Chính sách an sinh xã hội (ASXH) đã khẳng định vai trò là xương sống của hệ thống chính sách xã hội trong phòng ngừa, giảm thiểu và khắc phục các rủi ro của người dân trong cuộc sống. Những năm qua, dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, công tác ASXH ở Việt Nam tiếp tục đạt được nhiều thành quả tích cực, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được chăm lo ngày một tốt hơn với mục tiêu “không để ai bị bỏ lại phía sau”.
Thành tựu an sinh xã hội - Không để ai bị bỏ lại phía sau
Quyền được bảo đảm ASXH là một trong những quyền cơ bản của con người. Tại Điều 34, trong Hiếp pháp năm 2013 hiến định “Công dân có quyền được đảm bảo ASXH”. Quyền được bảo đảm ASXH là tất yếu khách quan, vừa là mục tiêu phát triển của đất nước, vừa phù hợp với xu hướng tiến bộ của thế giới.
Chính sách ASXH luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện. Nhà nước đóng vai trò chủ đạo, đồng thời huy động, phát huy vai trò quan trọng của doanh nghiệp, các tổ chức xã hội, thị trường và ý chí tự lực, tự cường của người dân. Hàng năm, Việt Nam đã dành nguồn lực khoảng 20% tổng chi ngân sách Nhà nước cho chính sách xã hội.
Việt Nam ban hành nhiều chính sách đảm bảo các nhóm dễ bị tổn thương được thụ hưởng các thành tựu kinh tế - xã hội công bằng như mọi người dân. Nhiều chương trình hành động cấp quốc gia được ban hành và thực hiện bao trùm như: Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021 - 2030; Chương trình hỗ trợ người khuyết tật giai đoạn 2021 - 2030; Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2021 - 2030…
Trong năm 2023, xây dựng và hoàn thiện nhiều dự án luật quan trọng về ASXH. Công tác hoàn thiện thể chế về lĩnh vực ASXH tiếp tục được quan tâm. Theo đó, hồ sơ Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đã được trình cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV; đồng thời, hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Việc làm (sửa đổi) cũng được trình Chính phủ để trình Quốc hội đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024. Song song với đó, Chính phủ cũng ban hành 6 nghị định, 1 nghị quyết; Thủ tướng Chính phủ ban hành 4 quyết định. Đặc biệt, Hội nghị lần thứ Tám, Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII ban hành Nghị quyết số 42-NQ/TW ngày 24/11/2023 về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới. Việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật đã góp phần hoàn thiện thể chế về lao động, người có công và xã hội, góp phần tạo thuận lợi cho việc triển khai, thực hiện các chính sách ASXH tiếp tục đạt được nhiều thành quả tích cực với mục tiêu “Không để ai bị bỏ lại phía sau”.
Trong triển khai thực hiện cấu trúc hệ thống ASXH, lĩnh vực lao động, việc làm cho thấy, năm 2023, việc thực hiện đồng bộ các giải pháp phục hồi và phát triển thị trường lao động đã mang lại những kết quả tích cực. Thị trường lao động tiếp tục phục hồi. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, năm 2023, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên là 52,4 triệu người, tăng 666,5 nghìn người so với năm 2022; tỷ lệ tham gia lực lượng lao động là 68,9%, tăng 0,3 điểm phần trăm. Tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ là 27%, tăng 0,6 điểm phần trăm. Lao động có việc làm là 51,3 triệu người, tăng 683 nghìn người (tương ứng tăng 1,35%) so với năm 2022, trong đó số lao động ở cả khu vực và thành thị và nông thôn có việc làm đều tăng so với năm 2022.
Số người thiếu việc làm trong độ tuổi lao động là 918,5 nghìn người, giảm 79,8 nghìn người so với năm 2022; tỷ lệ thiếu việc làm trong độ tuổi lao động là 2,01%, giảm 0,20 điểm phần trăm so với năm 2022. Thu nhập bình quân của lao động là 7,1 triệu đồng/tháng, tăng 6,9%, tương ứng tăng 459 nghìn đồng so với năm 2022.
Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động năm 2023 là 2,28%, giảm 0,06 điểm phần trăm so với năm 2022. Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên (từ 15-24 tuổi) năm 2023 là 7,63%, giảm 0,15 điểm phần trăm so với năm 2022.
Chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH) tiếp tục được quan tâm. Số người tham gia BHXH, Bảo hiểm Y tế (BHYT), Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) tiếp tục được duy trì và tăng trưởng, năm sau cao hơn năm trước. Năm 2023, tỷ lệ người tham gia BHXH của cả nước đạt khoảng 39,25% so với lực lượng lao động (LLLĐ) trong độ tuổi. Tỉ lệ người tham gia BHTN đạt 31,58% LLLĐ trong độ tuổi (đạt mục tiêu đề ra tại Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ).
Đặc biệt, tỉ lệ người tham gia BHYT phát triển bền vững hằng năm và tiệm cận mục tiêu BHYT toàn dân: từ 91,01% dân số (năm 2021), lên 92,04% (năm 2022) và 93,35% (năm 2023) với trên 93,307 triệu người tham gia…
Việc bảo đảm ASXH chuyển từ hỗ trợ nhân đạo sang bảo đảm quyền an sinh của công dân. Theo đó, chính sách trợ giúp xã hội đã mở rộng đối tượng, tăng mức hưởng; trợ giúp xã hội đột xuất đã bao phủ các nhóm đối tượng, bảo đảm người dân được hỗ trợ kịp thời khi gặp rủi ro, thiên tai, dịch bệnh. Số người hưởng trợ giúp xã hội thường xuyên tăng hàng năm. Theo Tổng cục Thống kê, kết quả sơ bộ từ Khảo sát mức sống dân cư năm 2023 cho thấy đời sống của hộ dân cư được cải thiện. Công tác ASXH tiếp tục được các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương quan tâm thực hiện. Thu nhập bình quân đầu người năm 2023 ước đạt 4,95 triệu đồng/người/tháng, tăng 5,9% so với năm 2022. Tỷ lệ nghèo tiếp cận đa chiều (theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025) ước khoảng 3,2%, giảm 1 điểm phần trăm so với năm 2022.
Công tác ASXH được các cấp từ Trung ương đến địa phương quan tâm thực hiện kịp thời, thiết thực. Theo báo cáo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, tính đến ngày 19/12/2023, tổng trị giá tiền và quà hỗ trợ cho các đối tượng là hơn 12,3 nghìn tỷ đồng. Trong đó, hỗ trợ cho các đối tượng người có công, thân nhân người có công là gần 4,9 nghìn tỷ đồng, hỗ trợ cho hộ nghèo, hộ cận nghèo là gần 3 nghìn tỷ đồng; hỗ trợ các đối tượng bảo trợ xã hội theo Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15/3/2021 là gần 4,3 nghìn tỷ đồng; hỗ trợ tình hình đột biến, bất thường, nổi bật khác phát sinh tại địa phương là 151,2 tỷ đồng. Có hơn 27,4 triệu thẻ BHXH/sổ/thẻ khám chữa bệnh miễn phí được phát, tặng cho các đối tượng thụ hưởng.
Việt Nam là điểm sáng về giảm nghèo trên thế giới, hoàn thành sớm mục tiêu thiên niên kỷ của Liên Hợp Quốc về xóa đói, giảm nghèo; trở thành một trong 30 quốc gia đầu tiên trên thế giới áp dụng chuẩn nghèo đa chiều nhằm bảo đảm tốt nhất quyền con người, quyền công dân, hướng tới hỗ trợ toàn diện cho người nghèo nâng cao chất lượng cuộc sống.
Ngoài ra, để người dân không bị thiếu đói, tính đến ngày 22/12/2023, Chính phủ cấp xuất tổng số 21,6 nghìn tấn gạo hỗ trợ cho 1,4 triệu nhân khẩu. Trong đó: Hỗ trợ 16,9 nghìn tấn gạo hỗ trợ cho 1,1 triệu nhân khẩu trong dịp Tết Quý Mão; 4,6 nghìn tấn gạo hỗ trợ cho 309,8 nghìn nhân khẩu thiếu đói kỳ giáp hạt.
Với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống Nhân dân, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, những năm qua, thông qua triển khai các chương trình như: Cả nước chung tay vì người nghèo; Phong trào thi đua “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” do Thủ tướng Chính phủ phát động; phát động Tháng cao điểm“Vì người nghèo”... góp phần chăm lo giúp đỡ người nghèo, người yếu thế, có hoàn cảnh khó khăn trong xã hội. Công tác giảm nghèo ở Việt Nam về đích trước thời hạn theo mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ (MDG) và Phát triển bền vững (SDG) của Liên Hợp Quốc; là điểm sáng trong toàn cầu, được nhân dân cả nước và cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao. Ước tỉ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều năm 2023 còn 2,93%, (giảm 1,1% so với cuối năm 2022); tỉ lệ hộ nghèo tại các huyện nghèo còn khoảng 33% (giảm 5,62%); tỉ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số còn khoảng 17,82% (giảm 3,2%).
Đặc biệt, dấu ấn trong thực hiện công tác phòng, chống dịch Covid - 19 đã cho thấy một Việt Nam đồng sức, đồng lòng, kiên cường vượt khó khăn. Việt Nam thực hiện thành công công tác phòng chống đại dịch Covid-19 đi đôi với bảo đảm ASXH. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành, triển khai kịp thời, hiệu quả nhiều chính sách hỗ trợ người dân, người lao động, người sử dụng lao động vượt qua khó khăn trong đại dịch. Kết quả 3 năm phòng, chống dịch Covid-19 đã hỗ trợ với số tiền trên 120.000 tỷ đồng và trên 200.000 tấn gạo hỗ trợ cho trên 68 triệu lượt người dân, người lao động gặp khó khăn.
Xây dựng chính sách an sinh xã hội toàn diện hơn, đa tầng hơn
Kết quả sau 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khoá XI về một số vấn đề chính sách xã hội giai đoạn 2012 - 2020 cho thấy, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, thể hiện ngày càng rõ tính ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta.
Theo đó, Hệ thống chính sách xã hội đã cơ bản hoàn thiện, từng bước tiến tới mục tiêu đảm bảo công bằng, toàn diện, bao trùm, tiệm cận các tiêu chuẩn quốc tế, cơ bản đảm bảo quyền an sinh của người dân, góp phần phát triển kinh tế, ổn định chính trị và trật tự xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân.
Nhận thức của hệ thống chính trị và Nhân dân về vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng của chính sách xã hội trong phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ngày càng đầy đủ và sâu sắc hơn. Các chính sách xã hội không ngừng được hoàn thiện theo hướng tiến bộ và công bằng.
Quan điểm của Đảng ta là mở rộng phạm vi từ ASXH tập trung cho nhóm yếu thế, mức tối thiểu sang chính sách xã hội toàn dân, và toàn diện các mặt đời sống. Hệ thống ASXH phải linh hoạt, thích ứng với các cú sốc diện rộng, bảo vệ toàn dân, không để ai bị bỏ lại phía sau
Trong bối cảnh mới và những yêu cầu thực tiễn về quản lý phát triển xã hội đòi hỏi phải tiếp tục rà soát, hoàn thiện, xây dựng chính sách ASXH toàn diện hơn, đa tầng hơn, hiện đại hơn, bao trùm và bền vững hơn, bảo đảm an sinh, an ninh, an dân…
Năm 2023, toàn ngành BHXH Việt Nam đã giải quyết, chi trả đầy đủ, kịp thời cho 95.670 người hưởng lương hưu và trợ cấp BHXH hàng tháng; 1.304.203 người hưởng các chế độ trợ cấp BHXH một lần; 8.849.210 lượt người hưởng chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức, phục hồi sức khỏe; Phối hợp với ngành Lao động - Thương binh và Xã hội giải quyết 1.050.028 người hưởng trợ cấp thất nghiệp; 19.185 người hưởng hỗ trợ học nghề. Cùng với đó, cả nước có hơn 174,8 triệu lượt khám chữa bệnh BHYT, tăng trên 23,4 triệu lượt khám chữa bệnh so với năm 2022; số chi khám chữa bệnh BHYT khoảng 124,3 nghìn tỷ đồng…
Trên cơ sở đó, ngày 24/11/2023, Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã ban hành Nghị quyết 42-NQ/TW về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới.
Nghị quyết 42-NQ/TW xác định rõ mục tiêu tổng quát đến năm 2030: Xây dựng hệ thống chính sách xã hội theo hướng bền vững, tiến bộ và công bằng, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân; Hoàn thiện chính sách ASXH đa dạng, đa tầng, toàn diện, hiện đại, bao trùm, bền vững; Phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiệu quả, hội nhập quốc tế gắn với việc làm bền vững.
Bên cạnh đó, đưa ra các chỉ tiêu cụ thể đến năm 2030 như: Bảo đảm 100% người có công và gia đình người có công với cách mạng được chăm lo toàn diện cả vật chất và tinh thần, có mức sống từ trung bình khá trở lên so với mức sống của cộng đồng dân cư nơi cư trú. Tỉ lệ thất nghiệp chung dưới 3%, tỉ lệ thất nghiệp khu vực thành thị dưới 4%; Tỉ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 35 - 40%; 60% lực lượng lao động trong độ tuổi lao động tham gia BHXH và 45% lực lượng lao động trong độ tuổi lao động tham gia BHTN; 100% hộ gia đình chăm sóc trẻ em dưới 36 tháng tuổi, phụ nữ mang thai, người cao tuổi thuộc hộ nghèo, cận nghèo được hưởng trợ cấp xã hội theo quy định; bảo đảm mức sống tối thiểu cho người có hoàn cảnh khó khăn; trợ cấp xã hội cho hộ nghèo không có khả năng thoát nghèo....
Nghị quyết 42-NQ/TW xác định tầm nhìn đến năm 2045: Hệ thống chính sách xã hội phát triển toàn diện, bền vững, tiến bộ và công bằng, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội cho Nhân dân, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển đất nước và xây dựng con người Việt Nam toàn diện. Việt Nam nằm trong nhóm quốc gia có chỉ số phát triển con người (HDI) cao trên thế giới.
Nghị quyết cũng đưa ra các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu nhằm thực hiện hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra. Với sự chỉ đạo sát sao của Đảng và Nhà nước, sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền các cấp, sự chung sức đồng lòng của Nhân dân, tin rằng công tác ASXH sẽ đạt mục tiêu“Không để ai bị bỏ lại phía sau”./.
Minh Thư