Tại Hội nghị phát triển nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp bán dẫn, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, Việt Nam được đánh giá có nhiều lợi thế, đang đứng trước cơ hội “nghìn năm có một” để tham gia và khẳng định trong chuỗi giá trị ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu.
Nhiều lợi thế sẵn sàng
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, trong 20 năm qua, ngành công nghiệp bán dẫn đã có sự tăng trưởng nhanh và tác động lớn ở nhiều quốc gia. Từ năm 2001 đến năm 2021, ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu đã tăng 14% mỗi năm, đạt doanh thu gần 600 tỷ USD tính đến năm 2023. Ngành bán dẫn được kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ, đạt đến 1 nghìn tỷ USD vào năm 2030.
Trong bối cảnh này, nhiều quốc gia đã có nhiều cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội. Singapore đã công bố “Bản đồ chuyển đổi ngành điện tử” để đầu tư hơn 19 tỷ USD vào ngành công nghiệp bán dẫn trong 5 năm. Hàn Quốc công bố Chiến lược “Vành đai chip bán dẫn” với kế hoạch chi tiêu 450 tỷ USD trong 10 năm.
Ấn Độ đã công bố sáng kiến “Nhiệm vụ Công nghiệp bán dẫn Ấn Độ” với 9,1 tỷ USD, hỗ trợ lên đến 50% chi phí. Hoa Kỳ đã ban hành Đạo luật CHIPS để cung cấp 52 tỷ USD hỗ trợ ngành công nghiệp bán dẫn. Trung Quốc đã đầu tư một khoản tiền khổng lồ 120-150 tỷ USD vào nền công nghiệp bán dẫn từ năm 2014.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại Hội nghị
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, cuộc đua chip toàn cầu đang nóng lên và Việt Nam đang có cơ hội “nghìn năm có một” để tham gia và khẳng định mình trong chuỗi giá trị ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu.
Cụ thể, Việt Nam đang có rất nhiều lợi thế để khẳng định mình đã sẵn sàng cho ngành công nghiệp bán dẫn. Trước hết, đó là quyết tâm chính trị cao từ trung ương đến địa phương.
Thứ hai, môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi thu hút được nhiều doanh nghiệp FDI lớn trong lĩnh vực điện tử. Hiện đã có hơn 50 doanh nghiệp trong ngành công nghiệp bán dẫn đã hoạt động tại Việt Nam như Intel, Amkor, Hana Micron (đóng gói, kiểm thử); Ampere, Marvell, Cadence, Renesas, Synopsys, Qorvo (thiết kế); Lam Research, Coherent (sản xuất thiết bị).
Thứ ba, có lực lượng lao động có chất lượng, chi phí hợp lý đã và đang hoạt động trong ngành công nghiệp điện tử dễ dàng chuyển đổi sang, với hơn 50% dân số dưới 30 tuổi (thời kỳ dân số vàng) và khoảng 1,8 triệu sinh viên tốt nghiệp đại học, cao đẳng hàng năm.
Thứ tư, Việt Nam đã nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với hầu hết các nước có ngành công nghiệp bán dẫn phát triển. Bộ trưởng cho biết, tuyên bố chung về nâng cấp quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện nêu rõ 02 nội dung hợp tác đột phá là đổi mới sáng tạo và công nghệ cao trong đó có ngành công nghiệp bán dẫn. Đặc biệt, Việt Nam là một trong số ít quốc gia mà Hoa Kỳ ký Biên bản ghi nhớ hợp tác nhằm phát triển hệ sinh thái ngành công nghiệp bán dẫn, trong đó nhấn mạnh đến việc hợp tác phát triển nguồn nhân lực cho ngành.
Nguồn nhân lực là lợi thế nổi bật
Với nguồn cung lao động dồi dào và lực lượng lao động có chất lượng, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định nguồn nhân lực chính là lợi thế lớn nhất và nổi bật nhất của Việt Nam so với các quốc gia khác trên thế giới. Vì vậy, việc tập trung đầu tư, đào tạo, đào tạo lại cho lực lượng lao động để trong thời gian sớm nhất có thể gia nhập vào thị trường lao động là một hướng đi chiến lược.
Theo đó, Đề án “Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2045” xác định mục tiêu đào tạo được 50.000 kỹ sư phục vụ ngành công nghiệp bán dẫn trong tất cả các công đoạn của chuỗi giá trị. Trong đó, có 15.000 kỹ sư thiết kế vi mạch bán dẫn và 35.000 kỹ sư trong lĩnh vực khác của ngành công nghiệp bán dẫn; tối thiểu 5.000 kỹ sư trong số đó có chuyên môn sâu về trí tuệ nhân tạo. Đào tạo được khoảng 1.300 giảng viên có trình độ quốc tế.
Để xác định mục tiêu này, Ban soạn thảo Đề án đã tổng hợp các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, nhu cầu thực tế của thị trường hiện tại và trong giai đoạn 5 - 20 năm tới. Đồng thời, căn cứ trên kết quả khảo sát năng lực đào tạo của các trường đại học lớn tham gia đào tạo các ngành gần, ngành phù hợp, ngành đúng để chuyển đổi.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, với bối cảnh hiện nay, giai đoạn đầu Việt Nam nên tập trung đào tạo nguồn nhân lực để tham gia công đoạn thiết kế, đóng gói, kiểm thử và một số công đoạn khác liên quan đến sản xuất thiết bị, vật liệu, hóa chất…
Việt Nam cũng cần tối thiểu 04 trung tâm bán dẫn dùng chung cấp quốc gia với các trang thiết bị theo tiêu chuẩn quốc tế đặt tại các trường đại học quốc gia, đại học vùng ở 03 miền Bắc, Trung, Nam và tại Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia và khoảng 18 trung tâm đào tạo bán dẫn tiêu chuẩn ở mức cơ bản tại 18 trường đại học kỹ thuật đáp ứng được yêu cầu.
Tổng mức kinh phí thực hiện Đề án đến năm 2030 dự kiến khoảng 26.000 tỷ đồng, trong đó ngân sách nhà nước khoảng 17.000 tỷ đồng và nguồn xã hội hóa khoảng 9.000 tỷ đồng.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, Việt Nam cần có sự hợp tác nhanh, mạnh và toàn diện với các quốc gia, nền kinh tế và các doanh nghiệp, đối tác hàng đầu thế giới về bán dẫn thì mới có thể đứng trên vai những người khổng lồ, tận dụng lợi thế nguồn nhân lực để vươn lên thành một quốc gia có vị thế trong phát triển ngành công nghiệp bán dẫn./.
PV