Vi phạm bản quyền báo chí - Vấn đề nóng dưới góc nhìn chuyên gia

17/03/2024 - 01:11 PM
Trong thời đại bùng nổ các phương tiện truyền thông như hiện nay, tình trạng vi phạm bản quyền báo chí ngày càng phổ biến với diễn biến phức tạp, gây thiệt hại cả về vật chất và tinh thần cho các cơ quan báo chí cũng như cá nhân người làm báo. Chính vì vậy, thẳng thắn đối diện, nhìn nhận vấn đề và tìm ra phương án giải quyết vấn nạn này đang trở thành yêu cầu cấp bách với những người làm báo nói riêng và các cơ quan báo chí nói chung.

Góc nhìn chuyên gia về thực trạng vi phạm bản quyền báo chí

Trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0, sự phát triển mạnh mẽ của internet và các kênh truyền thông mới khiến cho thông tin được lan truyền một cách nhanh chóng và rộng khắp. Công nghệ số và đặc biệt là các dịch vụ chia sẻ trên các nền tảng trực tuyến như youtube, tiktok, instagram,v.v. đã tạo ra các mô hình kinh doanh mới nhưng cũng tạo điều kiện thuận lợi cho việc vi phạm bản quyền thông qua việc sao chép, chia sẻ và sử dụng trái phép các nội dung thông tin trên môi trường mạng mà họ không phải là tác giả hoặc chưa được phép. Đối với lĩnh vực thông tin và truyền thông, hành vi vi phạm bản quyền báo chí trên môi trường số là hành vi sao chép, chia sẻ và sử dụng các nội dung tin tức trên các trang báo điện tử, các trang thông tin điện tử và các xuất bản phẩm điện tử mà không tuân thủ các quy định về bản quyền để phục vụ các mục đích thương mại hoặc phi thương mại.

 
Vi phạm bản quyền báo chí - Vấn đề nóng dưới góc nhìn chuyên gia
Bản quyền báo chí ngày càng được quan tâm có trọng tâm, trọng điểm

Tại Diễn đàn Báo chí 2024 lần đầu tiên được tổ chức, bảo vệ bản quyền trong kỷ nguyên số được chọn làm đề tài cho một trong 10 phiên thảo luận với sự tham gia của các chuyên gia báo chí, lãnh đạo của một số cơ quan báo chí lớn của cả nước đã cho thấy tầm quan trọng, sự quan tâm của báo chí Việt Nam trước thực trạng này. Tại đây, vấn nạn vi phạm bản quyền tác phẩm báo chí trên môi trường số đã được lãnh đạo các cơ quan báo chí thẳng thắn nhìn nhận, tìm ra căn nguyên và các giải pháp khắc phục.

Tại đây, các chuyên gia nhận định, vi phạm bản quyền báo chí không phải là vấn đề mới. Cùng với sự tăng trưởng, lớn mạnh về lượng và chất của các cơ quan báo chí, những vấn đề gắn liền với sự vận hành của cơ chế kinh tế thị trường như thực thi quyền sở hữu trí tuệ, trong đó có bản quyền, cũng nảy sinh, và khiến người làm báo ý thức được rõ ràng hơn sự thiết thực của việc bảo vệ giá trị sức lao động của mình. Đặc biệt, sự ra đời và phát triển của các loại hình báo chí - truyền thông mới trên môi trường số đang kéo theo sự biến đổi hoàn toàn của bức tranh truyền thông đại chúng, nạn vi phạm bản quyền báo chí, nạn vi phạm bản quyền báo chí gần như đã bành trướng áp đảo những “nhà sản xuất tin tức” chân chính.

Báo chí bị vi phạm bản quyền dẫn đến suy yếu về kinh tế, từ đó phải chạy theo thị hiếu cơ bản của bạn đọc và phụ thuộc thêm vào quảng cáo, dẫn đến giảm nguồn lực đầu tư cho báo chí chất lượng, hệ quả là hầu hết các cơ quan báo chí đều chạy một hướng dễ dãi, dẫn đến nhu cầu bảo vệ bản quyền trở nên “không cần thiết”. Như vậy, bản quyền không chỉ là một vấn đề đơn lẻ, mà nó là một phần của hệ sinh thái báo chí - truyền thông, có quan hệ đến sức mạnh của mọi cơ quan báo chí.

Phân tích thực trạng vi phạm bản quyền báo chí trên các nền tảng xã hội, chuyên gia cho biết, sản phẩm văn hóa tinh thần và tác phẩm báo chí, chịu tác động rất tiêu cực từ các nền tảng mạng xã hội như Facebook, TikTok... Hành vi vi phạm bản quyền có thể đến từ những trang web không rõ ràng, nhưng vi phạm nhiều nhất hiện nay là từ các trang mạng xã hội. Hành vi vi phạm đã phát triển theo hướng tinh vi hơn, đặc biệt trên các nền tảng sử dụng video ngắn như Tiktok, Facebook Reels và Youtube… thay vì dẫn lại toàn bộ thì trích dẫn, đăng tải một phần nội dung. Nhiều fanpage sử dụng nội dung, hình ảnh của các bài báo để đăng tải nhằm kéo lượt xem, tương tác, từ đó khai thác quảng cáo, thu lợi nhuận mà không phải trả bất kỳ khoản phí nào. Thậm chí, cắt xén, thêm thắt nội dung sau đó mạo danh các cơ quan báo chí uy tín đăng lên các trang mạng xã hội, gây hoang mang dư luận.

Hiện nay, Việt Nam đã hình thành được hệ thống pháp lý liên quan đến vấn đề bảo hộ bản quyền tác phẩm báo chí. Đồng thời, Việt Nam đã tham gia các Điều ước quốc tế về quyền tác giả, vì vậy, sản phẩm báo chí ở Việt Nam không chỉ là đối tượng được bảo hộ bản quyền theo Luật Sở hữu trí tuệ, mà còn được bảo vệ ở tất cả các nước trên thế giới. Tuy nhiên, giải quyết vấn đề, còn cần có sự tham gia đồng bộ của các cơ quan báo chí và chính những người làm báo, nhất là những người làm báo trên môi trường số.

Chung tay xây dựng giải pháp để giải quyết vấn đề

Bảo vệ bản quyền trên môi trường số là một trong những điều kiện quan trọng để tháo gỡ rào cản cho sự phát triển nội dung số và các vấn đề liên quan như kinh tế số, xã hội số và là điều kiện quan trọng để đảm bảo cho sự thành công của chuyển đổi số báo chí. Một số giải pháp để giải quyết được chuyên gia đưa ra, đó là:

Một là, tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về bảo vệ tác quyền đối với tác phẩm báo chí truyền thống và báo chí điện tử trong Luật Báo chí và Luật Sở hữu trí tuệ. Cần có chế tài nghiêm khắc đối với các trường hợp vi phạm bản quyền báo chí trên môi trường số.

Hai là, nâng cao năng lực của cán bộ công chức, người có thẩm quyền trong công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm quyền tác giả đối với tác phẩm báo chí để đẩy mạnh công tác xử lý vi phạm, bảo đảm tính nghiêm minh, công bằng và bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của chủ thể sở hữu tác phẩm báo chí.

Ba là, đẩy mạnh các hoạt động tư vấn và tuyên truyền, nâng cao nhận thức và giáo dục cộng đồng về tầm quan trọng của việc bảo vệ bản quyền tác phẩm báo chí; tăng cường công tác kiểm tra, xử lý nghiêm những hành vi vi phạm đạo đức nghề nghiệp, ảnh hưởng xấu đến uy tín, danh dự của người làm báo.

Bốn là, sớm nghiên cứu và đưa vào hoạt động thử nghiệm mô hình trung tâm bảo vệ tác quyền trên môi trường số với chức năng bảo vệ quyền lợi của người làm báo một cách chuyên nghiệp.

Năm là, tăng cường giáo dục giáo dục đạo đức và văn hoá báo chí cho các nhà báo và người dùng để nâng cao ý thức trách nhiệm trong viên tuân thủ và đấu tranh bảo vệ bản quyền báo chí. 

Bên cạnh đó, quản trị, bảo vệ tài sản quyền tác giả, quyền liên quan cần được xem là nội dung quan trọng đối với cơ quan báo chí. Làm tốt công tác quản trị, bảo vệ, khai thác tài sản quyền tác giả, quyền liên quan có thể tạo ra những giá trị to lớn cho cơ quan, đơn vị mình, góp phần phòng ngừa, ngăn chặn vi phạm bản quyền. Do đó, các cơ quan báo chí cần có biện pháp rà soát dữ liệu đầu vào, bảo đảm dữ liệu đó phải "sạch và minh bạch" để tránh rủi ro về pháp lý về sau. Mỗi người làm báo cần giữ vững tư tưởng, phẩm chất đạo đức nghề nghiệp, học tập và làm theo 10 điều Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo.

Việc chấn chỉnh, dẹp bỏ nạn vi phạm bản quyền báo chí cần được đặt trong tổng thể một chiến lược hỗ trợ giúp các cơ quan báo chí chính thống phục hồi và phát triển được trong những điều kiện hoàn toàn mới. Do đó, tại Diễn đàn Báo chí 2024, đề xuất về việc hình thành một liên minh bản quyền báo chí được đưa ra với kỳ vọng sẽ là một sân chơi chung để tất cả các cơ quan báo chí có thể tham gia và bảo vệ cho tài sản trí tuệ của cơ quan báo chí và cá nhân tác giả. Liên minh bản quyền báo chí đặt ra yêu cầu: (1) Là liên minh của tất cả các cơ quan báo chí để hiệu lực thực tế của nó mang tính bao trùm. (2) Là liên minh giữa các cơ quan báo chí và các cơ quan bảo vệ pháp luật, cơ quan quản lý báo chí - truyền thông cũng như các doanh nghiệp, tổ chức có lợi ích trong ngành báo chí - truyền thông. (3) Phải thống nhất được những “luật chơi” có tính bắt buộc với tất cả các bên và được cơ quan nhà nước có thẩm quyền “bảo chứng” cũng như đứng ra làm “trọng tài” phân xử khi cần đưa ra những quyết định chế tài. (4) cần phát huy tính chất “hiệp hội” của liên minh để một số chế tài không nhất thiết thông qua cơ quan quản lý nhà nước mà vẫn đạt được hiệu quả răn đe. (5) Hoạt động của liên minh không chỉ mang tính “hướng nội” giữa các thành viên mà cần bao gồm mục tiêu giáo dục, nâng cao nhận thức và vận động chính sách về bản quyền báo chí. (6) Dự án liên minh bản quyền báo chí cần được bắt đầu ngay để có thể hình thành trong thời gian sớm nhất. Xây dựng liên minh bản quyền báo chí có thể bắt đầu bằng việc xây dựng một đội ngũ chuyên gia am hiểu luật pháp, từ đó tham khảo những kinh nghiệm quốc tế sẵn có để đề xuất một lộ trình khả thi với các bước cần làm tiếp theo.

 

"Theo ghi nhận của Kantar Media Việt Nam, doanh thu quảng cáo trên các nền tảng như Facebook, Youtube và Tiktok trong năm 2022 (số liệu từ tháng 3/2022) là khoảng 2,5 tỷ USD, cao hơn nhiều so với quảng cáo trên truyền hình. Năm 2023, dự kiến con số này là 3,4 tỷ USD, tương đương 80 nghìn tỷ đồng. Còn theo khảo sát của Cục Báo chí (Bộ Thông tin và Truyền thông) với 158 cơ quan báo chí in và điện tử cho thấy, trong 2 năm đại dịch COVID-19, tổng doanh thu của những đơn vị này đều giảm. Trong đó, tổng doanh thu khối báo trong năm 2021 giảm 30,6% so với năm 2020 (năm 2020 là 2.855 tỷ đồng, năm 2021 là 1.952 tỷ đồng). Tổng doanh thu khối tạp chí từ 307 tỷ đồng năm 2019 giảm còn 259 tỷ đồng trong năm 2020 và năm 2021 tiếp tục giảm mạnh xuống chỉ còn 170 tỷ đồng. Doanh thu Đài phát thanh, truyền hình năm 2021 cũng giảm 10% so với năm 2020.

Rõ ràng, "miếng bánh" quảng cáo đã bị các doanh nghiệp Facebook, Youtube, TikTok,… chiếm phần lớn (khoảng 80.000 nghìn tỷ đồng), phần nhỏ dành cho các cơ quan báo chí (khoảng 3.000 tỷ đồng). Một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn tới tình trạng này là tình trạng vi phạm bản quyền báo chí đang trở thành vấn nạn nhức nhối."

Bài viết: “Ngăn chặn vi phạm bản quyền báo chí” Báo Công an nhân dân, ngày 28/9/2023./.

 
Duy Hưng
Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top