Phát triển ngành công nghiệp Hóa chất đến năm 2030

25/08/2022 - 09:10 AM
Khẳng định vị thế ngành

Công nghiệp Hóa chất là một ngành công nghiệp có sự đa dạng về sản phẩm, phục vụ cho tất cả các ngành liên quan đến kinh tế kỹ thuật như: Sản xuất phân bón, hợp chất ni tơ, plastic, cao su tổng hợp dạng nguyên sinh, chất tẩy rửa, sơn, vecni..., đồng thời giải quyết việc làm cho lượng lớn lao động. Theo Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (VITIC), tại 6 vùng kinh tế trên cả nước có khoảng trên 1,81 nghìn doanh nghiệp sản xuất hóa chất, trong đó có 894 doanh nghiệp sản xuất phân bón (chiếm 49%), 106 doanh nghiệp sản xuất hóa chất bảo vệ thực vật (chiếm 16%), 68 doanh nghiệp sản xuất hóa chất cơ bản (chiếm khoảng 4%), 14 doanh nghiệp sản xuất sản phẩm hóa dầu (chiếm 1%)… Ngành công nghiệp hóa chất hiện đem lại việc làm cho 2,7 triệu lao động, trong đó có 725 nghìn lao động trực tiếp tham gia sản xuất hóa chất và các sản phẩm hóa chất.

Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, ngành công nghiệp Hóa chất vẫn đang duy trì tốt sự tăng trưởng bằng những điểm sáng cả trong sản xuất và tiêu thụ. 6 tháng đầu năm 2022, chỉ số sản xuất công nghiệp của ngành sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất tăng 3,5% so với cùng kỳ năm ngoái, riêng tháng 6/2022 tăng 7,4% so với tháng bình quân năm gốc 2015. Trong đó sản xuất mỹ phẩm, xà phòng, chất tẩy rửa, làm bóng và chế phẩm vệ sinh tăng cao nhất 7,7% so với 6 tháng đầu năm 2021, trong tháng 6/2022 tăng 20,7% so với tháng bình quân năm gốc 2015; tiếp đến là sản xuất plastic và cao su tổng hợp dạng nguyên sinh với 3,8% so với 6 tháng đầu năm 2021, trong tháng 6/2022 tăng 60,6% so với tháng bình quân năm gốc 2015.

Bên cạnh đó, là sản phẩm góp mặt trong danh mục các ngành hàng có kim ngạch xuất khẩu trị giá tỷ đô, năm 2021, xuất khẩu hóa chất đã bật lên với mức tăng ngoạn mục sau khi sụt giảm trong 2 năm 2019 và 2020 do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19. Kết quả, kim ngạch xuất khẩu ngành hàng hóa chất năm 2021 đạt trị giá 2,51 tỷ USD, tăng 43,5% so với năm 2020; xuất khẩu các sản phẩm hóa chất đạt 1,98 tỷ USD, tăng 33,7%. 6 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu hóa chất đạt 1,68 tỷ USD, tăng 59,3% so với cùng kỳ năm trước; xuất khẩu các sản phẩm hóa chất đạt 1,16 tỷ USD, tăng 27,2%.

 
Phát triển ngành công nghiệp Hóa chất đến năm 2030
Ảnh minh họa, nguồn Internet

Trong giai đoạn từ năm 2016 đến 8 tháng năm 2021, cơ cấu thị trường xuất khẩu hóa chất của Việt Nam đã có sự chuyển dịch rõ rệt khi thị phần xuất khẩu sang Trung Quốc tăng lên và thị phần của Ấn Độ, Nhật Bản giảm xuống. Theo đánh giá của Trung tâm Thương mại quốc tế (ITC), giai đoạn 2016-2020, một số mặt hàng hóa chất xuất khẩu chủ lực của Việt Nam đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn tốc độ tăng trưởng nhập khẩu của thế giới trong cùng giai đoạn. Cụ thể, corundum nhân tạo đã hoặc chưa xác định về mặt hóa học; nhôm ôxit; nhôm hydroxit đạt mức tăng trưởng xuất khẩu bình quân 23% trong giai đoạn 2016-2020. Trong khi đó, nhập khẩu của thế giới trong giai đoạn này chỉ tăng khoảng 8%. Ngoài ra, hydro, khí hiếm và các phi kim loại khác xuất khẩu của Việt Nam cũng tăng 5% trong giai đoạn kể trên trong khi thế giới giảm 6%. Cùng với đó, kẽm oxit; kẽm peroxide; oxit titan; clorua; oxit clorua và hiđroxit clorua; bromua và oxit bromua; iotua... cũng đạt tốc độ tăng trưởng xuất khẩu cao trong giai đoạn 2016-2020.

Trong thời gian tới, xuất khẩu hoá chất có nhiều cơ hội cải thiện kim ngạch xuất khẩu vào Liên minh châu Âu (EU) nhờ tác động từ thuế suất giảm dần về 0% tại Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA). Những mặt hàng hóa chất mà doanh nghiệp Việt Nam có thể tận dụng tốt cơ hội nhờ EVFTA gồm: Hóa chất cơ bản và chất giặt rửa. Cụ thể, theo EVFTA, đối với các mặt hàng chất giặt rửa (HS 3402), thuế suất được điều chỉnh từ 4% về 0% ngay khi Hiệp định có hiệu lực; với mặt hàng phốt pho (HS 2804 7000), thuế suất cũng được điều chỉnh giảm từ 5,5% về 0% ngay khi EVFTA có hiệu lực…


Phát triển công nghiệp hóa chất với vai trò là một trong những ngành công nghiệp nền tảng
 
Đánh giá được tầm quan trọng, vai trò của công nghiệp Hóa chất đối với các ngành công nghiệp khác và với nền kinh tế, Nhà nước đã dành nhiều sự quan tâm và định hướng phát triển ngành theo từng giai đoạn. Gần đây, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 726/QĐ-TTg ngày 16/6/2022 phê duyệt Chiến lược phát triển ngành công nghiệp Hóa chất Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2040. Theo đó, quan điểm chỉ đạo của Chính phủ là xây dựng ngành công nghiệp Hóa chất với vai trò là một trong những ngành công nghiệp nền tảng, góp phần quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, góp phần đảm bảo an ninh quốc phòng. Chuyển dịch cơ cấu nhằm gia tăng giá trị tăng thêm của sản phẩm để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của ngành; đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu trong nước và đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm; khai thác các lợi thế và cơ hội quốc tế, chủ động tham gia sâu vào chuỗi giá trị sản xuất ngành công nghiệp Việt Nam và thế giới. Phát triển ngành công nghiệp Hóa chất trên cơ sở huy động hiệu quả các nguồn lực từ mọi thành phần kinh tế; khuyến khích phát triển khu vực kinh tế tư nhân nhằm phát huy nội lực. Kết hợp hài hòa giữa phát triển chiều rộng và chiều sâu, phát triển nhanh và bền vững ngành công nghiệp hóa chất. Các định hướng, giải pháp phát triển ngành công nghiệp Hóa chất phải được thực hiện một cách triệt để, quyết liệt với sự tham gia của cả hệ thống chính trị, các cấp ủy, chính quyền trung ương và địa phương, các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế; gắn với các ưu tiên chiến lược.

Phát triển ngành công nghiệp Hóa chất xác định mục tiêu tổng quát đến năm 2030, xây dựng ngành công nghệ hóa chất có cơ cấu tương đối hoàn chỉnh, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu trong nước và đẩy mạnh xuất khẩu, chú trọng ưu tiên phát triển một số phân ngành trọng điểm. Hình thành chuỗi giá trị tham gia sâu vào mạng lưới sản xuất ngành công nghệ Việt Nam và khu vực, ứng dụng công nghệ số hiện đại, thu hút đầu tư của các doanh nghiệp lớn trong ngành. Phân bố hợp lý lực lượng sản xuất theo ngành và vùng lãnh thổ, hình thành và phát huy hiệu quả các khu, cụm công nghiệp tập trung, các tổ hợp sản xuất quy mô lớn. Mục tiêu dài hạn đến năm 2040, ngành công nghiệp Hóa chất Việt Nam được phát triển với đa số các phân ngành có công nghệ tiên tiến chất lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế, tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu, sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, cạnh tranh bình đẳng trong hội nhập quốc tế; đội ngũ lao động chuyên nghiệp, có kỷ luật và năng suất cao; bước đầu chủ động trong các khâu nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, làm chủ công nghệ sản xuất một số sản phẩm chất lượng cao; phát huy nội lực, góp phần vào phát triển một nền kinh tế Việt Nam độc lập, tự chủ.

Chiến lược đặt ra mục tiêu cụ thể: Phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng công nghiệp ngành Hóa chất đạt bình quân từ 10 - 11%/năm và tỷ trọng ngành công nghiệp Hóa chất so với toàn ngành công nghiệp đạt khoảng 4-
5% vào năm 2030; giai đoạn đến năm 2040, tốc độ tăng trưởng công nghiệp ngành Hóa chất đạt bình quân từ 7 - 8%/năm và tỷ trọng ngành công nghiệp hóa chất so với toàn ngành công nghiệp duy trì khoảng 4 - 5%. Đến năm 2030, duy trì mức đáp ứng nhu cầu trong nước đối với các loại phân bón ure, lân, NPK, sản phẩm thuốc bảo vệ thực vật, săm lốp, khí công nghiệp, sơn - mực in thông dụng, chất tẩy rửa, pin thông dụng và phát triển thị trường xuất khẩu. Đáp ứng được một phần nhu cầu trong nước các sản phẩm phân bón sunfat amon. Nâng khả năng đáp ứng nhu cầu trong nước bình quân của các sản phẩm hóa dầu lên 40%, hoạt chất bảo vệ thực vật lên 30%, hóa chất cơ bản lên 70%, cao su kỹ thuật lên 40%, ắc quy lên 75%. Đến năm 2040, đáp ứng được một phần nhu cầu trong nước các sản phẩm hóa chất cơ bản hữu cơ, sơn đặc chủng, pin - ắc quy công nghệ cao. Nâng khả năng đáp ứng nhu cầu trong nước bình quân của các sản phẩm hóa dầu lên 60%, hoạt chất bảo vệ thực vật lên 50%, hóa chất cơ bản lên 80%, cao su kỹ thuật lên 50%, ắc quy lên 80%. Phấn đấu nhịp độ tăng trưởng xuất khẩu bình quân 9-11%/năm trong thời kỳ 2021-2030, giai đoạn 2030-2040 tăng trưởng bình quân 7,5-9%/năm. Cân bằng cán cân thương mại trong giai đoạn 2021 - 2030, tiến tới duy trì thặng dư thương mại bền vững giai đoạn 2030 - 2040; hướng đến cán cân thương mại với các đối tác lành mạnh, hợp lý, từ đó bảo đảm tăng trưởng bền vững trong dài hạn.
 
Phát triển công nghiệp Hóa chất Việt Nam theo hướng là một ngành công nghiệp nền tảng, hiện đại với cơ cấu ngành tương đối hoàn chỉnh gồm 10 phân ngành: Phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, hóa dược, hóa dầu, hóa chất cơ bản (gồm cả tiền chất thuốc nổ và vật liệu nổ công nghiệp), các sản phẩm cao su, điện hóa, chất tẩy rửa, sơn - mực in, khí công nghiệp. Sắp xếp lại các cơ sở sản xuất hiện có theo hướng tập trung, quy mô. Đẩy mạnh đổi mới, sắp xếp và nâng cao hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước thuộc ngành hóa chất, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn nhà nước trong các doanh nghiệp nhà nước, khắc phục đầu tư phân tán, dàn trải, không hiệu quả. Phát triển công nghiệp Hóa chất theo hướng tập trung, phù hợp với lợi thế của từng vùng, từng địa phương, không dàn đều theo địa giới hành chính, bảo đảm yêu cầu bảo vệ môi trường, quốc phòng, an ninh. Đó là những định hướng chung đặt ra cho công cuộc phát triển ngành công nghiệp Hóa chất đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2040.

Để hoàn thành các mục tiêu đã đặt ra, ngành công nghiệp Hóa chất Việt Nam cần thực hiện các giải pháp đột phá, bao gồm: Hình thành các khu công nghiệp hóa chất tập trung và trung tâm logistics; Đổi mới thể chế quản lý hoạt động đầu tư trong ngành công nghiệp hóa chất. Bên cạnh đó là một số giải pháp chung đối với toàn ngành, trong đó chú trọng đổi mới cơ chế chính sách, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính đáp ứng yêu cầu phát triển. Nâng cao hiệu quả đầu tư và sản xuất kinh doanh tại các doanh nghiệp bằng các chính sách có trọng tâm, trọng điểm; tăng cường hợp tác quốc tế; đẩy nhanh quá trình cổ phần hóa, tái cơ cấu. Tăng cường hợp tác và đa dạng hóa các mối liên kết trong sản xuất, tăng cường sự liên kết giữa các địa phương trong vùng kinh tế, triển khai các dự án phát triển công nghiệp Hóa chất quy mô lớn, mang tính liên vùng; song song với giải pháp về môi trường. Phát triển khoa học công nghệ và phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao cũng là những giải pháp trọng điểm trong bối cảnh Việt Nam đang trên đà công nghiệp hóa, hiện đại hóa và xây dựng chính phủ số, nền kinh tế số. Song song với đó là các giải pháp được cụ thể hóa theo các phân ngành, gồm: Hóa chất cơ bản, hóa dầu, các sản phẩm cao su, hóa dược, phân bón, sơn - mực in, chất tẩy rửa, khí công nghiệp, nguồn điện hóa học./.

 
Minh Hà
Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top