Phát triển trái cây thành ngành hàng chiến lược

30/12/2019 - 03:11 PM
Trái cây Việt Nam hiện đã có mặt ở 60 quốc gia trên thế giới, mức tăng trưởng bình quân đạt 15%/năm. Liên tiếp nhiều loại trái cây của Việt Nam đã được xuất khẩu (XK) vào các thị trường khó tính như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Úc… đã mở ra “bức tranh tươi sáng” cho ngành rau quả, đồng thời đưa trái cây trở thành một trong những ngành hàng chiến lược của nông nghiệp Việt Nam.
 
Từng bước chiếm lĩnh những thị trường khó tính

Số liệu từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho thấy, qua các năm thị trường xuất khẩu trái cây Việt Nam không ngừng được mở rộng, trái cây Việt Nam đã từng bước ghi dấu ấn tại nhiều quốc gia trên thế giới, giá trị XK của mỗi loại trái cây ngày càng được nâng lên: Năm 2017, trái cây XK đạt 3,5 tỷ USD, tăng gần gấp đôi so với năm 2016 (1,7 tỷ USD). Năm 2018, XK trái cây đạt gần 4 tỷ USD. Trong 6 tháng đầu năm 2019, giá trị xuất khẩu rau quả ước đạt 2,06 tỷ USD, tăng 3,9% so với cùng kỳ năm 2018, trong đó, trái cây có giá trị là 1,6 tỷ USD, tăng 11,9%.

PHÁT TRIỂN TRÁI CÂY THÀNH NGÀNH HÀNG CHIẾN LƯỢC

Ảnh minh họa, nguồn Internet

Đặc biệt sau nhiều năm đàm phán, Việt Nam đã dỡ bỏ được hàng rào kỹ thuật để trái cây vào được các thị trường khó tính như: Úc, Mỹ, New Zealand, Nhật, Hàn Quốc... hiện trái cây Việt Nam đã thâm nhập thị trường của 60 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các loại quả XK chính của Việt Nam gồm: Thanh long, nhãn, xoài, sầu riêng, dưa hấu.

Tại thị trường Mỹ, đến nay đã có 6 loại trái cây tươi Việt Nam được phép nhập khẩu như: Vú sữa, nhãn lồng đặc sản Hưng Yên, vải thiều và gần đây nhất là trái xoài. Năm 2018, Mỹ đã nhập khẩu của Việt Nam gần 5,4 nghìn tấn thanh long (tăng 797 tấn so với năm 2017), gần 237 tấn chôm chôm (tăng 47 tấn so với năm 2017); vú sữa xuất khẩu năm đầu tiên đã đạt sản lượng hơn 278,5 tấn (vượt cả chôm chôm). Đối với quả nhãn, tiêu thụ rất tốt tại Mỹ nhưng năm 2018 do ảnh hưởng dịch hại nên sản lượng sụt giảm và đang dần khôi phục trong năm 2019.

Còn tại thị trường Úc, hàng năm nước này nhập rau củ quả của Việt Nam với trị giá khoảng 20 triệu USD. Sau hơn 12 năm đàm phán, năm 2015, Úc đã cấp giấp phép nhập khẩu trái vải - trái cây tươi đầu tiên của Việt Nam được nhập vào Úc. Tiếp theo, năm 2016, Úc cấp phép nhập xoài Việt Nam và năm 2017 cấp phép cho trái thanh long sau 7 năm đàm phán. Năm 2019, quả nhãn tiếp tục được XK vào thị trường này sau khi vượt qua quy chuẩn kiểm tra chất lượng từ phía đối tác. Điều này mở ra cơ hội cho quả nhãn Việt Nam tiến đến một thị trường lớn, đồng thời tiếp thêm hy vọng và động lực cho người nông dân cũng như các doanh nghiệp Việt trên con đường đưa nông sản Việt đi chinh phục thế giới.

Vào cuối năm 2018, lô chôm chôm đầu tiên của Việt Nam được XK sang thị trường New Zealand. Như vậy, sau thanh long và xoài, chôm chôm là loại trái cây thứ 3 của Việt Nam vào được New Zealand, thị trường vốn nổi tiếng khó tính với các yêu cầu, tiêu chuẩn kiểm dịch rất cao. Hiện nay, Việt Nam là quốc gia đầu tiên XK trái chôm chôm vào quốc gia này.

Từ năm 2009, trái thanh long ruột trắng bắt đầu hành trình chinh phục người tiêu dùng Nhật Bản - thị trường khó tính bậc nhất thế giới và cũng nổi tiếng về xuất khẩu một lượng lớn trái cây giá trị cao đi nhiều
nước trên thế giới. Chỉ một thời gian ngắn sau đó, thanh long đỏ cũng được chấp thuận nhập khẩu chính ngạch vào thị trường này và đến nay đã được xuất khẩu đều đặn sang Nhật Bản với tỷ trọng lớn trong hơn
1.000 tấn thanh long mà nước này nhập khẩu mỗi năm. Lô xoài Cát Chu đầu tiên được xuất khẩu vào Nhật là cuối năm 2015 và phải mất 5 năm để chuẩn bị hồ sơ, xây dựng quy trình xử lý dịch hại mới được phía Nhật chấp thuận. Đối với vải thiều, năm 2014, một số doanh nghiệp Việt đã đàm phán và xuất khẩu thành công lô vải thiều sang Nhật Bản và tiếp tục duy trì đến nay. Có thời điểm, vải thiều Lục Ngạn được bán trong siêu thị tại Nhật Bản với giá khoảng 1.980 yên/12 quả, tương đương khoảng 400.000 đồng.

Còn tại thị trường Trung Quốc, đến nay, đã có 8 loại trái cây của Việt Nam gồm: Thanh long, dưa hấu, vải, nhãn, chuối, xoài, mít và chôm chôm được XK chính ngạch sang Trung Quốc. Tính đến hết năm 2018, Trung Quốc đang là thị trường XK trái cây, rau quả lớn nhất của Việt Nam. Theo số liệu thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, trong gần 4 tỷ USD giá trị xuất khẩu của ngành rau quả của năm 2018, riêng thị trường Trung Quốc đạt gần 2,8 tỷ USD, chiếm 70% tỷ trọng xuất khẩu. Dự báo, trong năm 2019, XK rau quả có thể chinh phục thị trường này với giá trị 3 tỷ USD, thậm chí có thể hơn.

Có thể nói, sự tăng trưởng XK trái cây Việt Nam tại các thị trường khó tính và khắt khe về tiêu chuẩn chất lượng đã phần nào cho thấy chất lượng sản phẩm trái cây của Việt Nam đang có chiều hướng phát triển khá tốt, đồng nghĩa với việc sản xuất nông nghiệp đã tiến tới đáp ứng được các tiêu chuẩn nghiêm ngặt về truy xuất nguồn gốc. Đây là những tín hiệu tích cực, mở ra bức tranh tươi sáng cho mục tiêu tăng trưởng ngành trái cây nói riêng và ngành nông nghiệp Việt Nam nói chung.

Phát triển trái cây thành ngành hàng chiến lược

Trong định hướng tái cơ cấu ngành nông nghiệp của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trái cây được coi là một trong 9 ngành hàng chủ lực bên cạnh các ngành hàng thủy sản, lúa gạo, hạt điều, chế biến và xuất khẩu gỗ, đồ gỗ, cà phê, cao su, tiêu. Với mục tiêu xuất khẩu từ 4-4,2 tỷ USD vào năm 2020, ngành sản xuất và xuất khẩu trái cây của Việt Nam đã đặt ra nhiều nhiệm vụ như: Xây dựng vùng nguyên liệu trái cây có chất lượng ổn định, phục vụ cho hoạt động chế biến và xuất khẩu, mở rộng thị trường trái cây Việt, tăng khả năng cạnh tranh cho trái cây Việt Nam trên thị trường thế giới lẫn thị trường nội địa… Các nhiệm vụ này đều nhằm mục đích thúc đẩy ngành hàng trái cây Việt Nam trở thành một trong những ngành hàng chiến lược của nền nông nghiệp.

Thời gian qua, các bộ, ngành và địa phương đang đưa ra nhiều giải pháp nhằm phát triển bền vững diện tích cây ăn quả, tạo những vùng nguyên liệu có chất lượng. Theo thống kê của Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), năm 2018, diện tích cây ăn quả các loại trên địa bàn cả nước đạt 950 nghìn ha, sản lượng đạt 8,8 triệu tấn. Sản lượng và chất lượng các loại hoa quả chủ lực, có lợi thế của cả nước từng vùng đều tăng mạnh. Ðiển hình như: Xoài tăng 5,7%; cam tăng 9,1%; bưởi tăng 12,2%; nhãn tăng 8,4%; vải tăng 60,6%. Bên cạnh đó, cả nước có khoảng 67.580 ha cây ăn quả được cấp giấy chứng nhận VietGAP. Riêng các tỉnh phía Nam hiện có hơn 596 nghìn ha cây ăn quả; trong đó có 14 loại quả có diện tích lớn với tổng sản lượng hàng năm hơn 6,6 triệu tấn quả các loại. Trong đó, xoài có diện tích lớn nhất 80 nghìn ha, chuối 78 nghìn ha, thanh long 53 nghìn ha, cam 44 nghìn ha, bưởi 44 nghìn ha...

Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là vùng trồng cây ăn quả chủ lực, với khoảng 350 nghìn ha, chiếm gần 40% diện tích của cả nước. Hàng năm, ĐBSCL cung cấp cho thị trường khoảng 4 triệu tấn quả, với nhiều loại trái cây bản địa ngon nổi tiếng như: Xoài cát Hòa Lộc, xoài Cát Chu, vú sữa Lò Rèn, sầu riêng Chín Hóa, bưởi da xanh, bưởi Năm Roi, quýt hồng, sa pô lồng mứt. Trong thời gian gần đây ĐBSCL không chỉ là vùng trồng cây ăn quả chủ lực, cung cấp trái cây cho nhiều tỉnh, thành trong nước mà còn đóng vai trò quan trọng trong cung cấp trái cây nguyên liệu cho xuất khẩu tươi và chế biến. Theo kế hoạch, diện tích cây ăn trái của khu vực ĐBSCL đến năm 2030 sẽ tăng thêm 330 nghìn ha, đạt 680 nghìn ha. Để có thể phát triển diện tích sản xuất này, Cục Trồng trọt cũng đã có kế hoạch phối hợp với ngành nông nghiệp các địa phương, Trung tâm khuyến nông các tỉnh thúc đẩy cải tạo các vườn tạp trái cây, dừa, đa dạng hóa hệ thống canh tác cây ăn trái, kết hợp trồng xen các loại cây ăn trái khác dưới tán như xoài xen cây cảnh, dừa xen ca cao…

Tuy nhiên, sản xuất trái cây tại Việt Nam hiện vẫn còn nhỏ lẻ, phân tán, gây khó khăn trong việc cơ giới hóa. Đồng thời, trái cây phục vụ cho chế biến, xuất khẩu, đặc biệt là sản phẩm xuất khẩu sang thị trường khó tính như: Mỹ, châu Âu, Nhật Bản… phải đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng do thị trường đặt ra (GlobalGAP), nhưng diện tích sản xuất theo các tiêu chuẩn quốc tế vẫn còn khiếm tốn. Hơn nữa, tiêu chí sản xuất khắt khe, kênh kết nối giữa các đơn vị sản xuất trái cây theo tiêu chuẩn Global GAP với doanh nghiệp chế biến các sản phẩm đạt tiêu chuẩn này lại lỏng lẻo, chưa gặp nhau để có thể thực hiện liên kết sản xuất và tiêu thụ; Số còn lại chạy theo số lượng, sản xuất dễ dãi nên khó thực hiện liên kết để cung ứng cho chế biến và xuất khẩu. Do đó, ngành trái cây muốn trở thành một ngành hàng chủ lực thì các kênh phải gặp được nhau mới phát huy thế mạnh của từng bên. Trái cây chất lượng sẽ phát huy được giá trị, sản phẩm chất lượng tìm được doanh nghiệp phù hợp để thẳng bước ra thị trường.

Trước những yêu cầu khắt khe đối với trái cây xuất khẩu tại các thị trường khó tính, người sản xuất trong nước buộc phải tuân thủ các tiêu chí an toàn, vệ sinh thực phẩm do khách hàng quốc tế đưa ra. Tuy nhiên, tỷ lệ các doanh nghiệp sản xuất trái cây theo chất lượng quốc tế hiện còn rất thấp. Hiện nay, cả nước không có nhiều doanh nghiệp lớn, sẵn sàng đầu tư vào vùng nguyên liệu trái cây chất lượng, phục vụ cho xuất khẩu và chế biến trong nước. Vì vậy, các doanh nghiệp Việt cần đẩy mạnh đầu tư xây dựng các vùng nguyên liệu trái cây có chất lượng, vượt qua những rào cản về yêu cầu bảo quản trái cây tại các thị trường khó tính, đáp ứng các tiêu chí xuất khẩu hiện nay.

Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện chỉ có 30% sản lượng trái cây được đưa vào chế biến, xuất khẩu, số còn lại chủ yếu xuất khẩu tươi và tiêu thụ trong nước. Khi được tiêu thụ tươi, thời gian bảo quản trái cây ngắn, làm tỷ lệ hao hụt cao và giảm giá trị mặt hàng. Bên cạnh đó, cả nước hiện đang có 150 nhà máy chế biến trái cây, trong đó, có 18 nhà máy chế biến sâu, số lượng nhà máy có công suất lớn không nhiều, khiến đầu ra” cho trái cây Việt còn nhiều hạn chế. Vì vậy, để ngành sản xuất và chế biến trái cây tiếp tục tăng trưởng cần đầu tư đổi mới công nghệ chế biến, đặc biệt chú trọng đến công nghệ chế biến sâu đđa dạng hóa các sản phẩm trái cây như: Quả đông lạnh, đóng hộp, chiên sấy, nước quả tự nhiên, nước quả cô đặc...

Ngành nông nghiệp đặt mục tiêu cho trái cây Việt Nam đến năm 2030 sẽ tổ chức lại sản xuất 100% diện tích trái cây thành những vùng nguyên liệu tập trung, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và các tiêu chuẩn các quốc gia khó tính yêu cầu, truy xuất nguồn gốc, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Đồng thời, tăng cường quảng bá hình ảnh, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tìm kiếm và mở rộng thâm nhập vào các thị trường quốc tế. Khi những mắt xích trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ trái cây được thực hiện tốt từng khâu, mối liên kết chuỗi hình thành và phát triển chặt chẽ, ngành hàng trái cây Việt Nam mới đi vào sản xuất và tiêu thụ ổn định, trở thành ngành hàng chiến lược của nông nghiệp Việt Nam./.

 
ThS. Lưu Thị Duyên
Đại học Thương mại

 

Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top