Phát triển du lịch cộng đồng, nâng cao đời sống đồng bào dân tộc thiểu số

29/12/2023 - 08:56 AM


Phát triển du lịch cộng đồng, nâng cao đời sống đồng bào dân tộc thiểu số 1
Những năm gần đây, du lịch Việt Nam đã có sự phát triển rất ấn tượng, trở thành điểm đến hấp dẫn trong khu vực và thế giới. Để có được điều này, ngoài cảnh quan thiên nhiên, một điều không thể phủ nhận là sức hấp dẫn đến từ các giá trị lịch sử, văn hóa, nhất là nét văn hóa độc đáo, giàu bản sắc của đồng bào các DTTS.


Du lịch cộng đồng có thể hiểu là mô hình du lịch mà cộng đồng dân cư là chủ thể cung cấp các sản phẩm, dịch vụ cho du khách và được chia sẻ các nguồn lợi do du lịch mang lại. Thông qua các hoạt động phục vụ du khách đến tham quan, như: Lưu trú, ăn uống, trải nghiệm văn hóa bản địa, bán quà lưu niệm địa phương..., du lịch cộng đồng đang là sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn, đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của du khách.



Du lịch cộng đồng được xây dựng và phát triển ở vùng người Thái ở bản Lác, huyện Mai Châu (Hòa Bình) vào giữa thập kỷ 90 của thế kỷ 20. Đến năm 2000, người Tày ở bản Dền, xã Bản Hồ, huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai cũng triển khai xây dựng mô hình du lịch cộng đồng. Sau hơn 20 năm phát triển, đến nay, du lịch cộng đồng được mở rộng trên cả nước và phát triển thành công ở vùng người Thái, người Tày, người Dao, Mông tại các tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên, Lào Cai, Hà Giang, Yên Bái, Thái Nguyên… ở khu vực phía Bắc; Nghệ An, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Lâm Đồng... ở khu vực miền trung-Tây Nguyên; hay Đồng Tháp, An Giang, Long An, Vĩnh Long... ở khu vực miền nam.

Đặc biệt, những mô hình du lịch cộng đồng ở Làng du lịch cộng đồng Đá Bia (Hòa Bình), Khu Bảo tồn làng nhà sàn dân tộc sinh thái Thái Hải (Thái Nguyên), Điểm bản du lịch cộng đồng Sin Suối Hồ (Lai Châu), Cộng đồng du lịch làng chài Tân Thành (Quảng Nam)... đã vinh dự được nhận Giải thưởng Du lịch cộng đồng ASEAN. Đây đã trở thành những “thỏi nam châm” thu hút đông đảo du khách trong nước, quốc tế tới trải nghiệm.

Tại các tỉnh miền núi Tây Bắc, du lịch cộng đồng đã xây dựng được thương hiệu, uy tín với các điểm đến hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước như: Làng du lịch Nghĩa Đô, tỉnh Lào Cai; bản Lác, bản Văn ở Mai Châu, bản Sin suối Hồ ở Lai Châu, bản Lướt ở Sơn La, làng văn hóa - du lịch Xuân Sơn ở Phú Thọ, làng văn hóa du lịch Lô lô Chải ở Hà Giang… với sản phẩm du lịch không trùng lặp, mang bản sắc riêng, tạo ra trải nghiệm ấn tượng của từng điểm đến đối với du khách. 

Mai Châu là địa danh nổi tiếng với những bản du lịch cộng đồng thị trấn Mai Châu, các xã Chiềng Châu, Mai Hịch, Xăm Khoè, Nà Phòn…với cảnh sắc thơ mộng, ẩm thực đặc trưng, đồng bào các dân tộc ở Mai Châu vẫn còn lưu giữ được nhiều nét văn hóa dân tộc đặc sắc đã luôn hấp dẫn du khách. Đầu năm 2023, du lịch Mai Châu tạo thêm dấu ấn mới khi Giải thưởng Traveller Review Award (giải thưởng nhằm tôn vinh sự nỗ lực, cố gắng và lòng hiếu khách của đối tác) vinh danh là 1 trong 10 điểm đến thân thiện nhất Việt Nam.

Phát triển du lịch cộng đồng, nâng cao đời sống đồng bào dân tộc thiểu số 3
Với 98% dân số là đồng bào Tày sinh sống, có truyền thống văn hóa lâu đời và kiến trúc nhà ở còn nguyên vẹn, du lịch cộng đồng ở xã Nghĩa Đô, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai cũng thu hút nhiều du khách tới thăm quan, trải nghiệm. Dựa vào tài nguyên sẵn có là văn hóa dân tộc, cộng với thiên nhiên tươi đẹp, các sản vật địa phương phong phú, đồng bào DTTS Bảo Yên đã tạo ra các sản phẩm du lịch riêng để thu hút du khách. Đặc biệt, đồng bào Tày nơi đây còn lưu giữ và bảo tồn nghề đan lát, nghề thêu thổ cẩm truyền thống, hấp dẫn du khách trực tiếp được tham gia trải nghiệm các công đoạn tạo sản phẩm. Nghĩa Đô hiện đang có gần 20 cơ sở lưu trú homestay do người dân làm chủ, 100% kiến trúc nhà sàn truyền thống. Năm 2023, du lịch cộng đồng xã Nghĩa Đô là một trong hai điểm du lịch cộng đồng của Việt Nam đạt giải thưởng Homestay ASEAN.

Ông Nguyễn Sỹ Hồng, Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Bảo Yên cho biết: Chiến lược để phát triển du lịch cộng đồng của địa phương là bảo tồn, giữ gìn bản sắc văn hóa để phát triển du lịch cộng đồng. Với hướng bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, làm nền tảng tạo sản phẩm du lịch để thu hút du khách, đã phát huy được tiềm năng, lợi thế của địa phương tạo thế mạnh để phát triển du lịch cộng đồng bền vững.

Tại Lai Châu, các điểm du lịch cộng đồng được khai thác dựa trên những sắc thái và đặc trưng riêng về văn hóa bản địa. Nổi bật nhất trong các làng du lịch cộng đồng của Lai Châu là bản Sin Suối Hồ có 113 hộ, trong đó có 10 hộ làm du lịch theo hình thức nghỉ dưỡng homestay.

Đến bản Sin Suối Hồ, cùng với tham quan phong cảnh, du khách còn được hòa mình vào cuộc sống sinh hoạt của bà con, hòa mình những hoạt động thường ngày, khám phá những món ăn độc đáo. Trung bình mỗi tháng, có hàng trăm lượt du khách đến du lịch và nghỉ dưỡng tại bản Sin Suối Hồ, trong đó đa số là du khách nước ngoài. Tại Diễn đàn Hội chợ du lịch quốc tế 2023 diễn ra tại Indonesia, bản Sin Suối Hồ được khối ASEAN vinh danh là điểm du lịch cộng đồng hấp dẫn nhất của khối năm 2022.

Ông Phạm Văn Xuân, Phó Giám đốc Trung tâm VHTT&TT huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu cho biết: Trong bản Sin Suối Hồ có hơn 20% hộ dân phát triển du lịch cộng đồng. Người dân ở đây kinh doanh không chạy theo hướng thương mại hóa, mà các sản phẩm được tạo ra từ thiên nhiên, được lưu giữ từ bản sắc văn hóa truyền thống để phát triển du lịch. Chính những giá trị văn hóa truyền thống độc đáo, ẩm thực, văn hóa, văn nghệ dân gian của đồng bào đã thu hút du khách đến trải nghiệm.

Có thể nói, thành công từ những mô hình du lịch cộng đồng đã và đang đóng góp tích cực cho việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc của đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, phát huy những giá trị văn hóa bản sắc truyền thống... nhằm mang những sản phẩm du lịch đặc sắc, góp phần đưa du lịch Việt Nam phát triển bền vững.



Những năm qua, với tiềm năng thế mạnh từ cảnh quan thiên nhiên, bản sắc văn hóa dân tộc, mô hình du lịch cộng đồng đang tạo ra hướng đi bền vững, từng bước thay đổi tư duy phát triển kinh tế của người dân vùng cao trên nền tảng bảo tồn, khai thác tiềm năng lợi thế của địa phương.

Phát triển du lịch cộng đồng ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi không chỉ góp phần bảo vệ và phát huy những giá trị văn hóa vốn có mà còn tạo sinh kế bền vững cho đồng bào. Tại Lào Cai, hiện có trên 300 điểm lưu trú tại gia, tập trung chủ yếu ở các huyện: Sa Pa, Bắc Hà, Bát Xát… Người dân không chỉ được chính quyền đầu tư, hỗ trợ về cơ sở vật chất mà còn thường xuyên được tham gia tập huấn nâng cao kỹ năng làm du lịch cộng đồng. Từ kinh doanh du lịch, đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số đã cải thiện rõ rệt. Theo thống kê, các điểm du lịch ở Sa Pa có tốc độ xóa đói, giảm nghèo nhanh gấp 3 lần so với các thôn, bản không làm du lịch, nguồn thu của các hộ làm dịch vụ du lịch cũng cao gấp từ 5 lần so với các hộ khác, đạt từ 25 - 60 triệu đồng/hộ/năm. Nhờ du lịch cộng đồng mà các ngành nghề thủ công (sản xuất thổ cẩm, chạm khắc bạc, đồ lưu niệm…) được phát triển mạnh mẽ và tạo ra nhiều việc làm cho người dân. Ước tính ở Lào Cai, các điểm du lịch cộng đồng đã giải quyết việc làm cho hơn 2.600 lao động.

Hay như bản nhỏ Sin Suối Hồ (huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu) của đồng bào dân tộc H’Mông cũng đang trở thành điểm sáng trong việc phát triển mô hình du lịch cộng đồng. Từ năm 2005 đến nay, khi đưa mô hình du lịch cộng đồng vào hoạt động, trung bình 1 năm bản Sin Suối Hồ đón trên 20 nghìn lượt khách trong nước và quốc tế. Từ một bản nghèo, hiện người dân Sin Suối Hồ đã có của ăn của để. Theo Trưởng bản Vàng A Chỉnh, trước đây Sin Suối Hồ từng là “điểm nóng” về tệ nạn ma túy. Tuy nhiên, từ năm 2005 đến nay, khi đưa mô hình du lịch cộng đồng vào hoạt động, người dân Sin Suối Hồ đã có việc làm và thu nhập ổn định.

Còn tại huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang, nhờ đã đẩy mạnh phát triển du lịch cộng đồng, đời sống người dân được nâng cao, bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc. Toàn huyện Hoàng Su Phì có 7 làng văn hóa du lịch cộng đồng được huyện phê duyệt, trong đó có 1 làng văn hóa du lịch tiêu biểu đã được UBND tỉnh công nhận. Trên 50 mô hình homestay đang hoạt động, đem lại nguồn thu từ 80 – 200 triệu đồng/năm. Nhiều làng văn hóa du lịch mang đậm bản sắc đã thu hút lượng lớn du khách đến tham quan, lưu trú. Tính riêng trong năm 2022, lượng khách du lịch đến huyện đạt 94.250 lượt, doanh thu ước đạt trên 80,2 tỷ đồng.

Phát triển du lịch cộng đồng, nâng cao đời sống đồng bào dân tộc thiểu số 5

Để phát triển du lịch cộng đồng gắn với tạo sinh kế bền vững cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, các địa phương cần có kế hoạch xây dựng mô hình phát triển du lịch cộng đồng gắn với cải thiện sinh kế bền vững để khai thác các giá trị văn hóa bản địa, cũng như bảo đảm hiệu quả kinh doanh. Muốn làm được việc này, cần có sự nghiên cứu cụ thể ở nhiều lĩnh vực như cuộc sống cư dân bản địa, văn hóa, ẩm thực đặc trưng, phong tục, tập quán sinh hoạt... Từ đó, định hướng các giá trị cốt lõi của cộng đồng, giữ gìn và phát triển không gian văn hóa để nuôi dưỡng, bảo tồn và phát huy những giá trị ấy.

Phát triển du lịch cộng đồng, nâng cao đời sống đồng bào dân tộc thiểu số 6

Bên cạnh đó, phát triển du lịch cộng đồng ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi cần tuân thủ các quy định về bảo tồn và nguyên tắc phát triển bền vững, trong đó kiểm soát áp lực về môi trường và xã hội là một trong những yêu cầu hàng đầu. Trên cơ sở đó, các địa phương cần đưa ra những giải pháp tổ chức, quản lý du lịch, hỗ trợ vốn, tạo điều kiện liên kết với doanh nghiệp, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho bà con tham gia làm du lịch, góp phần hoàn thiện những mô hình du lịch cộng đồng bền vững.
 
Thu Hường

 

Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top