Tìm giải pháp xử lý rác thải nhựa bảo vệ môi trường

12/03/2024 - 08:43 AM
Theo thống kê từ Bộ Tài nguyên và Môi trường, mỗi năm Việt Nam có khoảng 1,8 triệu tấn rác thải nhựa thải ra môi trường nhưng chỉ có 27% trong số này được các cơ sở, doanh nghiệp tái chế, tận dụng. Việc tìm giải pháp xử lý rác thải nhựa bảo vệ môi trường là bài toán khó đối với môi trường sống hiện nay.

 Tìm giải pháp xử lý rác thải nhựa bảo vệ môi trường

Nâng cao khả năng xử lý, tái chế rác thải nhựa

Hiện, Việt Nam đang đối mặt với nhiều nguy cơ từ rác thải nhựa. Lượng chất thải nhựa và túi nilon chiếm khoảng 8 - 12% chất thải rắn sinh hoạt ở Việt Nam nhưng chỉ có khoảng 11 - 12% số lượng chất thải nhựa, túi nilon được xử lý, tái chế, số còn lại chủ yếu là chôn lấp, đốt và thải ra ngoài môi trường. Điều này có thể dẫn đến thảm họa môi trường, ô nhiễm đại dương. Số liệu báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) cũng cho thấy, Việt Nam là nước có tỷ lệ rác thải nhựa đại dương cao, cộng với ô nhiễm nguồn nước nên dự kiến Việt Nam thiệt hại 3,5% tổng sản phẩm nội địa (GDP) vào năm 2035, cùng với đó là dự báo biến đổi khí hậu và thiên tai sẽ ảnh hưởng tới 11% GDP của Việt Nam đến năm 2030.

Theo Hiệp hội Nhựa Việt Nam, năm 2023, Việt Nam nhập khẩu khoảng 7,5 triệu tấn hạt nhựa và sản xuất trong nước khoảng hơn 2 triệu tấn.  Nguyên liệu để sản xuất hạt nhựa nguyên sinh ở Việt Nam mỗi năm có khoảng 10 triệu tấn. Việc tiêu thụ nhựa liên tục tăng trong những năm qua với khoảng 15% mỗi năm kéo theo lượng rác thải nhựa ra môi trường đang gia tăng hàng ngày. Để hạn chế xả rác thải nhựa, bảo vệ môi trường, giải pháp căn cơ nhất là thay đổi hành vi và ứng xử của cả cộng đồng và doanh nghiệp đối với sản phẩm nhựa và rác thải nhựa.

Thực tế hiện nay, trong cả nước phong trào chống rác thải nhựa đã lan tỏa ở nhiều địa phương, qua đó đã tạo ra làn sóng tích cực, thu hút mọi người tham gia. Nhiều mô hình về phong trào chống rác thải nhưa đã được phát động, đem lại hiệu quả thiết thực, thu hút được cộng đồng tham gia từ đó đã giúp nhận thức của người dân về rác thải nhựa được nâng cao, góp phần vào bảo vệ môi trường.

Song hành với đẩy mạnh truyền thông nâng cao nhận thức cho cộng đồng, nhiều giải pháp, chính sách xây dựng và phát triển ngành kinh tế tuần hoàn rác thải nhựa ở Việt Nam đã được thực thi, trong đó phải kể đến chính sách mở rộng trách nhiệm của nhà sản xuất (EPR). Theo đó, với EPR, nhà sản xuất và nhập khẩu phải chịu trách nhiệm về việc thu gom, xử lý và tái chế các sản phẩm mình sản xuất hoặc nhập khẩu. Các sản phẩm bao gồm các sản phẩm tiêu dùng, bao bì giấy, bao bì nhựa, thiết bị điện tử và điện tử tiêu dùng, ô tô, pin và bình ắc quy... Đây được xem là chìa khóa mở cánh cửa để tái chế, giúp kinh tế tuần hoàn chuyển động.

Theo quy định EPR, từ đầu năm 2024, trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất trong việc tái chế theo Luật Bảo vệ môi trường sẽ chính thức được áp dụng. Các doanh nghiệp sản xuất sẽ có trách nhiệm tái chế sản phẩm và thu gom, xử lý chất thải. Doanh nghiệp không thực hiện có thể bị phạt tiền lên tới 2 tỷ đồng, đóng góp vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam. Quy định này được kỳ vọng sẽ là chìa khóa về tăng trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc bảo vệ môi trường.

PV


Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top