Hậu Giang là tỉnh nông nghiệp có 194,41 nghìn hộ, với 779,32 nghìn người dân sinh sống; trong đó có khá đông đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), nhiều nhất là đồng bào Khmer. Đồng bào DTTS của tỉnh đa số sống bằng nghề nông; sống xen kẽ, phần lớn ở vùng sâu, vùng xa, vùng điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn.
Giai đoạn 2021-2025, tỉnh Hậu Giang thực hiện 9/10 Dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (Chương trình). Năm 2022 và 2023, tổng nguồn vốn phân bổ của Chương trình trên địa bàn tỉnh là 58.975 triệu đồng (gồm 40.846 triệu đồng vốn ngân sách Trung ương và 18.129 triệu đồng vốn đối ứng ngân sách Tỉnh. Tính đến 20/11/2023, các cơ quan, đơn vị và địa phương của tỉnh đã hoàn thiện công tác chuẩn bị, đang triển khai thực hiện và đã giải ngân được 45.062 triệu đồng, đạt 76,41% kế hoạch; trong đó gồm 28.166 triệu đồng vốn ngân sách Trung ương và 16.896 triệu đồng vốn đối ứng ngân sách tỉnh. Bên cạnh đó, Tỉnh đã ban hành chính sách hỗ trợ lãi suất, quan tâm và tạo điều kiện cho các hộ nghèo vay vốn ưu đãi để phát triển sản xuất.
Sau 03 năm thực hiện Chương trình, hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội thiết yếu vùng đồng bào DTTS tỉnh Hậu Giang đã được quan tâm đầu tư, hoàn thiện. Qua đó góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh nói chung, vùng đồng bào DTTS nói riêng; các mô hình giảm nghèo được nhân rộng, giúp cải thiện thu nhập của nhóm hộ nghèo ở nông thôn, nâng cao đời sống của đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh, nhiều gia đình đã thoát nghèo bền vững. Một số xã vùng sâu ở Hậu Giang, nơi có đông đồng bào Khmer sinh sống đã có nhiều đổi thay, từ những cung đường khang trang, cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp đến những ngôi nhà tường san sát..., báo hiệu sự khởi sắc trên những miền quê này.
Theo Báo cáo của Ban Dân tộc tỉnh Hậu Giang, đến ngày 20/11/2023, toàn Tỉnh còn 9.736 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 4,84% so với số hộ dân cư trong tỉnh. Trong đó, hộ nghèo DTTS là 1.075 hộ, chiếm 11,46% so với tổng số hộ nghèo toàn Tỉnh và chiếm 13,13% tổng số hộ đồng bào DTTS, giảm 2,88% so với năm 2021; đạt tỷ lệ đề ra của tỉnh là 2%. Hộ cận nghèo còn 7.426 hộ, chiếm tỷ lệ 3,69% hộ so với số hộ dân cư.
Hậu Giang đặt mục tiêu đến năm 2025, phấn đấu hộ nghèo DTTS (theo chuẩn nghèo đa chiều) giảm trên 2%/năm; hỗ trợ xây dựng, nhân rộng 150 mô hình, dự án giảm nghèo; 100% người lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo có nhu cầu được hỗ trợ kết nối, tư vấn, định hướng nghề nghiệp, hỗ trợ tìm việc làm; phấn đấu 50% xã ra khỏi diện đặc biệt khó khăn; 100% xã vùng DTTS có đường ô tô đến trung tâm xã và đường liên xã được rải nhựa hoặc bê tông hóa; 92% đồng bào DTTS được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 90% lao động trong độ tuổi được đào tạo nghề...
Để thực hiện các mục tiêu trên, Hậu Giang tiếp tục xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp nhằm phát huy lợi thế, tiềm năng, đặc thù của vùng đồng bào DTTS, hướng tới phát triển bền vững và thúc đẩy tinh thần tự lực, tự cường của đồng bào trong phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo nhanh, bền vững và bảo đảm quốc phòng, an ninh; phát triển đồng bộ hạ tầng thiết yếu, phục vụ sinh hoạt, sản xuất, giao thương, tăng cường kết nối thị trường, lưu thông hàng hóa bảo đảm yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của vùng đồng bào DTTS
Sự thay đổi tích cực ở vùng đồng bào DTTS Hậu Giang ngày nay là minh chứng cho sự quan tâm chăm lo, cùng tính đúng đắn các đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước thời gian qua. Đây cũng là động lực giúp đồng bào toàn tỉnh Hậu Giang nói chung, đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh nói riêng thi đua lao động sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội, góp phần xóa đói, giảm nghèo, xây dựng quê hương giàu đẹp./.