Xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc gặp khó

16/04/2020 - 04:24 PM
Những năm qua, Trung Quốc luôn là thị trường lớn và tiềm năng đối với xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam, đặc biệt là lĩnh vực nông, thủy sản. Tuy nhiên, hiện nay đang có nhiều yếu tố gây ảnh hưởng bất lợi đến hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc như: Các tiêu chuẩn xuất khẩu hàng hóa vào Trung Quốc ngày càng khắt khe và tình hình dịch viêm phổi cấp do virut Corona khởi phát từ Trung Quốc đang có những diễn biến phức tạp.
 
Thị trường Trung Quốc ngày càng nhiều tiêu chuẩn khắt khe hơn

Thời gian gần đây, Trung Quốc đã có những động thái mới trong chính sách và thực thi chính sách đối với hàng hóa xuất nhập khẩu. Cụ thể, từ năm 2018 đến nay, Trung Quốc đã triển khai đồng bộ nhiều biện pháp nhằm bảo đảm thực thi nghiêm túc và đầy đủ các quy định đã ban hành về kiểm nghiệm – kiểm dịch, truy xuất nguồn gốc, bao bì, nhãn mác, chứng thư xuất khẩu... Để quản lý chất lượng hàng hóa nhập khẩu theo ngành dọc, Trung Quốc đã cơ cấu lại bộ máy quản lý, sáp nhập Tổng cục Giám sát chất lượng, kiểm nghiệm, kiểm dịch quốc gia (AQSIQ) về Tổng cục Hải quan Trung Quốc. Ngoài ra, Trung Quốc cũng tăng cường công tác thực thi pháp luật, các chính sách thương mại biên giới được siết chặt theo hướng ngày càng đi vào chính quy, trọng tâm là tăng cường giám sát, thực hiện nghiêm các quy định của Trung Quốc đối với hoạt động nhập khẩu nông, thủy sản trên tuyến biên giới đất liền.

 
Xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc gặp khó

Ảnh minh họa, nguồn Internet

Nếu như trước đây Trung Quốc được coi là thị trường dễ tính của nông sản Việt thì giờ đã có nhiều thay đổi lớn trong việc nhập khẩu. Trung Quốc áp dụng hạn ngạch thuế quan đối với một số hàng nông sản nhập khẩu, đồng thời đưa ra một số yêu cầu riêng biệt nhằm siết chặt việc thực thi các quy định đã ban hành trước đây đối với nhóm mặt hàng này. Đầu tiên là chỉ định cửa khẩu nhập khẩu. Cụ thể, Trung Quốc chỉ cho phép nhập một số mặt hàng nông sản, chủ yếu là trái cây qua các cửa khẩu nhất định như cửa khẩu Quảng Tây, Vân Nam. Ngoài ra, Trung Quốc còn thực hiện nghiêm các biện pháp quản lý chất lượng, truy xuất nguồn gốc đối với nông sản, thủy sản của Việt Nam.

Theo thông tin của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT), nhiều quy định nhập khẩu nông sản vào Trung Quốc đã được thay đổi với những quy chuẩn cao và khắt khe hơn. Đơn cử với quả chuối, Trung Quốc yêu cầu phải có hộp đóng gói đầy đủ; Với quả mít, yêu cầu bao gói là giấy xi măng sạch sẽ, đầy đủ tem nhãn về truy xuất nguồn gốc; Với dưa hấu, yêu cầu thay lót rơm bằng xốp lưới nilon và phải dán mã truy xuất nguồn gốc… Ngoài ra, tất cả các loại trái cây nhập khẩu sang Trung Quốc phải đăng ký mẫu tem truy xuất nguồn gốc tại cơ quan hải quan của Trung Quốc và dán tem nhãn này trên các sản phẩm hoặc trên bao bì. Thông tin trên tem nhãn phải gồm các thông tin về vườn trồng, cơ sở đóng gói… được cơ quan nước xuất khẩu thông báo chính thức với cơ quan hải quan Trung Quốc. Đặc biệt, Trung Quốc có một số thay đổi trong giám sát xuất nhập khẩu hoa quả vào nước này. Đó là từ ngày 1/10/2019, sản phẩm thực phẩm nhập khẩu vào Trung Quốc phải có Chứng nhận an toàn thực phẩm do cơ quan có thẩm quyền nước xuất khẩu cấp cho các lô hàng. Bên cạnh đó, phía Trung Quốc cũng yêu cầu việc đóng gói nông sản phải thuận tiện cho quá trình lấy mẫu, kiểm tra ngay tại cửa khẩu, đóng bao bì đúng với sản phẩm bên trong.

Không chỉ nông sản, thủy sản cũng chịu chung số phận bị Trung Quốc kiểm soát nghiêm ngặt. Cụ thể, thủy sản xuất khẩu sang Trung Quốc cần phải đáp ứng hai điều kiện: Một là, sản phẩm thủy sản phải được sản xuất tại cơ sở có tên trong danh sách được phép xuất khẩu do cơ quan có thẩm quyền của nước xuất khẩu công nhận (tại Việt Nam là do Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản - Nafiqad); Hai là, từng lô hàng thủy sản khi xuất khẩu phải kèm theo chứng thư an toàn thực phẩm do cơ quan có thẩm quyền nước xuất khẩu cấp (do Nafiqad cấp, theo mẫu chứng thư an toàn thực phẩm đã được thống nhất giữa hai nước). Một số hàng hoá thủy sản đã có thông lệ thông quan và có sản lượng xuất khẩu lớn vào thị trường Trung Quốc như ngao hai cùi, hàu, rươi, sứa... tuy nhiên, hiện nay không nằm trong danh mục 137 loại hàng thủy 
sản Việt Nam được cho phép xuất khẩu vào Trung Quốc qua lối mở, cặp chợ. Hơn nữa, phương thức bảo quản hàng hoá xuất khẩu trước đây được thực hiện gồm: Tươi sống, ướp đá, cấp đông; tuy nhiên, hiện nay một số hàng hoá chỉ được thực hiện một trong những phương thức đó.
 
Ngoài việc siết chặt việc thực thi các quy định đã ban hành trước đây đối với hàng nông sản, thủy sản nhập từ Việt Nam, thời gian qua, Trung Quốc cũng tăng cường quản lý hoạt động trao đổi cư dân biên giới tại các cặp chợ, đường mòn, lối mở giữa hai nước. Hiện Trung Quốc đang hoàn thiện hệ thống hàng rào sắt và camera quan sát dọc biên giới. Họ sẽ tổ chức tuần tra, kiểm soát 24/24 giờ bên trong và bên ngoài hàng rào, sử dụng ô tô tuần tra trên bộ, xuồng máy tuần tra trên sông. Đồng thời còn áp dụng chính sách hạn chế hàng tạm nhập tái xuất, kho ngoại quan, hàng chuyển khẩu từ phía Việt Nam qua các cửa khẩu phụ, lối mở... Chính vì vậy, nhiều mặt hàng nông sản của Việt Nam không thể xuất khẩu sang Trung Quốc.

Hiện nay, hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc vẫn chủ yếu dựa vào thương mại qua biên giới và các điểm cửa khẩu thông quan chứ chưa đi sâu vào thị trường nội địa. Việc Trung Quốc tăng cường kiểm soát chất lượng và nguồn gốc hàng hóa nhập khẩu trước mắt sẽ ảnh hưởng tới một số hàng nông, thủy sản của Việt Nam hiện đang được xuất khẩu sang Trung Quốc theo hình thức “trao đổi cư dân biên giới” (tiểu ngạch). Các chuyên gia kinh tế cho rằng, đây là một trong những nguyên nhân khiến xuất khẩu nông, thủy sản của Việt Nam sang Trung Quốc bị chững lại và giảm trong 02 năm trở lại đây, sau nhiều năm đạt mức tăng trưởng khá.
Xuất khẩu sang Trung Quốc giảm mạnh do dịch bệnh Covid-19
Bên cạnh những quy chuẩn ngày càng khắt khe về hàng hóa nhập khẩu, những diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 cũng đang gây ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam, đặc biệt là các mặt hàng nông, thủy sản.

Trong nhiều năm qua, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn, chiếm từ 22 - 24% tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản Việt Nam, trong đó nhiều mặt hàng chiếm tỷ trọng lớn như rau quả, thủy sản. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, năm 2019, Việt Nam xuất khẩu hơn 1,23 tỷ USD thủy sản và trên 2,4 tỷ USD rau quả sang Trung Quốc. Vì vậy, khi Trung Quốc tạm thời đóng cửa biên giới và các hoạt động trao đổi hàng hóa cư dân biên giới, sẽ gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động xuất khẩu tất cả các mặt hàng nông sản Việt sang thị trường hơn 1 tỷ dân này. Đặc biệt, theo số liệu của Bộ Công thương, thương mại biên giới sẽ chịu ảnh hưởng lớn nhất, bởi hiện kim ngạch xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu đất liền khoảng 7 tỷ USD, trong đó xuất khẩu theo đường chính ngạch khoảng 3,7 tỷ USD, xuất khẩu theo đường trao đổi cư dân khoảng 1 tỷ USD, chủ yếu là nông, thủy sản.

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ngành hàng đầu tiên chịu tác động nhiều nhất là rau quả do sức ép thời vụ và bảo quản, khó thay đổi trong thời gian ngắn. Tháng 1/2020, trong các thị trường xuất khẩu rau quả chủ lực, Trung Quốc là thị trường có tốc độ xuất khẩu giảm mạnh thứ 2, sau Hà Lan, (đạt 173,5 triệu USD, giảm 32,4% so với tháng 1/2019). Tỷ trọng xuất khẩu hàng rau quả sang thị trường Trung Quốc giảm từ mức 72,6% trong tháng 1/2019, xuống còn 61,8% trong tháng 1/2020. Thông thường, hoạt động xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Trung Quốc qua các tỉnh biên giới phía Bắc vào thời điểm trước và sau Tết Nguyên đán rất sôi động, đặc biệt là mặt hàng trái cây. Tuy nhiên, sau kỳ nghỉ tết Nguyên đán năm 2020, xuất khẩu trái cây Việt Nam bị ảnh hưởng nghiêm trọng do Covid-19. Hiện nay, lượng hàng hóa nông sản, trái cây được vận chuyển lên các cửa khẩu biên giới phía Bắc để xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc đang ngày càng nhiều lên. Tuy nhiên, trước diễn biến phức tạp, khó lường và dự kiến dịch bệnh Covid-19 có thể còn kéo dài, các lô hàng nông sản và trái cây của Việt Nam mặc dù có thể được làm thủ tục thông quan xuất khẩu, nhưng tiến độ đã và đang chậm hơn rất nhiều so với thời gian trước do phải thực hiện chặt chẽ, nghiêm túc các biện pháp phòng chống dịch bệnh. Bên cạnh đó, việc đàm phán mở cửa chính thức thị trường nông sản với nhiều mặt hàng như: Sầu riêng, yến, khoai lang… vốn diễn biến thuận lợi, nhiều khả năng bị đình trệ do các cơ quan chức năng của Trung Quốc không sang được Việt Nam.

Ngoài rau quả, sản phẩm từ chăn nuôi và thủy sản cũng bị ảnh hưởng tương tự. Dù một số mặt hàng chăn nuôi đã chính thức được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc từ tháng 10/2019, tuy nhiên, việc xuất khẩu các mặt hàng này cũng sẽ gặp khó khăn khi thông thương nội địa và quốc tế của Trung Quốc bị đình trệ do tác động của dịch bệnh Corona.

Đối với các mặt hàng thủy sản, mặc dù dư địa tăng trưởng khá vào cuối năm 2019, nhưng trong quý I/2020, Trung Quốc thông báo tạm dừng nhập khẩu khiến cho việc xuất khẩu thủy sản cũng gặp khó. Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep), XK qua các cửa khẩu hiện chiếm 20% tổng kim ngạch XK thủy sản sang thị trường Trung Quốc, vì thế việc đóng cửa các cửa khẩu do dịch Covid-19 có thể làm giảm ít nhất 20% kim ngạch XK thủy sản của Việt Nam sang Trung Quốc trong 3 tháng đầu năm 2020. Không chỉ hoạt động giao thương qua đường tiểu ngạch mà cả đường chính ngạch sang Trung Quốc đang gặp nhiều khó khăn. Vasep dự báo, trong trường hợp dịch Covid-19 chấm dứt trong quý I/2020, XK thủy sản 
cả năm sang Trung Quốc có thể đạt 1,5 tỷ USD. Nếu dịch kéo dài đến tháng 8/2020, XK thủy sản sang Trung Quốc cả năm sẽ đạt khoảng 1,33 tỷ USD.
 
Theo tính toán từ số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, năm 2019, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang Trung Quốc qua cửa khẩu đất liền chiếm khoảng 16% về lượng và 19% về trị giá. Do đó, chỉ tính riêng xuất khẩu thủy sản theo đường biên giới đất liền, xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc có khả năng giảm khoảng 20% về trị giá mỗi tháng trong thời gian chưa kiểm soát được dịch, do tác động hạn chế giao thương qua cửa khẩu đất liền nhằm kiểm soát Covid-19. Bên cạnh đó, hiện tượng dồn ứ hàng tại các cảng biển của Trung Quốc, tác động của Covid-19 đến kinh tế và tiêu dùng thủy sản của nước này sẽ khiến xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang Trung Quốc giảm mạnh trong quý I/2020.

Báo cáo đánh giá sơ bộ ảnh hưởng của dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới virus corona gây ra đối với kinh tế - xã hội Việt Nam của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) cho thấy, lĩnh vực xuất nhập khẩu sẽ bị ảnh hưởng khá nặng. Cụ thể, về xuất khẩu, nếu dịch Corona kết thúc cuối quý I/2020, ước tính kim ngạch xuất khẩu quý đầu năm đạt 46,5 tỉ USD, giảm 21% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu các mặt hàng nông sản và nông sản chế biến, hàng lâm sản, thủy sản giảm mạnh. Riêng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc quý I đạt 5,6 tỷ USD, giảm 25% so với cùng kỳ năm trước, trong đó các mặt hàng nông sản và nông sản chế biến, hàng lâm sản giảm khoảng 30%, hàng thủy sản giảm 33%.

Nếu dịch viêm phổi Corona chủng mới kết thúc cuối quý II/2020, Bộ KH-ĐT ước tính xuất khẩu trong quý này đạt kim ngạch 51 tỉ USD, giảm 20% so với cùng kỳ. Trong đó, xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc lao dốc mạnh, đạt 5,6 tỷ USD, giảm 56% so với cùng kỳ năm trước. Các mặt hàng nông sản và nông sản chế biến, hàng lâm sản giảm khoảng trên 60%, hàng thủy sản giảm 57%.

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Thống kê, trong tháng 2/2020, giá trị xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc chỉ đạt 2,1 tỉ USD, giảm hơn 50% so với tháng 12/2019 và 23,3% so với tháng 1/2020. Ngoài ra, tổng trị giá xuất nhập khẩu với Trung Quốc trong tháng 2/2020 đạt 6,5 tỉ USD, giảm gần 42% so với tháng 12/2019.

Đến nay, tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp và tốc độ lây lan rộng. Vì vậy, để gỡ khó cho hàng hóa xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc, Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan đã chủ động nắm bắt tình hình, đưa ra các giải pháp nhằm giúp doanh nghiệp và người dân tháo gỡ khó khăn. Theo đó, giải pháp cấp bách tạm thời hiện nay được đưa ra là thu mua hàng hóa, lưu trữ tại các kho đông lạnh để chờ thông quan. Kế đó, các doanh nghiệp cần đẩy mạnh tiêu thụ trong nước và tìm kiếm    thị trường tiêu thụ chính ngạch; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tổ chức các diễn đàn xúc tiến thương mại trong nước kết nối thu mua nông sản giữa các địa phương, doanh nghiệp và nông dân. Các đơn vị chủ quản chủ động phối hợp với cơ quan Thương vụ Đại sứ quán Việt Nam tại các nước trên thế giới triển khai toàn diện, hiệu quả công tác xúc tiến, phát triển thị trường tại các địa bàn trọng điểm, tiềm năng và thị trường ngách ngay từ đầu năm 2020, tạo sự đột phá trong đa dạng hàng hóa thị trường xuất khẩu; thường xuyên trao đổi thông tin với Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc cùng các đơn vị liên quan ở phía Trung Quốc bàn các biện pháp tháo gỡ khó khăn…

Theo các chuyên gia kinh tế, đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp và người nông dân nhìn lại, nhận thức rõ hơn về việc tổ chức sản xuất hàng hóa theo nhu cầu thị trường và đảm bảo quy trình sản xuất theo các tiêu chuẩn quốc tế để không bị phụ thuộc vào một thị trường và có thể chinh phục được những thị trường khó tính.

Hy vọng rằng, với sự sát cánh của Chính phủ; các Bộ, ngành; doanh nghiệp và người dân, thị trường xuất khẩu Việt Nam sẽ vượt qua được khó khăn, giữ vững mục tiêu tăng trưởng đã đề ra./.
Thu Hường
 

Thu Hường
 
Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top