá hủy, còn có 186 phi cơ khác bị hư hại ở các mức độ khác nhau. Về vũ khí, Pháp mất toàn bộ trang bị vũ khí, xe tăng và pháp binh ở Điện Biên Phủ. Quân đội Việt Nam đã thu giữ 28 khẩu đại bác và súng cối các loại, 5.915 khẩu súng bộ binh lớn nhỏ, 3 xe tăng, 64 ô tô, 43 tấn dụng cụ thông tin, 20 tấn thuốc quân y, 40 tấn đồ hộp, 40.000 lít xăng, bắn rơi 62 máy bay và một số quân trang, quân dụng khác.

4.020 chiến sĩ hy sinh, 792 chiến sĩ mất tích, 9.118 chiến sĩ bị thương là con số mất mát và đau thương của quân đội Việt Nam trong Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Chỉ 1 ngày sau khi Pháp thất thủ tại Điện Biên Phủ, ngày 8/5/1954, Hội nghị Geneva bắt đầu bàn về vấn đề Đông Dương. Sau Hội nghị này, Pháp công nhận quyền tự do, thống nhất, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của các nước Đông Dương trong đó có Việt Nam, chính thức chấm dứt chế độ thực dân Pháp tại Đông Dương. 

Trong gian khổ và hy sinh, có thể còn rất nhiều các con số về người, về của, về gạo, về súng… rơi lại trên từng km đường ra trận địa chưa được thống kê hoặc nằm lại nơi khói lửa. Nhưng những gì được kể ra hay còn sót lại đã vẽ nên bức tranh toàn cảnh đầy sống động của một Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu. Qua đó nhắc nhở người dân Việt Nam về lịch sử đau thương và hào hùng, để mỗi người Việt của thế hệ hôm nay và mai sau không ngừng nỗ lực phấn đấu, tiếp tục viết nên trang sử vẻ vang của dân tộc./.

Duy Hưng
Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top