49 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước - Việt Nam xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ và chủ động, tích cực hội nhập quốc tế

25/04/2024 - 03:43 PM

Để có được hòa bình đến với mọi người dân Việt Nam hôm nay, cách đây 49 năm, ngày 30/4/1975, Quân đội nhân dân Việt Nam mở đợt tiến công cuối cùng, tiến thẳng vào trung tâm Sài Gòn, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Chiến tranh đã lùi xa, tiếp tục kế thừa truyền thống vẻ vang của các thế hệ cha ông, dưới sự lãnh đạo đường lối đổi mới đúng đắn của Đảng, nền kinh tế Việt Nam phát triển nhanh theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Quan hệ hợp tác quốc tế của Việt Nam ngày càng mở rộng. Hàng hóa Việt Nam đã được xuất khẩu tới nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ. Kinh tế vĩ mô trong nước tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức phù hợp; cung cầu hàng hóa thiết yếu được bảo đảm, hoạt động mua sắm hàng hóa, tiêu dùng nội địa duy trì mức tăng khá; khách quốc tế đến Việt Nam tiếp tục xu hướng tăng cao. Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tiếp tục là trụ đỡ vững chắc của nền kinh tế với mức tăng ổn định, bảo đảm nguồn cung lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu trong nước và tăng cường xuất khẩu. Các vấn đề về an sinh xã hội được quan tâm và thực hiện hiệu quả.

Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội năm 2023 của Tổng cục Thóng kê (TCTK) cho thấy, dưới sự lãnh đạo của Đảng; sự phối hợp kịp thời, chặt chẽ, hiệu quả của Quốc hội và các cơ quan trong hệ thống chính trị; sự chỉ đạo, điều hành chủ động, linh hoạt, quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành, các địa phương; sự đoàn kết, tin tưởng, ủng hộ của Nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, kinh tế - xã hội Việt Nam tiếp tục xu hướng phục hồi, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát trong tầm kiểm soát, các cân đối lớn được đảm bảo, nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực đạt được mục tiêu đề ra và tiếp tục là điểm sáng về kinh tế trong khu vực và trên thế giới.

Cụ thể, năm 2023 tổng sản phẩm trong nước (GDP) ước tính tăng 5,05% so với năm trước. Cơ cấu nền kinh tế chuyển dịch theo hướng dịch vụ chiếm cao nhất 42,54%; công nghiệp và xây dựng chiếm 37,12%; nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 11,96%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 8,38%.

Trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp năm 2023 tăng 3,02% so với năm trước. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 3,62%, đóng góp 0,93 điểm phần trăm vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế.

Hoạt động thương mại và dịch vụ tiêu dùng diễn ra sôi động. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành ước đạt 6.231,8 nghìn tỷ đồng, tăng 9,6% so với năm trước (năm 2022 tăng 20%), nếu loại trừ yếu tố giá tăng 7,1% (năm 2022 tăng 15,8%). Khách quốc tế đến Việt Nam đạt 12,6 triệu lượt người, gấp 3,4 lần năm 2022.

Đặc biệt, môi trường đầu tư liên tục được cải thiện, nhờ đó đã thu hút ngày càng nhiều hơn vốn đầu tư cho phát triển. Năm 2023, vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội theo giá hiện hành ước đạt 3.423,5 nghìn tỷ đồng, tăng 6,2% so với năm 2022. Năm 2023, ghi nhận vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam đạt mức cao nhất từ năm 2019 đến nay, ước đạt 23,18 tỷ USD, tăng 3,5% so với năm trước. Việt Nam là điểm đến tin cậy cho các nhà đầu tư.

 Kỷ niệm 49 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024) Việt Nam phát triển nền kinh tế độc lập, tự chủ và chủ động, tích cực hội nhập quốc tế

Nông sản Việt Nam đã được xuất khẩu tới nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ

Trong xuất, nhập khẩu hàng hóa, cán cân thương mại hàng hóa năm 2023 xuất siêu 28 tỷ USD. Việt Nam có 35 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 93,6% tổng kim ngạch xuất khẩu (có 07 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 66%). Trong cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu nhóm hàng nhiên liệu và khoáng sản ước đạt 4,61 tỷ USD, chiếm 1,3%; nhóm hàng công nghiệp chế biến ước đạt 313,73 tỷ USD, chiếm 88,3%; nhóm hàng nông sản, lâm sản ước đạt 28,15 tỷ USD, chiếm 7,9%; nhóm hàng thủy sản ước đạt 9,01 tỷ USD, chiếm 2,5%.

Năm 2023, Việt Nam cũng có 44 mặt hàng nhập khẩu đạt trị giá trên 1 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 92,4% tổng kim ngạch nhập khẩu (có 04 mặt hàng nhập khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 46,8%). Tuy nhiên, nhìn vào cơ cấu nhóm hàng nhập khẩu cho thấy Việt Nam chủ yếu đang nhập khẩu các nhóm hàng tư liệu để phục vụ cho sản xuất đạt 307,32 tỷ USD, chiếm tới 93,8%, trong đó nhóm hàng máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng chiếm 45,8%; nhóm hàng nguyên, nhiên, vật liệu chiếm 48%. Nhóm hàng vật phẩm tiêu dùng ước đạt 20,18 tỷ USD, chiếm 6,2%.

Về thị trường xuất, nhập khẩu hàng hóa năm 2023, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 96,8 tỷ USD. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 111,6 tỷ USD.

Về khoa học công nghệ trong đổi mới sáng tạo, năm 2023, cả nước có khoảng 20 trung tâm hỗ trợ đổi mới sáng tạo địa phương và các trung tâm thuộc các cơ quan, đoàn thể Trung ương; hơn 1.400 tổ chức có năng lực hỗ trợ khởi nghiệp, trong đó có hơn 200 khu làm việc chung, 79 cơ sở ươm tạo và hàng trăm quỹ đầu tư; hơn 170 trường đại học tổ chức hoạt động khởi nghiệp với 43 vườn ươm. Theo công bố của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), chỉ số GII của Việt Nam năm 2023 xếp hạng thứ 46/132 quốc gia, nền kinh tế trên toàn thế giới, tăng 2 bậc so với năm 2022; trong khu vực ASEAN chỉ số GII của Việt Nam đứng thứ 4 trong khu vực.

Các vấn đề an sinh xã hội ngày càng được nâng cao. Theo kết quả sơ bộ từ Khảo sát mức sống dân cư năm 2023 cho thấy, đời sống của hộ dân cư được cải thiện, công tác an sinh xã hội tiếp tục được các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương quan tâm thực hiện kịp thời, thiết thực.

Bước sang năm 2024, trong bối cảnh tình hình kinh tế, chính trị thế giới biến động khó lường, song kinh tế - xã hội quý I/2024 của Việt Nam đạt được kết quả tích cực khẳng định chính sách quản lý và điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành và địa phương từng bước phát huy hiệu quả. GDP quý I/2024 ước tính tăng 5,66% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng của quý I các năm 2020-2023. Đây là kết quả tích cực, đáng ghi nhận khi tăng trưởng kinh tế của nhiều quốc gia trong khu vực và trên thế giới ở mức thấp.

Cơ cấu nền kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng khu vực dịch vụ chiếm cao nhất 43,48%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 35,73%; khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 11,77%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 9,02%.

Sản xuất công nghiệp khởi sắc và tiếp tục đà tăng trưởng từ cuối năm 2023. Giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp quý I/2024 tăng 6,18% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 2,02 điểm phần trăm vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là động lực tăng trưởng của toàn nền kinh tế với tốc độ tăng 6,98% đóng góp 1,73 điểm phần trăm. Ngành xây dựng tăng 6,83%, cao hơn nhiều so với tốc độ tăng 1,87% của quý I/2023, đóng góp 0,4 điểm phần trăm.

Kỷ niệm 49 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024) Việt Nam phát triển nền kinh tế độc lập, tự chủ và chủ động, tích cực hội nhập quốc tế 1 

Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là động lực tăng trưởng của toàn nền kinh tế

Quý I/2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành ước đạt 1.537,6 nghìn tỷ đồng, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm trước. Nhờ các chính sách thị thực thuận lợi, các chương trình kích cầu du lịch cũng như sự nỗ lực của chính quyền và doanh nghiệp kinh doanh du lịch, quý I/2024, khách quốc tế đến Việt Nam đạt hơn 4,6 triệu lượt người, tăng 72% so với cùng kỳ năm trước và tăng 3,2% so với cùng kỳ năm 2019 - năm chưa xảy ra dịch Covid-19.

Trong đầu tư phát triển, vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội trong quý I/2024 theo giá hiện hành ước đạt 613,9 nghìn tỷ đồng, tăng 5,2% so với cùng kỳ năm trước. Mức tăng này đã cho thấy tình hình sản xuất kinh doanh trong nước có xu hướng phục hồi ở nhiều ngành, lĩnh vực, đồng thời, mức tăng này sẽ tạo đà tiếp tục bứt phá cho các quý tiếp theo, hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế năm 2024 trong bối cảnh nền kinh tế còn gặp nhiều khó khăn, thách thức. Trong vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam quý I/2024 ước đạt 4,63 tỷ USD, tăng 7,1% so với cùng kỳ năm trước và đạt mức cao nhất ba tháng đầu năm của các năm từ 2020 đến nay.

Về xuất, nhập khẩu hàng hóa, cán cân thương mại hàng hóa quý I/2024 ước tính xuất siêu 8,08 tỷ USD. Trong quý I/2024 có 16 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 82,1% tổng kim ngạch xuất khẩu (có 04 mặt hàng xuất khẩu trên 5 tỷ USD, chiếm 52,7%). Cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu quý I/2024, nhóm hàng nhiên liệu và khoáng sản ước đạt 1,18 tỷ USD, chiếm 1,3%; nhóm hàng công nghiệp chế biến ước đạt 82,02 tỷ USD, chiếm 88,1%; nhóm hàng nông sản, lâm sản ước đạt 8 tỷ USD, chiếm 8,6%; nhóm hàng thủy sản ước đạt 1,86 tỷ USD, chiếm 2%.

Quý I/2024 có 17 mặt hàng nhập khẩu đạt trị giá trên 1 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 76,1% tổng kim ngạch nhập khẩu (có 02 mặt hàng nhập khẩu trên 5 tỷ USD, chiếm 40,3%). Cơ cấu nhóm hàng nhập khẩu quý I/2024 vẫn chủ yếu là nhóm hàng tư liệu sản xuất ước đạt 79,9 tỷ USD, chiếm 94%, trong đó nhóm hàng máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng chiếm 46,3%; nhóm hàng nguyên, nhiên, vật liệu chiếm 47,7%; nhóm hàng vật phẩm tiêu dùng ước đạt 5,08 tỷ USD, chiếm 6%.

Về thị trường xuất, nhập khẩu hàng hóa quý I/2024, Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 26,2 tỷ USD. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 29,4 tỷ USD.

Việt Nam đã hội nhập kinh tế quốc tế ở mức cao, chủ động tham gia và đàm phán các hiệp định thương mại tự do (FTA) ở cả song phương và đa phương với hầu hết các nền kinh tế lớn trên thế giới đưa Việt Nam trở thành một trong những nước dẫn đầu khu vực về tham gia các khuôn khổ hợp tác kinh tế song phương và đa phương.

Ngoài ra, việc thực thi có hiệu quả các FTA thời gian qua giúp Việt Nam ngày càng mở rộng, đa dạng thị trường, chuỗi cung ứng và sản phẩm xuất khẩu, tạo điều kiện hàng hóa Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất, nhập khẩu tăng trưởng mạnh và cán cân thương mại được cải thiện rõ rệt theo hướng chuyển từ thâm hụt sang thặng dư. Thành quả đạt được là minh chứng cho đường lối, chủ trương chính sách hoàn toàn đúng đắn của Đảng và Nhà nước trong tiến trình đưa Việt Nam ngày càng hội nhập kinh tế quốc tế.

Tăng trưởng kinh tế đi đôi với bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội, quý I/2024, lao động, việc làm đã quay trở lại theo xu hướng phát triển bình thường như thời kỳ trước dịch Covid-19. Lao động có việc làm quý I/2024 ước tính là 51,3 triệu người, tăng 174,1 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức quý I/2024 là 64,8%, tăng 0,2 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Thu nhập bình quân của lao động quý I/2024 là 7,6 triệu đồng/tháng, tăng 549 nghìn đồng so với cùng kỳ năm 2023. Tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ quý I/2024 là 27,8%, tăng 1,4 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước.

Công tác bảo đảm an sinh xã hội luôn được các cấp, ngành thực hiện kịp thời, hiệu quả. Theo báo cáo từ địa phương, tính đến ngày 19/3/2024, lãnh đạo Trung ương và địa phương, các ban, ngành, đoàn thể, các nhà hảo tâm đã tổ chức thăm hỏi, động viên và tặng quà cho các đối tượng bảo trợ xã hội theo Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15/3/2021 là 8,1 nghìn tỷ đồng; hộ nghèo, hộ cận nghèo là hơn 2,4 nghìn tỷ đồng; người có công, thân nhân người có công với cách mạng là 9,2 nghìn tỷ đồng; hỗ trợ đột xuất, bất thường phát sinh tại địa phương là gần 26,8 tỷ đồng. Ngoài ra, bảo hiểm xã hội đã cấp phát hơn 27,1 triệu thẻ BHYT/sổ/thẻ khám chữa bệnh miễn phí cho các đối tượng thụ hưởng.

Theo thông tin từ Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, để người dân không bị thiếu đói, tính từ đầu năm đến nay, tổng số gạo Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương đã hỗ trợ cho người dân hơn 17,7 nghìn tấn gạo, trong đó: Hỗ trợ 10,4 nghìn tấn gạo cứu đói nhân dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn cho 103,7 nghìn hộ với 693,4 nghìn nhân khẩu; Chính phủ hỗ trợ hơn 2,3 nghìn tấn gạo cứu đói giáp hạt năm 2024 cho hơn 33 nghìn hộ với 155,7 nghìn nhân khẩu. Việt Nam đã trở thành một hình mẫu về xóa đói, giảm nghèo, thực hiện và hoàn thành sớm mục tiêu Thiên niên kỷ của Liên Hợp Quốc về xóa đói, giảm nghèo, được cộng đồng quốc tế đánh giá là điểm sáng về giảm nghèo trên thế giới.

Kỷ niệm 49 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam hôm nay đã khẳng định đường lối đổi mới của Đảng ta là đúng đắn, sáng tạo. Nhũng kết quả đạt được trong phát triển kinh tế - xã hội là thành quả được kết tinh từ sức sáng tạo của toàn Đảng và nhân dân Việt Nam. Kết quả phát triển kinh tế - xã hội đã khẳng định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của Việt Nam là phù hợp với thực tiễn Việt Nam và xu thế phát triển của thời đại.

Thời gian tới để đạt được mục tiêu đến năm 2030 Việt Nam trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao, nhiệm vụ cấp thiết có tính then chốt, nhất quán và lâu dài của Việt Nam là xây dựng nền kinh tế phát triển năng động, nhanh và bền vững, độc lập, tự chủ trên cơ sở khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo gắn với nâng cao hiệu quả trong hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế./.

Trang Nguyễn


Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top