Đội ngũ người có uy tín (NCUT) là cầu nối quan trọng giữa cấp ủy, chính quyền địa phương với đồng bào dân tộc. Trong công cuộc đổi mới, hội nhập, xây dựng và phát triển đất nước hiện nay, nhiều già làng, trưởng bản, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) là những tấm gương sáng, gương mẫu đi đầu trong thực hiện, hướng dẫn và cùng đồng bào dân tộc chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, phát triển kinh tế, xoá đói giảm nghèo, xây dựng đời sống văn hoá mới, góp phần giữ gìn an ninh, trật tự, xây dựng và củng cố khối đại đoàn kết các dân tộc.
Theo thống kê, năm 2023, cả nước có 28.538 NCUT, trong đó có 3.548 cán bộ hưu trí, 3.178 người là Trưởng thôn bản, 2.635 già làng, 1.526 Bí thư chi bộ thôn, 1.015 trưởng dòng họ hoặc tộc trưởng, 500 chức sắc trong các tôn giáo, 774 người tham gia thực hiện các nghi lễ tín ngưỡng; 114 người là thầy thuốc, nhà giáo, nhân sĩ; 808 người làm kinh tế giỏi, 92 nghệ nhân dân gian, 10.497 người là đảng viên và khoảng 10.000 người là các thành phần khác… thuộc các dân tộc: Tày, Thái, Mông, Mường, Khmer, Nùng, Dao, Hoa, Gia rai, Ê đê, Ba na…
Trong giai đoạn 2018-2022, kể từ khi có Quyết định 12/2018/QĐ-TTg ngày 06/3/2018 của Thủ tướng Chính phủ Về tiêu chí lựa chọn, công nhận người có uy tín và chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, các địa phương đã tổ chức hội nghị tập huấn, phổ biến, cung cấp thông tin cho gần 90.000 lượt NCUT về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đồng thời thực hiện chính sách đối với NCUT, tổ chức khoảng 3.630 cuộc thăm hỏi, tặng quà cho gần 150.000 lượt NCUT nhân dịp Tết Nguyên đán; tổ chức khoảng 10.360 cuộc thăm hỏi, hỗ trợ cho hơn 13.700 lượt NCUT khi ốm đau, bệnh tật; thăm hỏi 2.315 cuộc và trợ cấp cho 5.860 trường hợp gia đình gặp khó khăn...
Đặc biệt, các tỉnh, thành phố như Bình Phước, Cần Thơ, Sóc Trăng, Trà Vinh, Đồng Nai, Phú Yên, Quảng Ngãi, Hà Nội đã ban hành một số chính sách riêng dành cho NCUT như hỗ trợ hàng tháng, mua bảo hiểm y tế miễn phí, tạo điều kiện và động viên kịp thời NCUT phát huy vai trò, thực hiện tốt nhiệm vụ, trách nhiệm được giao, nhiều người là tấm gương tiêu biểu trên các lĩnh vực trong đời sống xã hội.
Qua đó, NCUT đã phát huy tích cực vai trò của mình trong các lĩnh vực đời sống xã hội. Về phát triển kinh tế, NCUT đã đóng góp công sức, tiền của, ngày công lao động, hiến đất cho địa phương để xây dựng trường học, nhà văn hóa, làm đường giao thông, xây dựng nông thôn mới, mạnh dạn khai thác tiềm năng, thế mạnh của vùng DTTS&MN, ứng dụng khoa học công nghệ trong nông nghiệp, tổ chức sản xuất với quy mô lớn hơn, tạo ra được sản phẩm hàng hóa đáp ứng yêu cầu của thị trường, tạo việc làm cho hàng ngàn lao động... Nhiều mô hình làm kinh tế do NCUT làm chủ có thu nhập ổn định từ 50-100 triệu đồng/năm.
Trong lĩnh vực văn hoá, NCUT luôn làm gương và tích cực vận động bà con, giáo dục con cháu và cộng đồng tham gia xây dựng nếp sống mới, bài trừ hủ tục lạc hậu; ăn, ở hợp vệ sinh, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của mỗi dân tộc; xây dựng thôn, bản đoàn kết, bình yên và phát triển.
Về giữ gìn an ninh trật tự, NCUT luôn giữ vai trò trung tâm đoàn kết trong cộng đồng dân cư, là cầu nối giữa cấp ủy, chính quyền địa phương với đồng bào dân tộc, tích cực tuyên truyền, giải thích, vận động đồng bào nâng cao cảnh giác, không tin, không nghe theo tà đạo, đạo lạ, lời kẻ xấu xúi giục, tạo sự đồng thuận trong cộng đồng, tham gia giải quyết nhiều vụ việc phức tạp phát sinh từ cơ sở, hoà giải mâu thuẫn trong nhân dân… Từ đó nâng cao ý thức quốc gia dân tộc.
Với những đóng góp quan trọng của đội ngũ NCUT đối với sự phiệp phát triển kinh tế - xã hội ở mỗi địa phương trong vùng đồng bào DTTS&MN, có 497 tấm gương tiêu biểu đại diện cho 28.538 NUT trong cả nước được biểu dương, tôn vinh tại Hội nghị biểu dương, tôn vinh điển hình tiên tiến là Người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) toàn quốc năm 2023 vào ngày 12/12/2023 mới đây. Trong đó, có 78 đại biểu nữ; 419 đại biểu nam; độ tuổi bình quân của các đại biểu là 61,8 tuổi. Đây là những người con ưu tú của đồng bào các DTTS được cộng đồng bình chọn trong 45/54 dân tộc.
Biểu dương, tôn vinh đội ngũ NCUT là sự ghi nhận công lao, trí tuệ của đội ngũ NCUT; tạo sức lan tỏa giá trị tinh thần to lớn, làm giàu thêm ý chí cách mạng, tôn vinh sức mạnh cộng đồng, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế, văn hóa xã hội từ mỗi thôn xóm, bản làng, phum, sóc, tổ dân phố, cụm dân cư vùng DTTS và miền núi”. Đây cũng là nội dung cần thực hiện trong Tiểu dự án 1 “Biểu dương, tôn vinh điển hình tiên tiến, phát huy vai trò của người có uy tín; phổ biến, giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý và tuyên truyền, vận động đồng bào; truyền thông phục vụ tổ chức triển khai thực hiện Đề án tổng thể và Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030”, thuộc Dự án 10, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I; từ năm 2021 đến năm 2025.
Toàn tỉnh Yên Bái có 870 người có uy tín là những già làng, trưởng dòng họ, trưởng thôn, cán bộ hưu trí; chức sắc tôn giáo, nhà giáo, thầy thuốc, nhân sĩ, người sản xuất kinh doanh giỏi, đảng viên, người có nhiều công lao đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội, giữ gìn an ninh trật tự, xây dựng Đảng, chính quyền trên các lĩnh vực. Bằng những việc làm thiết thực như cùng với cấp uỷ, chính quyền giải quyết ổn thoả nhiều khiếu kiện, tranh chấp đất đai, vận động gia đình và cộng đồng thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các quy định của địa phương, gương mẫu đi đầu để các thành viên trong gia đình, cộng đồng thôn, bản noi theo; tích cực tham gia phát triển sản xuất, kinh doanh, xoá đói giảm nghèo... đội ngũ người có uy tín của Tỉnh đã truyền cảm hứng, nhân lên và lan tỏa những điều tốt đẹp trong xã hội, góp phần xây dựng cuộc sống bình yên, hạnh phúc trong mỗi gia đình, làng bản, thôn xóm, và vào sự phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Là người uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số thôn Ngòi Giàng, xã Bạch Hà, huyện Yên Bình, ông Trần Văn Nguyên, sinh năm 1954, dân tộc Cao Lan luôn trăn trở làm sao cho Nhân dân trong thôn bớt nghèo, bớt khổ. Hiểu rõ, muốn vận động được bà con dân tộc trong thôn hiểu và tin thì bản thân phải gương mẫu làm trước, mọi người thấy được hiệu quả rồi sẽ học tập làm theo, ông Trần Văn Nguyên đã nghiên cứu, mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi của gia đình, với trên 200 gốc bưởi Diễn, 2 vạn cây quế và đào 3 sào ao nuôi cá… đã từng bước đem lại thu nhập ổn định cho gia đình.
Nhờ những kinh nghiệm hiểu biết của mình, cùng những kiến thức được tiếp thu qua các lớp tập huấn, ông đã cùng cấp ủy Chi bộ, Ban Công tác Mặt trận và các chi hội đoàn thể không ngại khổ, không ngại khó trực tiếp đến từng hộ gia đình trong thôn, xóm để tuyên truyền, vận động bà con tích cực lao động sản xuất, phát triển kinh tế; sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn, cây con giống được Nhà nước hỗ trợ qua các chương trình, dự án; đồng thời tích cực chia sẻ những kinh nghiệm trong sản xuất để bà con trong thôn áp dụng. Vì vậy, nhiều hộ gia đình trong thôn đã có sự thay đổi trong phương thức sản xuất, nhiều hộ có thu nhập ổn định, vươn lên thoát nghèo và có hộ vươn lên làm giàu.
Cùng với đó, ông Nguyên tích cực vận động các hộ dân tham gia các mô hình, tổ hợp tác như hợp tác sản xuất chè, tổ hợp tác chăn nuôi trâu bò, chăn nuôi lợn, thực hiện các mô hình chăn nuôi theo Nghị quyết số 69 của Hội đồng nhân dân tỉnh… Từ đó, nhiều hộ đã vươn lên thoát nghèo, tỷ lệ hộ nghèo toàn xã năm 2021 là 15,5%, đến năm 2023 dự kiến chỉ còn trên 6%; toàn xã đã thực hiện giảm được 132 hộ nghèo (tương đương 9,5%) so với năm 2021; riêng thôn Ngòi Giàng giảm được 35 hộ nghèo.
Bên cạnh việc tuyên truyền, hướng dẫn Nhân dân phát triển kinh tế, ông Nguyên và những người uy tín của xã cũng đã tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, chung tay xây dựng nông thôn mới, nhất là tích cực vận động nhân dân hiến đất mở rộng làm đường giao thông nông thôn, nhà văn hóa, sân thể thao, tham gia đóng góp ngày công tu sửa nâng cấp đường bê tông nội thôn, liên thôn, kênh mương thủy lợi và Phong trào "Thắp sáng đường quê”.
Trong năm 2023, xã Bạch Hà được Nhà nước đầu tư nâng cấp, mở rộng tuyến đường Bạch Hà - Yên Bình - Vũ Linh, tuyến đường chạy qua địa phận Bạch Hà là 5 km. Ngay sau khi tuyến đường được khảo sát thiết kế và tổ chức thi công, ông Nguyên đã cùng cơ sở thôn tuyên truyền, vận động Nhân dân kịp thời giải tỏa hành lang không có đền bù, bàn giao mặt bằng để đơn vị thi công tuyến Bạch Hà đạt kết quả tốt.
Ngoài ra, thôn Ngòi Giàng còn xây dựng được các tổ tự quản để quản lý các công việc được giao như về an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, điện thắp sáng đường quê, các tổ tự quản ngày hoạt động rất hiệu quả; xây dựng và duy trì mô hình Gia đình toàn mỹ, nhóm tiết kiệm tín dụng...
Ghi nhận những đóng góp trong công tác dân tộc, năm 2023, ông vinh dự được biểu dương tại Hội nghị biểu dương người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Yên Bái năm 2023. Đây là nguồn động lực để ông Trần Văn Nguyên tiếp tục chung sức, đồng lòng xây dựng thôn bản ngày càng no ấm./.
P.V