Dữ liệu chất lượng: Yếu tố quan trọng cho hoạch định, thực thi chính sách

23/08/2023 - 09:52 AM

Quản trị, kết nối, khai thác hiệu quả hệ sinh thái dữ liệu là một trong những yếu tố quan trọng giúp đạt được các mục tiêu Việt Nam đặt ra tại các kế hoạch, chiến lược và tầm nhìn phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn từ nay đến năm 2030.

Chính sách tốt không thể thiếu dữ liệu tốt

Việt Nam đang nỗ lực thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025; Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030; Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững; Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử với tầm nhìn đến năm 2030, Chính phủ điện tử, Chính phủ số ở mức độ cao trên thế giới thuộc nhóm 30 nước dẫn đầu theo xếp hạng của Liên hợp quốc… Có rất nhiều thách thức khó khăn phải đối mặt và vượt qua, song cũng có không ít cơ sở thuận lợi và cơ hội trong lộ trình hiện thực hóa các mục tiêu đặt ra.

Chia sẻ quan điểm tại hội thảo quốc tế về quản lý hệ sinh thái dữ liệu, quản trị, giám hộ dữ liệu do Tổng cục Thống kê phối hợp với Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) tổ chức tại Hà Nội mới đây, ông Rémi Nono Womdim, Trưởng đại diện Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) tại Việt Nam cho rằng, để đạt được những mục tiêu đã đề ra tại các kế hoạch, chiến lược và tầm nhìn nêu trên, Việt Nam cần có số liệu thống kê chất lượng và đáng tin cậy. “Đó vừa là cơ sở cho việc hoạch định chính sách, vừa là yếu tố căn bản để xây dựng, thực hiện triển khai, giám sát và đánh giá tiến trình đạt được các mục tiêu kinh tế - xã hội và các mục tiêu phát triển bền vững”, Trưởng đại diện FAO tại Việt Nam nhấn mạnh.

Thực tiễn trên thế giới cho thấy, các nước có dữ liệu chất lượng thường là những quốc gia đạt được mức tăng trưởng kinh tế - xã hội ấn tượng. Vì vậy, dữ liệu chất lượng, đáng tin cậy, nhất quán và có thể so sánh được là một yếu tố quan trọng cho hoạch định, thực thi chính sách cũng như giúp đánh giá tiến trình đạt được các mục tiêu đặt ra. Theo Giáo sư Paul Cheung, nguyên Giám đốc Cơ quan Thống kê Liên hợp quốc (UNSD), nguyên Tổng cục trưởng Cơ quan Thống kê quốc gia Singapore (DOS), trong một thế giới thay đổi nhanh hiện nay, dữ liệu ngày càng đóng vai trò then chốt trong quản trị của các chính phủ, quản lý dữ liệu hiệu quả hơn cần trở thành ưu tiên hàng đầu. Khi đã hiểu tầm quan trọng của hệ sinh thái dữ liệu, các quốc gia sẽ xây dựng những phương pháp, chương trình phù hợp để khai thác, tận dụng được hết các giá trị mang lại của hệ sinh thái dữ liệu. Nhưng để làm được như vậy, không thể tiếp tục tình trạng mỗi cơ quan tự quản lý hệ thống dữ liệu riêng của mình mà cần kết nối các hệ thống dữ liệu đó, biến dữ liệu thành dịch vụ để công chúng truy cập và khai thác những giá trị của dữ liệu.

Nỗ lực hơn để người dân, doanh nghiệp hài lòng

Nhìn vào thực tế Việt Nam, ông Rémi Nono Womdim cho rằng, trong những năm gần đây, Tổng cục Thống kê và các bộ, ngành đã có nhiều nỗ lực cung cấp dữ liệu và thống kê quốc gia. Tuy nhiên, hiện vẫn còn thiếu các dữ liệu phân tách, đơn cử như theo các nhóm dân tộc thiểu số và theo độ tuổi, mà nếu làm được sẽ hỗ trợ cho việc hoạch định chính sách dựa trên bằng chứng nhằm giải quyết các vấn đề liên quan đến bất bình đẳng. Hay việc sử dụng các dữ liệu thống kê hành chính, ví dụ như đăng ký, thống kê hộ tịch và dữ liệu lớn vẫn còn hạn chế; còn thiếu những phân tích sâu về các vấn đề dân số thông qua các nguồn dữ liệu khác nhau để có thể hiểu sâu hơn những nhân tố ảnh hưởng và quyết định tới các biến động dân số. Trong khi đó, việc chia sẻ các dữ liệu giữa các bộ, ngành và giữa các bên có liên quan ngoài Chính phủ vẫn còn hạn chế, do vẫn còn thiếu các quy định, quy chế cụ thể về chia sẻ và trao đổi dữ liệu. Trong bối cảnh đó, UNFPA đang triển khai dự án kéo dài 5 năm nhằm hỗ trợ Việt Nam xây dựng và sử dụng dữ liệu về dân số và phát triển có chất lượng phục vụ xây dựng và giám sát các chính sách, chiến lược và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; đồng thời theo dõi tiến độ đạt được các mục tiêu phát triển bền vững.

Trong lộ trình thực hiện Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử, hướng đến Chính phủ số giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến 2030 cũng đã xác định rất rõ đến năm 2025, các cơ quan nhà nước phải cắt giảm, tái cấu trúc, đơn giản hóa, chuẩn hóa, thống nhất các thủ tục hành chính phục vụ xã hội trên phạm vi toàn quốc trên nguyên tắc đảm bảo chất lượng dịch vụ, giảm chi phí, tăng năng suất lao động xã hội, kịp thời đáp ứng nhu cầu của xã hội. Rất nhiều mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể đặt ra đến năm 2025 phải đạt được như: 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện theo quy định của pháp luật được cung cấp dưới hình thức dịch vụ công trực tuyến mức độ 4; 100% người dân và doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến được định danh và xác thực thông suốt, hợp nhất trên tất cả các hệ thống của các cấp chính quyền từ trung ương đến địa phương; tối thiểu 80% hồ sơ thủ tục hành chính được xử lý hoàn toàn trực tuyến, người dân chỉ phải nhập dữ liệu một lần; tối thiểu 90% người dân, doanh nghiệp hài lòng về việc giải quyết thủ tục hành chính…

Theo ông Nguyễn Quang Tùng, Phó Vụ trưởng Vụ Thư ký - Biên tập (Văn phòng Chính phủ), phụ trách Trung tâm thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số là nhiệm vụ được Chính phủ xác định là ưu tiên hàng đầu. Về các khó khăn thách thức chính trong việc xây dựng dữ liệu, thông tin, ông Tùng cho biết, qua khảo sát các bộ, ngành, địa phương cho thấy, hành lang pháp lý còn thiếu; thủ tục đầu tư còn phức tạp; việc áp dụng tiêu chuẩn còn cứng nhắc; chưa có khung thử nghiệm có kiểm soát; thiếu sự phối hợp chặt chẽ, chia sẻ thông tin; năng lực trình độ hạn chế, thiếu nhân lực chất lượng cao; mức độ sẵn sàng công nghệ của các bộ, ngành, địa phương không đồng đều… .“Hiện chúng tôi đang tham mưu Chính phủ, chuẩn bị ban hành bộ khung chỉ số, phục vụ chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng và bộ, ngành, địa phương. Theo đó, bộ chỉ số chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng với 8 nhóm thông tin; bộ chỉ số chỉ đạo, điều hành của bộ, ngành có 7 nhóm thông tin và bộ chỉ số chỉ đạo, điều hành của địa phương có 10 nhóm thông tin”, ông Tùng thông tin.

Kết nối, chia sẻ thông tin, dữ liệu phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, bộ, ngành, địa phương được kỳ vọng sẽ là bước đột phá mới trong phát triển Chính phủ số. Đây là cơ hội để Chính phủ, bộ, ngành, địa phương chuyển mình mạnh mẽ; chỉ đạo điều hành theo các chuẩn mực quản trị quốc gia hiện đại. Với đặc trưng của chuyển đổi số là được vận hành trên nền tảng số với công nghệ hiện đại, chắc chắn sẽ mang lại nhiều lợi ích quan trọng, nâng cao chất lượng quản trị quốc gia và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Đỗ Lê (https://thoibaonganhang.vn)


 

Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top