Công nghiệp chế biến chế tạo vượt sóng Covid-19, phát huy vai trò dẫn dắt nền kinh tế

22/09/2021 - 08:41 AM

Tính từ đầu năm đến nay, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp và xuất hiện nhiều biến chủng mới của virus SARS-CoV-2, Việt Nam phải chống chọi với 2 làn sóng dịch bệnh Covid-19, khiến nhiều ngành kinh tế bị ảnh hưởng. Thế nhưng với mức tăng 11,42% trong 6 tháng đầu năm 2021, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn thể hiện là động lực tăng trưởng chính của toàn ngành công nghiệp và tiếp tục đóng vai trò chủ chốt dẫn dắt tăng tưởng của nền kinh tế.

Bắt đầu từ tháng 2 đến nay, Việt Nam đã và đang phải gồng mình chống chọi với 2 làn sóng dịch bệnh Covid-19 có độ phức tạp và nguy hiểm hơn rất nhiều so với năm trước. Đặc biệt trong làn sóng dịch bệnh lần thứ 4 bắt đầu từ tháng 4/2021, dịch bệnh Covid-19 đã tấn công mạnh các khu công nghiệp – điểm xung yếu của ngành công nghiệp nói chung và ngành công nghiệp chế biến chế tạo nói riêng, đe dọa lớn gây đứt gãy chuỗi sản xuất quy mô lớn trong nền kinh tế. Tuy nhiên với chủ trương của Chính phủ là tập trung phòng chống, dập dịch hiệu quả, có thể duy trì hoặc sớm khôi phục sản xuất kinh doanh, tránh đứt gãy chuỗi sản xuất tại các khu công nghiệp, nhất là của các tập đoàn lớn, đa quốc gia, đảm bảo thực hiện “mục tiêu kép” vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế xã hội, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch bệnh và nhiều địa phương đã kích hoạt tất cả các biện pháp phòng dịch lên mức cao nhất, xây dựng và thực hiện kế hoạch sản xuất trong tình hình mới để duy trì chuỗi sản xuất trong nước. Nhờ đó, ngành công nghiệp chế biến chế tạo vẫn phát triển ấn tượng.
 
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê công bố, tính chung 6 tháng đầu năm 2021, ước tính giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp là 8,91%. Trong đó ngành chế biến, chế tạo tăng 11,42%, cao hơn tốc độ tăng 5,06% của cùng kỳ năm trước, đóng góp 2,9 điểm phần trăm vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế. Trong khi đó ngành sản xuất và phân phối điện chỉ tăng 8,16%, đóng góp 0,31 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 6,75%, đóng góp 0,04 điểm phần trăm; thậm chí ngành khai khoáng còn giảm 6,61% và làm giảm 0,25 điểm phần trăm trong mức tăng chung. Những con số này đang phản ánh rõ hơn sự dịch chuyển cơ cấu tích cực, phù hợp với định hướng tái cơ cấu ngành công nghiệp là tăng tỷ trọng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và giảm tỷ trọng của ngành khai khoáng.
 
Dịch bệnh diễn ra đã và đang khiến cho tình trạng thất nghiệp ở nước ta tăng lên. Số liệu thống kê của Tổng cục Thống kê cho thấy, do chịu ảnh hưởng tiêu cực của dịch Covid-19, trong quý I/2021, tỷ lệ thất nghiệp, thiếu việc làm của lực lượng lao động trong độ tuổi lần lượt là 2,42% và 2,20%, tăng so với quý I/2020. Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động quý I/2021 ước tính đạt 68,7%, giảm 1,6 điểm phần trăm so với quý trước và giảm 1,1 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm 2020. Mặc dù vậy công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn là ngành tạo ra lượng lớn việc làm cho xã hội. Tính tại thời điểm 01/5/2021, số lao động đang làm việc của cả nước tăng 2,2% so với cùng thời điểm năm 2020, trong đó, số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp ngành chế biến, chế tạo tăng 2,4% so với cùng thời điểm năm 2020. Trong khi ngành khai khoáng giảm 0,9%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng nhẹ 0,4%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 0,2%.
 
Công nghiệp chế biến chế tạo vượt sóng Covid-19, phát huy vai trò dẫn dắt nền kinh tế
Ảnh minh họa

Không những vậy, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo còn chứng tỏ sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài khi liên tục dẫn đầu về thu hút vốn đầu tư. Theo báo cáo tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm của Tổng cục Thống kê, tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tính đến ngày 20/6/2021 bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 15,27 tỷ USD. Trong 6 tháng đầu năm 2021, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo được cấp phép mới đầu tư trực tiếp nước ngoài đứng thứ 2 trong các ngành kinh tế, đạt 3,1 tỷ USD, chiếm 32,4% tổng số vốn đăng ký cấp phép mới cả nước, chỉ đứng sau ngành sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí (có số vốn đăng ký đạt gần 5 tỷ USD, chiếm 52,3%). Tuy nhiên, nếu tính cả vốn đăng ký điều chỉnh của các dự án đã cấp phép từ các năm trước thì vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đứng đầu, đạt 6,49 tỷ USD, chiếm 47,5% tổng số vốn; còn ngành sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí đạt 5,25 tỷ USD, chiếm 38,4%; các ngành còn lại đạt 1,93 tỷ USD, chiếm 14,1%.
 
Bên cạnh đó, công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm tỷ lệ rất lớn trong tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện của cả nước trong 6 tháng đầu năm 2021 với con số 72% (6,65 tỷ USD/9,24 tỷ USD), trong khi hoạt động kinh doanh bất động sản chỉ chiếm 13,8% (1,28 tỷ USD); sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí chiếm 7,5% (đạt 691,1 triệu USD).
 
Đóng góp trong sự phát triển chung của ngành chế biến chế tạo là sự phát triển của các ngành có hàm lượng và giá trị công nghệ cao như chế tạo điện tử, linh kiện điện tử, máy tính, cơ khí, sản phẩm phục vụ ngành ô tô cùng những kết quả đáng ghi nhận của các ngành chế biến nông sản, gia công may mặc... Trong 6 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa cả nước ước tính đạt 157,63 tỷ USD, tăng 28,4% so với cùng kỳ năm 2020. Đóng góp quan trọng trong giá trị kim ngạch xuất khẩu có đến 6 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 5 tỷ đều thuộc nhóm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. Cụ thể là điện thoại và linh kiện có giá trị xuất khẩu lớn nhất đạt 25,1 tỷ USD, chiếm 15,9% tổng kim ngạch xuất khẩu, tăng 14,2% so với cùng kỳ năm trước; điện tử, máy tính và linh kiện đạt 23,7 tỷ USD, tăng 22,1%; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 17 tỷ USD, tăng 63,4%; hàng dệt may đạt 15,2 tỷ USD, tăng 14,9%; giày dép đạt 10,4 tỷ USD, tăng 27,8%; gỗ và sản phẩm gỗ đạt 8,1 tỷ USD, tăng 61,1%. Những con số này được tin tưởng sẽ tiếp tục đưa Việt Nam nằm trong“top” các quốc gia xuất khẩu lớn của khu vực và thế giới về các mặt hàng điện tử, dệt may, da giày… và cải thiện thứ hạng về năng lực  cạnh tranh toàn cầu của ngành công nghiệp nước ta.
 
Mặc dù đóng vai trò dẫn dắt nền kinh tế cả nước, song nhiều chuyên gia cho rằng, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo nước ta hiện còn thiếu nguồn lực, thiếu nguyên liệu đầu vào và đang phụ thuộc khá nhiều vào thị trường nước ngoài, đặc biệt là nguồn nguyên liệu nhập khẩu, dẫn đến nhiều khó khăn cho doanh nghiệp trong nước, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 như hiện nay. Bởi trên thực tế công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn tập trung nhiều ở những ngành công nghệ thấp, thực hiện gia công, lắp ráp, tạo ra giá trị gia tăng thấp trong chuỗi giá trị hay tăng trưởng chủ yếu nhờ vào sử dụng nhân công giá rẻ và phụ thuộc nhiều vào nguyên liệu nhập khẩu. Minh chứng là trong những đợt dịch bệnh diễn ra năm 2020, hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp lao đao, bị gián đoạn do thiếu nguyên liệu đầu vào. Nguyên nhân là do ngành công nghiệp hỗ trợ nước ta chưa phát triển, mới đáp ứng được khoảng 10% nhu cầu về sản phẩm công nghiệp hỗ trợ trong nước. Hơn nữa, các sản phẩm phụ trợ hiện chủ yếu là linh kiện và chi tiết đơn giản, có giá trị thấp trong cơ cấu giá trị sản phẩm.
 
Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo có sức hấp dẫn lớn đối với các nhà đầu tư nước ngoài, song đây cũng là vấn đề đáng lưu ý, bởi điều này khiến cho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo nước ta phụ thuộc lớn vào các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Ví dụ như trong lĩnh vực điện tử, những cái tên được nhắc đến mang lại nhiều việc làm và đạt hiệu quả sản xuất kinh doanh cao hầu hết là những tập đoàn lớn trên thế giới như Samsung, LG, Apple, DAEWOO…
 
Cùng với hàng loạt những chất xúc tác thúc đẩy ngành công nghiệp chế biến chế tạo nước ta sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới như: Các cơ chế, chính sách hỗ trợ ngành công nghiệp này đang ngày càng hoàn thiện; Môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, minh bạch hơn; Dòng vốn FDI vẫn đang không ngừng chảy vào Việt Nam; Các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới có hiệu lực; Ngành công nghiệp hỗ trợ trong nước từng bước phát triển… thì cách nhìn nhận vấn đề một cách thẳng thắn như trên sẽ là cơ sở để Việt Nam xây dựng chiến lược phát triển ngành công nghiệp chế biến chế tạo theo hướng bền vững hơn, tiếp tục thể hiện vai trò dẫn dắt trong nền kinh tế, trong đó phát huy sức mạnh nội lực của các doanh nghiệp trong nước./.

TS.Ngô Anh Cường - TS Phạm Hải Hưng
Đại học Lao động và Xã hội
Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top