Doanh nghiệp Việt Nam – Dấu ấn tăng trưởng qua kết quả Tổng điều tra kinh tế năm 2021

26/07/2022 - 03:03 PM
Theo kết quả của cuộc Tổng điều tra kinh tế năm 2021 do Tổng cục Thống kê thực hiện (tháng 4/2021), giai đoạn 2016-2020, doanh nghiệp Việt có sự sự tăng trưởng mạnh, tiếp tục khẳng định vai trò nòng cốt trong phát triển kinh tế, với các chỉ tiêu phản ánh về số lượng và chất lượng tăng khá so với giai đoạn trước.
 
Một số dấu ấn về sự tăng trưởng và biến động của các loại hình doanh nghiệp qua kết quả Tổng điều tra kinh tế 2021, bao gồm:

Theo kết quả Tổng điều tra kinh tế 2021, doanh nghiệp tăng cả về số lượng và lao động trong giai đoạn 2016-2019 và có xu hướng tăng chậm lại vào năm 2020 do ảnh hưởng của dịch Covid-19, tốc độ tăng số lượng doanh nghiệp nhanh hơn tốc độ tăng số lượng lao động dẫn đến xu hướng giảm dần quy mô doanh nghiệp theo lao động.

Tính đến thời điểm 31/12/2020, cả nước có 684,3 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động có kết quả sản xuất kinh doanh (SXKD), thu hút 14,7 triệu lao động làm việc trong khu vực doanh nghiệp. So với cùng thời điểm năm 2019, số doanh nghiệp tăng 2,4%, là mức tăng trưởng thấp nhất trong cả giai đoạn 2016-2020. Nếu tính riêng giai đoạn 2016-2019, tốc độ tăng doanh nghiệp bình quân mỗi năm đạt 9,8%/năm, cao hơn so với mức tăng bình quân 8,1%/năm của giai đoạn 2011-2015.

Cụ thể, tốc độ tăng các năm 2017, 2018 và 2019 lần lượt là 11,0%; 9,0% và 9,5%. Số lao động năm 2020 giảm 3,0% so với năm 2019 và là lần đầu tiên diễn ra sụt giảm lao động trong nhiều năm trở lại đây, làm giảm tốc độ tăng bình quân năm của cả giai đoạn 2016-2020 xuống còn 1,2%/năm. Trong giai đoạn 2016-2020, tốc độ tăng lao động luôn thấp hơn tốc độ tăng số lượng doanh nghiệp, cho thấy số lượng doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ tăng nhanh hơn số lượng doanh nghiệp vừa và lớn dẫn đến quy mô lao động bình quân doanh nghiệp ngày càng giảm, từ 27,7 lao động năm 2016 xuống còn 21,5 lao động năm 2020.

 
Doanh nghiệp Việt Nam – Dấu ấn tăng trưởng qua kết quả  Tổng điều tra kinh tế năm 2021
 
Kết quả cuộc Tổng điều tra kinh tế 2021 cho biết, số lượng doanh nghiệp và lao động làm việc trong khu vực ngoài nhà nước và FDI tăng nhanh, ngược lại khu vực nhà nước giảm rõ rệt.

Theo loại hình doanh nghiệp, tại thời điểm 31/12/2020, doanh nghiệp ngoài nhà nước tập trung nhiều doanh nghiệp và lao động nhất, với 660,1 nghìn doanh nghiệp, chiếm 96,4% tổng số doanh nghiệp cả nước, tăng 35,1% so với năm 2016; thu hút 8,6 triệu lao động, chiếm 58,6% trong tổng số lao động, tăng 0,4% so với năm 2016.

Doanh nghiệp FDI có tốc độ tăng số doanh nghiệp nhanh nhất trong ba khu vực và chiếm tỷ trọng ngày càng lớn trong tổng số việc làm tạo ra tại khu vực doanh nghiệp. Số lượng doanh nghiệp FDI là 22,2 nghìn doanh nghiệp, chiếm 3,3% tổng số doanh nghiệp, tăng 58,8% so năm 2016; thu hút 5,1 triệu lao động, chiếm tỷ trọng 34,6%, tăng 22,5% so với năm 2016.

Do chủ trương cổ phần hóa, sắp xếp lại của Nhà nước, doanh nghiệp nhà nước liên tục giảm trong giai đoạn này, tính đến 31/12/2020, tổng số doanh nghiệp nhà nước chỉ còn 1.963 doanh nghiệp, chiếm 0,3% tổng số doanh nghiệp, giảm 26,3% so với năm 2016; thu hút 1,0 triệu lao động, chiếm 6,8% lao động của toàn bộ khu vực doanh nghiệp, giảm 21,8% so với năm 2016.

 
Doanh nghiệp Việt Nam – Dấu ấn tăng trưởng qua kết quả  Tổng điều tra kinh tế năm 2021 1
 
Theo lao động, doanh nghiệp ngoài nhà nước có quy mô lao động bình quân tương đương với doanh nghiệp nhỏ, trong khi đó doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp FDI có quy mô lao động bình quân tương đương với doanh nghiệp lớn.

Tại thời điểm 31/12/2020, quy mô lao động bình quân một doanh nghiệp của doanh nghiệp nhà nước lớn nhất, với 512,4 lao động; tiếp theo là doanh nghiệp FDI, với 228,9 lao động; thấp nhất là doanh nghiệp ngoài nhà nước, với 13 lao động.

Quy mô lao động bình quân của doanh nghiệp có xu hướng thu hẹp qua các năm trong giai đoạn 2016-2020. Quy mô lao động bình quân một doanh nghiệp ngoài nhà nước giai đoạn này là 15 lao động. Chủ yếu do doanh nghiệp ngoài nhà nước chiếm 99% doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ cả nước. Ngược lại, lao động bình quân một doanh nghiệp của doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp FDI ở mức khá cao, với quy mô lao động bình quân một doanh nghiệp giai đoạn 2016-2020 lần lượt là 499,4 và 266,1 lao động.

Cơ cấu giữa các ngành kinh tế tiếp tục chuyển dịch tích cực, đúng hướng, giảm tỷ trọng khu vực Nông, lâm nghiệp và thủy sản, tăng tỷ trọng khu vực Công nghiệp -  Xây dựng và khu vực Dịch vụ.

Khu vực Dịch vụ là điểm sáng trong tăng trưởng kinh tế những năm gần đây. Khu vực này tập trung nhiều doanh nghiệp nhất, đạt 466,5 nghìn doanh nghiệp tại thời điểm 31/12/2020, chiếm 68,2% trong tổng số doanh nghiệp, tăng 31,7% so với năm 2016. Tuy nhiên, mức độ thu hút lao động của khu vực này chỉ đạt 5,2 triệu lao động, chiếm 35,1% trong tổng số lao động làm việc trong doanh nghiệp, tăng 10,3% so với năm 2016, thấp hơn nhiều so với khu vực Công nghiệp - Xây dựng.

Khu vực Công nghiệp - Xây dựng luôn đóng vai trò động lực, dẫn dắt tăng trưởng của toàn nền kinh tế, với số lượng doanh nghiệp đạt 211,3 nghìn doanh nghiệp năm 2020, chiếm tỷ trọng 30,9%, tăng 44,4% so với năm 2016. Đây cũng là khu vực thu hút nhiều lao động nhất với 9,3 triệu lao động năm 2020, chiếm 63,5% tổng số lao động doanh nghiệp, tăng 2,7% so với năm 2016. Đáng chú ý trong năm 2020, ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng 122% số lượng doanh nghiệp so với năm 2019. Đây là kết quả từ các cơ chế khuyến khích của Chính phủ đã thúc đẩy sự phát triển nhanh nguồn năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện gió, năng lượng mặt trời.

Khu vực Nông, lâm nghiệp và thủy sản có số lượng doanh nghiệp năm 2020 đạt 6,5 nghìn doanh nghiệp, chiếm tỷ trọng 0,9%, tăng 45,1% so với năm 2016; thu hút được 208,9 nghìn lao động, chiếm 1,4% tổng số lao động trong doanh nghiệp, giảm 16,7% so với năm 2016.

Giai đoạn 2016-2020, bình quân mỗi năm khu vực Dịch vụ có tốc độ tăng số lượng doanh nghiệp đạt 7,1%/năm và tốc độ tăng lao động đạt 2,5%/năm. Trong khu vực này, ngành hoạt động kinh doanh bất động sản và ngành hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm là điểm sáng khi giữ được nhịp tăng trưởng đều và ổn định qua các năm. Cụ thể, tốc độ tăng trưởng bình quân mỗi năm số doanh nghiệp của hai ngành này lần lượt là 14,4% và 11,3%, cao hơn mức tăng trưởng bình quân 7,0% và 8,3% của giai đoạn 2011-2015.

Cũng trong giai đoạn này, khu vực Công nghiệp - Xây dựng đạt tốc độ tăng trưởng bình quân số doanh nghiệp là 9,6%/năm, thu hút bình quân 9,3 triệu lao động mỗi năm, với tốc độ tăng trưởng 0,7%/năm. Khu vực Nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt tốc độ tăng trưởng bình quân số doanh nghiệp 9,8%/năm; thu hút 244,7 nghìn lao động/năm, giảm 4,5%/năm.

 
Doanh nghiệp Việt Nam – Dấu ấn tăng trưởng qua kết quả  Tổng điều tra kinh tế năm 2021 2
 
Theo vùng kinh tế, số lượng doanh nghiệp và lao động phát triển nhanh tại vùng Đồng bằng sông Hồng và vùng Đông Nam Bộ, nơi tập trung 2 trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước là Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội.

Vùng Đông Nam Bộ và vùng Đồng bằng sông Hồng thể hiện rõ vai trò là hai trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước, luôn dẫn đầu về số lượng doanh nghiệp và số lao động. Trong đó, vùng Đông Nam Bộ là đầu tàu kinh tế, tại thời điểm 31/12/2020, vùng này có số lượng doanh nghiệp nhiều nhất cả nước với 281,1 nghìn doanh nghiệp, chiếm 41,1% số doanh nghiệp cả nước, tăng 32,2% so với năm 2016; thu hút 5,4 triệu lao động, chiếm 36,6% tổng số lao động làm việc trong doanh nghiệp, tăng 1,5% so với năm 2016.

Vùng Đồng bằng sông Hồng là trung tâm kinh tế lớn thứ hai cả nước với 216,8 nghìn doanh nghiệp, chiếm tỷ trọng 31,7% trong tổng số doanh nghiệp cả nước, tăng 36,8% so với năm 2016; thu hút 4,9 triệu lao động, chiếm 33,2%, tăng 6,9% so với năm 2016.

Vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung có 89,2 nghìn doanh nghiệp, chiếm 13,0%, tăng 39,7% so với năm 2016, thu hút 1,7 triệu lao động, chiếm 11,4%, tăng 2% so với năm 2016.

Vùng Đồng bằng sông Cửu Long có 50,9 nghìn doanh nghiệp, chiếm 7,4%, tăng 36,3% so với năm 2016, thu hút 1,2 triệu lao động, chiếm 8,1%, tăng 8,6% so với năm 2016. Vùng Trung du và miền núi phía Bắc có 28,1 nghìn doanh nghiệp, chiếm 4,1%, tăng 43,4% so với năm 2016, thu hút 936,1 nghìn lao động, chiếm 6,4%, tăng 14,3% so với năm 2016. Vùng Tây Nguyên có 17,9 nghìn doanh nghiệp, chiếm 2,6%, tăng 38,0% so với năm 2016, thu hút 226 nghìn lao động, chiếm 1,5%, giảm 6% so với năm 2016./.

 
Thu Hòa (Theo TĐT Kinh tế 2021 - Kết quả chính thức của TCTK)
Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top