Thái Nguyên - Vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng nông thôn mới

26/12/2023 - 02:39 PM
Thái Nguyên vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng nông thôn mới


 
Thái Nguyên vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng nông thôn mới 1
Trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, tại tỉnh Thái Nguyên người nông dân luôn được xác định là chủ thể, nòng cốt. Hội Nông dân đóng vai trò cầu nối, hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế, giảm nghèo, làm giàu, cùng Đảng bộ, chính quyền địa phương hoàn thành các tiêu chí xây dựng NTM. Nhờ đó, NTM nâng cao, kiểu mẫu; xây dựng hình ảnh người nông dân chuyên nghiệp trong tình hình mới. Chương trình xây dựng NTM của tỉnh Thái Nguyên đã đạt nhiều kết quả tích cực, các công trình xây dựng NTM như: Làm đường giao thông, làm nhà văn hoá,… ở tỉnh Thái Nguyên được triển khai thực hiện rất thuận lợi, nhanh chóng được người dân hưởng ứng mạnh mẽ, tham gia hiến đất tư để làm việc công. Điển hình, huyện Đại Từ, các công trình NTM được triển khai trên địa bàn huyện từ năm 2010 đến nay đều được người dân hiến đất, tự nguyện đóng góp bằng tiền hoặc bằng sức lao động để thực hiện. Tại công trình giao thông nông thôn, tuyến đường liên xã Phúc Lương, huyện Đại Từ đi xã Hợp Thành, huyện Phú Lương, đi qua 2 xóm Cầu Tuất và Thành Long của xã Phúc Lương, Nhà nước không phải bỏ kinh phí đền bù giải phóng mặt bằng. Người dân ở 2 xóm Cầu Tuất và Thành Long, với 79 hộ dân đã tự nguyện hiến đất cho Nhà nước, trong đó có những gia đình hiến từ 300m2 - gần 700m2. Trước đó, trên địa bàn xã Phúc Lương cũng đã xây dựng nhiều tuyến đường và công trình khác với tổng số diện tích người dân hiến là hơn 5ha.

Thái Nguyên vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng nông thôn mới 2

Bên cạnh đó, trong 5 năm qua, các cấp Hội Nông đân của tỉnh Thái Nguyên cũng đã vận động hội viên, nông dân Toàn tỉnh hiến 398.000m2 đất; đóng góp 220.434 ngày công lao động; làm mới, sửa chữa 780km đường giao thông liên thôn, liên xóm; kiên cố hóa, sửa chữa hơn 1.300km kênh mương nội đồng; sửa chữa, làm mới 549 cầu, cống, 55 công trình khác với tổng số tiền gần 179 tỷ đồng.

Với quan điểm “Xây dựng NTM là một quá trình lâu dài, thường xuyên và liên tục, có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc”, Đề án xây dựng NTM tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021-2025 đặt mục tiêu, đến hết năm 2025 có 131 xã trở lên được công nhận đạt chuẩn NTM (95%), trong đó có 40% số xã đạt NTM nâng cao (52 xã), trên 10% số xã (15 xã) đạt NTM kiểu mẫu; có thêm 3 huyện đạt chuẩn NTM, lũy kế đến hết năm 2025 có 6 đơn vị cấp huyện được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM và đạt chuẩn NTM. Bình quân tiêu chí toàn Tỉnh theo Bộ tiêu chí về xã xây dựng NTM đạt 18,6 tiêu chí/xã; nâng cao chất lượng cuộc sống, thu nhập bình quân của người dân nông thôn.

Thái Nguyên vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng nông thôn mới 3

Trong xây dựng NTM ngoài việc tập trung xây dựng, cải tạo cơ sở hạ tầng, tạo diện mạo mới cho nông thôn đổi mới, thì việc nâng cao đời sống của người dân cũng đóng một vai trò rất quan trọng, trong đó người dân đóng vai trò chủ thể, nòng cốt quyết định cho thành công này. Thời gian qua, các cấp Hội Nông dân trong tỉnh Thái Nguyên với vai trò cầu nối đã tích cực hỗ trợ hội viên, nông dân phát triển kinh tế, giảm nghèo, làm giàu, cùng địa phương hoàn thành các tiêu chí xây dựng NTM, NTM nâng cao, kiểu mẫu; xây dựng hình ảnh người nông dân chuyên nghiệp trong tình hình mới. Theo đó, các cấp Hội Nông dân đã đẩy mạnh phong trào “Nông dân Thái Nguyên chung sức xây dựng NTM”, gắn với phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”. Các cấp Hội Nông dân trong Tỉnh đã đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức, hiểu biết của cán bộ, hội viên, nông dân về vai trò, lợi ích của kinh tế tập thể; sản xuất an toàn theo quy trình VietGAP, hướng tới sản xuất hữu cơ; chủ động nắm bắt nhu cầu thị trường để có hướng phát triển phù hợp.

Cùng với đó, Hội Nông dân vận động bà con nông dân tham gia các tổ hợp tác, hợp tác xã (HTX) và hình thức kinh tế tập thể khác trong nông nghiệp; gắn xây dựng các mô hình kinh tế tập thể với xây dựng chi hội, tổ hội nghề nghiệp; triển khai thí điểm mô hình tổ hợp tác, HTX do Hội Nông dân hướng dẫn thành lập để liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị. Giai đoạn 2018-2023, các cấp Hội đã hướng dẫn thành lập được 180 mô hình HTX, tổ hợp tác và hàng trăm mô hình hỗ trợ nông dân...

Bên cạnh đó, các cấp Hội Nông dân cũng chủ động phối hợp với 9 huyện, thành phố và một số sở, ngành, đơn vị liên quan tổ chức các hoạt động đào tạo nghề, cung ứng vật tư, thiết bị nông nghiệp; chuyển giao tiến bộ khoa học - công nghệ; hỗ trợ quảng bá, giới thiệu tiêu thụ sản phẩm cho hội viên, nông dân và xây dựng chỉ dẫn địa lý, thương hiệu nông sản...

Thái Nguyên vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng nông thôn mới 4

Xác định phát triển kinh tế gia đình, nâng cao thu nhập cho hội viên, nông dân là nhiệm vụ tiên quyết, cốt lõi giúp người dân phát huy vai trò chủ thể trong duy trì thành quả NTM, thời gian qua các cấp Hội Nông dân cũng đã vận động các nông hộ tận dụng điều kiện, thế mạnh của gia đình để phát triển sản xuất, hỗ trợ người dân tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi. Giai đoạn 2018-2023, thông qua tổ chức hội có trên 12.300 hộ hội viên nông dân đã được vay vốn với số tiền trên 1.500 tỷ đồng từ Ngân hàng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn; 23.700 hộ hội viên vay vốn sản xuất, giải quyết việc làm từ Ngân hàng Chính sách xã hội với số tiền 1.200 tỷ đồng; 1.181 hộ được vay từ Quỹ Hỗ trợ nông dân số tiền gần 36 tỷ đồng. Được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi, nông dân mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, đăng ký thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi. Trung bình mỗi năm có 129.000 hộ nông dân đăng ký phấn đấu sản xuất, kinh doanh giỏi, qua bình xét có khoảng 58.000 hộ/năm đạt danh hiệu. Nhiều người trong số đó tiếp tục liên kết với các hộ khác để thành lập tổ hợp tác, HTX.

Có thể nói, những năm qua nhờ sự trợ giúp của các cấp Hội Nông dân và đơn vị chuyên môn, sự nỗ lực của người dân, vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng NTM đóng góp vào phát triển kinh tế của địa phương ngày càng rõ nét, khi xuất hiện nhiều gương nông dân tiêu biểu, tạo ra nhiều sản phẩm mang bản sắc, thế mạnh của địa phương, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường, trong đó có thể kể tới như: HTX Miến Việt Cường; HTX chè an toàn Khe Cốc, xã Tức Tranh (Phú Lương); vườn cây ăn quả 1,5ha của anh Lưu Văn Long, xóm Toàn Thắng 1, xã Đồng Liên (TP.Thái Nguyên)…

Thái Nguyên vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng nông thôn mới 5

“Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” không chỉ là mục tiêu mà còn là động lực để khơi dậy sức mạnh và nguồn lực Nhân dân. Người dân không chỉ là lực lượng trực tiếp tham gia xây dựng NTM, làm thay đổi diện mạo của nông thôn theo hướng ngày càng văn minh, tiến bộ. Họ cũng chính là người trực tiếp được thụ hưởng những thành quả đạt được trong xây dựng NTM tại địa phương.

Trải qua hơn 10 năm xây dựng NTM tỉnh Thái Nguyên là một trong 2 địa phương có kết quả xây dựng NTM cao nhất khu vực miền núi phía Bắc và cao hơn mặt bằng chung của cả nước. Diện mạo nông thôn trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên thay đổi theo hướng ngày càng văn minh, tiến bộ. Để có kết quả này, ngoài sự nỗ lực rất lớn của lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo các chương trình MTQG của Tỉnh và sự vào cuộc tích cực của các huyện, xã thì vai trò chủ thể của người dân trong “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”  cũng đã được phát huy rõ nét.

Theo đó, năm 2023, Chương trình xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã đạt được nhiều kết quả ấn tượng, như: Số xã đạt chuẩn NTM là 10 xã, lũy kế đến nay toàn tỉnh có 118/126 xã đạt chuẩn NTM (đạt tỷ lệ 93,7%); 16 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, vượt 4 xã so với kế hoạch, lũy kế có 33 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 6 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, vượt 2 xã so với kế hoạch, lũy kế có 10 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; 2 huyện đạt chuẩn NTM là Định Hóa và Đại Từ, vượt 1 huyện so với kế hoạch, lũy kế có 6 đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM (đạt tỷ lệ gần 67%)... Từ những kết quả đạt được năm 2023, Ban Chỉ đạo các chương trình MTQG của Tỉnh đặt mục tiêu trong năm 2024 có thêm 2 xã đạt chuẩn NTM, 12 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 2 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, huyện Phú Lương được công nhận đạt chuẩn NTM.

Thái Nguyên vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng nông thôn mới 6
Nổi bật trong quá trình xây dựng NTM của tỉnh Thái Nguyên là đầu tư, xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội ở nông thôn không ngừng hoàn thiện, quy hoạch các xã đi trước một bước để làm cơ sở đầu tư hạ tầng. Đến nay, 94,4% xã đạt tiêu chí giao thông; 100% các xã đạt các tiêu chí về thủy lợi, điện, y tế, văn hóa, an ninh; các tiêu chí khác như hạ tầng số, hạ tầng thương mại, môi trường... đều đạt từ 90% trở lên.

Một trong những mục tiêu lớn tỉnh Thái Nguyên hướng tới là củng cố, phát triển sản xuất ở nông thôn bằng những mô hình HTX, tổ hợp tác để sản xuất ra nhiều sản phẩm có giá trị, mang thương hiệu địa phương bán trên thị trường, từ đó giúp địa phương  giải quyết được việc làm, đem lại thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân, xây dựng hình ảnh người nông dân chuyên nghiệp trong tình hình mới. Đến nay, toàn Tỉnh có 495 HTX nông nghiệp và 5 liên hiệp HTX nông nghiệp. Ngoài ra, việc cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn cũng được triển khai mạnh mẽ với 173 sản phẩm OCOP, trong đó có 2 sản phẩm OCOP 5 sao quốc gia, giá trị sản phẩm ngày càng nâng lên. Đồng thời, Tỉnh gắn sản phẩm OCOP với phát triển du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng, qua đó góp phần nâng cao thu nhập cho người dân theo hướng bền vững./.
 
Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top