Đa dạng sinh kế giảm nghèo ở tỉnh Đắk Nông

31/01/2024 - 09:55 AM
Với quyết tâm “không để ai bị bỏ lại phía sau”, công tác giảm nghèo của tỉnh Đắk Nông thông qua các chương trình, chính sách hỗ trợ với đa dạng sinh kế giảm nghèo đã mang lại những kết quả khả quan, giúp Đắk Nông trở thành một trong những tỉnh dẫn đầu khu vực Tây Nguyên về công tác giảm nghèo tại chỗ.
 
Thời gian qua, người nghèo trên địa bàn tỉnh Đắk Nông được thụ hưởng nhiều chương trình, chính sách giảm nghèo do Trung ương và địa phương thực hiện. Các chính sách về giáo dục, y tế, bảo hiểm xã hội, dạy nghề, tín dụng ưu đãi, nhà ở, đất sản xuất… giúp đời sống vật chất, tinh thần của người nghèo trên địa bàn không ngừng được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo giảm qua từng năm. Theo Báo cáo kết quả công tác giảm nghèo của tỉnh Đắk Nông năm 2023, công tác giảm nghèo đã được triển khai đồng bộ, có hiệu quả và thực chất. Qua rà soát sơ bộ, đến tháng 12/2023, kết quả giảm nghèo chung của Tỉnh đạt 2,79 % (kế hoạch 3%) và giảm nghèo dân tộc thiểu số tại chỗ đạt 8,1% (kế hoạch 5%). Mặc dù tỷ lệ giảm nghèo chung của Tỉnh không đạt chỉ tiêu UBND Tỉnh đề ra, nhưng vượt chỉ tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XII. Đặc biệt, tỷ lệ giảm nghèo DTTS tại chỗ đạt kết quả ấn tượng, vượt hơn 3% so với chỉ tiêu từ đầu năm. Với kết quả này, năm 2023 Đắk Nông là tỉnh đứng đầu khu vực Tây Nguyên về công tác giảm nghèo (Đắk Lắk giảm 1,5%; Gia Lai giảm 1,01%; Kon Tum giảm 1,43%; Lâm Đồng giảm 0,74%).

Để đạt được những kết quả trên, Tỉnh đã triển khai nhiều phương án, giải pháp giúp người nghèo, hộ nghèo nâng cao mức sống tối thiểu, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản. Trong đó, việc đa dạng hóa sinh kế cho người dân trong công tác giảm nghèo được triển khai đồng bộ đã tạo khí thế và động lực giúp bà con vươn lên thoát nghèo, góp phần thay đổi diện mạo các thôn, bon, buôn nông thôn trong toàn Tỉnh.

Tại huyện Tuy Đức – một trong những huyện biên giới còn nhiều khó khăn của Tỉnh, với xuất phát điểm thấp, đời sống của người dân nói chung, đặc biệt người đồng bào dân tộc thiểu số ở địa phương còn gặp nhiều khó khăn. Nguồn thu nhập của trên 85% hộ dân trên địa bàn huyện chủ yếu phụ thuộc vào sản xuất nông, lâm nghiệp. Năm 2023, thông qua hình thức áp dụng phương pháp bám sát thực tế, tận dụng tiềm năng cụ thể để hỗ trợ người dân phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo đã mang lại những hiệu quả tích cực trong công tác giảm nghèo tại địa phương.

Theo đó, ngay từ đầu năm dựa trên cơ sở kết quả rà soát hộ nghèo và đánh giá thực trạng đời sống, kinh tế, xã hội của các bon đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), huyện Tuy Đức đã chọn các hộ nghèo theo từng mức độ, nguyện vọng và tiềm lực của các gia đình để hỗ trợ giảm nghèo bền vững. Huyện thành lập các đoàn công tác đến từng hộ dân nắm bắt nhu cầu để có sự hỗ trợ thiết thực, cụ thể, hiệu quả. Trên cơ sở nắm bắt nguyện vọng và điều kiện của từng hộ, các xã đã đề xuất và có các hình thức hỗ trợ thiết thực, hiệu quả nhất. Việc hỗ trợ đã từng bước tạo nguồn thu nhập cho người dân, giúp nhiều hộ đồng bào DTTS tại chỗ từng bước nâng cao thu nhập, thoát nghèo.

Với việc chọn lựa 6 bon đồng bào DTTS đặc biệt khó khăn giúp huyện tập trung nguồn lực vào những khu vực có nhu cầu cấp thiết nhất. Sự ưu tiên này giúp địa phương tập trung giải quyết các vấn đề cụ thể của từng hộ nghèo, tạo đà để giúp hộ nghèo vươn lên. Cùng với sự hỗ trợ về mặt vật chất, việc hỗ trợ về kiến thức và kỹ thuật cũng được các cấp chính quyền đặc biệt quan tâm để giúp người dân tạo ra giá trị từ sản xuất nông nghiệp. Các mô hình hỗ trợ tích hợp nhiều nguồn lực từ cấp tỉnh đến địa phương, tạo ra sự hỗ trợ toàn diện và đa chiều.

Tổng kinh phí thực hiện công tác giảm nghèo ở 6 bon đồng bào DTTS huyện Tuy Đức từ năm 2021-2023 gần 346,9 tỷ đồng. Trong đó, hỗ trợ 4,5 tỷ đồng cho 248 hộ thực hiện 11 dự án phát triển sản xuất cộng đồng, đa dạng hóa sinh kế; hỗ trợ vốn vay hơn 122,6 tỷ đồng cho 6 bon để phát triển kinh tế... Kết quả giảm nghèo 6 bon đồng bào DTTS tại chỗ đặc biệt khó khăn của huyện cơ bản đạt mục tiêu nghị quyết đề ra. Năm 2023, huyện đã có 330 hộ đồng bào DTTS ở 6 bon thoát nghèo. Cụ thể, bon Đắk N’Jút, xã Quảng Tân giảm 34 hộ; bon Bu Kóh, xã Đắk R’tíh giảm 73 hộ; bon Bu N'Đơr, xã Quảng Tâm giảm 65 hộ; bon Bu Boong, xã Đắk Búk So, giảm 13 hộ; bon Bu Sóp, xã Quảng Trực giảm 83 hộ; bon Phi Lơ Te, xã Đắk Ngo giảm 62 hộ.

Bên cạnh đó, thông qua việc ban hành và thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/HU của Huyện ủy Tuy Đức đã đáp ứng yêu cầu thực tiễn giảm nghèo hiệu quả và bền vững trong vùng đồng bào DTTS tại chỗ. Quá trình tổ chức thực hiện đã tạo được sự chuyển biến rõ nét về tư duy, nhận thức cũng như khơi dậy ý thức chủ động vươn lên thoát nghèo của các hộ nghèo, người nghèo đồng bào DTTS tại chỗ. Các chương trình, chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nâng cao năng lực cho hộ nghèo từng bước phát huy hiệu quả. Năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo chung toàn huyện Tuy Đức giảm 1.493 hộ chiếm 12%; trong đó, tỷ lệ hộ nghèo đồng bào DTTS chung giảm 883 hộ, chiếm 16,45% và tỷ lệ hộ nghèo đồng bào DTTS tại chỗ giảm 421 hộ chiếm 16,17% so với năm 2022.

 
Đa dạng sinh kế giảm nghèo ở tỉnh Đắk Nông
Giảm nghèo ở Đắk Nông với đa dạng sinh kế 

Cũng từ nguồn vốn chính sách, huyện Tuy Đức đã sử dụng nguồn vốn để đầu tư phát triển hạ tầng. Đường giao thông, công trình giáo dục, thiết chế văn hóa cùng nhiều công trình thủy lợi đã được bê tông hóa, phục vụ cho sản xuất của người dân. Trong đó, từ nguồn vốn Chương trình giảm nghèo bền vững, xã Đắk R’tíh được đầu tư 4,5 tỷ đồng xây mới 1,5km kênh mương, nối cánh đồng bon Bu N’Đơr A và cánh đồng bon Bu Kóh. Hệ thống kênh mương được hoàn thiện, giúp nông dân chủ động được nước tưới để gieo trồng đúng thời vụ.

Cùng với đó, để tạo động lực giúp người dân trong Tỉnh phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo, các sở, ban, ngành, đoàn thể, địa phương đã triển khai các chương trình hành động, phong trào thi đua mang lại kết quả thiết thực. Từ đó, tạo nên sức bật giảm nghèo bền vững, giúp người nghèo vươn lên thoát nghèo. Trong đó, hưởng ứng cuộc vận động “Ngày vì người nghèo”, Mặt trận tổ quốc Việt Nam các cấp trong Tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động nhằm đồng hành cùng người dân nghèo, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số.

Từ năm 2022 đến cuối năm 2023, MTTQ các cấp ở Đắk Nông đã vận động Quỹ “Vì người nghèo” và Chương trình an sinh xã hội gần 4 tỷ đồng. Uỷ ban MTTQ các huyện, thành phố đã giúp đỡ xây mới, sửa chữa 50 căn nhà đại đoàn kết; hỗ trợ sinh kế cho nhiều hộ có hoàn cảnh khó khăn. Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Đắk Nông vận động các nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh số tiền 335 triệu đồng xây dựng 4 mái ấm tình thương, trị giá 70 triệu đồng/căn. Ngoài ra, đơn vị còn tặng 55 suất học bỗng trị giá 1 triệu đồng/suất cho các em học sinh. Bên cạnh tặng quà, hỗ trợ kịp thời lúc khó khăn, hoạn nạn, mặt trận các cấp còn hỗ trợ sinh kế trao vốn đầu tư sản xuất, cây, con giống, công cụ, máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp, hỗ trợ làm nhà đại đoàn kết để an cư lạc nghiệp...

Ngoài ra, Tỉnh còn tổ chức kết nghĩa giữa các cơ quan, đơn vị với các bon, buôn làng dân tộc thiểu sổ nhằm tạo mối liên kết, gắn bó bền chặt, tạo điều kiện cho hoạt động giao lưu, triển khai các chương trình được thông suốt, đạt hiệu quả cao. Năm 2023 đã có 87 cơ quan, đơn vị tổ chức hoạt động kết nghĩa với 79 bon, buôn đồng bào dân tộc thiểu số với nhiều nội dung, chương trình ý nghĩa trong công tác giảm nghèo. Giai đoạn 2018-2022, các cơ quan, đơn vị kết nghĩa đã thực hiện hỗ trợ cho 27.247 người, với kinh phí trên 2,9 tỷ đồng. Các cơ quan kết nghĩa hỗ trợ phát triển sản xuất cho 438 hộ tổ chức 13 mô hình sản xuất, với kinh phí trên 1 tỷ đồng.

Không chỉ vậy, từ nguồn vốn tín dụng ưu đãi, năm 2023 Tỉnh đã giải ngân 2.695 lượt hộ nghèo, 2.112 lượt hộ cận nghèo vay vốn, với kinh phí 134.428 triệu đồng. Toàn tỉnh có 47.493 lượt người là đồng bào DTTS sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn được cấp thẻ bảo hiểm y tế, với tổng kinh phí hỗ trợ trên 9,5 tỷ đồng… Tính đến cuối năm 2023, tổng dư nợ của Ngân hàng Chính sách xã hội Tỉnh là hơn 4200 tỷ đồng. Nguồn vốn vay của Ngân hàng luôn được giải ngân kịp thời, tạo niềm tin, động lực để người nghèo vươn lên, nhiều hộ đã thoát nghèo hiệu quả, làm giàu từ chính nguồn vốn vay này. Đặc biệt, để người dân nông thôn có nghề nghiệp, thu nhập ổn định, công tác đào tạo nghề được quan tâm triển khai thực hiện gắn với nhu cầu của thị trường. Chỉ tính riêng trong năm 2023, số lao động được tạo việc làm là 18.200 người. Toàn tỉnh đã đào tạo nghề cho khoảng 4.000 người, trong số này tỷ lệ có việc làm, tự tạo việc làm, tăng thêm thu nhập sau đào tạo đạt 80-85%...

Có thể thấy, với sự linh hoạt và đa dạng trong các sinh kế triển khai thực hiện, công tác giảm nghèo tại Đắk Nông đã và đang mang lại những hiệu quả thiết thực. Thời gian tới, để tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác giảm nghèo bền vững, Tỉnh đã triển khai xây dựng kế hoạch, chương trình hành động thực hiện mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững. Theo đó, tỉnh Đắk Nông phấn đấu mỗi năm tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 3% trở lên; hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ giảm từ 5% trở lên theo chuẩn nghèo đa chiều. Trong đó, các chỉ tiêu chủ yếu cần đạt được đến năm 2025 là: 100% hộ nghèo, cận nghèo thiếu hụt về tiêu chí thu nhập được hỗ trợ và tạo điều kiện phát triển sản xuất, đào tạo nghề, tạo việc làm ổn định, tăng thu nhập; 100% hộ nghèo, hộ cận nghèo thiếu hụt về các dịch vụ xã hội cơ bản sẽ được hỗ trợ một phần để từng bước cải thiện, tiếp cận các dịch vụ về việc làm, y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt, vệ sinh, tiếp cận thông tin…; Các mô hình, dự án giảm nghèo theo hình thức hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, du lịch, khởi nghiệp được tỉnh triển khai nhằm tạo sinh kế, việc làm, thu nhập, thích ứng với biến đổi khí hậu… cho người nghèo.

Với phương châm giảm nghèo: “Giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo; hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo vượt lên mức sống tối thiểu, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản theo chuẩn nghèo đa chiều quốc gia, nâng cao chất lượng cuộc sống; hỗ trợ các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn”… Tin tưởng rằng, Đắk Nông sẽ tiếp tục gặt hái được những thành tích tốt trong công tác giảm nghèo thời gian tới và là điểm sáng trong công tác giảm nghèo bền vững của cả nước./.
 
Gia Linh 
Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top