Trải qua gần 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, hợp tác kinh tế, thương mại giữa hai nước Việt Nam - New Zealand duy trì đà phát triển tích cực, để lại nhiều dấu ấn đậm nét.
Kim ngạch thương mại 2 chiều tăng đều qua các năm
Hai nước Việt Nam và New Zealand thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 19/6/1975 và đến tháng 9/2009 nâng cấp lên Quan hệ Đối tác Toàn diện. Tiếp đó, tháng 7/2020, hai nước tiếp tục nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược.
Từ khi Việt Nam và New Zealand thiết lập quan hệ ngoại giao và đặc biệt kể từ khi hai nước chính thức nâng cấp quan hệ song phương lên Đối tác Chiến lược, hợp tác kinh tế - thương mại giữa hai nước không ngừng phát triển.
Việt Nam - New Zealand đã ký kết 3 văn kiện hợp tác quan trọng về giáo dục - đào tạo, thương mại và tài chính
Theo số liệu của Bộ Công Thương, Việt Nam hiện là đối tác thương mại lớn thứ 14 của New Zealand, chiếm 1,7% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của New Zealand. Trong đó, Việt Nam là nhà xuất khẩu đứng thứ 13 vào thị trường New Zealand, chiếm 1,3% thị phần nhập khẩu của New Zealand và là nhà nhập khẩu lớn thứ 17 của New Zealand, chiếm 1,4% thị phần xuất khẩu của nước này.
Trong khi đó, New Zealand là đối tác thương mại thứ 38 của Việt Nam, là thị trường xuất khẩu lớn thứ 51, nhập khẩu lớn thứ 58 của Việt Nam.
Kim ngạch thương mại hai chiều tăng đều qua các năm, từ 300 triệu USD năm 2009 tới 750 triệu USD năm 2013 (tốc độ tăng bình quân khoảng 20%/năm). Năm 2022, tổng kim ngạch thương mại hai chiều đạt 1,4 tỷ USD, tăng khoảng 5,7% so với năm 2021. Năm 2023 đạt 1,3 tỷ USD, giảm khoảng 5,6% so với năm 2022.
Theo Thương vụ Việt Nam tại thị trường New Zealand, việc Việt Nam và New Zealand cùng tham gia các FTA đa phương khiến rào cản thuế quan, phi thuế quan ngày càng thấp hoặc bị loại bỏ. Đây là lợi thế lớn giúp hàng hóa Việt Nam tăng cường khả năng cạnh tranh với hàng hóa từ các nước không có FTA với New Zealand. Bên cạnh đó, chính sách của New Zealand về việc tìm kiếm các nước đối tác cung ứng và thị trường khác ngoài EU và Trung Quốc cũng góp phần mở ra cơ hội cho Việt Nam trong lĩnh vực nhập khẩu và xuất khẩu.
New Zealand được đánh giá là thị trường giàu tiềm năng cho các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận khi phần lớn các mặt hàng New Zealand cần nhập khẩu là những mặt hàng mà nhiều doanh nghiệp Việt Nam có khả năng cung ứng. Cụ thể, do không có thế mạnh về các ngành nghề chế tạo nên New Zealand phải nhập khẩu hầu hết các mặt hàng bao gồm máy móc, thiết bị cơ khí; xe cộ; xăng dầu; máy móc, thiết bị điện tử; hàng dệt may; nhựa và sản phẩm nhựa; các thiết bị y tế; sắt thép; dược phẩm; giấy bìa; thức ăn gia súc đã chế biến; phân bón; các chế phẩm ăn liền…
Việt Nam xuất khẩu sang New Zealand nhóm hàng: Điện thoại các loại và linh kiện, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, thủy sản, hạt điều, giày dép… và nhập khẩu sữa và các sản phẩm từ sữa, hoa quả, gỗ, nguyên liệu phụ liệu dệt, may, gia dày, máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng, phế liệu sắt thép, sắt thép các loại...
Về phương diện nhập khẩu hàng hóa vào Việt Nam, các mặt hàng xuất khẩu chính của New Zealand bao gồm sản phẩm từ sữa; thịt bò, cừu; len; gỗ và các sản phẩm từ gỗ; các loại trái cây và hạt (trong đó có những loại trái cây như kiwi, cherry, táo…); hải sản (cá ngừ, vẹm xanh…) là những mặt hàng được nhiều người Việt Nam ưa chuộng.
Về đầu tư, theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến tháng 2/2024, New Zealand có 53 dự án đầu tư với tổng số vốn 208,39 triệu USD, đứng thứ 39/145 quốc gia và lãnh thổ có đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam.
Hướng tới đạt kim ngạch thương mại 2 tỷ USD vào năm 2024
Để khai thác tiềm năng và các điều kiện thuận lợi quan hệ thương mại, đại diện Vụ Thị trường châu Á - châu Phi cho rằng, doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động tìm hiểu, nghiên cứu kỹ các FTA mà Việt Nam và New Zealand là thành viên nhằm khai thác, tận dụng hiệu quả các ưu đãi về thuế và xuất xứ hàng hóa.
Khi tiếp cận thị trường cần có chiến lược bài bản, dài hạn, đồng thời tuân thủ nghiêm các quy định, tiêu chuẩn nghiêm ngặt của thị trường này với các sản phẩm nhập khẩu, nhất là sản phẩm có liên quan đến an toàn thực phẩm và kiểm nghiệm kiểm dịch nhằm gia tăng kim ngạch xuất khẩu.
Mặt khác, doanh nghiệp phải tích cực tham gia các hoạt động, chương trình xúc tiến thương mại (hội chợ, triển lãm) hoặc các chương trình giao thương nhằm tìm kiếm đối tác, quảng bá các sản phẩm chất lượng của Việt Nam tại thị trường.
Trên cơ sở những kết quả hợp tác thương mại mà hai nước đạt được trong thời gian qua, Bộ Công Thương cho rằng, Việt Nam và New Zealand đều đang là những nền kinh tế năng động và đang tiến hành các biện pháp cải cách rất mạnh mẽ nhằm phát huy lợi thế, tiềm năng vốn có để ngày càng hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới. Hai nước có nhiều tiềm năng để tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực thương mại, công nghiệp và đầu tư.
Chuyến thăm chính thức New Zealand của Thủ tướng Phạm Minh Chính là dịp quan trọng để lãnh đạo hai nước Việt Nam và New Zealand thảo luận các định hướng và biện pháp nhằm tiếp tục củng cố tin cậy chính trị, thúc đẩy hợp tác nhiều mặt giữa hai nước, nhất là trong các lĩnh vực chính trị ngoại giao, an ninh quốc phòng, kinh tế, đầu tư, lao động, giáo dục, công nghệ, ứng phó biến đổi khí hậu và chuyển đổi số...
Nhân dịp này, Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên và ông Todd McClay, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Thương mại New Zealand đã ký kết Bản thỏa thuận về hợp tác kinh tế, thương mại giữa 2 nước.
Bản thỏa thuận được ký kết sẽ củng cố cơ sở pháp lý để thúc đẩy các hoạt động hợp tác cụ thể trong lĩnh vực kinh tế, thương mại giữa hai nước thời gian tới, đặc biệt hướng tới mục tiêu kim ngạch 2 tỷ USD trong năm 2024.
Với những nội dung đã được thống nhất theo Bản thỏa thuận, hai bên sẽ tích cực tạo thuận lợi cho khu vực tư nhân, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ hợp tác kinh doanh, trao đổi kinh nghiệm; thúc đẩy trao đổi thương mại song phương bao gồm các hoạt động mở cửa thị trường, xúc tiến thương mại, hợp tác phòng vệ phương mại; hợp tác chặt chẽ và tận dụng tối đa những lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do, các khuôn khổ hợp tác đa phương mà hai nước là thành viên…
Thu Hường