Cách mạng tháng Tám năm 1945 - Bản hùng ca vang danh trang sử đất nước

18/08/2023 - 11:33 AM
Thành công của Cách mạng tháng Tám năm 1945 đã ghi dấu mốc son chói lọi trên trang sử hào hùng của dân tộc Việt Nam, đưa chính quyền về tay nhân dân, kết thúc hơn 80 năm lầm than dưới ách đô hộ của thực dân, phát xít. Sau 78 năm kể từ ngày 19/8/1945 lịch sử, lòng tự hào dân tộc, tinh thần bất diệt của Cách mạng tháng Tám luôn hiện hữu trong lòng mỗi người dân Việt Nam, trở thành động lực to lớn trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đưa Việt Nam đi lên, hội nhập, sánh bước cùng các cường quốc năm châu.

Nhìn lại dòng chảy lịch sử ngược về những năm 40 của thế kỷ XX, khi Chiến tranh Thế giới thứ Hai bước vào giai đoạn thoái trào và kết thúc, ở Đông Dương, mâu thuẫn đối kháng giữa Nhật và Pháp ngày càng trở nên gay gắt. Bước sang năm 1945, phong trào cách mạng dâng cao, cuộc đấu tranh đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng đứng trước thời cơ ngàn năm có một. Ngày 9/3/1945, phát xít Nhật làm cuộc đảo chính hất cẳng Pháp ra khỏi Đông Dương. Ngay trong đêm Nhật đảo chính Pháp, Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương Đảng mở rộng quyết định phát động một cao trào cách mạng làm tiền đề cho tổng khởi nghĩa, thay đổi cách thức tuyên truyền, cổ động, tổ chức và đấu tranh cho thích hợp. Tháng 3/1945, Trung ương Đảng ra Chỉ thị “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”. Tháng 4/1945, Trung ương triệu tập Hội nghị quân sự cách mạng Bắc Kỳ, quyết định nhiều vấn đề quan trọng, thống nhất các lực lượng vũ trang thành Việt Nam giải phóng quân. Ngày 16/4/1945, Tổng bộ Việt Minh ra Chỉ thị tổ chức các Ủy ban Dân tộc giải phóng các cấp và chuẩn bị thành lập Ủy ban giải phóng dân tộc Việt Nam, tức Chính phủ lâm thời cách mạng Việt Nam.

Từ tháng 4/1945 trở đi, cao trào kháng Nhật cứu nước diễn ra mạnh mẽ. Đầu tháng 5/1945, Bác Hồ từ Cao Bằng về Tuyên Quang, chọn Tân Trào làm căn cứ chỉ đạo cách mạng cả nước và chuẩn bị Đại hội quốc dân. Ngày 4/6/1945, Khu giải phóng Việt Bắc được thành lập, đặt dưới sự lãnh đạo của Ủy ban chỉ huy lâm thời, trở thành căn cứ địa của cả nước.

Và tháng Tám - mùa Thu năm 1945 đã đi vào lịch sử với bao ý nghĩa vẻ vang, tự hào khi Hội nghị đại biểu toàn quốc của Đảng họp tại Tân Trào khẳng định: “Cơ hội rất tốt cho ta giành độc lập đã tới” và quyết định phát động toàn dân khởi nghĩa giành chính quyền từ tay phát xít Nhật và tay sai trước khi quân Đồng minh vào Đông Dương; đề ra 3 nguyên tắc bảo đảm tổng khởi nghĩa thắng lợi, đó là: Tập trung, thống nhất, kịp thời. Vào 23 giờ ngày 13/8/1945, Ủy ban Khởi nghĩa ra Quân lệnh số 1 hiệu triệu toàn dân tổng khởi nghĩa. Ngày 16/8/1945, Đại hội Quốc dân họp tại Tân Trào thông qua “10 chính sách lớn của Việt Minh”; thông qua “Lệnh tổng khởi nghĩa”; quy định quốc kỳ, quốc ca; thành lập Ủy ban Dân tộc giải phóng Trung ương, tức Chính phủ lâm thời do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch. Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư kêu gọi Nhân dân cả nước tổng khởi nghĩa, trong đó chỉ rõ: “Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ta đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”.

Với lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết, quyết tâm cùng ý chí quật cường, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nhân dân cả nước đồng loạt vùng dậy, tiến hành tổng khởi nghĩa, giành chính quyền. Từ ngày 14 đến ngày 18/8/1945, cuộc tổng khởi nghĩa nổ ra giành được thắng lợi ở nông thôn đồng bằng Bắc Bộ, đại bộ phận miền Trung, một phần miền Nam và ở các thị xã: Bắc Giang, Hải Dương, Hà Tĩnh, Hội An, Quảng Nam… Ngày 19/8/1945, cuộc khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi ở Hà Nội; Ngày 23/8/1945, khởi nghĩa thắng lợi ở Huế, Bắc Cạn, Hòa Bình, Hải Phòng, Hà Đông, Quảng Bình, Quảng Trị, Bình Định, Gia Lai, Bạc Liêu…; Ngày 25/8/1945, khởi nghĩa thắng lợi ở Sài Gòn - Gia Định, Kon Tum, Sóc Trăng, Vĩnh Long, Trà Vinh, Biên Hòa, Tây Ninh, Bến Tre,… Ở Côn Đảo, Đảng bộ nhà tù Côn Đảo đã lãnh đạo các chiến sĩ cách mạng bị giam cầm nổi dậy giành chính quyền. Chỉ trong vòng 15 ngày cuối tháng 8/1945, cuộc tổng khởi nghĩa đã giành thắng lợi hoàn toàn, chính quyền trong cả nước về tay Nhân dân.

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 diễn ra thần tốc và giành thắng lợi do nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân quan trọng, có ý nghĩa quyết định là sự lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt, khéo léo của Đảng; sự vận dụng phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin trong điều kiện cụ thể ở nước ta một cách đúng đắn, độc lập, tự chủ và sáng tạo. Đảng có phương pháp, chiến lược, chiến thuật cách mạng phù hợp, linh hoạt; nhận thức được thời cơ, chủ động đón thời cơ và kiên quyết chớp thời cơ, tiến hành tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước. Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công đã lật đổ chế độ phong kiến hàng nghìn năm, bẻ gãy xiềng xích nô lệ hơn 80 năm của thực dân Pháp, đưa đất nước ta bước sang một kỷ nguyên mới - kỷ nguyên của độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Việt Nam từ một nước thuộc địa nửa phong kiến trở thành một quốc gia độc lập, tự do ngang hàng với các quốc gia khác trong cộng đồng quốc tế. Nhân dân Việt Nam từ thân phận nô lệ trở thành công dân của một nước độc lập.

 
Cách mạng tháng Tám năm 1945 - Bản hùng ca vang danh trang sử đất nước
Thành công của Cách mạng tháng Tám đã đưa lá cờ Việt Nam tự do tung bay trên bầu trời 

Bản hùng ca sáng chói của Cách mạng tháng Tám đã đưa đến cuộc mít tinh của gần một triệu đồng bào tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội) ngày 02/9/1945 để chứng kiến Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời đọc bản Tuyên ngôn độc lập tuyên bố trước quốc dân và thể giới về sự ra đời của Nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Về sau này, Cách mạng tháng Tám được coi là tiền đề quan trọng để Việt Nam liên tiếp giành thắng lợi trong 2 cuộc kháng chiến cứu nước chống Pháp và chống Mỹ. Đồng thời, chứng minh chân lý: Các dân tộc bị áp bức, bị xâm lược nếu có ý chí kiên cường, đường lối đúng đắn, biết đoàn kết đấu tranh và biết tranh thủ sức mạnh của thời đại thì dân tộc đó nhất định thắng lợi.

Trải qua 78 năm kế thừa và phát huy, tinh thần quật khởi của Cách mạng tháng Tám vẫn luôn khơi nguồn, bồi đắp sức mạnh cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân Việt Nam vững bước trên chặng đường mới, viết tiếp những trang sử hào hùng trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Ý chí quật cường của các thế hệ cha anh không chỉ là niềm tự hào mà còn thôi thúc lớp lớp thế hệ trẻ hôm nay và mai sau ra sức học tập, thu đua, lao động sản xuất.

Trong thời kỳ đổi mới, chủ trư­ơng của Đảng về hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng đ­ược bổ sung, hoàn thiện, đưa đất nước bước vào thời kỳ hội nhập, phát triển toàn diện và đạt được nhiều thành tựu cơ bản như: Phá được thế bao vây cấm vận, tạo lập và giữ vững môi trường hòa bình, thuận lợi cho phát triển đất nước; Củng cố và tăng cường quan hệ với các nước láng giềng, kiên quyết và kiên trì đấu tranh giữ vững chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ; Bình thường hóa, thiết lập quan hệ ổn định, lâu dài với các nước, nhất là các nước lớn, tiếp tục đưa các mối quan hệ đi vào chiều sâu; Từng bước chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế thế giới và khu vực.

Cùng với đó, kinh tế - xã hội đất nước ngày càng phát triển đi lên, đạt được nhiều vị trí quan trọng trên bản đồ kinh tế thế giới. Đến năm 2020, Việt Nam có 30 đối tác chiến lược và đối tác chiến lược toàn diện; có quan hệ ngoại giao với 189/193 nước (so với 11 nước năm 1954) và quan hệ kinh tế với 160 nước và 70 vùng lãnh thổ; 79 nước đã công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường. Đặc biệt, WTO cùng với hơn hơn 500 hiệp định song phương và đa phương trên nhiều lĩnh vực, trong đó có 17 Hiệp định Thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam tham gia (16 hiệp định đã ký kết, có hiệu lực và 01 hiệp định đang đàm phán)… là những cánh cửa lớn và đa chiều để Việt Nam định hướng hoàn thiện khung khổ thể chế phát triển kinh tế thị trường và tự tin hội nhập toàn cầu ngày càng sâu, rộng và hiệu quả hơn.

Năm 2022, GDP bình quân đầu người Việt Nam đạt khoảng 4.162,94 USD, xếp thứ 117 trên thế giới, đứng thứ 6 của khu vực Đông Nam Á. Với con số này, GDP bình quân đầu người Việt Nam năm 2022 tăng 7 bậc so với năm 2021 và 56 bậc so với năm 2000 trên quy mô thế giới. Song song với phát triển kinh tế, Việt Nam vẫn giữ gìn và phát huy nhưng giá trị vật chất, tinh thần và nhân văn của nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc; trở thành điểm đến văn hóa thu hút đông đảo người dân trên thế giới.

Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, mục tiêu phát triển đến năm 2030, về kinh tế, phấn đấu tốc độ tăng trưởng GDP cả nước bình quân đạt khoảng 7%/năm giai đoạn 2021-2030. Đến năm 2030, GDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đạt khoảng 7.500 USD. Giai đoạn 2031-2050, phấn đấu tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) bình quân khoảng 6,5-7,5%/năm. Đến năm 2050, GDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đạt khoảng 27.000-32.000 USD. Tầm nhìn đến năm 2050, Việt Nam là nước phát triển, thu nhập cao, có thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đầy đủ, đồng bộ, hiện đại, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh; quản trị xã hội trên nền tảng xã hội số hoàn chỉnh. Cùng với đó, Việt Nam thuộc nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu khu vực châu Á; là một trung tâm tài chính khu vực và quốc tế; phát triển kinh tế nông nghiệp sinh thái giá trị cao thuộc nhóm hàng đầu thế giới.

Và hôm nay, Việt Nam đã trở thành đất nước trăm triệu dân với 100 triệu trái tim mang hoài bão và khao khát xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội cùng đất nước. Trong tháng Tám mùa thu lịch sử, hàng triệu trái tim người Việt lại bồi hồi nhớ về dấu son chói lọi trên trang sử vẻ vang của đất nước; tri ân và hun đúc ngọn lửa của tinh thần Cách mạng tháng Tám bất diệt để xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh./.

 
Duy Hưng
Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top