Kinh tế Hà Nội quý I/2024 tiếp tục duy trì tăng trưởng

16/04/2024 - 08:29 AM
Theo Cục Thống kê TP Hà Nội, trong quý I/2024, với sự chỉ đạo quyết liệt của Thành ủy, HĐND, UBND thành phố Hà Nội, kinh tế Thành phố tiếp tục duy trì tăng trưởng, thu ngân sách đạt khá, an sinh xã hội được đảm bảo.

Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) quý I/2024 ước tính tăng 5,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,76%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 4,77%; khu vực dịch vụ tăng 5,84%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 4,94%.

Trong quý I/2024, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản ước tính tăng 3,76% (quý I/2023 tăng 2,14%), đóng góp 0,08 điểm phần trăm vào mức tăng GRDP. Những tháng đầu năm thời tiết tương đối thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp, thu hoạch cây màu vụ Đông đạt khá, công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng được quan tâm thực hiện. Chăn nuôi phát triển ổn định, dịch bệnh được kiểm soát, hoạt động tái đàn được quan tâm, đàn lợn tăng 1,7% so với cùng kỳ năm trước; đàn gia cầm tăng 1,2%; sản lượng thủy sản tăng 3,4%.

 
Kinh tế Hà Nội quý I/2024 tiếp tục duy trì tăng trưởng
Ảnh minh họa

Khu vực công nghiệp, xây dựng quý I/2024 ước tính tăng 4,77% (quý I/2023 tăng 2,39%), đóng góp 0,84 điểm phần trăm vào mức tăng chung. Ngành công nghiệp còn gặp khó khăn, một số sản phẩm chủ lực sản xuất và xuất khẩu giảm, ước quý I tăng 4,31%, đóng góp 0,51 điểm phần trăm (ngành chế biến, chế tạo tăng 3,5%; sản xuất phân phối điện tăng 15,37%; hoạt động cung cấp nước và xử lý rác, nước thải tăng 9,02%). Ngành xây dựng quý I/2024 ước tăng 5,72%, đóng góp 0,33 điểm phần trăm vào mức tăng chung.

Khu vực dịch vụ ước tính quý I tăng 5,84% (quý I/2023 tăng 7,66%), đóng góp 4 điểm phần trăm vào mức tăng GRDP, trong đó: Hoạt động hành chính và dịch vụ hỗ trợ (bao gồm du lịch, lữ hành) tăng 19,35%, đóng góp 0,76 điểm phần trăm; bán buôn, bán lẻ tăng 7,33%, đóng góp 0,77 điểm phần trăm; dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 7,2%, đóng góp 0,13 điểm phần trăm; tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 6,52%, đóng góp 0,64 điểm phần trăm; giáo dục và đào tạo tăng 6,1%, đóng góp 0,23 điểm phần trăm; chuyên môn, khoa học và công nghệ tăng 6,02%, đóng góp 0,37 điểm phần trăm; vận tải, kho bãi tăng 5,22%, đóng góp 0,43 điểm phần trăm; thông tin và truyền thông tăng 2,87%, đóng góp 0,45 điểm phần trăm... Thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm quý I/2024 ước tính tăng 4,94% (quý I/2023 tăng 1,44%), chiếm 0,58 điểm phần trăm vào mức tăng GRDP.

Về cơ cấu GRDP quý I/2024, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 2,09%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 18,61%; khu vực dịch vụ chiếm 67,99%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 11,31% (cơ cấu GRDP quý I/2023 tương ứng là: 2,07%; 19,57%; 66,26% và 12,10%).

Năm 2024 có ý nghĩa rất quan trọng đối với cả nước và Thủ đô Hà Nội. Để hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, trong thời gian tới, Thành phố đề nghị tới các cấp, các ngành, địa phương cần nghiêm túc triển khai, thực hiện các Văn bản, chỉ đạo của Trung ương và Thành ủy, HĐND, UBND Thành phố về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2024.

Thành phố cũng đề nghị các cấp, các ngành đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số và nâng cao năng lực quản lý Nhà nước trên mọi lĩnh vực. Tập trung tối đa nguồn lực, đẩy mạnh giải ngân, thực hiện hiệu quả vốn đầu tư công năm 2024. Hoàn thành nhanh, gọn từng dự án đảm bảo tiến độ và chất lượng công trình; xử lý hồ sơ, thủ tục thanh, quyết toán theo quy định; khẩn trương hoàn thiện thủ tục đầu tư để khởi công các dự án mới. Đôn đốc quyết liệt tiến độ các công trình trọng điểm, các công trình thiết yếu, dự án nhà ở xã hội; tập trung tháo gỡ khó khăn tối đa cho các dự án ODA, dự án vốn đầu tư nước ngoài, đầu tư ngoài ngân sách nhằm đẩy mạnh kích cầu đầu tư.

Thúc đẩy sản xuất công nghiệp, nâng cao hiệu quả, năng lực sản xuất của các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp; thu hút các dự án đầu tư công nghiệp lớn có vai trò quan trọng, nhằm gia tăng năng lực sản xuất trên địa bàn. Tiếp tục đẩy mạnh sản xuất công nghiệp theo định hướng Chương trình phát triển các ngành công nghiệp ưu tiên, Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ và Đề án phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực của Thành phố.

Cùng với đó, theo dõi sát diễn biến cung cầu giá cả thị trường; tăng cường công tác quản lý, điểu hành, bình ổn thị trường giá cả, kiểm tra, giám sát việc kê khai, niêm yết giá và việc bán theo giá niêm yết; xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng tăng giá bất hợp lý. Chủ động dự báo, xây dựng, cập nhật kịch bản điều hành giá và phương án, lộ trình điều chỉnh một số dịch vụ công, dịch vụ y tế, giáo dục theo mức độ và thời điểm phù hợp với diễn biến thị trường, bảo đảm mục tiêu kiểm soát lạm phát…

PV
 

Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top