Trong năm 2021, sự bùng phát của làn sóng dịch Covid-19 từ cuối tháng Tư với biến chủng mới có tốc độ lây lan nhanh chóng, nguy hiểm tại nhiều địa phương đã ảnh hưởng tiêu cực đến nhiều ngành, lĩnh vực và làm đứt gãy các hoạt động kinh tế truyền thống. Mặc dù vậy, kinh tế số đã có sự phát triển ấn tượng, góp phần kéo lại đà tăng trưởng cho nền kinh tế nước ta. Trong năm 2022, kinh tế số tiếp tục sẽ là động lực tăng trưởng cho quá trình phục hồi và phát triển kinh tế đất nước trong bối cảnh dịch bệnh vẫn có những diễn biến phức tạp.
Tại Hội thảo “Phát triển các mô hình kinh doanh mới trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” do Ban Kinh tế Trung ương tổ chức vào giữa tháng 11/2021, cùng với Indonesia, nền kinh tế số Việt Nam đang dẫn đầu về tốc độ tăng trưởng trong khu vực Đông Nam Á, với trung bình 38%/năm so với 33%/năm của cả khu vực tính từ năm 2015 đến nay. Hà Nội và TP.HCM là 2 trong 7 thành phố lớn phát triển nền kinh tế số của khu vực.
Còn theo báo cáo về kinh tế số khu vực Đông Nam Á được Google, Temasek và Bain & Co công bố vào tháng 11 trong năm vừa qua, năm 2021, tổng giá trị hàng hóa của nền kinh tế số Việt Nam dự kiến đạt 21 tỷ USD, tăng 31% so với năm 2020. Mức tăng trưởng 31% chủ yếu đến từ ngành thương mại điện tử, với tổng giái trị hàng hóa bán trên nền tảng online (GMV) dự kiến tăng 53%, đạt 13 tỷ USD; các dịch vụ nghe nhìn trực tuyến có GMV dự kiến tăng 30%, đạt 3,9 tỷ USD. Con số này bù đắp cho ngành du lịch trực tuyến với GMV ước tính giảm 45%, còn 1,4 tỷ USD. Báo cáo này nhận định, sự phát triển ấn tượng của nền kinh tế số có được là nhờ sự thích ứng nhanh chóng, linh hoạt của người dân với trạng thái xã hội bình thường mới, thay đổi thói quen tiêu dùng, chuyển từ mua bán truyền thống sang mua bán trực tuyến trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát mạnh mẽ. Bên cạnh đó, kể từ khi đại dịch bắt đầu đến nửa đầu năm 2021, Việt Nam đã có thêm 8 triệu khách hàng số mới, trong đó có khoảng 55% khách hàng đến từ các khu vực không phải thành phố lớn. Cũng trong năm 2021, mỗi người dùng internet ở Việt Nam đã sử dụng trung bình 8,5 dịch vụ số, tăng 4 dịch vụ so với thời điểm trước đại dịch. Các dịch vụ chiếm tỷ lệ cao trong đại dịch là thương mại điện tử, giao đồ ăn, xem video và nghe nhạc.
Sự phát triển của nền kinh số Việt Nam trong năm vừa qua không chỉ đơn giản là những đánh giá, nhận định đó mà đã được chứng minh trên thực tế bởi sự sôi động của một loạt các thị trường là thương mại điện tử, giáo dục trực tuyến, giải trí trực tuyến...
Một trong những mũi nhọn đóng vai trò quan trọng thúc đẩy nền kinh tế số Việt Nam năm 2021 tăng tốc trong bối cảnh bình thường mới, chính là những sự tăng trưởng phát triển mạnh mẽ của ngành thương mại điện tử Việt Nam. Theo chia sẻ đại diện Cục Thương mại điện tử & Kinh tế số (Bộ Công Thương) tại họp báo Tuần lễ mua sắm trực tuyến và Ngày mua sắm trực tuyến Online Friday 2021 diễn ra vào cuối tháng 11/2021, dịch bệnh Covid-19 dường như là chất xúc tác, giúp thương mại điện tử phát triển nhanh, mạnh hơn với sự góp mặt của hàng loạt những sàn thương mại điện tử như Lazada, Sendo, Shopee, Tiki... Dù bị ảnh hưởng bởi các quy định hạn chế di chuyển, giãn cách xã hội, song người dân đã thay đổi thói quen tiêu dùng và mua sắm, tạo ra những xu hướng tiêu dùng mới. Các mặt hàng trên các sàn thương mại điện tử không chỉ là quần áo, mỹ phẩm mà còn là các mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống hàng ngày vốn trước đây phần lớn bán qua kênh trực tiếp như thực phẩm, nông sản, thuốc men… Các chuyên gia kinh tế ước tính, trong giai đoạn dịch vừa qua, thương mại điện tử ở Việt Nam vẫn tăng trưởng khoảng 18%. Mức tăng trưởng hai con số này trong đại dịch là con số hiếm nước nào trong khu vực Đông Nam Á đạt được.
Ảnh minh họa, nguồn Internet
Năm 2021 là một năm ảm đạm của các ứng dụng gọi xe tại thị trường Việt Nam là Grap, Bee, GoViet, Uber, Gojek… do phải tuân thủ quy định chống dịch của các địa phương thực hiện giãn cách xã hội, nhất là TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội. Tuy nhiên, trong nguy có cơ, khi dịch vụ chở khách phải tạm dừng hoạt động, thì các ứng dụng gọi xe công nghệ đã linh hoạt chuyển đổi, đẩy mạnh các dịch vụ giao thực phẩm, hàng hóa thiết yếu mùa dịch, phát triển mảng dịch vụ giao hàng, đi chợ hộ. Đây được xem là một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng hàng hóa của hệ thống kinh doanh thương mại điện tử năm vừa qua, góp phần thúc đẩy nền kinh tế số phát triển.
Trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát mạnh tại nhiều địa phương trên cả nước, năm 2021 là năm thứ hai liên tiếp, ngành giáo dục Việt Nam phải triển khai các ứng dụng dạy học trực tuyến tại các cơ sở giáo dục. Điều này khiến cho thị trường giáo dục trực tuyến (e-learning) cũng như thị trường công nghệ giáo dục trực tuyến (edtech) tại Việt Nam nóng hơn bao giờ hết. Trong năm vừa qua, số lượng doanh nghiệp chọn lĩnh vực giáo dục để khởi nghiệp (Startup) tăng mạnh. Riêng thị trường edtech đã thu hút khoảng hơn 100 startup trong nước. Bên cạnh đó, năm 2021, lĩnh vực giáo dục và đào tạo cũng chứng kiến hàng chục thương vụ M&A thành công như: Thương vụ Công ty Du lịch Vietravel tuyên bố sở hữu 66% cổ phần của Trường Cao đẳng Quốc tế Kent, Công ty CP Đầu tư Phát triển Giáo dục Hutech mua lại Đại học Kinh tế – Tài chính TP.HCM (UEF) với giá hơn 100 tỷ đồng, Công ty CP Phát triển Hùng Hậu mua lại Đại học Văn Hiến khoảng 60 tỷ đồng... Hơn nữa, thị trường giáo dục trực tuyến Việt Nam còn có sự góp mặt của không ít công ty nước ngoài đang tiến vào thị trường Việt Nam. Điển hình như Gakken Holdings của Nhật Bản hợp tác với công ty KiddiHub Education Technology (Việt Nam), đơn vị vận hành nhiều website thông tin liên quan đến đào tạo bậc mẫu giáo.
Cũng trong năm vừa qua, ngành Y tế Việt Nam đã có bước chuyển đổi số mạnh mẽ. 100% các bệnh viện trên toàn quốc đã triển khai hệ thống thông tin quản lý bệnh viện; nhiều cơ sở đã triển khai bệnh án điện tử thay cho bệnh án giấy; triển khai hệ thống lưu trữ và truyền tải hình ảnh (PACS) thay cho in phim. Bên cạnh đó, ngành Y tế đã xây dựng hệ thống tư vấn khám, chữa bệnh từ xa và kết nối vạn vật trong y tế. Nhiều cơ sở y tế cũng triển khai ứng dụng trí tuệ nhân tạo, ứng dụng rô-bốt trong y tế; thí điểm đưa ứng dụng“điện toán biết nhận thức” hỗ trợ điều trị ung thư tại một số bệnh viện. Kết quả chuyển đổi số ngành Y tế trong năm 2021 đã đem lại nhiều lợi ích cho cả cơ sở y tế và người dân.
Năm 2021 còn được chứng kiến sự tăng trưởng vượt bậc của lĩnh vực giải trí trực tuyến. Với sự phát triển nền tảng truyền thông đa phương tiện, thị trường giải trí trực tuyến Việt Nam trong năm vừa qua đã tạo nên bức tranh công nghệ giải trí số đa sắc màu với nhiều hình thức đa dạng như hoạt động truyền hình, báo chí, phim ảnh, game shows, video, trò chơi trực tuyến (game online), thể thao điện tử (eSports) hay thậm chí là nghe nhạc trực truyến từ loạt live show được tổ chức trên không gian mạng của giới ca sĩ… Trong đó, game online là một trong những chương trình nổi bật, tạo ra một thị trường khá sôi động, thu hút lượng lớn người chơi. Theo báo cáo của We are social 2021, thị trường này tại Việt Nam có khoảng 40 triệu người chơi. Trong đó chủ yếu chơi game trên smartphone (85%), PC (44,4%), Tablet (22,6%), Console (8,6%). Chi phí phí mua ứng dụng game mobile của Việt Nam trong năm 2021 ước tính có thể lên đến 205 triệu USD.
Song hành cùng các lĩnh vực trên là sự phát triển mạnh mẽ của dịch vụ tài chính số với yếu tố quan trọng là thanh toán số. Năm 2021, thanh toán số được đánh giá là mảng dịch vụ phát triển khá nhanh, với loại hình ví điện tử chiếm tới 90% thị phần trung gian thanh toán cả về số lượng và giá trị giao dịch. Chỉ tính đến hết tháng 4/2021, Việt Nam đã có tới trên 40 công ty không phải là các tổ chức phi ngân hàng được cấp phép tham gia vào hoạt động thanh toán, cung cấp cho khách hàng và các nhà bán lẻ các dịch vụ thanh toán trực tuyến hoặc các giải pháp thanh toán kỹ thuật số như: MoMo, Grappay by Moca, Airpay, VinID pay, Zalo pay, VNpay QR... Đây cũng chính là những công ty có mức tăng trưởng ấn tượng về dịch vụ thanh toán điện tử hiện nay. Bên cạnh đó, trong năm 2021, Chính phủ ban hành Quyết định phê duyệt triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ (Mobile money). Đây là cơ sở pháp lý quan trọng của hoạt động thanh toán và tiền kỹ thuật số, tạo tiền đề cho sự gia nhập của các công ty lớn về viễn thông trong việc cung ứng dịch vụ này. Ngoài ra, hoạt động cho vay ngang hàng và không gian blockchain cũng có mức tăng trưởng mạnh nhất trong thị trường dịch vụ tài chính số nước ta.
Ảnh minh họa, nguồn Internet
Dù đã có bước phát triển khá ấn tượng, tuy nhiên các chuyên gia kinh tế vẫn phải phải hừa nhận rằng, nền kinh tế số Việt Nam phát triển chủ yếu dựa trên các nền tảng sáng tạo đã có sẵn của thế giới, những nền tảng phát triển bởi Việt Nam còn hạn chế, tập trung chủ yếu ở các nền tảng thương mại điện tử, khả năng cạnh tranh chưa thực sự cao so với các nền tảng thương mại lớn của các tập đoàn/công ty đa quốc gia. Bên cạnh đó, mức độ chủ động tham gia phát triển nền tảng kinh doanh tại Việt Nam cũng còn nhiều yếu kém và tự phát.
Bên cạnh đó, nền kinh tế số của Việt Nam vẫn còn những điểm yếu như đầu tư hạ tầng số, cơ sở dữ liệu còn đang phân mảnh cả chiều ngang lẫn chiều dọc; khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo chưa thực sự là động lực phát triển kinh tế - xã hội; hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia mới được hình thành, chưa đồng bộ và hiệu quả; thể chế, chính sách phát triển kinh tế số còn nhiều bất cập; cơ cấu và chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu; việc chyển đổi số vẫn còn phân tán, tách biệt giữa các cơ quan, bộ, ngành, địa phương.
Với quy mô dân số gần 10 triệu dân, 99% người tiêu dùng kỹ thuật số Việt Nam có ý định tiếp tục sử dụng các dịch vụ trực tuyến trong tương lai, “gã khổng lồ công nghệ” Google, Temasek và Bain & Co dự báo vào năm 2025, quy mô nền kinh tế số Việt Nam sẽ đạt 57 tỷ USD, với tốc độ tăng trưởng kép hằng năm (CAGR) đạt 29%. Vào thời điểm đó, nền kinh tế số Việt Nam sẽ vượt qua Thái Lan (quy mô dự kiến 56 tỷ USD) và bỏ xa Malaysia (35 tỷ USD). Đến năm 2030, ước tính nền kinh tế số tại Việt Nam dựa trên GMV sẽ đạt 220 tỷ USD tổng giá trị hàng hóa (GMV- Gross Merchandise Value), tức là tăng 11 lần trong 9 năm tới và Việt Nam sẽ trở thành nền kinh tế số có giá trị lớn thứ 2 trong khu vực Đông Nam Á, chỉ xếp sau Indonesia.
Những con số dự báo này là niềm tin để Việt Nam đạt được các mục tiêu đặt ra trong Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 là nước ta thuộc nhóm 50 nước dẫn đầu về chính phủ điện tử, liên quan đến phát triển kinh tế số, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, mục tiêu đến năm 2025 là kinh tế số chiếm 20% GDP; tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10%; đến năm 2030, kinh tế số chiếm 30% GDP; tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 20%./.
Bích Ngọc