Quảng Ninh năm thứ chín liên tiếp tăng trưởng đạt 2 con số

09/02/2024 - 08:02 PM

Năm 2023, tỉnh Quảng Ninh đã tận dụng tốt cơ hội, chủ động vượt qua khó khăn, thách thức, đoàn kết đạt được những kết quả tích cực trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, xã hội, đồng thời tiếp tục giữ vững vị trí là một cực tăng trưởng của khu vực phía Bắc. Thành quả này đang tạo ra những đột phá trong chuyển phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh” của tỉnh Quảng Ninh.

Tăng trưởng mạnh mẽ

Với việc kế thừa, đổi mới và phát triển, đến nay, tỉnh Quảng Ninh đã vươn lên trở thành một trong những tỉnh đi đầu trong công cuộc đổi mới sáng tạo của Vùng đồng bằng Bắc Bộ, một cực tăng trưởng của khu vực phía Bắc với đà tăng trưởng 2 con số liên tục trong nhiều năm qua. Từ đó, góp phần đẩy mạnh đưa công cuộc đổi mới đi vào chiều sâu, hướng vào chất lượng phát triển, tạo đột phá trong chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh”, đẩy nhanh tốc độ phát triển và hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ, hiện đại chủ yếu từ nguồn lực xã hội hóa dựa trên nguyên tắc“đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư”, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xanh hóa, lấy du lịch, dịch vụ làm mũi nhọn gắn với phát triển kinh tế biển, tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Quảng Ninh năm thứ chín liên tiếp tăng trưởng đạt 2 con số

Năm 2023, trong bối cảnh có những thời cơ, thuận lợi, đồng thời đối diện với nhiều khó khăn, thách thức, tình hình thế giới, khu vực có nhiều biến động phức tạp, khó lường, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Tỉnh đã bám sát sự chỉ đạo của Trung ương và thực tiễn địa phương, tiếp tục quyết tâm, kiên định và quyết liệt lãnh đạo, chỉ đạo triển khai có hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm, toàn diện trên các lĩnh vực công tác, bám sát chủ đề “Nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư và chất lượng đời sống Nhân dân”; Cùng sự quyết tâm cao, nỗ lực lớn, đoàn kết, chung sức, đồng lòng của Nhân dân các dân tộc và cộng đồng doanh nghiệp, tỉnh Quảng Ninh đã đạt được những kết quả quan trọng, nổi bật.

Theo Cục Thống kê tỉnh Quảng Ninh, năm 2023, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước tăng 11,03%, gấp hơn 2 lần so với trung bình cả nước, đứng thứ nhất trong các tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng và đứng thứ 3 toàn quốc. Đây cũng là năm thứ 9 liên tiếp (từ năm 2015-2023), tỉnh Quảng Ninh đạt tốc độ tăng trưởng 2 con số.

Quy mô GRDP theo giá hiện hành năm 2023 đạt 315,8 nghìn tỷ đồng, cơ cấu kinh tế: Khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản chiếm 4,7%; khu vực công nghiệp - xây dựng chiếm 51,9%; khu vực dịch vụ chiếm 30,7%; Thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 12,7%.

Năm 2023, chỉ số sản xuất ngành công nghiệp tăng 14,04% so với cùng kỳ năm trước (năm 2022 tăng 5,95%), trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 30,3%; Chỉ số tiêu thụ sản phẩm toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 23,88% so với cùng kỳ.

Hoạt động xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp trên địa bàn Tỉnh vẫn duy trì tăng trưởng tốt. Năm 2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 3.142 triệu USD, tăng 12,9% so với cùng kỳ năm 2022. Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 3.270 triệu USD.

Về đầu tư phát triển, Tỉnh tiếp tục tập trung chỉ đạo, đôn đốc các chủ đầu tư, các đơn vị thi công tăng cường nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình, dự án trọng điểm. Năm 2023, vốn đầu tư phát triển trên địa bàn Tỉnh đạt 103,6 nghìn tỷ đồng, tăng 9,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, vốn Nhà nước trên địa bàn đạt 27,1 nghìn tỷ đồng, giảm 8,6%; vốn ngoài Nhà nước đạt 53,3 nghìn tỷ đồng, giảm 1,2%; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 23,2 nghìn tỷ đồng, tăng 109,7%. Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý trong năm 2023 đạt 14,1 nghìn tỷ đồng, giảm 9,8% so với cùng kỳ năm trước và bằng 89,9% kế hoạch năm.

Năm 2023, tỉnh Quảng Ninh thuộc nhóm 5 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Theo đó, tỉnh Quảng Ninh đã thu hút trên 3,15 tỷ USD vốn FDI, tăng 27% so với cùng kỳ năm 2022. Số dự án FDI được cấp mới giấy chứng nhận đăng ký đầu tư là 26 dự án, với tổng số vốn đầu tư đăng ký đạt 3.103,9 triệu USD. Trong năm 2023, có 8 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào tỉnh Quảng Ninh, dẫn đầu là Hồng Kông với 1.549,8 triệu USD, chiếm 49,9% tổng vốn FDI thu hút.

Năm 2023, toàn Tỉnh có 2.728 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 10,4% so với cùng kỳ năm 2022; số vốn đăng ký đạt 31.039 tỷ đồng, tăng 37,5%; Số lao động đăng ký đạt 31.328 lao động, tăng 65%.

Quý IV năm 2023, khu vực dịch vụ tiếp tục là điểm sáng, đóng vai trò quan trọng trong tăng trưởng chung của Tỉnh. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng quý IV tăng 10,5% so với cùng kỳ năm 2022. Tính chung cả năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ của tỉnh Quảng Ninh đạt 89.714,3 tỷ đồng, tăng 14,6% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó: Doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 51.227,5 tỷ đồng, chiếm 57,1% tổng mức và tăng 12,2% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu lưu trú, ăn uống đạt 13.528,9 tỷ đồng, chiếm 15,1% tổng mức và tăng 32,6%; Dịch vụ ăn uống đạt 9.477,3 tỷ đồng, chiếm 70,0% và tăng 25,2%. Doanh thu du lịch lữ hành đạt 683,1 tỷ đồng, chiếm 0,8% và tăng 81,9%; Doanh thu dịch vụ khác đạt 24.284,7 tỷ đồng, chiếm 27,1% và tăng 10,0%.

Về du lịch, ngay từ đầu năm 2023, ngành du lịch tỉnh Quảng Ninh đã chú trọng đổi mới, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, quảng bá hình ảnh du lịch, điểm đến, các sản phẩm du lịch mới trên các kênh truyền thông, truyền hình trong nước và quốc tế. Nhiều hoạt động, tuần lễ lễ hội lớn diễn ra với 130 hoạt động, sự kiện, chương trình về văn hóa, thể thao, thương mại, du lịch như: Lễ hội xuân Yên Tử, lễ hội đền Cửa Ông, lễ hội chùa Ba Vàng, Liên hoan Ẩm thực Quảng Ninh năm 2023, Chuỗi hoạt động kỷ niệm 60 năm Ngày thành lập tỉnh Quảng Ninh 30/10 (1963-2023), Chương trình biểu diễn thời trang của Đoàn Hoa hậu Hòa bình Quốc tế tại Hạ Long trong khuôn khổ cuộc thi Hoa hậu Hòa Bình Quốc tế… đã tạo sức lan tỏa lớn, thu hút khách đến tham quan, du lịch. Năm 2023, khách du lịch đến Quảng Ninh đạt 15,5 triệu lượt người, gấp 1,3 lần cùng kỳ năm trước (Trong đó: Khách quốc tế đạt 2.150 nghìn lượt người, gấp 6,07 lần cùng kỳ năm 2022; khách nội địa đạt 13.410 nghìn lượt người, tăng 18,7%).

Những thành quả đạt được trong năm 2023 góp phần đưa công cuộc đổi mới của tỉnh Quảng Ninh đi vào chiều sâu, hướng vào chất lượng phát triển thông qua việc giải quyết hài hòa mối quan hệ kinh tế - môi trường - xã hội. Đây cũng là cách tạo đột phá chuyển phương thức phát triển từ“nâu” sang“xanh”, chuyển đổi giảm dần phụ thuộc vào khai khoáng, hướng mũi nhọn phát triển sang lĩnh vực du lịch và dịch vụ được tỉnh Quảng Ninh bắt đầu thực hiện từ năm 2011, bên cạnh việc thúc đẩy mạnh mẽ Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh của Thủ tướng Chính phủ. Tỉnh Quảng Ninh cũng trở thành hình mẫu phát triển quốc gia cho hành trình chuyển đổi kinh tế từ “nâu” sang “xanh”.

Khát vọng xây dựng một Quảng Ninh kiểu mẫu, giàu đẹp, văn minh, hiện đại

Năm 2024, tỉnh Quảng Ninh đứng trước những thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen và là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng để hoàn thành mục tiêu, chỉ tiêu đã đề ra tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020 - 2025. Theo đó, ngày 27/11/2023, Tỉnh ủy Quảng Ninh đã ban hành Nghị quyết số 20 về phương hướng nhiệm vụ năm 2024, với chủ đề công tác là “Nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế; phát triển văn hóa, con người giàu bản sắc Quảng Ninh”.

Trên cơ sở đó, UBND Tỉnh Quảng Ninh xây dựng mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội năm 2024. Trong đó, đặt ra mục tiêu phấn đấu: Tốc độ tăng trưởng GRDP đạt trên 10%; Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn đạt 55.600 tỷ đồng, trong đó thu xuất nhập khẩu đạt trên 13.000 tỷ đồng và thu nội địa phấn đấu đạt số thu cao nhất; Tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng trên 10%, trọng điểm là thu hút vốn FDI ít nhất 3 tỷ USD; phát triển mới ít nhất 2.000 doanh nghiệp; Giữ vững vị trí nhóm đứng đầu cả nước về các chỉ số PCI, PAR Index, SIPAS và PAPI; Tỷ lệ lao động đã qua đào tạo đạt 87%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ 51%; tạo ra khoảng 30.000 việc làm tăng thêm; Tỷ lệ người dân đô thị được cung cấp nước sạch qua hệ thống cấp nước tập trung đạt 98,3%; tỷ lệ người dân nông thôn sử dụng nguồn nước ăn uống hợp vệ sinh đạt trên 99,9%...

Để hoàn thành các mục tiêu, toàn Tỉnh tập trung vào 6 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong năm 2024 như: Đẩy mạnh công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; đổi mới phương thức, nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền, sức chiến đấu của Đảng, hiệu lực, hiệu quả của chính quyền, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp; nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế trên nền tảng nguồn nhân lực chất lượng cao, yếu tố đổi mới sáng tạo, ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ, tham gia sâu rộng vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu; đẩy mạnh thực hiện hiệu quả ba đột phá chiến lược; kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế nhanh, bền vững với phát triển văn hóa, con người, xây dựng nền văn hóa giàu bản sắc Quảng Ninh; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước trên các lĩnh vực; quản lý chặt chẽ, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên thiên nhiên; phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo đảm an ninh nguồn nước; bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại.

Thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp, Quảng Ninh tập trung phát triển theo chiều sâu, phát triển bền vững, tăng trưởng xanh, bao trùm, toàn diện, đặt con người vào vị trí trung tâm, vì hạnh phúc của nhân dân. Nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế trên nền tảng nguồn nhân lực chất lượng cao, yếu tố đổi mới sáng tạo, ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ, tham gia sâu rộng vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu. Đẩy mạnh cơ cấu lại khu vực công nghiệp, tăng nhanh quy mô và tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo; phát triển hợp lý.

Đồng thời, gắn kết chặt chẽ, hài hòa giữa phát triển kinh tế nhanh, bền vững với phát triển văn hóa, con người, xây dựng nền văn hóa giàu bản sắc Quảng Ninh. Nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, trọng tâm là quán triệt, tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết số 17-NQ/TU của BCH Đảng bộ Tỉnh về “xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Quảng Ninh trở thành nguồn lực nội sinh, động lực cho phát triển nhanh, bền vững”. Thu hút các dự án đầu tư vào lĩnh vực năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, năng lượng mới; giữ vững vai trò là một trung tâm năng lượng của quốc gia. Phát triển dịch vụ tổng hợp hiện đại ngày càng giữ vai trò chủ đạo; du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn gắn với phát triển kinh tế biển bền vững.

Không ngừng nâng cao chất lượng đời sống Nhân dân, thu hẹp chênh lệch vùng miền, nhất là phát triển, hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông nông thôn ở khu vực miền núi, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số phục vụ sản xuất và đời sống. Phát triển nông nghiệp bền vững, hiệu quả, quy mô sản xuất hàng hóa lớn, ứng dụng công nghệ cao, tăng cường liên kết theo chuỗi, nâng cao giá trị gia tăng, hiệu quả kinh tế của các sản phẩm OCOP. Đẩy mạnh nuôi trồng thủy sản, khai thác hải sản bền vững. Tăng diện tích rừng có chứng chỉ rừng; nâng cao chất lượng rừng đặc dụng và rừng phòng hộ ven biển, tích cực chuyển đổi từ rừng sản xuất sang rừng cảnh quan, rừng phòng hộ, rừng đặc dụng./.

Nguyễn Trang


Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top