Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV thông qua Luật Đấu thầu (sửa đổi)

24/06/2023 - 11:44 AM

Tiếp tục Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, sáng ngày 23/6, sau khi nghe Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Quang Mạnh trình bày Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi). Quốc hội đã tiến hành biểu quyết thông qua Luật Đấu thầu (sửa đổi), với 460/474 đại biểu Quốc hội Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành, bằng 93,12% tổng số đại biểu Quốc hội.

 Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV Quốc hội thông qua Luật Đấu thầu (sửa đổi)

Quốc hội thông qua Luật Đấu thầu (sửa đổi)

Luật Đấu thầu (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua gồm 10 chương, 96 điều, quy định về quản lý nhà nước đối với hoạt động đấu thầu; thẩm quyền và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động đấu thầu, hoạt động lựa chọn nhà thầu thực hiện gói thầu, hoạt động lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư kinh doanh.

Luật này áp dụng đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia hoặc có liên quan đến hoạt động đấu thầu gồm: hoạt động lựa chọn nhà thầu có sử dụng vốn ngân sách nhà nước theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, vốn từ nguồn thu hợp pháp theo quy định của pháp luật của các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập; hoạt động lựa chọn nhà thầu để thực hiện; hoạt động lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư kinh doanh.

Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Quang Mạnh cho biết, về phạm vi áp dụng Luật Đấu thầu đối với doanh nghiệp nhà nước và dự án sử dụng vốn nhà nước, qua tổng hợp ý kiến đại biểu Quốc hội thảo luận tại hội trường, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin được tiếp thu theo hướng bảo đảm hài hòa giữa yêu cầu nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và quyền tự chủ của doanh nghiệp, không thu hẹp hoặc mở rộng đối tượng quá mức. Đồng thời, tiếp thu theo hướng một mặt, bảo đảm việc đấu thầu mang lại lợi ích kinh tế cho bên mời thầu, mặt khác, bảo đảm xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh lành mạnh, cạnh tranh, bình đẳng, công khai, minh bạch. Do vậy, tại điểm a, khoản 2, Điều 2 dự thảo Luật về phạm vi điều chỉnh quy định, các gói thầu thuộc dự án đầu tư của doanh nghiệp nhà nước theo quy định của Luật Doanh nghiệp và doanh nghiệp do doanh nghiệp nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ sẽ tiến hành đấu thầu để lựa chọn nhà thầu.

Báo cáo chung về tiếp thu, chỉnh lý quy định điều chỉnh đối với hình thức chỉ định thầu, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Quang Mạnh, cho biết, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo cơ quan thẩm tra phối hợp với cơ quan soạn thảo rà soát, chỉnh lý theo hướng giảm một số trường hợp chỉ định thầu; bên cạnh đó, rà soát, bổ sung Điều 23 của Luật chỉnh lý, luật hóa một số trường hợp lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt đã được quy định tại Quyết định số 17/2019 của Thủ tướng Chính phủ được áp dụng hình thức chỉ định thầu.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng quyết định không mở rộng thêm các trường hợp chỉ định thầu. Dù trước đó, trong thảo luận tại tổ và hội trường đã có ý kiến cho rằng, việc chỉ định thầu nên mở rộng thêm ngoài những trường hợp như trong quy định, đề nghị thực hiện phương pháp chỉ định thầu giảm giá vì có những trường hợp mang lại hiệu quả cao hơn…

Về đấu thầu tập trung, mua thuốc, hóa chất, thiết bị y tế, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan chủ trì soạn thảo phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Pháp luật, Ủy ban Xã hội, Bộ Y tế và một số đại biểu Quốc hội làm việc trong ngành y tế về những nội dung tiếp thu, chỉnh lý liên quan đến lĩnh vực y tế. Trên cơ sở đó, thực hiện rà soát, thống nhất về thuật ngữ sử dụng trong Luật; thống nhất quy định về mua sắm tập trung đối với mua thuốc hiếm, thuốc cần mua với số lượng ít; rà  soát quy định về lựa chọn nhà thầu cung cấp hóa chất, thiết bị y tế; tiếp thu, bổ sung quy định về thanh toán từ nguồn quỹ bảo hiểm y tế trong trường hợp các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân không chọn áp dụng quy định của Luật đấu thầu; chỉnh lý quy định về cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được tự quyết định việc mua sắm trên cơ sở bảo đảm công khai, minh bạch, hiệu quả kinh tế và trách nhiệm giải trình; chỉnh lý quy định về ưu đãi trong mua thuốc.

Trong đó, tại khoản 1, Điều 23 Luật Đấu thầu (sửa đổi) quy định, thực hiện chỉ định thầu với gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn, phi tư vấn, thuốc, hóa chất, vật tư xét nghiệm, thiết bị y tế, linh kiện, phụ kiện, phương tiện, xây lắp cần triển khai ngay để phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh, hoặc duy trì hoạt động của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong trường hợp cấp bách, tránh gây nguy hại đến tính mạng, sức khỏe người dân. Đồng thời, thực hiện chỉ định thầu với các gói thầu mua thuốc, hóa chất, vật tư xét nghiệm, thiết bị y tế, linh kiện, phụ kiện để cấp cứu người bệnh trong tình trạng cấp cứu theo quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh trong trường hợp cơ sở khám bệnh, chữa bệnh không có đủ thuốc, hóa chất, vật tư xét nghiệm, thiết bị y tế, linh kiện, phụ kiện; gói thầu mua thuốc, thiết bị y tế chỉ có duy nhất một hãng sản xuất trên thị trường.

Liên quan đến các hành vi bị cấm trong hoạt động đấu thầu, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho hay, có ý kiến đề nghị tại Điều 16 cần quy định rõ hơn các hành vi thông thầu và cố ý không cung cấp tài liệu; làm rõ hành vi can thiệp, cản trở đấu thầu qua mạng. Theo đó, tiếp thu ý kiến ĐBQH, UBTVQH đã chỉnh lý Dự thảo Luật, thể hiện 9 nhóm hành vi và chỉnh lý các nội dung cụ thể tại Điều 16; bổ sung thêm mục đích của hành vi trong quy định cấm hành vi thông thầu; bổ sung quy định cấm hành vi vi phạm pháp luật về an toàn, an ninh mạng nhằm can thiệp, cản trở việc đấu thầu qua mạng.

Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2024.

PV (tổng hợp)


Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top