Quế Võ - Phấn đấu hoàn thành mục tiêu phát triển giai đoạn 2021-2025

26/03/2023 - 09:12 PM

Huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh có điều kiện thuận lợi về vị trí địa lý, hệ thống giao thông để mở rộng hợp tác, giao lưu kinh tế - xã hội với các địa phương và tận dụng hiệu quả các cơ hội từ hội nhập quốc tế để phát triển nhanh, bền vững...

Giai đoạn 2021-2025, Huyện Quế Võ tiếp tục chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao năng suất, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế và gia tăng các động lực tăng trưởng mới; từng bước thực hiện tăng trưởng xanh, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả mọi nguồn lực, đảm bảo phát triển nhanh và bền vững.

Phong trào làm đường giao thông nông thông tại các địa phương huyện Quế Võ

Tạo bước đột phá thúc đẩy phát triển dịch vụ thương mại theo hướng văn minh, hiện đại; ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ công nghiệp công nghệ cao; chú trọng phát triển nông nghiệp, nông thôn theo hướng nông nghiệp đô thị gắn với du lịch sinh thái, du lịch làng nghề, du lịch trải nghiệm; tạo chuyển biến về kết cấu hạ tầng, cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử; nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, phát huy nhân tố con người phù hợp với trình độ của giai đoạn phát triển mới; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, giải quyết việc làm, đảm bảo an sinh và phúc lợi xã hội, không ngừng cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Phấn đấu xây dựng huyện Quế Võ có cơ sở kinh tế vững chắc, hạ tầng đồng bộ và từng bước hiện đại, có môi trường sống tốt, phát triển hài hòa giữa đô thị và nông thôn. Huyện Quế Võ vừa được Ủy ban Thường vụ Quốc hội chính thức biểu quyết thông qua thành lập thị xã Quế Võ từ ngày 10/4/2023.

Hạ tầng kinh tế - xã hội huyện Quế Võ ngày càng hoàn thiện, đồng bộ đảm bảo các tiêu chí
 
trở thành thị xã từ 10/4/2023

Về nhiệm vụ và nhóm giải pháp phát triển các ngành, lĩnh vực chủ yếu: Trong sản xuất nông nghiệp, Huyện rà soát, quy hoạch các vùng trọng điểm về nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sinh thái, du lịch làng nghề, gắn với giữ gìn, bảo vệ cảnh quan, môi trường xanh sạch, đẹp. Quy hoạch, kiên cố hóa hệ thống đê, kênh Tào Khê, Hiền Lương gắn với xây dựng các công viên hoa, cây xanh kết nối với các điểm du lịch làng nghề, du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm và du lịch văn hóa trên địa bàn. Tiếp tục thực hiện tốt các Đề án về phát triển nông nghiệp của tỉnh; Đề án chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, đẩy nhanh việc thực hiện Đề án tích tụ ruộng đất, Đề án phát triển thương hiệu khoai tây Quế Võ giai đoạn 2021-2025. Tập trung chỉ đạo thực hiện hiệu quả Đề án “mỗi xã, phường một sản phẩm”; tập trung xây dựng các sản phẩm của chương trình OCOP như: khoai tây, gạo tẻ thơm, dưa gang, sản phẩm gốm... Đồng thời mỗi xã lựa chọn một sản phẩm có thế mạnh để ưu tiên phát triển. Phấn đấu đến năm 2025, toàn huyện phát triển 30 sản phẩm OCOP.

Khu Công nghiệp Quế Võ 2 góp thêm những điểm sáng trong bức tranh kinh tế Quế Võ

Bên cạnh đó, Huyện rà soát chuyển đổi một số diện tích lúa không hiệu quả sang cây trồng có giá trị kinh tế cao hơn, phát triển các trang trại trồng hoa, cây ăn quả ven sông gắn với du lịch trải nghiệm, du lịch sinh thái. Tiếp tục duy trì diện tích gieo trồng cây hằng năm là 14.000-14.200 ha. Diện tích lúa: 11.500-11.800 ha, năng suất: 62-64 tạ/ha. Diện tích khoai tây: 1.400-1.500 ha, năng suất: 15-16 tấn/ha. Phát triển chăn nuôi tập trung ứng dụng công nghệ cao, an toàn dịch bệnh và an toàn sinh học. Đưa chăn nuôi ra khỏi khu dân cư. Phấn đấu đưa sản lượng thịt hơi xuất chuồng hằng năm đạt 11.700 tấn. Phát triển các khu nuôi trồng thủy sản ứng dụng công nghệ cao an toàn sinh học và phát triển thủy sản siêu thâm canh trên sông Đuống. Sản lượng khai thác thủy sản hằng năm đạt 6.800-6.900 tấn. Xây dựng HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, các HTX Liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ…Ứng dụng công nghệ sau thu hoạch, hình thành các cơ sở sơ chế, bảo quản khoai tây thương phẩm và các loại rau, củ quả.

Huyện tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền về Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới, xây dựng xã nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu theo định hướng phát triển đô thị bền vững. Chú trọng đẩy mạnh tuyên truyền, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra giám sát việc thực hiện các quy định về sản xuất đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; về giữ gìn, bảo vệ cảnh quan, môi trường, xây dựng gia đình văn hóa, làng văn hóa, góp phần giữ vững quốc phòng- an ninh, và xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh.

Khu Công nghiệp Quế Võ 3 là động lực phát triển TNR Star Quế Võ 

Về phát triển Công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp: Đề nghị với Chính phủ, với UBND tỉnh tạo đột phá về thu hút đầu tư vào Khu công nghiệp Quế Võ II, III, Khu công nghiệp An Việt Quế Võ 6, Cụm công nghiệp Đức Long - Châu Phong; Cụm Công nghiệp hỗ trợ Cách Bi thu hút một số tập đoàn công nghiệp lớn để tạo ảnh hưởng lan tỏa, khai thác triệt để các lợi thế so sánh, tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng công nghiệp - xây dựng; đồng thời tạo bước chuyển biến mạnh mẽ về năng suất lao động, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của sản phẩm để phát triển và hội nhập.

Đặc biệt, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành của các cấp ủy, chính quyền, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị nhằm đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng thực hiện các dự án phát triển các khu, cụm công nghiệp, các dự án phát triển kết cấu hạ tầng xã hội như: Giao thông, đô thị, dự án dân cư dịch vụ, nhà ở xã hội... nhằm thu hút đầu tư của các doanh nghiệp vào địa bàn. Coi trọng thu hút đầu tư gắn với tái cấu trúc lại các khu, cụm công nghiệp có trọng tâm, trọng điểm, theo hướng ưu tiên các dự án sử dụng ít đất, ít lao động; suất đầu tư cao, đóng góp ngân sách cao và hàm lượng công nghệ cao; sản phẩm đảm bảo tính cạnh tranh trên thị trường quốc tế, thân thiện môi trường và phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Duy trì và phát triển nghề gốm Phù Lãng

Phối hợp rà soát, kiến nghị UBND tỉnh xử lý các doanh nghiệp hoạt động không đúng mục đích, kém hiệu quả, gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn. Tiếp tục hỗ trợ, bảo tồn, duy trì và phát triển các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, các làng nghề; triển khai thực hiện đề án bảo tồn và phát triển làng nghề Gốm Phù Lãng thành điểm du lịch làng nghề, du lịch trải nghiệm. Khuyến khích các hộ gia đình, tư nhân, HTX, doanh nghiệp nhỏ và vừa đầu tư phát triển các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp đa dạng đáp ứng nhu cầu tại chỗ và xây dựng các thương hiệu sản phẩm làng nghề, từng bước tham gia xuất khẩu. Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia các cụm liên kết ngành trong chuỗi giá trị và xây dựng Chương trình phát triển thương hiệu doanh nghiệp.

Về lĩnh vực Thương mại - dịch vụ: Huyện tạo mọi điều kiện thu hút các tổ chức và cá nhân thuộc các thành phần kinh tế đầu tư và phát triển thương mại theo hướng văn minh, hiện đại, với sự đa dạng các loại hình tổ chức phân phối, các hoạt động dịch vụ; kết nối sản xuất và tiêu dùng, định hướng sản xuất theo nhu cầu thị trường, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân; khuyến khích các doanh nghiệp kinh doanh theo chuỗi, phát triển hệ thống logictic, các cửa hàng bán lẻ tiện ích, các kho bãi tại cảng sông, mạng lưới siêu thị... Tập trung phát triển mạnh vào các loại hình dịch vụ: tài chính, tín dụng, ngân hàng, bảo hiểm, du lịch, nhà hàng, khách sạn; dịch vụ cung cấp lương thực, thực phẩm cho chế biến; suất ăn cho công nhân; giáo dục - đào tạo; y tế, chăm sóc sức khỏe; dịch vụ vận tải,... Gắn kết phát triển dịch vụ khu công nghiệp với tổ chức không gian phát triển dịch vụ, phát triển đô thị.

Trung tâm thương mại Dabaco Quế Võ

Về công tác quy hoạch: Huyện tăng cường đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội và phát triển đô thị theo hướng đồng bộ, hiện đại. Nhanh chóng rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch đã có; Hoàn thành quy hoạch phân khu phủ kín toàn huyện; quy hoạch chi tiết đô thị; Đồ án quy hoạch chi tiết khu trung tâm hành chính huyện đảm bảo tầm nhìn trung và dài hạn, đáp ứng yêu cầu phát triển, hướng tới đô thị thông minh, đô thị xanh và hiện đại. Công khai quy hoạch trên cổng thông tin điện tử; ban hành quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc; ban hành quy định về công nhận các tuyến phố văn minh đô thị. Nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước về quy hoạch và phát triển đô thị. Trong nhiệm kỳ hoàn chỉnh quy hoạch, triển khai xây dựng xong và đưa vào sử dụng khu trung tâm hành chính của huyện tại vị trí mới; Kiến nghị Tỉnh sớm triển khai thi công dự án Cầu Chì kết nối với huyện Gia Bình. Lập hồ sơ trình cấp có thẩm quyền phê duyệt Đề án phát triển đô thị Quế Võ mở rộng trở thành thị xã theo các tiêu chí hiện hành, với tối thiểu 50% số xã, thị trấn trở thành phường, bao gồm: Thị trấn Phố Mới và các xã: Phượng Mao, Phương Liễu, Đại Xuân, Nhân Hòa, Bằng An, Việt Hùng, Quế Tân, Phù Lương, Cách Bi, Bồng Lai.

Về lĩnh vực văn hoá - xã hội: Huyện tiếp tục rà soát, bổ sung và thực hiện có hiệu quả Đề án “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục - đào tạo”, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Đổi mới công tác quản lý, phát triển đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục. Nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh; đẩy mạnh việc dạy học và ứng dụng công nghệ thông tin trong nhà trường; triển khai đồng bộ và khai thác hiệu quả kho bài giảng điện tử, phục vụ nhu cầu tự học của giáo viên, học sinh, đổi mới sáng tạo trong dạy học đáp ứng yêu cầu hội nhập và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; mở rộng và nâng cao chất lượng học ngoại ngữ. Đảm bảo đội ngũ cán bộ, giáo viên đủ, đồng bộ, đạt trình độ chuẩn và trên chuẩn, đồng thời nâng cao chất lượng giáo dục ngoài công lập.

Việc đổi mới phương pháp dạy học, ứng dụng CNTT vào công tác dạy và học góp phần
không nhỏ 
nâng cao chất lượng giáo dục trong các nhà trường tại Quế Võ

Tiếp tục đổi mới phương pháp dạy học theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực của người học; gắn với định hướng nghề nghiệp và phân luồng cho học sinh; triển khai thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới theo lộ trình của Bộ GD&ĐT, bắt đầu từ năm học 2020-2021 đối với lớp 1. Duy trì và nâng cao chất lượng trường đạt chuẩn chất lượng giáo dục, chuẩn quốc gia; xã, thị trấn đạt chuẩn phổ cập giáo dục. Phấn đấu đến năm 2025, 100% các trường MN, TH, THCS được công nhận cơ sở đạt chuẩn chất lượng cấp độ 3. Duy trì tỷ lệ 100% trẻ trong trường Mầm non được học bán trú; 100% học sinh Tiểu học được học 02 buổi/ngày; 100% học sinh Phổ thông được học Ngoại ngữ.

Xây dựng ngành Y tế phát triển toàn diện đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khoẻ ngày càng cao của nhân dân; thực hiện có hiệu quả các chương trình y tế Quốc gia, công tác kiểm soát phòng chống dịch bệnh, truyền thông giáo dục sức khoẻ. Tăng cường quản lý mạng lưới y tế xã, thị trấn chặt chẽ đồng bộ, nâng cao chất lượng chăm sóc sức khoẻ sinh sản, hạn chế các yếu tố nguy cơ ảnh hưởng đến sức khoẻ cộng đồng, giảm tỷ lệ mắc và tử vong do bệnh tật, nâng cao tuổi thọ, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Đầu tư mở rộng, nâng cấp Trung tâm Y tế huyện và các khu chức năng hỗ trợ; Khuyến khích và tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển hệ thống y tế ngoài công lập góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc sức khoẻ cho mọi người dân. Tiếp tục đầu tư, cải tạo, nâng cấp các trạm y tế đảm bảo sơ cấp cứu, khám chữa bệnh ban đầu; phối hợp với các đơn vị y tế trên địa bàn làm tốt công tác chăm sóc sức khỏe cho công nhân ở các khu công nghiệp.

Các y bác sĩ TTYT huyện chăm sóc sức khỏe cho nhân dân trên địa bàn

Về công tác Lao động việc làm và đảm bảo an sinh xã hội: Triển khai và tổ chức thực hiện tốt Chương trình mục tiêu quốc gia về đào tạo nghề, giải quyết việc làm, giảm hộ nghèo lồng ghép với các chương trình phát triển kinh tế - xã hội khác. Khuyến khích các tổ chức, các thành phần kinh tế tham gia đào tạo và hỗ trợ đào tạo nghề, hoạt động dịch vụ giới thiệu việc làm. Chủ động nắm bắt nhu cầu thị trường lao động trong xu thế hội nhập quốc tế, nhu cầu trong khu vực, trong nước và nhu cầu tại địa phương, kết hợp với các trường trong tỉnh, ngoài tỉnh nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho người lao động, tạo cơ hội cho người lao động có cơ hội giải quyết việc làm. Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng tăng nhanh lao động kỹ thuật, lao động trong ngành sản xuất công nghiệp - xây dựng và dịch vụ. Thực hiện tốt chính sách hỗ trợ về nhà ở cho hộ nghèo, ưu đãi cho các đối tượng chính sách trong việc học tập, đào tạo nghề, vay vốn tín dụng để phát triển sản xuất, kinh doanh, thực hiện giảm nghèo một cách bền vững.
 

Các lễ hội truyền thống trên địa bàn huyện Quế Võ được tổ chức văn minh,
tạo không khí vui tươi, 
phấn khởi trong nhân dân

Thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với các gia đình có công, đối tượng chính sách; tiếp tục đẩy mạnh phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, phát động rộng rãi toàn dân tham gia chăm sóc thương, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công, đảm bảo cho các đối tượng chính sách có mức sống tinh thần, vật chất bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của nhân dân. Triển khai đồng bộ các giải pháp thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của huyện hướng vào mục tiêu giảm nghèo, thực hiện công bằng xã hội./.

Một số chỉ tiêu chủ yếu huyện Quế Võ giai đoạn 2021-2025

I. Về phát triển kinh tế:
1. Đến năm 2025, tỷ trọng Công nghiệp và xây dựng 61,1%; Dịch vụ 34,0%; Nông, lâm nghiệp và thủy sản 4,9%.
2. GRDP bình quân đầu người năm 2025 (theo giá hiện hành): 3.900 – 4.100 USD.
3. Giá trị sản phẩm trồng trọt và nuôi trồng thủy sản trên 1 ha canh tác đạt 150 triệu đồng (theo giá hiện hành).     
4. Đến năm 2025, thu ngân sách trên địa bàn đạt 950 tỷ đồng (giai đoạn 2021-2025 tăng bình quân 5%-10%); chi ngân sách địa phương đạt 1.790 tỷ đồng (giai đoạn 2021-2025 tăng bình quân 5%-7%).
5. Hằng năm, mỗi xã xây dựng tăng 01-02 tiêu chí nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, toàn huyện xây dựng 01-02 xã nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. Đến năm 2025, có 05-06 đơn vị đạt xã nông thôn mới nâng cao, 02-04 đơn vị đạt xã nông thôn mới kiểu mẫu.
6. Đến năm 2023, đưa huyện Quế Võ trở thành thị xã với tỷ lệ đô thị hóa đạt 60% – 65%.
II. Về phát triển xã hội:
7. Hằng năm giải quyết việc làm mới khoảng 3.000-3.500 lao động.
8. Đến năm 2025, Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 80%; tỷ lệ lao động phi nông nghiệp chiếm trên 75%; 
9. Phấn đấu giáo dục đại trà và giáo dục mũi nhọn của huyện xếp thứ hạng cao của Tỉnh. Đến năm 2025, có 50% trường Mầm non, 100% trường Tiểu học đạt Chuẩn quốc gia mức độ 2.
10. Đến năm 2025, số giường bệnh trên 1 vạn dân đạt 18-20 giường bệnh; Số bác sĩ 13-15 bác sĩ/1 vạn dân; Tỷ lệ các xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế xã duy trì 100%;
11. Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng thể nhẹ cân giảm xuống còn dưới 6,5%; thể thấp còi giảm xuống còn dưới 9%; 
12. Tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế: 97%-98%; 
13. Tỷ lệ người dân được lập hồ sơ quản lý sức khỏe: 90%-95%. 
14. Tỷ lệ hộ nghèo đến năm 2025 giảm còn < 1,0% (theo tiêu chí đa chiều 2016- 2020). 
15. Duy trì tỷ lệ trên 80% gia đình được công nhận danh hiệu gia đình văn hóa; Làng, khu phố đạt tiêu chuẩn văn hóa; Tỷ lệ cơ quan, đơn vị văn hóa đạt trên 80%;…

   Trọng Nghĩa

 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 

Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top