Chuyển đổi số - cơ hội mới cho sự phát triển của ngành báo chí trong tương lai

20/03/2024 - 02:18 PM
Sự lan tỏa mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư mở ra một thời đại mới cho các ngành công nghiệp, trong đó có ngành công nghiệp báo chí, truyền thông, thời đại của kết nối internet vạn vật và trí thông minh nhân tạo. Hệ thống báo chí Việt Nam đã và đang từng bước phát triển để phù hợp với xu thế của công nghệ, thông tin và truyền thông, đồng thời kết hợp chặt chẽ nhiều loại hình, phương tiện và tăng độ bao phủ cả trong nước và quốc tế, từng bước đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ thông tin, truyền thông trong tình hình mới. Đứng trước những khó khăn, thách thức mới, Việt Nam đã có những chủ trương, chính sách chuyển đổi số báo chí quốc gia và đạt được những kết quả đáng khích lệ.

Xây dựng các cơ quan báo chí theo hướng chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại

Để thích ứng với tình hình mới và tận dụng cơ hội mà cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư mang lại theo tinh thần Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Ban Chấp hành Trung ương về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, trong đó nhấn mạnh yêu cầu cấp bách để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, ngày 03/6/2020, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến 2030.

Thực hiện Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến 2030; nhằm mục tiêu xây dựng các cơ quan báo chí theo hướng chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại; làm tốt sứ mệnh thông tin tuyên truyền phục vụ sự nghiệp cách mạng của Đảng, sự nghiệp đổi mới của đất nước; đảm bảo vai trò dẫn dắt, định hướng dư luận xã hội, giữ vững chủ quyền thông tin trên không gian mạng; đổi mới hiệu quả trải nghiệm của độc giả; tạo nguồn thu mới; thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp nội dung số, ngày 06/4/2023, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 348/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược Chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Chiến lược đưa ra 06 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để đạt mục tiêu đến năm 2025, 70% cơ quan báo chí đưa nội dung lên các nền tảng số; 50% cơ quan báo chí sử dụng nền tảng phân tích, xử lý dữ liệu tổng hợp tập trung, ứng dụng trí tuệ nhân tạo để tối ưu hóa hoạt động; 80% cơ quan báo chí hoạt động, vận hành mô hình tòa soạn hội tụ, phù hợp với sự phát triển của khoa học, công nghệ tiên tiến trên thế giới, sản xuất nội dung theo các xu hướng báo chí số; 100% lãnh đạo, cán bộ, phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo chí được đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng về chuyển đổi số báo chí; 100% cơ quan báo chí điện tử có giải pháp đảm bảo an toàn, an ninh hệ thống thông tin cấp độ 3 trở lên; Hình thành và phát triển các nền tảng số quốc gia cho báo chí.

Các mục tiêu đặt ra cho năm 2025 là nền tảng để đến năm 2030, 100% cơ quan báo chí Việt Nam đưa nội dung lên các nền tảng số; 90% cơ quan báo chí sử dụng nền tảng phân tích, xử lý dữ liệu tổng hợp tập trung, ứng dụng trí tuệ nhân tạo để tối ưu hóa hoạt động; 100% cơ quan báo chí hoạt động, vận hành mô hình tòa soạn hội tụ và các mô hình phù hợp với sự phát triển của khoa học, công nghệ tiên tiến trên thế giới, sản xuất nội dung theo các xu hướng báo chí số.

Chiến lược chuyển đổi số báo chí đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030 là nội dung quan trọng có tác động mạnh mẽ tới toàn bộ hệ thống báo chí nước nhà, cả trên phương diện nghiệp vụ, quản lý nhà nước cũng như vấn đề đào tạo và nghiên cứu báo chí. Nhằm thực hiện có hiệu quả, chất lượng các mục tiêu, nhiệm vụ Chiến lược chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 cũng như tăng cường trách nhiệm, nâng cao chất lượng, hiệu quả trong việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ chuyển đổi số báo chí của các cơ quan, đơn vị, ngày 08/5/2023, Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành Quyết định số 781/QĐ-TTTT về Kế hoạch hành động triển khai Chiến lược Chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Thực hiện Kế hoạch hành động triển khai Chiến lược Chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, tháng 6/2023, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ra mắt Trung tâm Hỗ trợ Chuyển đổi số báo chí và ban hành “Bộ Chỉ số đánh giá, đo lường mức độ trưởng thành chuyển đổi số báo chí” theo Quyết định số 951/QĐ-TTTT.

Bộ Chỉ số này sẽ hình thành được Hệ thống kỹ thuật làm công cụ, phương tiện áp dụng Bộ Chỉ số đánh giá, đo lường mức độ trưởng thành chuyển đổi số báo chí của các cơ quan báo chí nhằm đánh giá, theo dõi quá trình chuyển đổi số cho từng cơ quan báo chí, đồng thời hỗ trợ thông tin, cung cấp bức tranh cập nhật về chuyển đổi số báo chí Việt Nam. Cấu trúc Bộ Chỉ số đánh giá, đo lường mức độ trưởng thành chuyển đổi số báo chí của các cơ quan báo chí gồm 5 trụ cột của chuyển đổi số báo chí, gồm: (1) Chiến lược; (2) Hạ tầng số, nền tảng số và an toàn thông tin; (3) Sự đồng nhất về tổ chức và chuyên môn; (4) Độc giả, khán giả, thính giả; (5) Mức độ ứng dụng công nghệ số. Trong mỗi trụ cột có các chỉ số thành phần, trong mỗi chỉ số thành phần có các tiêu chí. Bộ Chỉ số có tổng số 10 chỉ số thành phần và 42 tiêu chí.
 
Hình 1: Cấu trúc Bộ Chỉ số đánh giá, đo lường mức độ trưởng thành
chuyển đổi số báo chí
 
Chuyển đổi số  - cơ hội mới cho sự phát triển của ngành báo chí trong tương lai

Bộ Chỉ số đánh giá, đo lường mức độ trưởng thành chuyển đổi số báo chí là công cụ, thước đo đánh giá mức độ sẵn sàng, mức độ trưởng thành chuyển đổi số báo chí của các cơ quan báo chí dùng chung trên phạm vi cả nước. Đồng thời, giúp từng cơ quan báo chí xác định được mình đang ở giai đoạn nào trong quá trình chuyển đổi số từ đó có lộ trình, kế hoạch, giải pháp chuyển đổi số phù hợp, giúp cơ quan báo chí phát triển nhanh hơn, mạnh hơn.

Đây cũng là căn cứ để tạo lập được cơ sở dữ liệu chuyển đổi số báo chí với các thông tin, số liệu xác thực nhằm giúp các cơ quan, đơn vị chức năng quản lý nhà nước về báo chí nhìn thấy bức tranh toàn cảnh; đưa ra các giải pháp thiết thực nhằm thúc đẩy chuyển đổi số báo chí, đồng thời có thêm công cụ đánh giá hiệu quả triển khai các chương trình, kế hoạch hỗ trợ chuyển đổi số báo chí trên phạm vi toàn quốc.

Chuyển đổi số trong các cơ quan báo chí cần mạnh mẽ hơn

Theo đánh giá của Bộ Thông tin và Truyền thông, báo chí nước ta đã và đang từng bước phát triển để phù hợp với xu thế của công nghệ, thông tin và truyền thông đồng thời kết hợp chặt chẽ nhiều loại hình, phương tiện và tăng độ bao phủ cả trong nước và quốc tế, từng bước đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ thông tin, truyền thông trong tình hình mới.

Theo thống kê, tính đến tháng 8/2023, Việt Nam có 138 cơ quan báo chí và 670 cơ quan tạp chí (gồm 318 tạp chí khoa học, 72 tạp chí văn nghệ khoa học). Bộ Thông tin và Truyền thông đánh giá, tính đến thời điểm tháng 8/2023, hầu hết các cơ quan báo chí Việt Nam đã lên mạng internet; 128/138 báo và 168/670 tạp chí thực hiện loại hình điện tử. Phần lớn, các cơ quan báo chí điện tử bước đầu có các giải pháp an toàn thông tin cho cơ quan báo chí. Cụ thể, đối với cơ quan báo, tạp chí điện tử có 244/249 cơ quan (trong đó 175/180 báo, tạp chí Trung ương; 68/69 báo, tạp chí địa phương) có đầu mối ứng cứu sự cố; 230/249 cơ quan (trong đó 162/180 báo, tạp chí Trung ương; 68/69 báo, tạp chí địa phương). Đối với đài phát thanh và truyền hình (có các trang báo, trang thông tin điện tử) có 24/66 đơn vị có đầu mối ứng cứu sự cố, 24/66 đơn vị có giải pháp đảm bảo an toàn thông tin. Một số cơ quan báo chí Trung ương đã đi tiên phong và khá thành công trong việc ứng dụng các công nghệ số tiêu biểu như: Trí tuệ nhân tạo (AI), IoT, Cloud, Big Data... Trước làn sóng “di dân” từ báo in sang báo điện tử, hàng trăm cơ quan báo chí cũng xây dựng các kênh truyền thông của mình trên các trang mạng xã hội như: Facebook, Youtube, Tiktok…

Báo Nhân Dân là một trong những cơ quan báo chí đi đầu trong hành trình chuyển đổi số. Thực hiện chủ trương chuyển đổi số báo chí, Báo Nhân dân đã mở các fanpage, kênh group… trên các nền tảng mạng xã hội để chủ động tiếp cận độc giả, xây dựng đội ngũ chuyên trách sản xuất/phát hành thông tin trên mạng xã hội và ưu tiên phát thông tin lên mạng xã hội tức thời. Bên cạnh đó, Báo Nhân dân chú trọng phát triển theo hướng Báo chí chuyên sâu kết hợp công nghệ thông qua việc hình thành chuyên trang đặc biệt, trang tri thức chuyên sâu. Chuyên trang đặc biệt của Báo Nhân dân kết hợp công nghệ với các ý tưởng sáng tạo để số hóa kho tư liệu quý, được trình bày hiện đại, đem lại những trải nghiệm đặc biệt cho bạn đọc. Đặc biệt, Báo Nhân dân đã xây dựng mô hình Tòa soạn hội tụ xoay quanh “super desk” - bộ máy điều phối các loại hình báo chí đa phương tiện, phát hành đa nền tảng. Tòa soạn ứng dụng mạnh mẽ công nghệ vào sản xuất nội dung, trình bày, phát hành; quản trị, kinh doanh theo mô hình cơ quan báo chí - công nghệ “media - tech”. Đồng thời có công cụ đo lường, phân tích, thu thập dữ liệu bạn đọc. Tổ chức tòa soạn mở, đa nhiệm. Với đội ngũ nhà báo đa năng (có khả năng thực hiện đồng thời ảnh, video, đồ họa, social…), Tòa soạn hội tụ Nhân Dân điện tử thực hiện trình bày các sản phẩm báo in; xử lý thông tin từ cơ quan thường trú 63 tỉnh, thành và 6 cơ quan thường trú nước ngoài (Nga, Trung Quốc, Pháp, Lào, Campuchia, Thái Lan); xử lý thông tin từ các ban chuyên môn... Tòa soạn hội tụ Nhân Dân điện tử hiện phát hành trên trang nhandan.vn, gồm 6 thứ tiếng (Việt, Anh, Trung Quốc, Pháp, Nga, Tây Ban Nha); đồng thời phát hành các ấn phẩm Nhân Dân, chuyên trang thông tin đặc biệt và phát hành trên mạng xã hội (Social-First)…

Về khảo sát, đánh giá đo lường mức độ trưởng thành chuyển đổi số báo chí theo Quyết định số 951/QĐ-TTTT được Cục Báo chí (Bộ TTTT) công bố tháng 12/2023 cho thấy, năm 2023 cả nước đã có 339 cơ quan báo chí hoàn thành đạt yêu cầu và được cấp tài khoản chính thức để thực hiện đánh giá mức độ trưởng thành chuyển đổi số báo chí cho đơn vị mình. Trong đó, có 273 cơ quan báo chí, phát thanh truyền hình triển khai công tác đánh giá, đo lường mức độ trưởng thành chuyển đổi số báo chí. Cụ thể, Khối Địa phương 59 đơn vị, Khối Trung ương 67, Khối Đài 60 và Khối Tạp chí Khoa học 87 đơn vị. Kết quả, chỉ có 3,66% đơn vị trong tổng số 339 đơn vị đạt mức xuất sắc về độ trưởng thành chuyển đổi số báo chí; 8,06% đạt mức tốt; 13,19% đạt mức khá; 12,09% đạt mức trung bình và 63% đạt mức yếu. Trong đó mức xuất sắc Khối Trung ương chiếm tỉ lệ cao nhất với 50%, Khối Đài 40% và Khối Địa phương chiếm 10%. Riêng mức yếu, cao nhất thuộc về Khối Tạp chí Khoa học chiếm 45,35%, Khối Trung ương 31,82%, Khối Địa phương 17,44% và Khối Đài 12,79%.
 
Hình 2: Tỷ lệ xếp hạng mức độ trưởng thành chuyển đổi số báo chí năm 2023
Chuyển đổi số  - cơ hội mới cho sự phát triển của ngành báo chí trong tương lai 1
                                                                    Nguồn: Trung tâm hỗ trợ chuyển đổi số báo chí

Top 10 cơ quan báo chí đạt mức xuất sắc gồm: Đài Truyền hình Việt Nam, Báo Vnexpress, Báo Lao Động, Đài Tiếng nói Việt Nam, Báo Điện tử Vietnamplus, Báo VietNamNet, Báo Điện tử VTCNews, Đài Phát thanh và truyền hình Vĩnh Long, Đài Phát thanh và truyền hình Hà Nội, Báo Người Lao Động. 

Bên cạnh kết quả trên, chuyển đổi số trong hệ thống báo chí Việt Nam còn những vấn đề tồn tại như: Nhiều trang báo điện tử của Việt Nam mới dừng lại ở công nghệ Web 1.0 (read - only); một số dừng lại ở Web 2.0 (cho phép đọc - viết, tương tác giữa người đọc và bài báo ngay trên nền tảng của báo và cho phép lưu giữ một phần thông tin danh tính người đọc). Chưa thực sự tồn tại cơ sở dữ liệu riêng của từng cơ quan báo chí về người đọc và hành vi của người đọc (đa số đều phụ thuộc vào công cụ đo của các nền tảng xuyên biên giới như Google, Facebook…).

Qua kết quả khảo sát, đánh giá đo lường mức độ trưởng thành chuyển đổi số báo chí cũng cho thấy, nhận thức về tầm quan trọng của chuyển đổi số báo chí của lãnh đạo không ít cơ quan báo chí còn ở mức thấp, thể hiện qua các con số: Tỷ lệ báo chí chưa tham gia thực hiện việc tự đánh giá 69,05%; Người đứng đầu cơ quan là người chủ trì, chỉ đạo chuyển đổi số 34,8%; Cơ quan báo chí đã xây dựng chiến lược/kế hoạch/chương trình chuyển đổi số báo chí của cơ quan: 43,59%. So với khối báo, khối đài chuyển đổi số nhanh hơn do yêu cầu về số hoá ngành truyền hình (mức độ yếu của khối các đài chỉ chiếm 12,79%). Mức độ quan tâm của cơ quan chủ quản đối với việc đầu tư cho chuyển đổi số còn ở mức thấp (25,27% cơ quan báo chí được chủ quản bố trí nguồn kinh phí chuyển đổi số). Ít quan tâm đến việc nâng cao trải nghiệm cho độc giả, khán giả, thính giả (16,12%); Chưa quan tâm đúng mức đến việc đảm bảo an toàn thông tin (định kỳ kiểm tra, đánh giá ATTT theo quy định chỉ chiếm 10,26%); Ít quan tâm đến bảo vệ bản quyền tác phẩm báo chí trên không gian mạng (chỉ có 4,03% cơ quan báo chí ứng dụng công nghệ để phát hiện, hỗ trợ ngăn chặn vi phạm bản quyền báo chí). Bên cạnh đó, tỷ lệ cơ quan báo chí ứng dụng công nghệ số để tối ưu hoá quy trình sản xuất tin bài còn ở mức thấp (ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào các quy trình nghiệp vụ của tòa soạn và các bộ phận khác để tối ưu hóa hoạt động chỉ chiếm 12,82%; có ứng dụng hệ thống quản trị nội bộ CMS: 19,78%; có nền tảng phân tích, xử lý dữ liệu tập trung: 16,72%).

Lĩnh vực báo chí, truyền thông mới luôn biến động không ngừng, báo chí trong kỷ nguyên số sẽ không thể tách rời công nghệ, thậm chí công nghệ đang dẫn dắt báo chí và đa phần các tòa soạn lớn sẽ phát triển theo xu hướng trở thành các tập đoàn công nghệ-truyền thông… Chuyển đổi số trong hoạt động báo chí không đơn giản là việc chuyển đổi từ hình thức truyền thống sang hình thức số hóa, mà còn mang lại những cơ hội mới cho sự phát triển của ngành báo chí trong tương lai theo các xu hướng: Đa nền tảng; báo chí di động; báo chí xã hội; báo chí dữ liệu; báo chí sáng tạo; siêu tác phẩm báo chí...

Để Báo chí Cách mạng Việt Nam thực sự chuyển mình trong hành trình chuyển đổi số đòi hỏi những điều kiện cần như công nghệ số, nhân lực số, dữ liệu số...  Do đó, Việt Nam cần hoàn thiện thể chế, tạo khung khổ pháp lý cho báo chí truyền thông chuyển đổi số. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu, xây dựng ban hành luật về bảo vệ thông tin cá nhân để giải quyết những thách thức về an ninh thông tin nói chung, an ninh thông tin cá nhân trên mạng nói riêng, trong bối cảnh truyền thông mới. Việt Nam cũng cần tập trung, dành nguồn lực cho phát triển hạ tầng công nghệ, phục vụ nhu cầu phát triển của hoạt động báo chí. Đặc biệt, người đứng đầu các cơ quan báo chí cần tích cực, chủ động hòa nhịp cùng chuyển đổi số; xây dựng kế hoạch, chiến lược đào tạo và đào tạo lại đối với nhà báo, tập trung vào trang bị kiến thức và kỹ năng chuyên ngành, để xây dựng một đội ngũ nhà báo “vừa hồng, vừa chuyên”. Đây là những yếu tố góp phần hình thành nền tảng báo chí số quốc gia, xây dựng hệ thống báo chí Việt Nam theo hướng chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại; làm tốt sứ mệnh thông tin tuyên truyền phục vụ sự nghiệp đổi mới của đất nước./.
 
B.N

 

 



 

Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top