Sóc Trăng là tỉnh có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, trong đó đồng bào Khmer chiếm hơn 31% dân số của tỉnh. Toàn tỉnh có 63 xã, phường, thị trấn thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số, 128 ấp đặc biệt khó khăn. Thời gian qua, nhờ triển khai hiệu quả Chương trình MTQG phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống của đồng bào đã cải thiện rõ rệt. Con em đồng bào dân tộc thiểu số, hộ nghèo khó khăn đã được đào tạo nghề, giải quyết việc làm.
Dự kiến đến cuối năm 2023, toàn Tỉnh ước giảm 13.929 hộ nghèo (tương đương giảm 4,19%), từ 22.409 hộ (bằng 6,73%) đầu nhiệm kỳ xuống còn 8.480 hộ (bằng 2,54% vào cuối năm 2023); trong đó hộ nghèo Khmer giảm bình quân từ 3-4%/năm, đạt 100% chỉ tiêu Nghị quyết. Giai đoạn 2021-2023, tỉnh tập trung ưu tiên đào tạo nghề cho trên 45,7 nghìn người, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo đến năm 2023 là 63%, tăng 2,62% so với năm 2020, đạt 96,92% chỉ tiêu Nghị quyết; trong đó, tỷ lệ lao động qua đào tạo có văn bằng, chứng chỉ đạt 29%, tăng 1,53% so với năm 2020, đạt 96,67% chỉ tiêu Nghị quyết…
Triển khai thực hiện Chương trình này, các địa phương trong Tỉnh tập trung đông đồng bào dân tộc thiểu số như thị xã Vĩnh Châu, Trần Đề, Châu Thành, Mỹ Tú đã xây dựng tổng cộng 85 công trình lộ giao thông, cầu giao thông nông thôn, nhà sinh hoạt cộng đồng và mạng lưới chợ; 4 công trình cấp nước tập trung; duy tu bảo dưỡng 31 công trình cơ sở hạ tầng; xây dựng bổ sung, nâng cấp cơ sở vật chất, thiết bị, đồ dùng dạy học cho 3 trường Phổ thông Dân tộc nội trú; hỗ trợ chuyển đổi nghề cho 423 hộ, hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán cho 387 hộ...
Có thể thấy, những hiệu quả tích cực trong triển khai xây dựng cơ sở hạ tầng trên địa bàn Tỉnh đã thực sự giúp cho đời sống của người dân trong Tỉnh, đặc biệt các hộ nghèo, hộ người dân tộc thiểu số được nâng lên, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh, cũng như đảm bảo việc tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản của mọi người dân, đặc biệt là người đồng bào dân tộc thiểu số.
Xác định tầm quan trọng của công tác đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng đảm bảo nhu cầu phát triển kinh tế cũng như nâng cao chất lượng đời sống người dân, đặc biệt là hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số, Sóc Trăng đã tập trung triển khai hiệu quả công tác đầu tư cơ sở hạ tầng ở hầu khắp các địa phương trong Tỉnh. Tại huyện Trần Đề, một trong những địa phương có đông đồng bào dân tộc thiểu số (chiếm trên 53% dân số). Huyện có 10 xã, thị trấn có người dân tộc thiểu số được thụ hưởng hỗ trợ chính sách từ Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi. Theo thống kê, hiện toàn Huyện đã có hơn 200 hộ được thụ hưởng nguồn vốn hỗ trợ nhà ở. Năm 2023, dự kiến khoảng 60 căn nhà sẽ hoàn thành xây dựng và được bàn giao đến các hộ gia đình được thụ hưởng.
Tại huyện Mỹ Tú, giai đoạn 2021 - 2023, với nguồn kinh phí được phân bổ trên 37,5 tỷ đồng, Huyện đã triển khai hỗ trợ xây dựng các công trình nhà ở cho 10 hộ đồng bào dân tộc thiểu số, hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán cho 47 hộ và xây dựng hoàn thành 4 công trình giao thông nông thôn. Huyện đang triển khai xây dựng và duy tu 5 công trình hạ tầng thiết yếu, hỗ trợ 48 hộ chuyển đổi ngành nghề, cấp nước sinh hoạt phân tán cho 11 hộ và phê duyệt hỗ trợ đất ở cho 1 hộ, nhà ở cho 120 hộ.
Còn tại huyện Long Phú, thực hiện Chương trình MTQG phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, từ năm 2022 đến nay, huyện Long Phú đã triển khai xây dựng được 49 căn nhà ở, hỗ trợ chuyển đổi nghề cho hơn 200 hộ, hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán cho 65 hộ đồng bào dân tộc Khmer nghèo.
Trong đó, đối với Tiểu dự án 1 của Dự án 4: Đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Trong năm 2022, huyện đã triển khai xây dựng 8 công trình giao thông nông thôn với kinh phí hơn 5,9 tỷ đồng. Từ đầu năm 2023 đến nay, đã giải ngân hơn 7,3 tỷ đồng để đầu tư xây dựng 9 công trình giao thông thiết yếu ở các ấp, xã đặc biệt khó khăn.
|
Tại huyện Châu Thành, với tổng nguồn vốn ngân sách Trung ương đầu tư trên 8 tỷ đồng thuộc Chương trình, dự kiến năm 2023, Huyện triển khai hỗ trợ đất cho 07 hộ; hỗ trợ về nhà ở cho 111 hộ. Đặc biệt, có 228 hộ được quan tâm đầu tư chuyển đổi ngành nghề bằng việc hỗ trợ phương tiện chuyển đổi nghề như: Xe ép nước mía, máy phun thuốc bảo vệ thực vật, máy cắt cỏ, xe mô tô...
Bằng nguồn vốn Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào Dân tộc thiểu số, miền núi giai đoạn 2021-2025, tỉnh Sóc Trăng đã quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các trường Dân tộc nội trú. Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sóc Trăng, cho biết: “Từ năm 2021, ngành Giáo dục tỉnh Sóc Trăng được thụ hưởng Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, Theo đó, toàn Tỉnh có 7 trường Phổ thông Dân tộc nội trú được thụ hưởng về sửa chữa, nâng cấp cơ sở vật chất với vốn đầu tư xây dựng cơ bản khoảng 122 tỷ đồng. Nhờ vậy, đến nay cơ sở vật chất của các trường đều đảm bảo kiên cố; tỷ lệ trường đạt chuẩn Quốc gia của Tỉnh đến thời điểm này là 82%”.
Tại Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Trung học cơ sở huyện Kế Sách, nhờ nguồn kinh phí được hỗ trợ hơn 6,8 tỷ đồng, từ nguồn vốn của Dự án 5 (Thuộc Chương trình), giai đoạn 2022-2023, Trường đã triển khai xây dựng mới 03 nhà công vụ, 02 phòng học, 01 nhà ăn, nhà bếp, kho bếp, xây dựng mái che sân trường; mua sắm các thiết bị phục vụ chuyển đổi số giáo dục, máy vi tính phục vụ giảng dạy và quản lý, xây mới lò đốt rác, sân bi sắt, mái che khu vực nhà ăn...
Hay Trường THCS DTNT Long Phú cũng đang triển khai xây dựng bổ sung, nâng cấp cơ sở vật chất, thiết bị, đồ dùng dạy học với 10 phòng ký túc xá được xây mới, 25 phòng ký túc xá cũ được cải tạo, đáp ứng 100% học sinh của Trường đều được ở nội trú thay vì 70% như trước đây. Ngoài ra, Trường còn xây mới khu hành chính, cải tạo 8 phòng học, khu vực nhà ăn, nhà vệ sinh, giúp học sinh ăn ở nội trú, sinh hoạt, học tập được đảm bảo, tiện nghi hơn, góp phần lớn trong nâng cao chất lượng dạy và học của trường trong năm học mới.
Năm học 2023 - 2024, huyện Long Phú bố trí gần 13 tỷ đồng để nâng cấp, xây mới trường Tiểu học Long Phú C theo hướng đạt chuẩn Quốc gia. Trên cơ sở trường cũ, trường được đầu tư xây thêm khu hiệu bộ, 6 phòng học, các phòng chức năng như: Thư viện, âm nhạc, mỹ thuật, tin học và sân chơi rộng rãi, thoáng mát.
Sóc Trăng đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 có 90% đường giao thông khóm, ấp được cứng hóa; 99% số hộ vùng đồng bào dân tộc thiểu số được sử dụng điện lưới quốc gia và các nguồn điện phù hợp khác; 100% người dân tộc thiểu số sử dụng các dịch vụ viễn thông, tiếp cận thông tin và phương tiện nghe, nhìn; giải quyết trên 90% tình trạng thiếu đất ở, nhà ở cho hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số.
Giai đoạn 2021 - 2025, Sóc Trăng tập trung đầu tư gần 800 tỷ đồng xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng, thiết chế xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc Khmer. Từ nguồn vốn này, Tỉnh dự kiến tập trung đầu tư, hỗ trợ giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho gần 4.500 hộ dân, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng khó khăn. Địa phương đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất và đời sống người dân; đồng thời, ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số…
Để đạt được mục tiêu trên, Sóc Trăng tiếp tục triển khai hiệu quả các chương trình dự án nhằm đầu tư xây dựng, cải tạo các công trình giao thông nông thôn, chợ phục vụ sản xuất, kinh doanh và dân sinh; duy tu, bảo dưỡng công trình cơ sở hạ tầng trên địa bàn đặc biệt khó khăn và công trình cơ sở hạ tầng các địa phương đã đầu tư từ giai đoạn trước, tạo điều kiện cho vùng dân tộc thiểu số giao thương thuận lợi, phát triển kinh tế. Cùng với đó, chuẩn hóa cơ sở vật chất của các trường học, trường dân tộc nội trú, nâng cao chất lượng giáo dục các cấp vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Từng bước hoàn thiện xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội toàn Tỉnh đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống Nhân dân./.