Trong đời sống tinh thần của người Việt, đình làng và chùa là các chốn tâm linh mang nét đẹp văn hóa dân gian truyền thống. Theo dòng chảy của thời gian, kiến trúc đình chùa mặc dù đã có những thay đổi về mặt thiết kế nhưng vẫn giữ được những nét đặc trưng riêng, làm nên sự khác biệt độc đáo.
Đình làng - biểu tượng văn hóa của người Việt
Đình làng là công trình kiến trúc xuất hiện khá sớm trong lịch sử của Việt Nam vào khoảng thế kỷ thứ II, III. Thời nhà Đinh, ở cố đô Hoa Lư đã cho dựng đình để các sứ thần có thể nghỉ chân trước khi vào chầu vua. Đến đời nhà Trần, đình được ghi trong Đại Việt sử ký toàn thư với tư cách là trạm nghỉ chân. Đến thời nhà Lê, đình làng rất phát triển.
Suốt chiều dài lịch sử hàng ngàn năm của dân tộc, đình làng trở thành nơi sinh hoạt chung cho cả làng, là nơi có thể tụ họp, bàn bạc công việc và tổ chức các sự kiện, lễ hội văn hóa. Đình cũng chính là nơi thờ cúng Thành hoàng làng, các anh hùng dân tộc hoặc những người có công với làng xã.
Đình làng gắn bó với cuộc sống của người dân tại các làng quê ở Việt Nam. Bởi vậy, khi nói đến văn hóa làng chúng ta liên tưởng ngay tới những hình ảnh mang tính biểu tượng đó là những “cây đa, bến nước, sân đình”.
Theo phong thủy, đình làng thường ở vị trí trung tâm ngôi làng. Nơi lý tưởng nhất để đặt đình là nhìn ra sông nước, nếu không thì có thể đào giếng khơi để có mặt nước phía trước đình cho đúng thế “tụ thủy” và thường chọn vị trí theo hướng Nam và Đông Nam.
Các thành phần chính của kiến trúc đình làng bao gồm: Đại đình, Hậu cung, Tiền tế và Nhà tả vu, hữu vu. Đình làng thường là một ngôi nhà lớn, rộng rãi được dựng bằng những cột gỗ tròn, to và thẳng tắp đặt trên những hòn đá tảng lớn và có bố cục đối xứng với nhau. Các trang trí trong kiến trúc đình làng khá tinh tế gồm những họa tiết liên quan đời thường, thiên nhiên, văn hóa, nghệ thuật truyền thống dân gian… Vì, kèo, xà dọc, xà ngang, xà gồ của đình được làm bằng những loại gỗ tốt. Tường đình thường được xây bằng gạch. Mái đình được lợp ngói mũi hài, hai đầu hồi xây bít đốc hoặc làm bốn góc đầu đao cong. Trên nóc đình là hai con rồng chầu mặt nguyệt gọi là “lưỡng long triều nguyệt” hay “lưỡng long tranh châu”.

Suốt chiều dài lịch sử hàng ngàn năm của dân tộc, đình làng gắn bó với cuộc sống của người dân tại các làng quê ở Việt Nam
Đình làng có khuôn viên rộng rãi với sân vườn. Sân đình được lát gạch. Trước đình có hai cột trụ cao vút, phía trên đình được tạc hình con nghê. Phía trong đình, có bàn thờ ở gian giữa, thờ cúng vị thần Thành hoàng, thần của làng. Trong đình còn có một chiếc trống cái dùng để đánh lên theo nhịp ngũ liên, nhằm thúc giục dân trong làng tụ họp để bàn tính các công việc của làng. Nhiều đình còn có các tấm bình phong, những nét điêu khắc thường thấy là Long Mã hoặc con hổ để trấn trạch.
Trong quan niệm dân gian, không gian kiến trúc của đình làng còn thể hiện sự giàu có của mỗi làng; đình càng to đẹp và cầu kỳ thì càng thể hiện vị thế, sự sung túc của người dân nơi đó.
Những đường nét kiến trúc, trạm khắc tuy giản đơn, thô mộc nhưng điểm xuyết bởi những trang trí tinh xảo, cổ kính mà rất gần gũi, thân thiết của đình làng còn tồn tại cho đến ngày nay, là những câu chuyện lịch sử, biểu tượng văn hóa, tâm linh, tín ngưỡng quan trọng trong đời sống của người dân Việt Nam.
Chùa - nét đẹp mang hơi thở lịch sử
Chùa là công trình kiến trúc tâm linh công cộng phổ biến tại Việt Nam. Đây là nơi thờ Phật, Bồ Tát cùng những nhân vật trong hệ phái Phật giáo trong một khung cảnh thiên nhiên tĩnh lặng, đưa những tín đồ Phật giáo vào cõi thiền để tu nhân tích đức, làm điều thiện, tránh cái ác.
Vào thế kỷ XI, dưới triều Lý, các vị vua tập trung lo xây dựng đền chùa với sự phong phú, đa dạng qua kiến trúc và mỹ thuật trang trí đạt đến trình độ cao của nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc. Trải qua sự thăng trầm của lịch sử, thiên tai, địch họa, nhiều ngôi chùa đã bị tàn phá nhưng được nhân dân phục dựng, trùng tu và tôn tạo để giữ lại hồn cốt bản sắc văn hóa Việt. Vì thế, kiến trúc chùa Việt Nam dù có thay đổi song vẫn mang vẻ đẹp đặc trưng của từng thời kỳ, giai đoạn lịch sử. Đây cũng là bằng chứng về sự giàu có và bản sắc văn hóa Việt.
Cũng giống như đình, các ngôi chùa thường được xây trên những thế đất "sơn kỳ thủy tú" (núi lạ, sông nước đẹp đẽ) - là những vị trí đẹp, kết hợp hài hoà của ba yếu tố: Trời, Đất, Người.
Tuy mỗi chùa ở Việt Nam có một vẻ khác nhau nhưng kiến trúc thường có cấu trúc chung gồm: Tam quan, sân chùa, nhà bái đường, nhà chính điện và hậu đường.
Tam quan tức là cổng vào chùa, thường là một ngôi nhà với ba cửa vào. Tầng trên của Tam quan có thể dùng làm gác chuông. Qua Tam quan là đến sân chùa. Sân chùa thường được đặt các chậu cây cảnh, hòn non bộ để làm tăng thêm cảnh sắc thiên nhiên cho ngôi chùa. Từ sân chùa nhìn vào, lớp kiến trúc đầu tiên của ngôi chùa là nhà bái đường (hay còn gọi là tiền đường, nhà thiêu hương). Trong nhà bái đường có thể đặt một số tượng, bia đá ghi sự tích của ngôi chùa, có thể đặt cả chuông, khánh. Giữa bái đường là hương án, nơi thắp hương chính. Số gian của bái đường tùy thuộc vào quy mô của chùa, nhỏ nhất là 3 gian, thông thường là 5 gian.
Sau bái đường là một khoảng trống để cho ánh sáng tự nhiên chiếu sáng để vào nhà chính điện - nơi quan trọng nhất của ngôi chùa. Đây là khu bày những pho tượng Phật chủ yếu của điện thờ Phật ở Việt Nam. Qua nhà chính điện, theo đường hành lang đến nhà tăng đường, hay còn gọi là nhà hậu đường. Phần chạy song song với chính điện, nối chính điện xuống với hậu đường là hai gian hành lang, tạo thành một nhà ba gian.
Canh giữ cửa chùa là hai vị Hộ pháp dung nhan uy dũng, biểu hiện cho cái thiện và cái ác, không dùng lời mà vẫn răn dạy chúng sinh giác ngộ. Trong chùa, tượng các vị Phật và La Hán được xếp theo trật tự tôn nghiêm. Nơi làm lễ bề thế, vuông vức thể hiện sự giáo hoá nhân gian của các Ngài rộng mở và bao la, không bó hẹp, không phân biệt đối xử.
Từng hoạ tiết trang trí ở các chùa Việt Nam đa phần đều thể hiện tấm lòng cởi mở, vị tha và sự từ bi hỷ xả của Đức Phật. Các mảng mái, tường, cửa, cột được bài trí khoảng cách trong ngoài hợp lý, trông rất cách điệu, nhưng vẫn uy nghiêm. Từ hoành phi câu đối, văn bia hay tên người cung tiến đều được tiền nhân ghi lại rất trân trọng. Thượng lương, đòn nóc được làm rất chắc chắn và đề ghi đục chạm rất công phu.
Các bậc tiền nhân xưa xây chùa luôn đắp vẽ những đường nét họa tiết tinh xảo của tứ linh Long, Ly, Quy, Phượng (Rồng, Lân, Rùa, Phượng hoàng) trấn giữ các mảng tường, hàng cột gỗ, thể hiện vẻ nghiêm trang mà mềm mại, uy vũ mà bao dung. Các đỉnh cột trong chùa đắp hình Phượng vũ (Phượng múa) từ mỏ đến đuôi, mang hình dáng rất uyển chuyển.
Phần mái là một trong những đặc điểm nổi bật làm nên nét đặc trưng các đình chùa ở Việt Nam. Kiến trúc mái chùa Việt được chia thành các phần: mái lớn, góc mái, diềm mái, hệ thống mái đỡ. Hệ thống đỡ mái được đục trạm những hoa văn tinh xảo và mang tính thẩm mỹ cao. Góc mái và diềm mái được làm cong uốn ngược, thường thấy chủ yếu ở miền Bắc. Ngoài ra góc mái còn được chạm hóa nhiều hoa văn nổi bật. Phần diềm mái được liên kết với ngói âm dương mang lại khả năng thoát nước cho nền kiến trúc này. Khoá chặt hai đầu của đòn nóc là hai đế hoặc đôi Lân rất oai dũng.

Nét cổ kính trên từng mái chùa Việt Nam
Trong kiến trúc dân gian, mái chùa thường sẽ được thiết kế theo dạng 4 mái hoặc 8 mái hay còn được gọi với cái tên là mái chồng diêm. Các loại ngói trong kiến trúc mái chùa là ngói âm dương, ngói mũi hài, ngói ta nung thủ công… Các loại ngói này được thiết kế mang đậm nét rêu phong cổ kính, đậm chất cổ truyền. Có khá nhiều họa tiết được đưa vào phần mái ngói của kiến trúc mái chùa. Chúng ta sẽ bắt gặp mô tip tạo hình rất quen thuộc mà dân gian vẫn thường gọi "Lưỡng long chầu nguyệt” - hình ảnh hai con rồng chầu vào một quả cầu lửa hay hai con chim Phượng chầu quả cầu lửa, thể hiện niềm khát khao và mong ước của con người về một sự thuận hòa của trời đất.
Dù kiến trúc mỗi đình, chùa mang những nét khác nhau nhưng tất cả đều là “chứng nhân” của lịch sử, cùng trải qua biết bao thăng trầm, biến cố của đất nước, ẩn chứa trong đó là sự tài hoa của ông cha ta, là những bản sắc văn hóa, là cốt cách và tâm hồn của người dân đất Việt./.
Quỳnh Chi