Tình hình kinh tế - xã hội cả nước 4 tháng đầu năm 2019

03/06/2019 - 11:09 AM
1. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản

Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản tháng 4/2019 nhìn chung ổn định.Trong tháng, các địa phương tập trung vào chăm sóc cây trồng vụ đông xuân ở phía Bắc, thu hoạch lúa, hoa màu vụ đông xuân và gieo trồng lúa hè thu ở phía Nam.Tình hình dịch tả lợn châu Phi bước đầu hạ nhiệt, tuy vậy giá thịt lợn vẫn giảm so với tháng trước. Trong 4 tháng đầu năm, ngành thủy sản duy trì mức tăng khá về sản lượng nhưng nuôi cá tra trong tháng không thuận lợi do sản lượng cá tra xuất khẩu vào thị trường Mỹ và Trung Quốc giảm, các doanh nghiệp giảm giá thu mua cá nguyên liệu.

 
Tình hình kinh tế - xã hội cả nước 4 tháng đầu năm 2019
 
Ảnh minh họa, nguồn Internet

Nông nghiệp

Tính đến ngày 15/4, cả nước gieo cấy được 3.116,6 nghìn ha lúa đông xuân, bằng 100,6% cùng kỳ năm trước. Các địa phương phía Bắc cơ bản hoàn thành gieo trồng lúa đông xuân với diện tích đạt 1.112,6 nghìn ha, bằng 98,9% cùng kỳ năm trước. Đến trung tuần tháng Tư, các địa phương phía Nam đã thu hoạch được 1.648,7 nghìn ha lúa đông xuân, chiếm 82,3% diện tích xuống giống và bằng 107,8% cùng kỳ năm trước. Tính đến giữa tháng Tư, các địa phương trên cả nước đã gieo trồng được 404,8 nghìn ha ngô, bằng 99,8% cùng kỳ năm trước; 67,5 nghìn ha khoai lang, bằng 95,7%; 134,2 nghìn ha lạc, bằng 97,2%; 16,6 nghìn ha đậu tương, bằng 107,8% và 590,4 nghìn ha rau đậu, bằng 105,7%. Nhìn chung, các cây màu được gieo trồng đúng thời vụ, sinh trưởng và phát triển tốt.
 
Chăn nuôi trâu, trong tháng ổn định, chăn nuôi gia cầm đạt khá, riêng chăn nuôi lợn còn gặp khó khăn, mặc dù vừa qua một số địa phương công bố hết dịch tả lợn châu Phi nhưng do dịch bệnh lan rộng đã gây ảnh hưởng đến phát triển đàn và kết quả chăn nuôi. Ước tính tháng Tư, đàn lợn cả nước giảm 0,8% so với cùng kỳ năm trước; đàn trâu giảm 2,9%; đàn bò tăng 3,1%; đàn gia cầm tăng 6,8%.

Lâm nghiệp

Tính chung 4 tháng đầu năm, diện tích rừng trồng tập trung ước tính đạt 59 nghìn ha, tăng 0,9% so với cùng kỳ năm trước; số cây lâm nghiệp trồng phân tán đạt 22,5 triệu cây, giảm 3,7%; sản lượng gỗ khai thác đạt 3.942 nghìn m3, tăng 4,3%; sản lượng củi khai thác đạt 5,3 triệu ste, giảm 1,7%.
 
Công tác bảo vệ, phòng chống cháy rừng tiếp tục được triển khai có hiệu quả, 4 tháng đầu năm nay, diện tích rừng bị thiệt hại là 200 ha, giảm 44,7% so với cùng kỳ năm trước.

Thủy sản

Chung 4 tháng đầu năm, sản lượng thủy sản ước tính đạt 2.156,5 nghìn tấn, tăng 5,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó sản lượng thủy sản nuôi trồng đạt 994,6 nghìn tấn, tăng 5,3%; sản lượng thủy sản khai thác đạt 1.161,9 nghìn tấn, tăng 4,9% (sản lượng khai thác biển đạt 1.111,6 nghìn tấn, tăng 5,2%).

2. Sản xuất công nghiệp

Sản xuất công nghiệp tháng và 4 tháng đầu năm 2019 đạt kết quả tăng khá so với cùng kỳ năm trước, trong đó ngành chế biến, chế tạo đóng vai trò chủ chốt, thúc đẩy tăng trưởng chung tiếp tục duy trì mức tăng trưởng hai con số; ngành sản xuất và phân phối điện bảo đảm đáp ứng tốt cho hoạt động sản xuất và sử dụng của người dân với tốc độ tăng giá trị sản xuất cao hơn mức tăng chung của toàn ngành.
 
Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 4/2019 ước tính tăng 0,6% so với tháng trước và tăng 9,3% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Ngành khai khoáng tăng 2%; ngành chế biến, chế tạo tăng 10,5%; sản xuất và phân phối điện tăng 9,4%; cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 6,8%.
 
Tính chung 4 tháng đầu năm 2019, IIP ước tính tăng 9,2% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn mức tăng 10,7% của cùng kỳ năm 2018 nhưng cao hơn mức tăng 7,4% và 6,6% của cùng kỳ năm 2016 và năm 2017. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 10,9% (cùng kỳ năm trước tăng 12,9%), đóng góp 8,3 điểm phần trăm vào mức tăng chung; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 9,2%, đóng góp 0,8 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 7,3%, đóng góp 0,1 điểm phần trăm; riêng ngành khai khoáng bằng cùng kỳ năm trước (khai thác than tăng 13%, khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên giảm 4,1%).
 
Một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu 4 tháng năm nay tăng cao so với cùng kỳ năm trước: Xăng, dầu tăng 70,3%; sắt, thép thô tăng 67,1%; ti vi tăng 42,6%; khí hóa lỏng (LPG) tăng 29,8%; vải dệt từ sợi nhân tạo tăng 19,5%; ô tô tăng 18,3%; sơn hóa học tăng 15,8%; than sạch tăng 12,8%; bia tăng 12,2%; phân u rê tăng 12,1%. Một số sản phẩm tăng thấp hoặc giảm: Thép thanh, thép góc tăng 3,1%; khí đốt thiên nhiên dạng khí giảm 0,4%; thức ăn cho gia súc giảm 0,7%; xe máy giảm 3,1%; phân hỗn hợp NPK giảm 5%; đường kính giảm 6,5%; dầu thô khai thác giảm 8,3%; linh kiện điện thoại giảm 24,6%.
 
Trong 4 tháng đầu năm 2019, chỉ số sản xuất công nghiệp của 59/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng so với cùng kỳ năm trước, trong đó Thanh Hóa dẫn đầu với mức tăng 42,8% do Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn mới đi vào sản xuất từ giữa năm 2018; Trà Vinh tăng 38,3% do Công ty Nhiệt điện Duyên hải tăng sản lượng điện sản xuất; Hà Tĩnh tăng 34,9% chủ yếu do đóng góp của Tập đoàn Formosa.
 
Số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 1/4/2019 tăng 1,4% so với cùng thời điểm tháng trước và tăng 2,3% so với cùng thời điểm năm trước.

3. Tình hình đăng ký doanh nghiệp1

Tính chung 4 tháng đầu năm nay, cả nước có 43.305 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký là 542,4 nghìn tỷ đồng, tăng 4,9% về số doanh nghiệp và tăng 31,7% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 20182; vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới đạt 12,5 tỷ đồng, tăng 25%. Nếu tính cả 872 nghìn tỷ đồng vốn đăng ký tăng thêm của các doanh nghiệp thay đổi tăng vốn thì tổng số vốn đăng ký bổ sung thêm vào nền kinh tế trong 4 tháng năm 2019 là 1.414,4 nghìn tỷ đồng. Bên cạnh đó, còn có 17.463 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 52,6% so với cùng kỳ năm trước, nâng tổng số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 4 tháng năm nay lên gần 60,8 nghìn doanh nghiệp. Tổng số lao động đăng ký của các doanh nghiệp thành lập mới trong 4 tháng năm nay là 449,1 nghìn người, tăng 35,2% so với cùng kỳ năm trước.
 
Số doanh nghiệp tạm  ngừng  kinh  doanh  có  thời  hạn  trong  4  tháng  đầu  năm  nay  là  16.984 doanh nghiệp, tăng 19,7% so với cùng kỳ năm  trước.  Trong 4  tháng  đầu  năm  nay  còn  có  17.265  doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, trong đó có 8.935 doanh nghiệp bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp theo chương trình chuẩn hóa dữ liệu từ năm 2018, chiếm 51,8% tổng số doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể; doanh nghiệp thông báo giải thể là 4.333 doanh nghiệp, chiếm 25% và 3.997 doanh nghiệp chờ làm thủ tục giải thể, chiếm 23,2%.

4. Đầu tư

Mặc dù vốn đầu tư thực hiện từ ngân sách Nhà nước tháng cao hơn so với tháng trước (tăng 13,2%) và so với cùng kỳ năm trước (tăng 1,2%) nhưng tốc độ tăng so với cùng kỳ các năm giai đoạn 2016-2019 có sự sụt giảm rệt3, cho thấy tình hình thực hiện vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước tháng nói riêng và 4 tháng đầu năm 2019 nói chung chưa có dấu hiệu tích cực. Trong khi đó, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tiếp tục khởi sắc với mức kỷ lục về cả số dự án và vốn đăng ký cấp mới, tính đến thời điểm 20/4/2019, số dự án cấp mới là 1.082 dự án với tổng vốn đăngđạt 5,3 tỷ USD, cao nhất trong vòng 4 năm trở lại đây4. Bên cạnh đó, có 395 lượt dự án đã cấp phép từ các năm trước đăng điều chỉnh vốn đầu tư với số vốn tăng thêm đạt 2.110,6 triệu USD, giảm 6% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, tổng số vốn đăng ký cấp mới và vốn tăng thêm trong 4 tháng đầu năm đạt 7.455,6 triệu USD, tăng 28,6% so với cùng kỳ năm 2018. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện 4 tháng ước tính đạt 5,7 tỷ USD, tăng 7,5% so với cùng kỳ năm 2018.
 
Tính chung 4 tháng đầu năm nay, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước đạt 73,4 nghìn tỷ đồng, bằng 21,3% kế hoạch năm và tăng 3% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2018 bằng 20,3% và tăng 9,8%).
 
Đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài trong 4 tháng năm nay có 44 dự án được cấp mới giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn của phía Việt Nam là 96 triệu USD; 9 dự án điều chỉnh vốn với số vốn tăng thêm là 53,5 triệu USD. Tính chung tổng vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài (vốn cấp mới và tăng thêm) 4 tháng năm 2019 đạt 149,5 triệu USD.

5. Thu, chi ngân sách nhà nước

Trong những tháng đầu năm, thu ngân sách nhà nước duy trì tiến độ khả quan, chi ngân sách đáp ứng kịp thời các yêu cầu đầu tư phát triển, chi trả nợ, đảm bảo quốc phòng, an ninh và hoạt động của bộ máy nhà nước.
 
Tổng thu ngân sách nhà nước từ đầu năm đến thời điểm 15/4/2019 ước tính đạt 421 nghìn tỷ đồng, bằng 29,8% dự toán năm; Tổng chi ngân sách Nhà nước ước tính đạt 376,4 nghìn tỷ đồng, bằng 23% dự toán năm.

6. Thương mại, giá cả, vận tải và du lịch

Bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng

Hoạt động thương mại dịch vụ trong 4 tháng đầu năm nay tiếp tục xu hướng tăng khá, thị trường giá cả ổn định, cân đối cung cầu các loại vật tư quan trọng và hàng tiêu dùng thiết yếu được bảo đảm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 4 tháng đạt tốc độ tăng cao nhất kể từ năm 2015 trở về đây5.
 
Tính chung 4 tháng đầu năm 2019, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tính đạt 1.583,7 nghìn tỷ đồng, tăng 11,9% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá tăng 9% (cùng kỳ năm 2018 tăng 8,9%). Xét theo ngành hoạt động, doanh thu bán lẻ hàng hóa ước tính đạt 1.215,8 nghìn tỷ đồng, chiếm 76,8% tổng mức và tăng khá với mức tăng 13,2% so với cùng kỳ năm trước; Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống ước tính đạt 187,4 nghìn tỷ đồng, chiếm 11,8% tổng mức và tăng 9,2%; Doanh thu du lịch lữ hành ước tính đạt 14,9 nghìn tỷ đồng, chiếm 0,9% tổng mức và tăng 13,1% so với cùng kỳ năm trước; Doanh thu dịch vụ khác 4 tháng ước tính đạt 165,6 nghìn tỷ đồng, chiếm 10,5% tổng mức và tăng 5,7%.

Xuất, nhập khẩu hàng hóa

Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa 4 tháng đầu năm 2019 ước tính đạt 156,8 tỷ USD, trong đó xuất khẩu đạt 78,76 tỷ USD, tăng 5,8% so với cùng kỳ năm trước; nhập khẩu đạt 78,05 tỷ USD, tăng 10,4%. Cán cân thương mại hàng hóa mặc dù duy trì thặng dư trong 4 tháng với mức xuất siêu ước tính đạt 711 triệu USD nhưng thấp hơn nhiều so với mức 3,7 tỷ USD của cùng kỳ năm 2018.

Chỉ số giá tiêu dùng, chỉ số giá vàng và chỉ số giá đô la Mỹ

Việc tăng giá xăng dầu, giá điện có ảnh hưởng trực tiếp đến tăng chỉ số giá tiêu dùng trong tháng, tuy nhiên diễn biến của dịch tả lợn châu Phi tác động đến tâm lý người tiêu dùng và việc kiên định chính sách tiền tệ linh hoạt giữ vững mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô của Chính phủ góp phần kiềm chế lạm phát. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4/2019 tăng 0,31% so với tháng trước, CPI bình quân 4 tháng đầu năm 2019 tăng 2,71% so với cùng kỳ năm 2018, đây là mức tăng bình quân 4 tháng đầu năm thấp nhất trong 3 năm gần đây6. CPI tháng 4/2019 tăng 1% so với tháng 12/2018 và tăng 2,93% so với cùng kỳ năm trước.
 
Lạm phát cơ bản tháng 4/2019 tăng 0,09% so với tháng trước tăng 1,88% so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát cơ bản bình quân 4 tháng đầu năm nay tăng 1,84% so với bình quân cùng kỳ năm 2018.
 
Chỉ số giá vàng tháng 4/2019 giảm 0,5% so với tháng trước; tăng 2,78% so với tháng 12/2018 và giảm1,27% so với cùng kỳ năm 2018. Chỉ số giá đô la Mỹ tháng 4/2019giảm 0,02% so với tháng trước; giảm 0,46% so với tháng 12/2018 và tăng 1,89% so với cùng kỳ năm 2018.

Vận tải hành khách và hàng hóa

Vận tải hành khách chung 4 tháng đầu năm 2019 đạt 1.656,1 triệu lượt khách, tăng 10,9% so với cùng kỳ năm trước và 75,1 tỷ lượt khách.km, tăng 9,6%; Vận tải hàng hóa đạt 547,6 triệu tấn, tăng 8,7% so với cùng kỳ năm trước và 104,1 tỷ tấn.km, tăng 6,6%.

Khách quốc tế đến Việt Nam

Việt Nam tiếp tục trở thành điểm thu hút khách du lịch quốc tế trong 4 tháng đầu năm 2019, lượng khách liên tục đạt trên mức 1,4 triệu lượt mỗi tháng kể từ đầu năm. Tính chung 4 tháng đầu năm 2019, khách quốc tế đến Việt Nam đạt 5.968,9 nghìn lượt người, tăng 7,6% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khách đến bằng đường hàng không đạt 4.674 nghìn lượt người, tăng 5,4%; bằng đường bộ đạt 1.175,4 nghìn lượt người, tăng 21,1%; bằng đường biển đạt 119,5 nghìn lượt người, giảm 15,9%.

 7.Một số tình hình xã hội

Thiếu đói trong nông dân


Tính chung 4 tháng đầu năm 2019, cả nước có 43,9 nghìn lượt hộ thiếu đói, giảm 26,1% so với cùng kỳ năm trước, tương ứng với 172,1 nghìn lượt nhân khẩu thiếu đói, giảm 25,5%. Để khắc phục tình trạng thiếu đói, từ đầu năm, các cấp, các ngành, các tổ chức từ Trung ương đến địa phương đã hỗ trợ các hộ thiếu đói 2,4 nghìn tấn gạo.

Tai nạn giao thông

Tính chung 4 tháng đầu năm 2019, trên địa bàn cả nước xảy ra 5.453 vụ tai nạn giao thông, bao gồm 2.919 vụ tai nạn giao thông từ ít nghiêm trọng trở lên 2.534 vụ va chạm giao thông, làm 2.570 người chết, 1.615 người bị thương 2.564 người bị thương nhẹ. So với cùng kỳ năm trước, số vụ tai nạn giao thông trong 4 tháng đầu năm nay giảm 9,4% (số vụ tai nạn giao thông từ ít nghiêm trọng trở lên giảm 6%; số vụ va chạm giao thông giảm 13,1%); số người chết giảm 7,8%; số người bị thương tăng 2,5% số người bị thương nhẹ giảm 16,2%.

Thiệt hại do thiên tai

4 tháng đầu năm, thiên tai làm 10 người chết và mất tích, 19 người bị thương; 427 ngôi nhà bị sập đổ, cuốn trôi; 12,4 nghìn ngôi nhà bị tốc mái và hư hỏng; 7,6 nghìn ha lúa và hoa màu bị hư hỏng. Tổng giá trị thiệt hại về tài sản do thiên tai xảy ra trong 4 tháng ước tính 194 tỷ đồng.

Bảo vệ môi trường và phòng chống cháy, nổ

Tính chung 4 tháng đầu năm, đã phát hiện 3.019 vụ vi phạm môi trường trên địa bàn cả nước, trong đó xử lý 2.662 vụ với tổng số tiền phạt 31,2 tỷ đồng; cả nước xảy ra 1.277 vụ cháy, nổ, làm 44 người chết và 74 người bị thương, thiệt hại về tài sản ước tính hơn 264 tỷ đồng./.

 
(Lược trích Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng Tư và 4 tháng đầu năm 2019 của Tổng cục Thống kê)
              
1 Nguồn: Hệ thống thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia, Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
2 4 tháng năm 2018, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng 4,3% so với cùng kỳ nă
Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top