Mô hình cây măng tây xanh giúp đồng bào Chăm ở Ninh Thuận làm giàu

25/12/2023 - 09:03 AM
 


Thôn Tuấn Tú, xã An Hải, huyện Ninh Phước (Ninh Thuận) từng được gắn với cái tên “sa mạc của vùng đất khát”. Giờ đây trên chính mảnh đất này được phủ cánh đồng lớn trồng cây măng tây xanh với hiệu quả kinh tế cao, giúp nhiều hộ dân tộc Chăm vươn lên thoát nghèo. Cây măng tây xanh đã trở thành một trong những sản phẩm đặc thù của tỉnh Ninh Thuận, được phát triển theo chuỗi giá trị đạt chuẩn OCOP.

Mô hình cây măng tây xanh giúp đồng bào Chăm ở Ninh Thuận làm giàu 1
Có thể nói từ sau chục năm cây măng tây xanh giờ là cây “rau vua” giúp đồng bào Chăm vươn lên làm giàu. Thôn Tuấn Tú có 539 hộ/2.445 người là đồng bào dân tộc Chăm, diện tích tự nhiên có 458ha, chiếm phần lớn là đất cát bạc màu và bạch sa động, đất canh tác nông nghiệp rất ít, chủ yếu là đất rẫy trồng rau màu các loại như: Lạc, cà rốt, hành tím, cải trắng… mang lại thu nhập bấp bênh cho người dân. Từ thực tế của địa phương với mong muốn giúp người dân chuyển đổi cây trồng để có thu nhập ổn định, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận đưa cây măng tây xanh vào trồng thí điểm trên vùng đất cát tại thôn Tuấn Tú. Thử nghiệm cho thấy, cây sinh trưởng tốt, thích nghi với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu tại địa phương, sản phẩm thu hoạch rất được giá. Sau khi trồng thử nghiệm thành công, cây măng tây xanh được nhiều nông dân ở xã An Hải mạnh dạn đầu tư bằng cách tự đào giếng trên vùng đất khác rồi lắp đặt hệ thống tưới nước tiết kiệm và nhân rộng diện tích cây măng tây xanh dần thay thế nhiều loại cây trồng kém hiệu quả trước đây như: Đậu phộng, hành tím, cải trắng…

Với giá trị kinh tế cây măng tây xanh mang lại cộng với khả năng tiêu thụ thuận lợi trên thị trường, cây măng tây xanh được nông dân ở xã An Hải xác định là cây đặc thù và chủ lực nhất của địa phương. Mỗi ha trồng măng tây xanh, đầu tư ban đầu khoảng 30-40 triệu đồng để mua hạt giống về ươm, thời gian cho thu hoạch ba tháng mỗi vụ và thu hoạch liên tục trong gần mười năm. Cây măng tây xanh là một loại rau cao cấp, có giá trị dinh dưỡng khá cao. Đặc biệt, cây măng tây xanh trồng trên đất cát mịn của vùng An Hải có thân mềm và ngọt hơn nhiều nơi khác, được thị trường rất ưa chuộng. Đến nay, nông dân thu lãi từ 400-500 triệu đồng/ha/năm, cao gấp ba, bốn lần so với cây rau màu khác trên cùng diện tích. Hiện, làng Chăm thôn Tuấn Tú, trở thành nơi trồng cây măng tây xanh lớn nhất tại Ninh Thuận. Nhận thấy hiệu quả đem lại từ “rau vua” cùng với diện tích trồng ngày càng mở rộng, sản lượng ngày càng nhiều, bà con làng Chăm bắt đầu nghĩ đến việc cung ứng sản phẩm đến các tỉnh, thành phố khác để nâng cao giá trị sản phẩm và ổn định nguồn cung.

Mô hình cây măng tây xanh giúp đồng bào Chăm ở Ninh Thuận làm giàu 3

Năm 2016 là năm đầu tiên thành lập Hợp tác xã  (HTX) dịch vụ tổng hợp Tuấn Tú vừa thu mua sản phẩm của xã viên, vừa liên kết với một số doanh nghiệp tại địa phương để tiêu thụ măng tây xanh  cho HTX với giá ổn định cho bà con.

Trong hơn 7 năm qua, HTX phát triển mở rộng diện tích canh tác từ 5 ha của 25 hộ thành viên ban đầu nâng lên 36,6 ha với 85 hộ thành viên đồng bào Chăm. Các nông hộ canh tác măng tây xanh bằng các biện pháp hữu cơ, từ bón phân đến phòng trừ nấm bệnh theo tiêu chuẩn VietGAP và áp dụng mô hình tưới phun tiết kiệm nước. Nếu trước đây, hầu hết thành viên HTX là hộ nghèo, khó khăn, đến nay các thành viên HTX không còn thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo. Hàng chục hộ nghèo đã vươn lên khấm khá, làm giàu. Hiện, thu nhập bình quân đầu người tại thôn Tuấn Tú khoảng 52 triệu/người/năm.

Vừa là điểm tựa vươn lên của các thành viên, HTX Tuấn Tú còn là hình mẫu cho mô hình liên kết cùng phát triển ở vùng đồng bào DTTS. Để nâng cao giá trị sản phẩm măng tây, HTX Tuấn Tú - một trong những đơn vị tiêu thụ măng tây trên địa bàn thôn Tuấn Tú đã tích cực huy động mọi nguồn lực đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực sản xuất - kinh doanh của các hộ thành viên.

HTX Tuấn Tú phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Ninh Thuận thực hiện mô hình giảm nghèo bền vững bằng cây măng tây xanh, giúp 11 hộ nghèo và 13 hộ khó khăn vươn lên thoát nghèo. Ngoài ra, HTX Tuấn Tú được ngân sách Tỉnh hỗ trợ trên 700 triệu đồng xây dựng dây chuyền hiện đại chế biến sản phẩm trà măng tây VietGAP thương hiệu Tuấn Tú cung cấp thị trường tiêu dùng



Với việc cây măng tây xanh trở thành một trong những sản phẩm đặc thù của tỉnh Ninh Thuận, được phát triển theo chuỗi giá trị đạt chuẩn OCOP từ 3 sao đến tiềm năng 5 sao đã mở ra nhiều triển vọng mới giúp người nông dân làm giàu đặc biệt là các hộ dân tộc Chăm. Tại An Hải, huyện Ninh Phước nhờ hiệu quả kinh tế cây măng tây mang lại mà đời sống của đồng bào dân tộc Chăm ngày càng được cải thiện, nâng cao. Hiện nay, xã An Hải tập trung xây dựng vùng chuyên canh cây măng tây có định hướng bài bản, áp dụng khoa học kỹ thuật, liên kết sản xuất tiêu thụ sản phầm.
Mô hình cây măng tây xanh giúp đồng bào Chăm ở Ninh Thuận làm giàu 6

Hiện, xã An Hải đã hình thành vùng trồng rau an toàn với diện tích 300 ha, trong đó phát triển được 100ha cây măng tây xanh với cánh đồng lớn trồng măng tây xanh rộng 30ha và 1 trang trại hữu cơ nông nghiệp công nghệ cao với diện tích 10ha đã đi vào sản xuất. Qua đó, đưa giá trị sản xuất nông nghiệp trên địa bàn đạt 234 triệu đồng/ha/năm./.

Mô hình cây măng tây xanh giúp đồng bào Chăm ở Ninh Thuận làm giàu 7

Minh Thư - Trịnh Diệp

 

Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top