Thời gian qua, nhờ triển khai hiệu quả Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, tỉnh Hòa Bình đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong việc cải thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội. Các dự án, công trình quan trọng được đầu tư hoàn thành đưa vào sử dụng đã góp phần nâng cao chất lượng hạ tầng đô thị, thay đổi bộ mặt nông thôn, từng bước thu hẹp khoảng cách phát triển giữa thành thị và nông thôn, đời sống Nhân dân được cải thiện…
Tại Hòa Bình, sau 12 năm triển khai thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, Tỉnh đã thực sự đạt được những bước đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội, nông nghiệp, nông thôn và đời sống của người dân. Theo thống kê, đến nay toàn Tỉnh có 73/129 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt 56,6%; bình quân tiêu chí nông thôn mới đạt 16 tiêu chí/xã; toàn tỉnh có 21 xã nông thôn mới nâng cao, 01 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, 60 Khu dân cư kiểu mẫu, 174 vườn mẫu. Thành phố Hòa Bình hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới năm 2018, huyện Lương Sơn đạt chuẩn nông thôn mới năm 2019, huyện Lạc Thủy đạt chuẩn nông thôn mới năm 2020. Số xã đạt từ 15-18 tiêu chí là 2 xã; số xã đạt từ 10-14 tiêu chí là 54 xã. Không có xã đạt dưới 10 tiêu chí trên địa bàn toàn Tỉnh.
Bên cạnh đó, theo Báo cáo của UBND tỉnh Hòa Bình, đến tháng 6/2023, tổng số đơn vị cấp huyện thực hiện xây dựng nông thôn mới là 10/10, trong đó có 03 đơn vị cấp huyện đã được công nhận đạt chuẩn, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng Nông thôn mới. Các địa phương (xã, huyện) đã đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng Nông thôn mới tiếp tục thực hiện xây dựng xã Nông thôn mới nâng cao, xã Nông thôn mới kiểu mẫu, huyện Nông thôn mới nâng cao.
Thành phố Hòa Bình - ngày càng phát triển
Giai đoạn 2021-2025, Hòa Bình triển khai Chương trình gắn với thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn, quá trình đô thị hoá, đi vào chiều sâu, hiệu quả, bền vững; thực hiện xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu và nông thôn mới cấp thôn, bản. Nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn, thúc đẩy bình đẳng giới. Xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn đồng bộ và từng bước hiện đại, bảo đảm môi trường, cảnh quan nông thôn sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn, giàu bản sắc văn hoá truyền thống, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững. Trong đó, để đảm bảo phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, đảm bảo kết nối nông thôn - đô thị và kết nối các vùng miền, Tỉnh đã tích cực triển khai hoàn thiện và nâng cao hệ thống hạ tầng giao thông trên địa bàn xã, hạ tầng giao thông kết nối liên xã, liên huyện với phương châm Nhà nước và Nhân dân cùng làm… Nhờ vậy, hệ thống giao thông nông thôn của Tỉnh phát triển cả về số lượng và chất lượng, đến nay đã có 85/129 đạt 65,9% xã đạt tiêu chí số 2 về Giao thông thuộc Bộ tiêu chí về xã nông thôn mới.
Hoàn thiện và nâng cao chất lượng hệ thống thủy lợi và phòng chống thiên tai cấp xã, huyện, đảm bảo bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu, toàn tỉnh đã có 129/129 đạt 100% xã đạt tiêu chí số 3 về Thuỷ lợi và phòng, chống thiên tai. Đẩy mạnh cải tạo và nâng cấp hệ thống lưới điện nông thôn theo hướng an toàn, tin cậy, ổn định và đảm bảo mỹ quan.
Tỉnh Hòa Bình - chú trọng xây dựng cơ sở hạ tầng để phát triển kinh tế-xã hội
Dự án “Nâng cấp, cải tạo hệ thống lưới điện khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh Hòa Bình” được triển khai trên địa bàn 26 xã thuộc 5 huyện của Tỉnh. Theo đó, Tỉnh đã xây dựng mới 35,665 km đường dây trung áp; 45 trạm biến áp với tổng dung lượng khoảng 6.385kVA; Xây dựng mới 76,582 km đường dây hạ áp (trong đó: Xây dựng mới: 65,611 km; nâng cấp, cải tạo: 10,971 km); Lắp đặt mới 1.379 công tơ. Đến nay toàn tỉnh Hòa Bình đã có 129/129 xã có hệ thống điện đảm bảo cho sản xuất, kinh doanh, sinh hoạt… tại các địa phương, đạt 100% tiêu chí số 4 về Điện.
Xây dựng, hoàn chỉnh các công trình cấp xã, cấp huyện đảm bảo đạt chuẩn cơ sở vật chất cho các trường mầm non, trường tiểu học, trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông hoặc trường phổ thông có nhiều cấp học, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên đảm bảo đạt chuẩn theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Đến nay toàn tỉnh đã có 84/129 (đạt 65,1%) xã đạt chuẩn tiêu chí Trường học và 127/129 (đạt 98,5%) xã đạt chuẩn tiêu chí về Giáo dục và Đào tạo.
Công trình cầu Hòa Bình 2
Xây dựng và hoàn thiện hệ thống cơ sở vật chất văn hóa thể thao cấp xã, thôn, các trung tâm văn hóa - thể thao huyện; tu bổ, tôn tạo các di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch nông thôn, đến nay toàn tỉnh đã có 85/129 (đạt 65,9%) xã đạt tiêu chí số 6 về Cơ sở vật chất văn hoá.
Tiếp tục đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn, chợ an toàn thực phẩm cấp xã; các chợ trung tâm, chợ đầu mối, trung tâm thu mua - cung ứng nông sản an toàn cấp huyện; trung tâm kỹ thuật nông nghiệp; hệ thống trung tâm cung ứng nông sản hiện đại, toàn tỉnh đã có 128/129 (đạt 99%) xã đạt chuẩn tiêu chí số 7 về Cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn.
Không chỉ vậy, Tỉnh cũng quan tâm đầu tư, xây dựng, cải tạo và nâng cấp cơ sở hạ tầng, trang thiết bị cho các trạm y tế xã, trung tâm y tế huyện, đã có 104/129 (đạt 80,6%) xã đạt tiêu chí số 15 về Y tế. Bên cạnh đó, việc xây dựng cơ sở vật chất cho hệ thống thông tin và truyền thông cơ sở, ưu tiên phát triển, nâng cấp các đài truyền thanh xã có cụm loa hoạt động đến thôn và tăng cường phương tiện sản xuất các sản phẩm thông tin, tuyên truyền cho cơ sở truyền thanh, truyền hình cấp huyện; phát triển và duy trì các điểm cung cấp dịch vụ bưu chính, đến nay toàn tỉnh đã có 129/129 (đạt 100%) xã đạt tiêu chí số 8 về Thông tin và Truyền thông. Các công trình cấp nước sinh hoạt tập trung, đảm bảo chất lượng đạt chuẩn theo quy định, toàn Tỉnh đã có 86/129 (đạt 66,7%) xã đạt tiêu chí số 17 về Môi trường và an toàn thực phẩm…
Cơ sở hạ tầng bảo vệ môi trường nông thôn được xây dựng, thu hút các doanh nghiệp đầu tư các khu xử lý chất thải tập trung quy mô liên huyện; đầu tư hạ tầng các điểm tập kết, trung chuyển chất thải rắn sinh hoạt; xây dựng các mô hình xử lý chất thải sinh hoạt quy mô tập trung (cấp huyện và liên huyện); cải tạo, nâng cấp đồng bộ hệ thống thu gom, thoát nước thải và các công trình xử lý nước thải sinh hoạt tập trung và tại chỗ phù hợp; trong đó có phát triển các mô hình xử lý nước thải sinh hoạt quy mô hộ gia đình, cấp thôn.
Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Hòa Bình cho biết, từ đầu năm 2023, nhờ hệ thống hạ tầng nông thôn phát triển mạnh mẽ đã góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp hàng hóa phát triển. Hiện Tỉnh có 123 sản phẩm với 24 sản phẩm OCOP đạt hạng 4 sao; có 99 sản phẩm đạt hạng 3 sao, tập trung chủ yếu vào nhóm sản phẩm đặc thù, thế mạnh của tỉnh, được khách hàng trong nước và quốc tế tin dùng như: Cam Cao Phong, bưởi đỏ Tân Lạc, cá sông Đà, sản phẩm chế biến từ măng nứa, măng bát độ; nhóm dược liệu như: Cao cà gai leo, cao xạ đen; sản phẩm từ thổ cẩm của đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Hòa Bình. Một số sản phẩm đã xuất khẩu sang Mỹ, châu Âu…
Có thể thấy, việc tập trung phát triển hạ tầng kinh tế-xã hội nói riêng cũng như quá trình xây dựng nông thôn mới nói chung tại Hòa Bình đã và đang được triển khai tích cực, mang lại hiệu quả. Với nhiều công trình, dự án đầu tư thuộc nhóm hạ tầng giao thông, thủy lợi, điện, trường học, trạm y tế được xây dựng, sớm đi vào khai thác, vận hành, cơ bản đảm bảo nhu cầu của cộng đồng dân cư. Tuy nhiên theo đánh giá, trong quá trình thực hiện Chương trình với các nội dung thành phần dự án trong xây dựng nông thôn mới của Tỉnh vẫn còn gặp một số khó khăn, hạn chế khiến cho tiến độ cũng như hiệu quả triển khai chưa có tính bền vững. Trong đó, việc hoàn thành các chỉ tiêu - tiêu chí nông thôn mới nâng cao của Hòa Bình còn thấp và chưa bền vững như: Tỷ lệ đường xã được bảo trì hằng năm, đảm bảo sáng - xanh - sạch - đẹp và có các hạng mục cần thiết như biển báo, biển chỉ dẫn, chiếu sáng, gờ giảm tốc, cây xanh bóng mát...; tỷ lệ diện tích cây trồng chủ lực của địa phương được tưới tiên tiến, tiết kiệm nước mới đạt trên 30%... Cùng với đó, do nguồn lực đầu tư còn thấp trong khi công trình nhu cầu cần nhiều vốn nên nhiều dự án, công trình chưa được triển khai và hiệu quả khi đưa vào hoạt động chưa cao…
Theo Kế hoạch số 06/KH-UBND về việc thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới năm 2023, Tỉnh đặt mục tiêu phấn đấu hết năm 2023 có thêm 06 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Các xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới tiếp tục phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. Bình quân tiêu chí nông thôn mới của Tỉnh đạt 16,2 tiêu chí/xã. Chuẩn hóa và nâng cấp 16 sản phẩm OCOP cấp Tỉnh đạt 3 sao trở lên. Tiếp tục hoàn thành các công trình thiết yếu đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất và đời sống của cư dân nông thôn: Giao thông, thủy lợi, điện, nước sinh hoạt, trường học, trạm y tế. Nâng cao chất lượng cuộc sống của cư dân nông thôn; tạo nhiều mô hình sản xuất gắn với việc làm ổn định cho Nhân dân…
Để đạt được mục tiêu trên, Hòa Bình xác định tập trung vào một số giải pháp trọng tâm như: Tiếp tục tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, thành lập, kiện toàn, củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống Ban Chỉ đạo và Văn phòng điều phối xây dựng nông thôn mới các cấp. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới và công tác triển khai nguồn vốn nông thôn mới năm 2023 tại các địa phương.
Tuyên truyền, nâng cao nhận thức, vai trò, trách nhiệm cấp ủy, chính quyền, cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân trong Tỉnh trong xây dựng nông thôn mới. Tiếp tục rà soát các cơ chế, chính sách để thực hiện Chương trình một cách hiệu quả, huy động nguồn lực, thu hút doanh nghiệp, đào tạo nhân lực đầu tư vào địa bàn nông thôn, phát triển sản xuất kinh doanh; chú trọng công nghiệp chế biến nông sản và công nghiệp thu dụng nhiều lao động nhằm chuyển dịch cơ cấu lao động và kinh tế nông thôn.
Tiếp tục quan tâm huy động các nguồn lực cho xây dựng nông thôn mới; lồng ghép thực hiện với nguồn vốn của các chương trình khác để hoàn thành kế hoạch đề ra; Ưu tiên nguồn lực hỗ trợ từ ngân sách cho các xã đặc biệt khó khăn, các xã đăng ký đạt chuẩn trong giai đoạn 2021-2025. Quan tâm đến thực hiện một số tiêu chí còn đạt ở mức thấp; trong đó, có tiêu chí cần huy động nguồn lực đầu tư các công trình hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông, thủy lợi, trường học, trạm y tế, nước sạch, môi trường,... Tập trung, ưu tiên nguồn kinh phí hỗ trợ phát triển các mô hình kinh tế hợp tác, hợp tác xã; mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị để tạo việc làm, tăng thu nhập ổn định cho cư dân nông thôn.
Đặc biệt, để đảm bảo phát triển hạ tầng kinh tế-xã hội cơ bản đồng bộ, hiện đại, đảm bảo kết nối nông thôn - đô thị và kết nối các vùng miền theo đúng những nội dung thành phần được nêu tại Quyết định số 263/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, tỉnh Hòa Bình sẽ tiếp tục hoàn thiện và nâng cao chất lượng hệ thống hạ tầng cơ bản phục vụ sản xuất và dân sinh ở nông thôn, theo hướng đáp ứng yêu cầu, nâng cao chất lượng; chú trọng đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn gắn với phát triển đô thị, từng bước bắt kịp tốc độ phát triển chung của vùng, tạo kết nối đồng bộ, nhất là kết nối liên xã, liên huyện; Mở rộng và hiện đại hóa hệ thống cơ sở hạ tầng trung tâm cấp huyện, trong đó, chú trọng đầu tư hình thành và phát triển hệ thống cung ứng, kết nối nông sản hiện đại cấp huyện; chủ động giải pháp ứng phó với thiên tai và biến đổi khí. Thiết chế hạ tầng nông thôn của các khu đô thị, thành phố lớn phải yêu cầu cao hơn (về kỹ thuật, quy mô, nội dung, mỹ thuật...) so với các khu vực khác, đảm bảo kết nối đồng bộ với đô thị. Đồng thời, có cơ chế đột phá đầu tư phát triển hệ thống giao thông cho những địa bàn khó khăn do đặc thù về điều kiện địa hình, địa chất, tạo sức bật để các địa phương khai thác tối đa các tiềm năng, lợi thế sẵn có.
Với sự nỗ lực, quyết tâm của cả hệ thống chính trị các cấp, các lực lượng xã hội và sự hưởng ứng, chung tay góp sức của Nhân dân, tin tưởng rằng Hòa Bình sẽ phát huy được những thành quả đã đạt được trong thực hiện xây dưng nông thôn mới, hoàn thành mục tiêu phát triển hạ tầng kinh tế-xã hội, cơ bản, đồng bộ, cải thiện đời sống của nông dân, góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương./.
PV