Chính phủ chỉ đạo quyết liệt thực hiện các giải pháp giải nhiệt “cơn khát” điện mùa khô năm 2023

24/06/2023 - 11:53 AM
Nắng nóng kéo dài cộng với ảnh hưởng của hiện tượng El Nino những ngày qua khiến ngành điện ở các tỉnh phía Bắc phải cúp điện luân phiên, làm ảnh hưởng đến sinh hoạt người dân và hoạt động sản xuất của nhiều doanh nghiệp. Trước tình trạng trên Chính phủ đã nhanh chóng đưa ra những giải pháp, giúp giải “cơn khát” điện của người dân và doanh nghiệp.
 
Mất điện – câu chuyện không còn mới
 
Đầu năm 2023, tình hình cung ứng điện được dự báo là khó khăn. Đúng như dự báo, sau 4 tháng đầu năm ổn định, bước sang tháng Năm của mùa khô năm nay, nhiều tỉnh phía Bắc rơi vào tình trạng thiếu điện cho sản xuất và sinh hoạt. Ngành điện các tỉnh như Hà Nội, Bắc Giang… đã phải cắt điện khẩn cấp, luân phiên ở nhiều khu dân cư, khu công nghiệp. Thậm chí có những khu công nghiệp cắt điện lên đến 24 tiếng.
 
Chia sẻ tinh thần chung tiết kiệm trong lúc thiếu điện, nhiều doanh nghiệp đã điều chỉnh kế hoạch, chuyển sản xuất vào giờ cao điểm sang thấp điểm, thậm chí ban đêm. Hàng loạt địa phương cũng đồng loạt tiết giảm đèn chiếu sáng ngoài đường và thực hiện cắt điện.
 
Tình trạng nắng nóng kéo dài cộng với cắt điện luân phiên những ngày qua đã làm sinh hoạt người dân bị đảo lộn, nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh doanh nghiệp… gặp khó khăn. Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp lo ngại sản xuất bị ngưng trệ do thời điểm hiện tại mới chỉ bắt đầu vào mùa nóng, trong khi hoạt động kinh doanh cũng mới phục hồi với những đơn hàng nhỏ lẻ. Các doanh nghiệp cho rằng, việc điều chỉnh kế hoạch sản xuất sang giờ thấp điểm, ban đêm cũng chỉ là giải pháp tình thế, bởi sẽ khiến họ “đội” thêm nhiều gánh nặng chi phí trong lúc kinh tế còn nhiều khó khăn.
 
Thiếu điện không phải là chuyện mới và câu chuyện thiếu điện không chỉ là nỗi lo trong dân mà còn đi vào cả Nghị trường. Nhiều đại biểu tại kỳ họp Quốc hội vừa qua băn khoăn và đặt câu hỏi tại sao tình trạng thiếu điện này kéo dài đã nhiều năm mà chưa khắc phục được?
 
Tiêu thụ điện tăng vọt vì nắng nóng là lý do đầu tiên được Bộ Công Thương cũng như Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) giải thích cho tình trạng trên. Từ đầu tháng Năm đến nay, tình trạng nắng nóng kỷ lục xảy ra tại nhiều địa phương trên cả nước đã làm tăng nhu cầu tiêu thu điện sinh hoạt của người dân. Tính trung bình một ngày trong tháng Năm, lượng tiêu thụ điện bình quân cả nước đạt gần 820 triệu kWh, tăng hơn 20% so với tháng Tư. Tại Hà Nội – địa phương liên tục xảy ra mất điện ở nhiều khu vực những ngày qua có lượng điện tiêu thụ bình quân tăng vọt trong tháng Năm với hơn 75,4 triệu kWh, tăng 22,5% so với tháng Tư. Sang tháng Sáu, lượng điện tiêu thụ điện bình quân tiếp tục có xu hướng tăng.
 
Nhu cầu sử dụng điện lớn song nguồn điện cung ứng lại đang theo kiểu “ăn đong”, phụ thuộc vào thời tiết. Dưới tác động của hiện tượng El Nino diễn ra tại nhiều nơi trong cả nước thời gian qua, vào thời điểm đầu tháng 6/2023, lưu lượng nước về các hồ thủy điện rất thấp, đặc biệt là tại các hồ thủy điện miền Bắc đang ở mực nước chết, khiến các nhà máy thuỷ điện không thể vận hành hết công suất hay không có khả năng phát điện. Theo EVN, đến ngày 11/5, đã có 11/47 hồ thủy điện lớn có mực nước đã về "mực nước chết hoặc gần mức nước chết", bao gồm thủy điện Lai Châu, Trung Sơn, Đồng Nai 2, Buôn Tua Srah, Hương Sơn, Trị An, Ialy, Sông Ba Hạ, Xekaman 1, Đakr Tih, Sê San 4; có 21/47 hồ thủy điện lớn có dung tích còn lại dưới 20% như Sơn La, Tuyên Quang, Thác Bà… và 16 hồ có mực nước thấp hơn mực nước tối thiểu của quy trình vận hành liên hồ chứa. Đặc biệt 12/12 hồ thủy điện lớn khu vực miền Bắc có lưu lượng nước về hồ rất kém, tần suất nước về nhiều hồ kém nhất trong 100 năm qua.
 
Chính phủ chỉ đạo quyết liệt thực hiện các giải pháp giải nhiệt “cơn khát” điện mùa khô năm 2023
Nhiều đoạn thủy điện Sông Đà cạn trơ đáy

Cuối tháng Năm, điện quy đổi từ lượng nước còn lại trong hồ thủy điện ở miền Bắc chưa đến 1,23 tỷ kWh, tức chỉ đủ nhu cầu của miền Bắc trong 4 ngày, nếu tính theo mức tiêu thụ "đỉnh" lập ngày 22/5 là 313,6 triệu kWh. Đến 3/6, miền Bắc huy động hụt khoảng 5.000 MW lượng thuỷ điện do hầu hết hồ lớn của vùng đã về gần mực nước chết (dưới mức nước này không thể phát điện). Mực nước thấp đã khiến sản lượng điện huy động bình quân giảm một nửa so với năm ngoái, khoảng 12-15% công suất phát. Những cơn mưa tại các tỉnh phía Bắc trong những ngày gần đây đã đưa mực nước các hồ lớn lên trên mực nước chết, tuy nhiên chưa nhiều, nếu tính tổng công suất đặt các nhà máy này xấp xỉ 5.000MW (Sơn La, Lai Châu, Bản Chát, Huội Quảng, Tuyên Quang, Thác Bà, Hủa Na, Bản Vẽ,...), cần tích thêm nước để có độ an toàn phát điện thời gian tới.
 
Bên cạnh thủy điện, nguồn cung cho nhiệt điện thời gian qua cũng trong thế bị động. Theo báo cáo của EVN, nguồn cung than trong nước cung cấp cho nhiệt điện chỉ đáp ứng được khoảng hơn 40%, còn lại phải nhập khẩu than và xăng dầu từ thị trường nước ngoài, song bị gián đoạn do ảnh hưởng từ khủng khoảng năng lượng toàn cầu.
 
Trong điều kiện thời tiết nóng gay gắt kéo dài trong tháng Năm vừa qua, một số tổ máy nhiệt điện than (chiếm 48% cơ cấu nguồn điện tại miền Bắc) như Phả Lại 1, tổ máy 6 Phả Lại 2, tổ máy 2 Cẩm Phả, tổ máy 1 Vũng Áng 1, BOT Nghi Sơn 2, tổ máy 2 Mạo Khê, Quảng Ninh, Thăng Long, Sơn Động… bị giảm công suất hoặc gặp sự cố do vận hành cao liên tục. Đến 5/6, tổng công suất các tổ máy này bị suy giảm hoặc ảnh hưởng khoảng 4.200 MW.
 
Một lý do khác dẫn tới tình trạng thiếu điện là việc phát triển nguồn điện chưa tương xứng với tiềm năng và nguồn lực sẵn có, năng lực của hệ thống truyền tải cộng với sự phân bổ không đều nguồn điện trong những năm qua gây mất cân bằng cung - cầu miền, tạo sức ép lên lưới truyền tải liên miền từ miền Trung, miền Nam ra Bắc.
 
Miền Bắc là khu vực có tốc độ tăng trưởng phụ tải (mức tiêu thụ điện năng) cao nhất cả nước, bình quân tăng 9,3% một năm trong giai đoạn 2016-2020, tương ứng gần 6.000 MW. Trong khi đó, tăng trưởng nguồn điện khu vực này chỉ đạt 4.600 MW giai đoạn này, khoảng 4,7% một năm, do không có thêm các nguồn điện lớn mới có tính ổn định. Kết quả là khả năng tự cân đối cung - cầu của hệ thống điện miền Bắc giảm dần. Trong khi đó, tại miền Trung và miền Nam có tốc độ tăng trưởng của nguồn cao hơn nhiều lần nhu cầu tiêu thụ điện.
 

Hình 1: Tăng trưởng nguồn điện và nhu cầu tiêu thụ giai đoạn 2016-2020 (%)

Chính phủ chỉ đạo quyết liệt thực hiện các giải pháp giải nhiệt “cơn khát” điện mùa khô năm 2023 1
 
EVN cho biết, hiện Tập đoàn chiếm hơn 38% tổng công suất hệ thống điện, phần còn lại đến từ các nhà máy của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam (TKV) và một số nhà máy BOT, nguồn điện tái tạo tư nhân. Thế nhưng trong những năm qua, không có dự án lớn nào được đầu tư và nếu có thì cũng chậm triển khai. Theo báo cáo thực tế, nhiều dự án nguồn và lưới điện ngoài EVN như (Na Dương I, Hải Phòng III, Cẩm Phả III, chuỗi dự án khí - điện Lô B Ô Môn, Cá Voi Xanh, khí điện LNG Sơn Mỹ......) đang gặp khó khăn trong thủ tục lập dự án, chọn nhà đầu tư, thu xếp vốn hay giải phóng mặt bằng từ phía địa phương.
 
Cũng theo các chuyên gia, thời gian thực hiện dự án điện tái tạo chỉ 3-6 tháng, trong khi thời gian đầu tư xây dựng lưới truyền tải mất vài năm, dẫn tới tốc độ phát triển lưới điện chậm hơn so với tốc độ phát triển nguồn điện tái tạo. Thực tế này dẫn tới sự đầu tư ồ ạt của rất nhiều dự án điện tái tạo nhưng lại không được sử dụng hiệu quả. Thêm vào đó, chúng ta đang tập trung quá nhiều nguồn năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời) ở khu vực miền Trung - nơi có nhu cầu dùng điện thấp; tại các hồ sơ bổ sung quy hoạch năng lượng tái tạo, phần lớn nhà đầu tư, địa phương chỉ quan tâm tới lưới điện cục bộ của dự án mà thiếu cái nhìn tổng thể về bức tranh chung hệ thống điện miền, khu vực. Điều này dẫn tới hiện tượng nghẽn mạch cục bộ, phải giảm phát điện tái tạo ở một số thời điểm. Đây cũng là lý giải cho câu hỏi tại sao nguồn năng lượng tái tạo vận hành nhiều, chiếm gần 27% công suất đặt toàn hệ thống điện vào cuối năm 2022 và cung ứng khoảng 15% nguồn huy động, nhưng miền Bắc vẫn thiếu vẫn điện.
 
Trước tình hình cấp bách cung ứng điện cho miền Bắc những ngày qua, ngoài việc kêu gọi người dân, doanh nghiệp tiết kiệm điện tối đa, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã huy động các nhà máy chạy dầu, giá hơn 5.000 đồng/kWh. Các tập đoàn PVN, TKV tăng cường cấp khí, cấp than cho nhiệt điện Duyên Hải, Vĩnh Tân và không thực hiện sửa chữa trong giai đoạn này.
 
Năng lực truyền tải trên đường dây 500 kV Bắc - Nam cũng được vận hành ở mức cao nhất, tối đa 2.500 MW (vượt ngưỡng công suất truyền tải trên đường dây là 2.400MW). Vận hành tối ưu hơn 200 nhà máy thủy điện nhỏ, nhanh chóng khắc phục đưa một số nhà máy nhiệt điện gặp sự cố vận hành trở lại sớm nhất.
 
Ngoài huy động tối đa các nguồn trong nước, đẩy nhanh đưa các dự án điện tái tạo chuyển tiếp vận hành, Việt Nam còn tăng cường nhập khẩu điện từ Lào, Trung Quốc giúp giải tỏa phần nào "cơn khát" điện tại các tỉnh phía Bắc.
 
Dù vậy, vấn đề thiếu điện được cho sẽ vẫn còn tiếp diễn trong những tháng tới, thậm chí cả năm 2024. Theo Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn quốc gia, từ tháng 6 đến tháng 8 thời tiết rất khốc liệt, nắng nóng tiếp tục xảy ra tại Bắc bộ và Trung bộ. Số ngày nắng nóng năm nay nhiều hơn trung bình và gay gắt hơn năm 2022. Nhiệt độ trung bình tháng 7 và tháng 8 ở Bắc bộ và Bắc Trung bộ cao hơn 0,5-100C, sẽ làm cho hàng loạt hồ thủy điện và thủy lợi có nguy cơ xuống mực nước chết, phải tạm dừng phát điện.
 
Theo các chuyên gia, để tháo gỡ khó khăn trong cung ứng điện năm 2023 và các năm tới, việc làm cần thiết lúc này là đẩy nhanh ban hành kế hoạch thực hiện Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII) vừa được Chính phủ phê duyệt trong tháng Năm mới đây, để đẩy nhanh các dự án nguồn và lưới điện. Đối với các dự án năng lượng tái tạo mà các doanh nghiệp điện gió, điện mặt trời chưa hòa mạng được, cần nhanh chóng có các giải pháp tháo gỡ điểm nghẽn, qua đó giảm bớt gánh nặng cho ngành điện lực.
 
EVN cũng kiến nghị Bộ Công Thương sớm đưa ra cơ chế, hướng dẫn phát triển điện mặt trời mái nhà không phát lên lưới, tức tự dùng cho nhu cầu dùng điện tại chỗ của hộ gia đình. Tuy nhiên, đặc tính điện mặt trời chỉ huy động tối đa công suất khi có bức xạ đủ lớn, nên tại miền Bắc lượng điện huy động từ nguồn này nhiều nhất khoảng 1.000 giờ một năm và chỉ khả dụng cao vào mùa nắng. Do đó cơ chế cho loại hình này cần rõ ràng tránh phát triển ồ ạt và đảm bảo khuyến khích các hộ dùng điện đầu tư.
 
Chính phủ hành động
 
Để việc thiếu điện không thể trở thành nỗi lo kéo dài, ngày 6/6 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ký công điện số 517/CĐ-TTg về thực hiện các giải pháp bảo đảm cung ứng điện mùa khô năm 2023 và thời gian tới. Theo đó, Thủ tướng yêu cầu:
 
Đối với Bộ Công Thương, rà soát, đánh giá kỹ về tình hình cung ứng điện hiện nay, nhất là các yếu tố phát sinh ảnh hưởng đến việc bảo đảm cung ứng điện để tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, khẩn trương hướng dẫn EVN xây dựng các kịch bản chủ động kịp thời ứng phó với những khó khăn về cung ứng điện. Khẩn trương hoàn thiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường tiết kiệm điện trong giai đoạn 2023 - 2025 và các năm tiếp theo, trong đó tập trung các giải pháp thiết thực, hiệu quả trong giai đoạn khó khăn về cung ứng điện hiện nay. Khẩn trương hoàn thiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về đảm bảo cung ứng điện, cung cấp than, khí cho sản xuất điện trong thời gian tới. Nghiên cứu, hướng dẫn xử lý dứt điểm theo thẩm quyền đối với các dự án điện gió, điện mặt trời đã thực hiện đầu tư xây dựng nhưng không đáp ứng thời hạn áp dụng cơ chế giá FIT (đã hết hạn). Khẩn trương hướng dẫn về công tác đàm phán giá điện trên tinh thần "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ" đối với các dự án điện gió, điện mặt trời thuộc diện trên. Rà soát quy định của pháp luật về điện lực để có hướng dẫn về đầu tư lưới điện truyền tải theo quy hoạch phát triển điện lực được duyệt, trong đó đẩy mạnh đầu tư theo hình thức hợp tác công tư trong quá trình xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII.
 
Đối với Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, chỉ đạo các Tập đoàn EVN, PVN, TKV phối hợp chặt chẽ, hiệu quả thực hiện các giải pháp bảo đảm cung ứng điện mùa khô năm 2023 và thời gian tiếp theo.
 
Đối với Tập đoàn Điện lực Việt Nam, tập trung huy động hiệu quả mọi nguồn lực, nỗ lực cao nhất trong chỉ đạo điều hành thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp bảo đảm cung ứng điện. Chủ động xây dựng các kịch bản linh hoạt ứng phó với những khó khăn về cung ứng điện. Khẩn trương chỉ đạo và trực tiếp tháo gỡ khắc phục sự cố các nhà máy điện, nhất là các nhà máy điện tại miền Bắc để đưa vào vận hành trong thời gian sớm nhất. Tập trung cao độ thực hiện hiệu quả các giải pháp về tăng cường tiết kiệm điện.
 
Đối với Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản, Tập đoàn Dầu Khí Việt Nam, cung cấp đủ than, khí cho các nhà máy điện; phối hợp chặt chẽ với EVN trong thực hiện các giải pháp bảo đảm cung ứng điện trong thời gian tới; khẩn trương chỉ đạo khắc phục ngay sự cố các nhà máy điện thuộc thẩm quyền, sớm đưa vào vận hành trong tháng 6/2023.
 
Đối với Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, phối hợp chặt chẽ với EVN, các tổng công ty/công ty điện lực trong thực hiện công tác tiết kiệm điện tại địa phương đạt hiệu quả cao nhất và thực hiện các kịch bản ứng phó với những khó khăn về cung ứng điện trong thời gian tới.
 
Ngày 16/6 mới đây, Văn phòng Chính phủ ban hành văn bản thông báo kết luận của Thường trực Chính phủ tại cuộc họp về những nhiệm vụ, giải pháp lớn ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế trong tình hình hiện nay. Trong kết luận, Thường trực Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương thực hiện tốt vai trò quản lý nhà nước, có chương trình, kế hoạch, biện pháp cụ thể đảm bảo đủ điện cho sản xuất và tiêu dùng. Tập trung triển khai Quy hoạch điện VIII, đẩy nhanh tiến độ Nhà máy điện Quảng Trạch II.
 
Thường trực Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Công Thương phối hợp với Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức triển khai dự án truyền tải 500kV từ miền Trung ra miền Bắc. Phối hợp với Bộ Nội vụ, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp để khẩn trương hoàn thiện thủ tục điều chuyển Trung tâm Điều độ hệ thống Điện quốc gia về Bộ Công Thương trong tháng 6/2023. Nghiên cứu, xây dựng cơ chế chính sách khuyến khích đầu tư, huy động nguồn lực điện mặt trời áp mái phục vụ cho hoạt động dân sinh và các cơ quan công sở; cơ chế mua bán điện trực tiếp, hoàn thành trong tháng 7 năm 2023.
 
Thường trực Chính phủ giao Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp chỉ đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và Tập đoàn Điện lực Việt Nam giải quyết dứt điểm thiếu điện trong tháng 6; Thường trực Chính phủ cũng yêu cầu Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp chỉ đạo các Tập đoàn, Tổng công ty nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, phát huy vai trò của doanh nghiệp nhà nước trong tham gia thực hiện các công trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội.
 
Công điện 517 của Chính phủ và văn bản thông báo kết luận của Thường trực Chính phủ được coi là "cơn mưa giải nhiệt" rất đúng lúc, giúp người dân và doanh nghiệp an tâm sinh hoạt và sản xuất trong cao điểm mùa khô 2023 đang căng thẳng như hiện nay./.
 
Bích Ngọc

Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top