Hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp Nhà nước nhìn từ kết quả TĐT kinh tế năm 2017

04/06/2019 - 11:31 AM
Hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước (DNNN) được phản ánh khá rõ nét trong Kết quả Tổng điều tra Kinh tế năm 2017 của Tổng cục Thống kê. Theo đó, tính đến thời điểm 01/01/2017, cả nước có tổng số 517,9 nghìn doanh nghiệp (DN). Trong đó, số lượng DNNN là 2.698 DN, giảm 18,4% so với thời điểm 01/01/2012 và chỉ chiếm 0,52% trong tổng số DN cả nước. Tổng số lao động làm việc trong khu vực DNNN là 1,28 triệu người, giảm tới 23,1% so với thời điểm 01/01/2012. Bình quân giai đoạn 2012-2017 khu vực DNNN mỗi năm giảm 4,0% về số lượng DN và và 5,1% về lao động. Đây là kết quả của chủ trương cổ phần hóa, sắp xếp lại các DNNN theo Nghị định số 44/1998/ NĐ-CP, nhằm huy động vốn của toàn xã hội để đầu tư đổi mới công nghệ, tạo thêm việc làm, phát triển doanh nghiệp, nâng cao sức cạnh tranh, thay đổi cơ cấu DNNN, cũng như thay đổi phương thức quản lý tạo động lực thúc đẩy doanh nghiệp kinh doanh có hiệu quả, tăng tài sản Nhà nước, nâng cao thu nhập của người lao động, từ đó nâng cao sức cạnh tranh và khả năng hội nhập của DN, góp phần tăng trưởng kinh tế đất nước.
 
Hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp Nhà nước nhìn từ kết quả TĐT kinh tế năm 2017

Ảnh minh họa, nguồn Internet
 
Kết quả Tổng điều tra Kinh tế năm 2017 cũng cho thấy, mặc dù số lượng DNNN chiếm tỷ lệ khá khiêm tốn trong tổng số DN của cả nước, chỉ với 0,52%, nhưng nguồn vốn của khu vực DN này chiếm tới 28,4% tổng nguồn vốn của toàn bộ khu vực DN, cao hơn cả nguồn vốn của khu vực DN FDI (chiếm 18,1%), nhưng thấp hơn nguồn vốn của DN ngoài nhà nước (chiếm 53,5%). Xét về cơ cấu, nguồn vốn của khu vực DNNN chủ yếu là vốn vay, do đó, vốn chủ sở hữu của khu vực DN này so với tổng nguồn vốn không cao, chỉ chiếm 23,2%, trong khi tỷ lệ này của khu vực DN ngoài nhà nước là 30,7% và của khu vực DN FDI là 39,6%.
 
Năm 2016, vốn bình quân trên một DN đạt 51,6 tỷ đồng/DN, tăng 5,8 tỷ đồng/DN so với năm 2011. Trong đó, vốn bình quân trên một DN của loại hình DNNN ở mức cao nhất với 3 nghìn tỷ đồng/DN, nhiều hơn 97,5 lần so với loại hình DN ngoài nhà nước và 8,3 lần so với DN FDI. Vốn bình quân của một DNNN tăng cao nhất với khoảng 2 lần so với năm 2011, trong khi đó, của DN ngoài nhà nước là 1,2 lần và của DN FDI là 1,3 lần.
 
So với năm 2011, kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh trong năm 2016 của DNNN từng bước được cải thiện. Doanh thu thuần của khu vực DNNN năm 2016 đạt 17.858 nghìn tỷ đồng, tăng 71,6% (7.450 tỷ đồng) so với năm 2011, doanh thu thuần bình quân năm giai đoạn 2011-2016 tăng 11,4% (tương đương 1.400 nghìn tỷ đồng). Tuy vậy, mức tăng doanh thu thuần của khu vực DNNN vẫn thấp hơn mức tăng doanh thu thuần của khu vực DN ngoài nhà nước, khi khu vực này tăng 78,8% (tương đương 4.402 nghìn tỷ đồng) so với năm 2011 và chiếm tỷ trọng nhiều nhất với 56,0% tổng doanh thu thuần của toàn bộ khu vực DN. Doanh thu thuần bình quân năm giai đoạn 2011-2016 khu vực DN ngoài nhà nước đạt cao nhất với 880,5 nghìn tỷ đồng (tăng 12,3%). Khu vực DN FDI có doanh thu thuần tăng mạnh nhất với 134,5% so với năm 2011, chiếm 27,4% tổng doanh thu thuần, doanh thu thuần bình quân năm đạt 560,7 nghìn tỷ đồng (tăng 18,6%), tuy nhiên lại thấp hơn khu vực DN ngoài nhà nước. Tỷ trọng doanh thu thuần thấp nhất là khu vực DNNN, chỉ chiếm 16,7%, doanh thu thuần của khu vực DN này tăng thấp nhất với 244 nghìn tỷ đồng (tăng 8,9%), doanh thu thuần bình quân năm tăng 1,7% (tương đương 48,8 nghìn tỷ đồng).
 
Hiệu suất sinh lời trên tài sản (tính bằng tổng lợi nhuận trước thuế/tổng tài sản) cho biết khả năng sinh lời trên mỗi đồng tài sản của doanh nghiệp. Năm 2016, hiệu suất sinh lời trên tài sản tính chung của cả 3 khu vực DN đạt 2,7% (cao hơn mức 2,5% của năm 2011). Trong đó, khu vực DNNN đạt 2,6% (thấp hơn mức 3,2% của năm 2011), khu vực DN ngoài nhà nước 1,4% (năm 2011 là 1,2%). Trong khi đó, khu vực doanh nghiệp FDI có hiệu suất sinh lời trên tài sản năm 2016 đạt cao nhất và vượt trội so với DNNN với 6,9% (cao hơn so mức 4,8% của năm 2011).
 
Một chỉ tiêu khác để đánh giá hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của DN là hiệu suất sinh lời trên doanh thu (tính bằng tổng lợi nhuận trước thuế/tổng doanh thu). Năm 2006, hiệu suất này của toàn bộ khu vực doanh nghiệp đạt 4,0% (cao hơn mức 3,2% của năm 2011). Khu vực DNNN có tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu năm 2016 đạt khá cao với 6,6% (cao hơn mức 5,1% của năm 2011), thấp hơn không đáng kể so với DN khu vực FDI khi đạt mức là 6,7% (năm 2011 là 5,2%). Còn lại các doanh nghiệp ngoài nhà nước có tỷ suất sinh lời trên doanh thu đạt thấp nhất với 1,9% (năm 2011 là 1,5%).
 
Cũng theo kết quả Tổng điều tra, trong 3 khu vực DN, bình quân một DNNN đóng góp nhiều nhất cho ngân sách nhà nước. Trong năm 2016, mặc dù số lượng DNNN ít nhưng thuế và các khoản đã nộp ngân sách bình quân trên một DN của khu vực DNNN đạt cao nhất, với 104 tỷ đồng/DN, cao hơn rất nhiều so với DN FDI là 18 tỷ đồng/DN và DN ngoài nhà nước là 1 tỷ đồng/DN.
 
Mặc dù kết quả Tổng điều tra Kinh tế năm 2017 đã cho thấy hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của DNNN được cải thiện đáng kể so 5 năm trước đây. Tuy nhiên, mức hiệu quả sản xuất kinh doanh đạt được và đóng góp vào ngân sách nhà nước của DNNN còn thấp, chưa xứng với nguồn lực được đầu tư; kết quả sắp xếp, cổ phần hoá, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước còn chậm, chưa đạt số lượng đề ra. Cơ chế quản trị DNNN chậm được đổi mới, chưa phù hợp với các thông lệ, chuẩn mực quốc tế; tính công khai, minh bạch còn hạn chế. Công tác cán bộ, chính sách tiền lương, thưởng của DNNN còn chưa gắn với hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp theo cơ chế thị trường, chưa có tác động khuyến khích người lao động tăng năng suất lao động.
 
Để nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN, trọng tâm là các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, thì cần tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu DNNN. Theo đó, việc cổ phần hóa và thoái vốn Nhà nước theo quy định cần được thực hiện nghiêm túc, nhất là với các DNNN là đối tượng theo Quyết định số 58/2016/QĐ-TTg về danh mục DNNN thực hiện  sắp xếp giai đoạn 2016-2020. Trước hết, cần khẩn trương hoàn thiện hệ thống pháp luật phục vụ quá trình sắp xếp,  cổ phần hóa, cơ cấu lại và nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của DNNN và doanh nghiệp có vốn nhà nước. Song song với đó, cần tăng cường hơn nữa việc kiểm tra, thanh tra, giám sát, kiểm toán, không để xảy ra thất thoát vốn, tài sản nhà nước trong quá trình sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước. Bên cạnh đó là các yêu cầu như: Các DNNN đã cổ phần hóa phải nghiêm túc thực hiện niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán; Tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư chiến lược tham gia sâu vào quá trình quản trị doanh nghiệp, tái cấu trúc doanh nghiệp; Có chính sách tuyển dụng theo cơ chế thị trường, chính sách đãi ngộ phù hợp để có thể tuyển dụng và giữ được các nhân sự cấp cao, nhân sự có chuyên môn. Dự kiến năm 2020 cả nước còn khoảng 100 doanh nghiệp nhà nước.


Bảng 1: Một số chỉ tiêu của các khu vực doanh nghiệp từ Kết quả Tổng điều tra Kinh tế năm 2017
 
Chỉ tiêu Đơn vị tính Tổng số DNNN DN ngoài nhà nước DN FDI
Số lượng doanh nghiệp (có đến thời điểm 01/01/2017) DN 517.924  2.698  500.654  14.572 
Cơ cấu % 100  0,52  96,67  2,81 
Số lượng lao động Triệu người 14,08  1,28   8,63  4,17 
Nguồn vốn Nghìn tỷ đồng 28.093  7 .987  15.034  5.072 
Vốn chủ sở hữu Nghìn tỷ đồng 8.481  1.851  4.620  2.010 
Doanh thu thuần Nghìn tỷ đồng 17.858  2.981  9.990  4.887 
Lợi nhuận trước thuế Nghìn tỷ đồng 712  197  188  327 
Thuế và các khoản đã nộp ngân sách Nghìn tỷ đồng 861  277  333  251 
Hiệu suất sinh lời trên tài sản % 2,7  2,6  1,4  6,9 
Hiệu suất sinh lời trên doanh thu % 4,0  6,6  1,9  6,7 
                                                                                                               (Nguồn số liệu: Tổng cục Thống kê)
 
Theo định hướng đến năm 2030, Chính phủ tiếp tục đẩy nhanh tốc độ và đa dạng hóa mạnh mẽ sở hữu doanh nghiệp kết hợp với tập trung nâng cao quy mô, tầm hoạt động và sức cạnh tranh đối với một số tập đoàn kinh tế có thương hiệu và năng lực với hy vọng sớm có doanh nghiệp đứng trong TOP 500 thế giới cũng như có thể cạnh tranh trong khu vực. Những giải pháp trên sẽ giúp DNNN chuyển mình mạnh mẽ, giữ vững vị trí “đầu tàu” của nền kinh tế./.
 
 
Bích Ngọc

 
Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top