Đắk Nông là một trong 5 tỉnh thuộc Khu vực Tây Nguyên với 40 dân tộc cùng sinh sống. Dân số toàn Tỉnh trên 677,6 nghìn người, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) trên 215 nghìn người, chiếm 31,73%; có 03 dân tộc thiểu số tại chỗ gồm: M’Nông, Mạ và Ê Đê với gần 75 nghìn người, chiếm 11,05% dân số toàn Tỉnh. Những năm qua, nhờ sự quan tâm, đầu tư của Nhà nước đối với vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS và sự đồng hành của người dân, đời sống của đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đã có sự đổi thay rõ rệt. Điều đó tạo nên sự phấn khởi, tin tưởng của đồng bào các dân tộc đối với sự lãnh đạo của Đảng, điều hành của Chính phủ, Nhà nước và chính quyền các cấp…
Lãnh đạo xã Đắk Gằn, huyện Đắk Mil hướng dẫn diệt rệp trên lá cà phê cho người dân tại bon Đắk Láp
Những năm qua, thực hiện chủ trương chung của Đảng và Nhà nước về đầu tư phát triển toàn diện, bền vững vùng đồng bào DTTS và miền núi, tỉnh Đắk Nông đã ưu tiên dành nhiều nguồn lực để thực hiện các chính sách liên quan đến đồng bào DTTS như: Hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở cho các hộ đồng bào dân DTTS; Hỗ trợ học sinh, sinh viên DTTS thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo; Hỗ trợ lãi suất đối với hộ gia đình đồng bào DTTS tại chỗ trên địa bàn tỉnh Đắk Nông... Các chính sách đã tác động trực tiếp đến đời sống kinh tế, xã hội, cơ sở vật chất, hạ tầng vùng đồng bào DTTS, tạo sự đồng thuận lớn trong Nhân dân, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, dân trí của người dân. Tỷ lệ hộ nghèo chung toàn Tỉnh bình quân mỗi năm giảm từ 2-3%. Sự nghiệp giáo dục và đào tạo, chăm sóc sức khỏe Nhân dân được cải thiện tốt hơn; các giá trị văn hóa truyền thống được bảo tồn và phát huy; quyền bình đẳng giữa các dân tộc được đảm bảo, tinh thần đoàn kết giữa các dân tộc được củng cố.
Đồng bào DTTS ở Đắk Nông tập trung phát triển kinh tế, nỗ lực vươn lên thoát nghèo
Nhiều mô hình kinh tế của đồng bào DTTS tại Đắk Nông đang phát huy hiệu quả
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Đắk Nông lần thứ XII xác định: “Đẩy mạnh thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số; chú trọng công tác dân tộc trong tình hình mới; bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa các dân tộc; xây dựng môi trường và đời sống văn hóa lành mạnh; nâng cao chất lượng cuộc sống của Nhân dân”.
Trong đó đề ra các giải pháp: “Ưu tiên đầu tư phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn; triển khai có hiệu quả “Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030” gắn với Chương trình xây dựng nông thôn mới, Chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững. Thực hiện đồng bộ các giải pháp bố trí ổn định dân di cư tự do theo Nghị quyết 22/NQ-CP của Chính phủ về ổn định dân di cư tự do và quản lý, sử dụng đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chính sách dân tộc, bảo đảm các dân tộc đều bình đẳng, tôn trọng, đoàn kết, giúp nhau cùng phát triển; tạo sự chuyển biến rõ rệt trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số. Nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo, chất lượng nguồn nhân lực và chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số, người tiêu biểu có uy tín trong cộng đồng các dân tộc. Tăng cường kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện các chủ trương, chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước ở các cấp. Xử lý nghiêm những âm mưu, hoạt động chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc”.
Một lớp học xóa mù chữ ở Đắk Nông. Ảnh: TTXVN
Cùng với đó, tỉnh Đắk Nông thực hiện đầu tư phát triển vùng đồng bào DTTS có trọng tâm, trọng điểm, mang tính dài hạn, xóa bỏ dần các chính sách cho không, chuyển sang các chính sách hỗ trợ, cho vay có điều kiện để người dân khắc phục tình trạng trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước. Đầu tư phát triển và các hoạt động hỗ trợ sản xuất, phát triển sinh kế, xóa đói giảm nghèo theo hướng sản xuất tập trung, khai thác tiềm năng, thế mạnh của từng địa bàn cụ thể để sản xuất nông nghiệp hàng hóa theo chuỗi giá trị, liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp cả đầu vào và đầu ra của sản phẩm. Huy động sự tham gia, vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nhất là các tổ chức chính trị - xã hội ở cơ sở nơi mà người dân là đoàn viên, hội viên của các đoàn thể; phát huy vai trò của các già làng, người có uy tín trong vùng đồng bào DTTS để họ trở thành những lá cờ đầu, tuyên truyên viên trong việc thực hiện các chính sách của Đảng và Nhà nước. Làm tốt công tác kiểm tra, giám sát đối với việc thực hiện các chương trình, chính sách ở vùng đồng bào DTTS; có chính sách biểu dương, khen thưởng đối với các cá nhân, tập thể có mô hình hay, cách làm sáng tạo, có nhiều đóng góp trong việc thực hiện các chính sách phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS.
Đồng bào DTTS là hộ nghèo được quan tâm, hỗ trợ trao tiền làm nhà ở
Với việc thực hiện tốt 3 Chương trình mục tiêu quốc gia: Xây dựng nông thôn mới; phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; xóa đói giảm nghèo bền vững, các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội về: Hạ tầng, thu nhập, y tế, giáo dục, văn hoá, giảm nghèo... của Đắk Nông đã có sự chuyển biến tích cực. Năm 2021, tỷ lệ hộ nghèo toàn Tỉnh 11,19%, trong đó, đồng bào DTTS chiếm tỷ lệ 32,81%. Đến cuối năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo chung của tỉnh giảm còn 7,97% (giảm 3,22%), hộ nghèo DTTS giảm 8,55%, riêng hộ nghèo DTTS tại chỗ là 24,56% (giảm 8,25%). Để có được kết quả này, ngoài việc thực hiện các chính sách giảm nghèo của Chính phủ, tỉnh Đắk Nông đã ban hành các chính sách đặc thù riêng cho đồng bào DTTS phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương.
Nhiều thôn, buôn, bon vùng đồng bào DTTS tỉnh Đắk Nông ngày càng phát triển, khang trang, bền vững.
Có thể nói, sau hơn 2 năm (2021-2023) thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030 trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đã mang lại những kết quả tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội, từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân, diện mạo nông thôn mới ngày càng khởi sắc./.
Trọng Nghĩa