Nông nghiệp sinh thái - Dấu ấn trong xây dựng Nông thôn mới

25/12/2023 - 07:06 PM
Những năm qua, ngành nông nghiệp đã thể hiện rõ vai trò là trụ đỡ của nền kinh tế, giá trị sản xuất nông nghiệp liên tục tăng cao, song cũng tạo ra 20-30% tổng lượng khí phát thải mỗi năm... Nhằm xây dựng nền nông nghiệp theo hướng hiện đại, hiệu quả, bền vững và sức cạnh tranh cao, góp phần quan trọng trong việc ổn định kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường; đồng thời để hành trình xây dựng nông thôn mới cũng như thực hiện thành công cam kết trở thành nước có phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, một trong những con đường Việt Nam lựa chọn là đẩy mạnh phát triển nông nghiệp sinh thái.

Nông nghiệp sinh thái - Dấu ấn trong xây dựng Nông thôn mới 1
Nông nghiệp sinh thái là hệ thống sản xuất dựa vào tự thúc đẩy và khai thác các tiến trình tự nhiên (phân hủy hữu cơ, cân bằng sinh học, tái tạo đất, dinh dưỡng đất...) trên cơ sở tăng cường bảo vệ đa dạng sinh học. Đây không phải là một khái niệm mới, nhưng trước tình trạng biến đổi khí hậu ngày càng diễn ra khắc nghiệt hơn thì nông nghiệp sinh thái được coi là linh hồn của nông nghiệp bền vững và trở thành từ khóa quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế-xã hội và phát triển nông nghiệp nước ta.


Nông nghiệp sinh thái - Dấu ấn trong xây dựng Nông thôn mới 2

Thời gian qua, Việt Nam đã triển khai một số mô hình nông nghiệp sinh thái, hướng đến tối ưu hóa khai thác và sử dụng tài nguyên một cách hiệu quả, giảm thiểu sự thất thoát, lãng phí và tạo ra sản phẩm an toàn, chất lượng cao, giảm thiểu tối đa tác động đến môi trường sinh thái, bảo vệ hệ sinh thái và bảo vệ sức khỏe con người.

Vườn ao chuồng (VAC) là mô hình nông nghiệp sinh thái ở dạng thức đơn giản nhất và được áp dụng rộng rãi ở nông thôn Việt Nam từ khá sớm. Đây là hình thức canh tác nông nghiệp kết hợp giữa trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản, mà các thành phần trong mô hình này tạo nên một vòng tròn khép kín, sử dụng chất thải của thành phần này làm nguyên liệu đầu vào cho thành phần khác. VAC được xem là một hệ thống sinh thái hoàn chỉnh, tận dụng hiệu quả tài nguyên về đất đai, nguồn nước và năng lượng mặt trời, nhằm giúp người nông dân đạt hiệu quả kinh tế cao với mức đầu tư thấp, đồng thời góp phần làm giảm thiểu tối đa những vấn đề về ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi và bảo vệ sức khỏe của những người xung quanh.  Nhờ chi phí đầu tư thấp và phù hợp với hầu hết các vùng ngoi thành, nông thôn, mô hình VAC được áp dụng phổ biến ở nước ta và đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Xuất phát từ các mô hình nhỏ lẻ ban đầu, mô hình VAC ngày nay đã phát triển thành công tại nhiều trang trại và các doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế lớn, góp phần đảm bảo an ninh lương thực, xóa đói giảm nghèo. Thêm vào đó, nhiều mô hình VAC đã tạo được mối liên kết hiệu quả giữa nông dân, doanh nghiệp và các nhà khoa học.

Điều đáng nói là với sự sáng tạo, chịu khó tìm hiểu, học hỏi, người dân nông thôn đã phát triển một số loại mô hình VAC mới, tạo nên những dấu ấn trong xây dựng nông thôn mới như: Mô hình Vườn – Ao – Chuồng – Ruộng ở các tỉnh miền Tây, đồng bằng sông Cửu Long và một số tỉnh phía Bắc, kết hợp nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản với trồng lúa nước và cây ăn trái, giúp người dân không chỉ phát triển nghề trồng lúa mà còn mở rộng và thu hoạch được thêm nhiều sản phẩm khác như trái cây hay gia súc, gia cầm; Mô hình Vườn – Ao – Chuồng – Rừng tại các tỉnh vùng núi, giúp nhiều hộ dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo; Mô hình Vườn – Ao - Hồ...


Điển hình như huyện Sa Thầy, tỉnh Gia Lai, nhiều nông dân đã mạnh dạn phát triển mô hình kinh tế vườn - ao - chuồng – rừng, từng bước ổn định cuộc sống,  góp phần xây dựng địa phương giàu mạnh. Một mô hình vườn - ao - chuồng tiêu biểu của xã là trang trại của gia đình ông Phan Thanh Nhàn nằm lưng chừng quả đồi thấp ở thôn Đức Lý (xã Sa Nhơn). Trang trại rộng hơn 10ha, trong đó, có 7ha được trồng cao su và cà phê, còn lại để phát triển chăn nuôi bò, heo và đào ao thả cá. Vừa làm vừa học hỏi, rút kinh nghiệm, đến nay, mô hình kinh tế vườn-ao-chuồng của gia đình ông Nhàn phát triển khá bền vững. Hiện trang trại có hồ cá với diện tích hơn 5.000 m2, chủ yếu nuôi cá trắm cỏ, mỗi năm cho thu về hơn 50 triệu đồng. Bên cạnh đó là vườn cao su, cà phê cho lợi nhuận hơn 300 triệu đồng/năm và khu chăn nuôi lợn cho thu nhập hơn 100 triệu đồng/năm. Tổng nguồn thu một năm là hơn 400 triệu đồng, mô hình vườn – ao – chuồng – rừng đã cho thấy hiệu quả kinh tế rõ rệt.

Bên cạnh mô hình VAC được phát triển từ khá lâu, ngành nông nghiệp cũng phát triển thêm nhiều hướng đi sinh thái mới.

Từ năm 2000, mô hình sản xuất kết hợp lúa – tôm, lúa – cá được áp dụng khá phổ biến tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long. Trong mô hình sản xuất kết hợp, phụ phẩm từ nuôi tôm, cá sẽ làm phân bón bổ sung dinh dưỡng cho cây lúa; ngược lại, khi gặt lúa xong, phụ phẩm từ sản xuất lúa là nguồn thức ăn cho tôm, cá. Với mô hình luân canh này, cây trồng, vật nuôi không phải dùng thuốc bảo vệ thực vật, kháng sinh, tạo ra sản phẩm sạch, an toàn và bảo vệ môi trường, nhất là giúp nông dân nâng cao thu nhập. Một ưu điểm khác của mô hình lúa - tôm là sự đa dạng về sản phẩm. Ngoài sản phẩm chính là con tôm sú, tôm càng xanh và hạt lúa, mô hình này còn có thể tận dụng nguồn lực để xen canh các loại cây trồng, thủy sản khác mang tính bền vững, giúp nông dân tăng thu nhập. Thực hiện phong trào xây dựng nông thôn mới, đến nay, mô hình này đang được cải biến thành mô hình “lúa thơm – tôm sạch” và “lúa thơm – cá sạch”. Đây chính là sản phẩm của quá trình đổi mới, sáng tạo dựa trên tri thức và điều kiện tự nhiên vùng miền. Mô hình này được đánh giá là sự kết hợp thông minh, hoàn hảo, mang tính bền vững, phù hợp với tình trạng biến đổi khí hậu hiện nay.


Nông nghiệp sinh thái - Dấu ấn trong xây dựng Nông thôn mới 4

Tại tỉnh Bạc Liêu, việc chuyển đổi sản xuất từ trồng lúa kém hiệu quả sang áp dụng mô hình lúa – tôm đã phá tan thế độc canh cây lúa mỗi năm chỉ trồng được một vụ, thay vào đó là 2 vụ tôm, một vụ lúa/năm. Bên cạnh đó, mô hình lúa - tôm còn có thể phát huy các yếu tố tích cực của con tôm và cây lúa như giúp cải tạo đất, trừ sâu hại và cắt đứt vòng đời sâu bệnh trong quá trình sinh trưởng và phát triển. Sau một vụ tôm, các chất thải được cây lúa chuyển hóa và hấp thụ, góp phần hạn chế lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật trong giai đoạn đầu. Còn sau một vụ lúa, các loại rơm rạ, thóc rơi vãi từ cây lúa bỏ lại trên đồng sau thu hoạch bị phân hủy tạo môi trường sống đồng thời tạo nguồn thức ăn tự nhiên giàu dinh dưỡng cho tôm trong vụ nuôi tiếp. Nhờ đó, góp phần giảm chi phí sản xuất, đầu tư, tăng năng suất và lợi nhuận.

Từ những mô hình sản xuất nhỏ lẻ, Bạc Liêu đã phát triển thành những vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa lớn theo mô hình cánh đồng lớn. Nếu vào năm 2001, diện tích của mô hình lúa - tôm chỉ có khoảng 5.800ha thì đến nay đã vượt trên con số 40.000ha. Hiệu quả từ mô hình lúa - tôm đã làm giúp khu vực nông thôn Bạc Liêu thay da đổi thịt, khoác nên mình những chiếc áo mới rực rỡ.

Một mô hình khác được người nông dân (nhất là các tỉnh Tây Bắc) áp dụng là hệ thống nông - lâm kết hợp. Với mô hình này, cây hàng năm, cây bụi, cây thân thảo được trồng xung quanh hoặc xen giữa các cây trồng lâu năm, hay có thể kết hợp đồng cỏ để chăn nuôi. Đây là cách thức canh tác giúp người dân giảm tình trạng bề mặt đất bị rửa trôi, giảm độ màu mỡ, thậm chí thoái hóa, bạc màu. Những hình thức canh tác nông lâm kết hợp được ứng dụng trong thực tế có thể kể tới như: Mô hình trồng các loài cây họ đậu theo đường đồng mức trên diện tích canh tác cây hàng năm nhằm giảm xói mòn và làm phân xanh tại chỗ; mô hình trồng cây nông nghiệp kết hợp cây lâm nghiệp; mô hình trồng trọt dành một phần đất cho chăn nuôi; mô hình trồng rừng quy mô nhỏ kết hợp sản xuất lương thực, cây ăn quả và cây thực phẩm; mô hình cây ăn quả kết hợp cây công nghiệp dài ngày...

Cùng với đó, bắt nhịp xu hướng phát triển của nhiều quốc gia trên thế giới, Việt Nam cũng đẩy mạnh phát triển mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ, nông sản sạch gắn liên kết tiêu thụ; ứng dụng cơ giới hóa đồng bộ, chuyển đổi số trong nông nghiệp. Đến nay đã có 59/63 tỉnh, thành phố trên cả nước triển khai nông nghiệp hữu cơ và ngày càng lan tỏa mạnh mẽ. Năm 2021, diện tích đất nông nghiệp hữu cơ Việt Nam đạt hơn 174.000ha, tăng 47% so với năm 2016, đứng thứ 9/10 nước có diện tích đất nông nghiệp hữu cơ lớn nhất châu Á. Nhiều mô hình hữu cơ được triển khai và đạt kết quả khả quan, điển hình như mô hình sản xuất lúa hữu cơ tuần hoàn được thực hiện tại Hợp tác xã Phú Thọ, xã An Long, huyện Tam Nông tại tỉnh Đồng Tháp; mô hình nuôi vịt theo hướng hữu cơ không kháng sinh tại trang trại Lan Chi, ở xã Lâm San, huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai…

Đặc biệt, với sự hỗ trợ đắc lực của các thành tựu khoa học và công nghệ, nông nghiệp sinh thái của Việt Nam có bước phát triển mới, hình thành hệ thống chăn nuôi an toàn sinh học 4F (Farm - Food - Feed - Fertilizer: Trang trại - Thành phẩm - Thức ăn chăn nuôi - Phân bón hữu cơ). Mô hình 4F được nghiên cứu và phát triển bởi Tập đoàn Quế Lâm nhằm xây dựng hệ sinh thái nông nghiệp thông qua triển khai các khu tổ hợp chế biến nông sản hữu cơ, kiểm soát sản xuất thịt lợn an toàn bằng hệ thống nuôi khép kín. Trong bối cảnh ngành chăn nuôi đang gặp khó khăn với bài toán môi trường trong chăn nuôi nông hộ, gia trại, mô hình 4F là giải pháp hữu ích tiến tới hiện thực hóa mục tiêu phát triển kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp. Với mô hình này, chất thải trong trang trại được thu gom và xử lý để sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh phục vụ trồng trọt, tạo thành quy trình sản xuất nông nghiệp khép kín từ chăn nuôi đến trồng trọt, từ cây đến đất. Đây là công trình độc đáo, tiên tiến nhất lần đầu tiên có mặt tại Việt Nam, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế, phòng ngừa dịch bệnh, góp phần bảo vệ môi trường, giảm phát thải khí nhà kính.

Thêm vào đó, thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu, với sự sáng tạo của người dân, nhiều địa phương trên cả nước đã tận dụng tối đa lợi thế về đa dạng hệ sinh thái tự nhiên để chú trọng đầu tư phát triển mô hình du lịch nông nghiệp sinh thái. Đây là loại hình du lịch tạo nhiều sức hút đối với du khách trong và ngoài nước; đưa du khách trở về với thiên nhiên và đến gần hơn với đời sống của cộng đồng dân cư bản địa qua những hoạt động trải nghiệm như tham quan trang trại nuôi trồng các sản phẩm nông nghiệp, thu hoạch trái cây hoặc rau củ, tìm hiểu về quá trình sản xuất nông nghiệp. Đã có nhiều mô hình nông nghiệp du lịch sinh thái triển khai thành công ở Việt Nam như du lịch nông nghiệp ở Hội An, du lịch nông nghiệp tại Ba Vì, tại Tam Đường – Lai Châu, Sapa – Lào Cai…

Nông nghiệp sinh thái - Dấu ấn trong xây dựng Nông thôn mới 5

Nông nghiệp sinh thái - Dấu ấn trong xây dựng Nông thôn mới 6
Mặc dù đã có những mô hình nông nghiệp sinh thái mang lại hiệu quả cao, song thực tế tư duy sản xuất theo nông nghiệp sinh thái còn chưa phổ biến. Các hoạt động sản xuất nông nghiệp hiện nay chưa chú trọng nhiều đến các yếu tố về an toàn thực phẩm, tính tự bền vững của hệ thống sản xuất, tính đa dạng sinh học, sức khỏe đất, sức khỏe cây trồng. Người dân vẫn còn thói quen canh tác thâm dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hóa học của người sản xuất khiến cho nguy cơ gây suy thoái môi trường gia tăng.

Bên cạnh đó, nguồn lực đầu tư để xây dựng và nhân rộng các mô hình nông nghiệp sinh thái còn hạn chế, do các doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp chủ yếu có quy mô vừa và nhỏ, năng lực tài chính thấp. Các mô hình chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp sinh thái chưa được nhân rộng, hầu hết chỉ dừng lại ở các mô hình do sự liên kết hợp tác còn chưa mạnh, thiếu sự gắn kết mà nguyên nhân chính là chưa có sự đồng thuận trong chia sẻ lợi ích giữa doanh nghiệp và người sản xuất. Ngoài ra, các chính sách thúc đẩy các hệ thống sản xuất nông nghiệp hiện nay chưa đủ lớn để tạo ra một sân chơi bình đẳng cho nông nghiệp sinh thái và các phương pháp tiếp cận nông nghiệp bền vững khác.
 

Phát triển nông nghiệp sinh thái được xác định là hướng đi bền vững cho tương lai. Động lực và nguồn lực của việc phát triển nông nghiệp sinh thái là chính sách, thể chế, nhân lực và nghiên cứu khoa học công nghệ và sáng tạo đổi mới. Do đó, để nông nghiệp sinh thái phát triển mạnh mẽ hơn, tiếp tục ghi những dấu ấn mới trên hành trình xây dựng nông thôn mới cần tập trung thực hiện các giải pháp sau:

Thứ nhất, tăng cường truyền thông để thay đổi nhận thức, khuyến khích người nông dân sản xuất theo hướng nông nghiệp sinh thái, hình thành thế hệ nông dân chuyên nghiệp, biết ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để tăng năng suất, nâng cao hiệu quả sản xuất. Đồng thời để người tiêu dùng sẵn sàng đón nhận những sản phẩm sản xuất theo các nguyên tắc nông nghiệp sinh thái.

Thứ hai, có cơ chế chính sách khuyến khích các hộ gia đình, doanh nghiệp nghiên cứu, phát triển đổi mới sáng tạo trong nông nghiệp, đẩy mạnh áp dụng các giống cải tiến thích ứng tốt hơn với tác động của biến đổi khí hậu và thiên tai. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu các chính sách và chương trình hỗ trợ kỹ thuật để khuyến khích áp dụng các hệ thống sản xuất sinh thái bền vững hơn.

 Thứ ba, phát triển liên kết theo chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp sinh thái. Hỗ trợ các doanh nghiệp bao tiêu đầu ra cho doanh nghiệp thông qua chính sách ưu đãi tín dụng, thuế, hỗ trợ đào tạo, xây dựng thương hiệu và quảng bá sản phẩm. Nghiên cứu xây dựng phát triển các chương trình thúc đẩy tiêu thụ nông sản an toàn, trách nhiệm, minh bạch, các chương trình hỗ trợ quảng bá cho sản phẩm nông nghiệp sinh thái, dần dần tiến tới thực hiện dán nhãn sinh thái và xây dựng thương hiệu sản phẩm nông nghiệp sinh thái.

Thứ tư, tăng cường liên kết, hợp tác, chia sẻ tri thức giữa các hộ gia đình, trang trại, doanh nghiệp việc ứng dụng công nghệ số trong sản xuất nông nghiệp nhằm hướng tới nền nông nghiệp bền vững, minh bạch, trách nhiệm.

Thứ năm, các địa phương cần xây dựng lộ trình và kế hoạch hành động phù hợp để thực hiện chiến lược phát triển ngành nông nghiệp, trong đó có nội dung phát triển nông nghiệp sinh thái./.

Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top