Điểm nhấn nổi bật trong dòng chảy đối ngoại Việt Nam năm 2023

02/02/2024 - 03:35 PM
Năm 2023, Việt Nam tiếp tục phát huy sức mạnh đại đoàn kết của toàn dân tộc, vận dụng linh hoạt trường phái đối ngoại, ngoại giao “cây tre Việt Nam” trong quan hệ với cộng đồng quốc tế và đạt nhiều thành tựu nổi bật. Các sự kiện ngoại giao lớn diễn ra trong năm 2023 đã khẳng định uy tín của Việt Nam trên mọi lĩnh vực, cả trong quan hệ song phương và đa phương, qua đó củng cố vững chắc hơn cục diện đối ngoại rộng mở, tạo thuận lợi cho việc giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; huy động các nguồn lực bên ngoài phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao vị thế đất nước.

Giữ vững, củng cố và nâng tầm quan hệ đối tác


Trong năm 2023, nhiều sự kiện đối ngoại và ngoại giao của Việt Nam đã diễn ra với những dấu mốc mới, mang tầm vóc và quy mô lớn, có ý nghĩa lịch sử sâu sắc. Việt Nam đã tiếp đón hàng loạt lãnh đạo hàng đầu của các quốc gia đến thăm với nhiều cam kết mở ra cơ hội hỗ trợ, hợp tác, đầu tư đầy hứa hẹn với điểm nhấn là kết quả mở rộng và củng cố quan hệ của Việt Nam với các nước lớn, có vai trò, tầm ảnh hưởng lớn trên thế giới như Trung Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản và nhiều đối tác khác.

Đặc biệt, Việt Nam đã làm được điều mà không phải quốc gia nào cũng có thể thực hiện được trong năm 2023, nhận được sự quan tâm của dư luận trong nước và quốc tế. Đó là chuyến thăm chính thức cấp Nhà nước của hai nhà lãnh đạo đứng đầu 2 cường quốc lớn của thế giới là Hoa Kỳ và Trung Quốc.


Điểm nhấn nổi bật trong dòng chảy đối ngoại Việt Nam năm 2023
Những thành tựu đối ngoại trong năm 2023 đồng thời đóng góp vào thành tựu phát triển chung của cả nước

Tháng 9/2023, sự kiện Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden tới Việt Nam đã ghi dấu ấn mạnh mẽ khi lần đầu tiên trong lịch sử, một Tổng thống đương nhiệm của Hoa Kỳ có chuyến thăm cấp Nhà nước theo lời mời của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam. Chuyến thăm mang ý nghĩa đặc biệt, được thực hiện đúng vào thời điểm kỷ niệm 10 năm thiết lập quan hệ đối tác toàn diện (2013-2023) và cũng là dịp kỷ niệm 50 năm Ngày ký kết Hiệp định Paris chấm dứt chiến tranh và lập lại hòa bình ở Việt Nam (1973-2023).

Chuyến thăm đồng thời đánh dấu cột mốc lịch sử mới trong quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, khi tại trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam và Tổng thống Joe Biden cùng tuyên bố nâng tầm quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ lên “Đối tác Chiến lược Toàn diện vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững”, cấp quan hệ đối tác cao nhất. Tuyên bố chung thiết lập Đối tác Chiến lược Toàn diện giữa hai nước tái khẳng định các nguyên tắc cơ bản đã được hai bên thống nhất khi xác lập đối tác toàn diện cách đây 10 năm, đó là tôn trọng Hiến chương Liên Hợp Quốc và luật pháp quốc tế, tôn trọng độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và thể chế chính trị của nhau. Bên cạnh đó, sự kiện còn khẳng định vai trò dẫn đầu của Việt Nam trong các đối tác của Mỹ tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và mở ra nhiều thỏa thuận hợp tác có tính đột phá, xứng tầm với việc nâng cấp quan hệ ở các lĩnh vực: Công nghệ và đổi mới, kinh tế và biến đổi khí hậu.

Tháng 12/2023, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đã có chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam lần thứ 3 và là lần đầu tiên Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình thực hiện riêng chuyến thăm đến một nước kể từ sau Đại hội XX của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Trong chuyến thăm này, Việt Nam và Trung Quốc đã ký 36 văn bản thỏa thuận hợp tác; đồng thời nhất trí xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam - Trung Quốc với ý nghĩa chiến lược và tầm nhìn dài hạn. Việt Nam - Trung Quốc thống nhất thúc đẩy quan hệ bước vào giai đoạn mới với tin cậy chính trị cao hơn, hợp tác quốc phòng - an ninh thực chất hơn, hợp tác thực chất sâu sắc hơn, nền tảng xã hội vững chắc hơn, phối hợp đa phương chặt chẽ hơn, bất đồng được kiểm soát và giải quyết tốt hơn, chung tay thúc đẩy sự nghiệp xã hội chủ nghĩa thế giới phát triển, đóng góp tích cực cho sự nghiệp hòa bình và tiến bộ của nhân loại.
 

Phát biểu sau chuyến thăm, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden cho biết: “Thật không thể tưởng tượng được trong nhiều thập kỷ, một Tổng thống Hoa Kỳ lại đứng cạnh lãnh đạo Việt Nam ở Hà Nội và tuyên bố cam kết hướng tới quan hệ hợp tác ở mức độ cao nhất của đất nước”.

Việc cùng lúc đón hai nhà lãnh đạo đứng đầu 2 cường quốc lớn của thế giới là Trung Quốc và Hoa Kỳ trong bối cảnh hiện nay đã khiến thế giới phải thừa nhận chính sách đối ngoại thực tế, thông minh và linh hoạt của Việt Nam, nhất là trong ứng xử với các nước lớn.

Bên cạnh đó, trong năm 2023 đã diễn ra cuộc gặp cấp cao giữa người đứng đầu 3 Đảng có tiền thân từ Đảng Cộng sản Đông Dương là Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch Đảng Nhân dân Campuchia (CPP) Samdech Techo Hun Sen và Tổng Bí thư Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith. Đây là sự kiện có ý nghĩa quan trọng nhằm củng cố, tăng cường hơn nữa quan hệ truyền thống, gắn bó; đồng thời thống nhất những định hướng lớn cho hợp tác giữa ba Đảng và nhân dân ba nước Việt Nam - Campuchia - Lào.

Việt Nam còn đón tiếp hàng loạt nguyên thủ các nước láng giềng, các nước lớn, bạn bè truyền thống đến thăm, để lại hình ảnh tốt đẹp của đất nước Việt Nam hòa bình, thân thiện, năng động, đầy tiềm năng và triển vọng; từ đó, góp phần mở ra cơ hội hợp tác, hỗ trợ, đầu tư với tầm nhìn xa hơn trong tương lai, như: Chủ tịch Đảng nước Nga thống nhất, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Liên bang Nga Dmitry A. Medvedev, các Tổng thống: Hàn Quốc, Mông Cổ, Kazakhstan, Phó Tổng thống Cộng hòa Nam Phi; Thủ tướng các nước: Úc, Belarus, Hà Lan, Campuchia, Singapore; Chủ tịch Quốc hội: Vương quốc Campuchia, Cuba… Trong đó phải nhắc đến chuyến thăm của Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol cùng phái đoàn 205 doanh nghiệp Hàn Quốc lớn nhất từ trước đến nay với những cái tên nổi bật như: Samsung, SK, Hyundai Motor, LG, Lotte,…

Năm 2023 cũng là năm kỷ niệm của nhiều sự kiện trong quan hệ đối ngoại của Việt Nam với nhiều nước bạn bè, đối tác. Trong đó có kỷ niệm 10 năm đối tác chiến lược giữa Việt Nam với các nước ASEAN; 10 năm thiết lập quan hệ đối tác toàn diện với Hoa Kỳ; 15 năm quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện với Trung Quốc; 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao với các nước ASEAN, Australia, Nhật Bản, Pháp, Vương quốc Anh… và nhiều sự kiện quan trọng khác. Cũng trong năm, tại tỉnh Quảng Trị, Việt Nam và Cuba đã tổ chức Lễ kỷ niệm 50 năm ngày lãnh tụ Cuba Fidel Castro thăm vùng giải phóng miền Nam Việt Nam (9/1973-9/2023). Tại đây, mối quan hệ thủy chung, son sắt chưa có tiền lệ của 2 nước đã được nhắc lại cùng với câu nói bất hủ của lãnh tụ Fidel Castro “Vì Việt Nam, Cuba sẵn sàng dâng hiến máu của mình”.

Ở chiều ngược lại, nhà lãnh đạo của Việt Nam đã thực hiện hàng chục chuyến thăm và công tác tới các nước láng giềng, các đối tác chiến lược và ký nhiều thỏa thuận hợp tác quan trọng như: Nhật Bản, Lào, Vương quốc Anh, Áo, Bulgari, Bangladesh, Indonesia; Thổ Nhĩ Kỳ, Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE); các nước Mỹ Latinh như Cộng hòa Cuba, Cộng hòa Argentina và Cộng hòa Đông Uruguay,... Trong đó, nổi bật là chuyến thăm Nhật Bản của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Phu nhân cùng Đoàn đại biểu Cấp cao Việt Nam trong tháng 11, nhân dịp kỷ niệm 50 quan hệ Việt Nam - Nhật Bản đã ghi dấu mốc mới trong quan hệ Việt - Nhật khi lãnh đạo hai nước nhất trí nâng cấp quan hệ lên “Đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình và thịnh vượng tại châu Á và trên thế giới”.

Tính đến năm 2023, trong số 193 nước đã thiết lập quan hệ ngoại giao, Việt Nam đã nâng quan hệ lên đối tác toàn diện, đối tác chiến lược, đối tác chiến lược toàn diện với 30 nước. Trong đó, cần nhấn mạnh đến việc Việt Nam đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với những nước có tầm ảnh hưởng quan trọng đến cục diện thế giới như: Trung Quốc, Nga, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ. Việt Nam đã tham gia và đàm phán tổng cộng 19 Hiệp định Thương mại tự do; đồng thời là quốc gia duy nhất ký kết Hiệp định Thương mại tự do với tất cả các đối tác kinh tế lớn trên toàn cầu, thúc đẩy hàng hóa Việt Nam tham gia sâu hơn, mạnh mẽ hơn vào chuỗi sản xuất. Cùng với đó, những giấy phép và cam kết đầu tư hàng tỷ USD của các đối tác nước ngoài trong bối cảnh kinh tế thế giới suy giảm đã cho thấy kết quả điều hành chắc chắn, linh hoạt của Chính phủ và sự đóng góp của các hoạt động trọng điểm, trong đó có công tác đối ngoại.

Khẳng định vị thế, ghi dấu ấn tốt đẹp tại các diễn đàn đa phương

Phát huy đường lối ngoại giao “cây tre”, hiện thực hóa nhiệm vụ được giao tại Đại Hội lần thứ XIII của Đảng, năm 2023, Việt Nam tiếp tục đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại, để lại dấu ấn là thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.

Các hoạt động đối ngoại, nhất là đối ngoại cấp cao, diễn ra sôi động, rộng khắp các châu lục và tại nhiều diễn đàn, cơ chế đa phương quan trọng như: ASEAN, Liên Hợp Quốc, Tiểu vùng Mekong, APEC, AIPA, COP 28… Các nhà Lãnh đạo Việt Nam đã tham dự nhiều hội nghị, diễn đàn đa phương quan trọng ở cấp độ toàn cầu và khu vực, đóng góp tích cực vào những vấn đề chung của thế giới.

Tháng 8/2023, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam thăm chính thức Cộng hòa Indonesia và tham dự Phiên Khai mạc Đại hội đồng Liên nghị viện các quốc gia Đông Nam Á lần thứ 44 (AIPA-44). Tại đây, đoàn Việt Nam đã đề xuất 5 ý kiến với mong muốn, nỗ lực xây dựng một ASEAN - một AIPA vững mạnh, chủ động thích ứng, “biến nguy thành cơ”, hướng tới Cộng đồng ASEAN ổn định, phát triển thịnh vượng và bền vững.

Tháng 11/2023, trong chuyến thăm Thổ Nhĩ Kỳ, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) và dự Hội nghị Thượng đỉnh Hành động khí hậu thế giới trong khuôn khổ Hội nghị lần thứ 28 các Bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về Biến đổi khí hậu (COP28), Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tham dự hàng chục hoạt động đa phương và song phương. Qua đó, khẳng định cam kết của Việt Nam chung tay cùng cộng đồng quốc tế trong việc giải quyết các vấn đề mang tính toàn cầu, cụ thể là ứng phó với biến đổi khí hậu, bằng những bước đi, những hành động cụ thể, thiết thực để triển khai thực hiện những cam kết đó. Đồng thời gửi đi thông điệp và bước đầu khai mở để thúc đẩy một giai đoạn hợp tác, phát triển mới với các nước Trung Đông, đặc biệt là về thương mại và đầu tư.

Năm 2023, Việt Nam tiếp tục đảm nhiệm thành công cương vị Phó Chủ tịch Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc Khóa 77 (9/2022-9/2023), tham gia vào quá trình đề xuất, hoạch định những quyết định quan trọng của thế giới. Việt Nam đã chủ trì một số phiên Đại Hội đồng thảo luận và thông qua nghị quyết yêu cầu Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ) đưa ra ý kiến tư vấn đối với vấn đề biến đổi khí hậu, Hiệp định về Biển cả, các nghị quyết tổ chức Phiên họp cấp cao về sẵn sàng phòng chống và ứng phó với dịch bệnh; phối hợp cùng các nước đề xuất những sáng kiến, giải pháp trên nhiều vấn đề lớn; tham gia điều phối và trực tiếp thương lượng xây dựng các văn kiện.
 

Bà Pauline Tamesis - Điều phối viên thường trú LHQ tại Việt Nam nhận định: Hình ảnh của Việt Nam đã trở nên ấn tượng và mạnh mẽ hơn nhiều trên trường quốc tế. Đây là sự thành công, sự ghi nhận của quốc tế đối với các cột mốc đã được tạo nên; là cơ hội tuyệt vời để thế giới biết hơn về Việt Nam và những gì Việt Nam có thể đóng góp cho giải quyết các thách thức toàn cầu đang nổi lên.

Việt Nam có nhiều đóng góp ý nghĩa trên cương vị thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2023-2025, Ủy ban Luật pháp Quốc tế (2023-2027), Hội đồng Chấp hành UNESCO (2021-2025), Ủy ban Liên Chính phủ Công ước Di sản Phi Vật thể (2022-2026),… Tham gia tích cực vào các hoạt động của ASEAN, G-77, dẫn dắt Nhóm bạn bè Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982; đồng thời tiếp tục tích cực triển khai thỏa thuận Quan hệ Đối tác Chuyển đổi Năng lượng Công bằng (JETP), nỗ lực đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Chủ động đóng góp và mở rộng quy mô tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc, góp phần ngăn ngừa xung đột, xây dựng hòa bình tại các điểm nóng ở châu Phi. Việt Nam không ngừng kêu gọi củng cố lòng tin, tăng cường đoàn kết, trách nhiệm quốc tế, thúc đẩy đối thoại, hiểu biết lẫn nhau để giải quyết hòa bình mọi tranh chấp, vì mục tiêu chung là hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ trên thế giới.

Những thành tựu và đóng góp của Việt Nam với cộng đồng thế giới đã góp phần nâng cao hình ảnh, vị thế của Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế. Khẳng định Việt Nam là một thành viên có trách nhiệm, tham gia hiệu quả vào công việc chung của Liên Hợp Quốc, với những đóng góp có ý nghĩa to lớn, nêu cao tư tưởng, lập trường ủng hộ hòa bình, phát triển, tôn trọng luật pháp quốc tế, chủ nghĩa đa phương, và quan trọng nhất là đề cao việc tuân thủ Hiến chương Liên Hợp Quốc trên tất cả các trụ cột từ hòa bình, an ninh, phát triển cho tới bảo vệ quyền con người.

Đáng chú ý, Việt Nam nhận được sự tín nhiệm, trở thành thành viên của Ủy ban Di sản thế giới nhiệm kỳ 2023-2027 với số phiếu trúng cử cao và được vinh danh là điểm đến di sản hàng đầu thế giới.

Đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, hội nhập quốc tế của Việt Nam đã được đúc kết trong cuốn sách Xây dựng và phát triển nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, mang đậm bản sắc “Cây tre Việt Nam” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ra mắt tháng 11/2023. Những thành tựu đối ngoại trong năm 2023 đồng thời đóng góp vào thành tựu phát triển chung của cả nước, khẳng định và cụ thể chủ trương hội nhập quốc tế của Đảng, Nhà nước, đường lối đối ngoại mang đậm bản sắc “cây tre Việt Nam”, dựa trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, thể hiện bản sắc văn hóa và truyền thống ngoại giao hòa hiếu, nhân văn nhưng quật cường của dân tộc Việt Nam./.
 

Thu Hiền

Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top