Ngày 27/3/2024, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam, Ủy ban Kinh tế Việt Nam - Nhật Bản thuộc Liên đoàn các tổ chức kinh tế Nhật Bản (Keidanren) tổ chức cuộc họp khởi động Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản trong kỷ nguyên mới, giai đoạn 1. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng và các đồng Chủ tịch Ủy ban Kinh tế Nhật Bản - Việt Nam, ông Masayuki Hyodo và ông Fujimoto Masayoshi chủ trì cuộc họp.
Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản được khởi xướng từ tháng 4/2003, là sự hợp tác đặc biệt giữa hai Chính phủ Việt Nam và Nhật Bản. Thông qua việc thiết lập một diễn đàn đối thoại chính sách giữa các nhà đầu tư Nhật Bản với các bộ, ngành liên quan của Việt Nam, Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản góp phần tạo dựng môi trường đầu tư và kinh doanh thông thoáng, minh bạch tại Việt Nam, đồng thời đưa ra những khuyến nghị chính sách mang tính xây dựng, làm thông tin tham khảo trong quá trình hoàn thiện luật pháp, chính sách cho các cơ quan chức năng của Việt Nam.
Qua 20 năm, Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản đã hoàn thành 8 giai đoạn, với tổng số 497/594 hạng mục đã hoàn thành tốt và đúng tiến độ, chiếm 84% tổng số hạng mục trong Kế hoạch hành động hai bên thực hiện, có đóng góp quan trọng trong thúc đẩy nguồn vốn đầu tư nước ngoài (FDI) từ Nhật Bản vào Việt Nam nói riêng và từ các quốc gia trên thế giới nói chung.
Trên cơ sở Tuyên bố chung về việc nâng cấp quan hệ Việt Nam - Nhật Bản lên “Đối tác Chiến lược toàn diện vì hòa bình và thịnh vượng tại châu Á và trên thế giới”, hai bên đã thống nhất triển khai giai đoạn tiếp theo Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản với tên gọi “Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản trong kỷ nguyên mới, giai đoạn 1”.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại Cuộc họp
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, qua 50 năm vun đắp và phát triển, quan hệ Việt Nam - Nhật Bản không ngừng được củng cố và phát triển toàn diện trên mọi lĩnh vực, đặc biệt trong hợp tác kinh tế - đầu tư - thương mại. Đến nay, Nhật Bản là đối tác hỗ trợ phát triển (ODA) đứng thứ 1 của Việt Nam, đứng thứ 2 về hợp tác lao động, thứ 3 về đầu tư và thứ 4 về thương mại.
Riêng 02 tháng đầu năm 2024, tổng vốn đăng ký của Nhật Bản đạt 422,4 triệu USD, tăng 290% so với cùng kỳ. Đây là một tín hiệu rất khả quan cho thấy các nhà đầu tư Nhật Bản vẫn xem Việt Nam là một điểm đến đầu tư hấp dẫn và an toàn.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng bày tỏ mong muốn các nhà đầu tư Nhật Bản sẽ tiếp tục tăng cường hơn nữa các hợp tác kinh tế và đầu tư vào các lĩnh vực mới mang tính chiến lược giữa hai quốc gia. Đồng thời, duy trì và đẩy mạnh hợp tác ODA vì lợi ích của cả hai bên như Tuyên bố chung giữa hai nước đã đề ra, gồm các lĩnh vực: Thúc đẩy hợp tác đảm bảo an ninh kinh tế, Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, Đổi mới sáng tạo, Chuyển giao công nghệ, Chuyển đổi số, Chuyển đổi xanh, Kết cấu hạ tầng chiến lược, Chống biến đổi khí hậu và Y tế…
Trong giai đoạn đầu tiên của Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản trong kỷ nguyên mới, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề nghị, cả hai bên sẽ cùng phối hợp chặt chẽ để xây dựng và triển khai các nhiệm vụ của Sáng kiến chung gắn với các kết quả đầu ra cụ thể; bám sát và song hành với các nhiệm vụ, chương trình, nội dung có tính chiến lược phù hợp với xu hướng hiện nay để đạt được các mục tiêu mà Việt Nam đề ra tại các chiến lược, kế hoạch như Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030; Chiến lược tăng trưởng xanh; Chiến lược công nghiệp hóa; Chương trình chuyển đổi số quốc gia; Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ...
Ông Fujimoto Masayohi, Đồng Chủ tịch Ủy ban Kinh tế Việt Nam - Nhật Bản cho rằng, để phát huy hết sự phát triển mạnh mẽ, toàn diện, thực chất trên tất cả các lĩnh vực của quan hệ hai nước, hai bên cần tiếp tục có các hoạt động hợp tác và phát triển kinh tế và Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản trong kỷ nguyên mới sẽ là yếu tố quan trọng để thúc đẩy giá trị tăng thêm của các ngành công nghiệp.
Sáng kiến chung trong kỷ nguyên mới cũng sẽ bao gồm những hành động mạnh mẽ để thúc đẩy Cộng đồng phát thải ròng bằng “0” châu Á (AZEC), thúc đẩy chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo… đều là những lĩnh vực mà hai nước đặc biệt quan tâm. Doanh nghiệp Nhật Bản cũng bày tỏ sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức của mình để góp phần phát triển “Đối tác Chiến lược toàn diện vì hòa bình và thịnh vượng tại châu Á và trên thế giới” giữa hai quốc gia.
Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam, Yamada Takio cho biết, sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản đã góp phần không nhỏ trong cải thiện môi trường đầu tư tại Việt Nam, đặc biệt Việt Nam luôn nằm trong top 2 các quốc gia mà doanh nghiệp Nhật Bản mong muốn tới đầu tư. Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam khẳng định, Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản trong kỷ nguyên mới sẽ tiếp tục thúc đẩy đổi mới sáng tạo cũng như phát triển ngành công nghiệp chế tạo, công nghiệp phụ trợ ở Việt Nam để xây dựng hệ thống chuỗi giá trị gia tăng bền vững.
Từ năm 1992 đến nay, Nhật Bản đã dành cho Việt Nam trên 2.700 tỷ Yên vốn vay ODA, tập trung nhiều nhất trong các dự án cơ sở hạ tầng. Viện trợ ODA của Nhật Bản chiếm trên 30% viện trợ phát triển song phương dành cho Việt Nam.
Giai đoạn 1 của Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản trong kỷ nguyên mới gồm 05 nhóm vấn đề chính: (1) Thúc đẩy Cộng đồng phát thải ròng bằng 0 Châu Á, chuyển đổi xanh (AZEC/ GX); (2) Thúc đẩy Đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số (DX); (3) Tăng cường chuỗi cung ứng, bao gồm phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ; (4) Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao (lĩnh vực IT, AI, chất bán dẫn); (5) Cải cách cơ chế để hoàn thiện môi trường đầu tư.
Hai bên cũng thống nhất thời gian triển khai giai đoạn 1 của Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản trong kỷ nguyên mới dự kiến là 19 tháng (từ tháng 3/2024 đến tháng 10/2025).
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc khẳng định, Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản trong kỷ nguyên mới sẽ góp phần thúc đẩy sự thịnh vượng chung của cả cộng đồng doanh nghiệp hai nước, làm sâu sắc hơn quan hệ tốt đẹp giữa Việt Nam và Nhật Bản và hiện thực hóa mục tiêu đề ra trong Tuyên bố chung.
Ký kết Bản ghi nhớ Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản trong kỷ nguyên mới, giai đoạn 1
Tại cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, các Đồng Chủ tịch Ủy ban Kinh tế Việt Nam - Nhật Bản và Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam đã ký kết Bản ghi nhớ Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản trong kỷ nguyên mới, giai đoạn 1.
PV