Hỗ trợ chuyển đổi nghề - tiếp thêm động lực cho đồng bào DTTS tại Kiên Giang thoát nghèo

27/12/2023 - 07:34 PM
Hỗ trợ chuyển đổi nghề - tiếp thêm động lực cho đồng bào DTTS tại Kiên Giang thoát nghèo
Triển khai tích cực dự án hỗ trợ chuyển đổi nghề
đến đồng bào DTTS tại địa phương

Tỉnh Kiên Giang có 27 dân tộc cùng sinh sống đan xen trên địa bàn, tuy nhiên chỉ có 3 dân tộc có dân số đông là Kinh, Khmer, Hoa. Trong tổng số gần 1,75 triệu người dân trong tỉnh, dân số là người DTTS có 261,13 nghìn người, chiếm tỷ lệ 14,94% (dân tộc Khmer 230,5 nghìn người, chiếm 13,19%; dân tộc Hoa 29,60 nghìn người, chiếm 1,69%; các DTTS khác 1.028 người, chiếm 0,06%).
Hỗ trợ chuyển đổi nghề - tiếp thêm động lực cho đồng bào DTTS tại Kiên Giang thoát nghèo 1
Để hỗ trợ chuyển đổi nghề cho đồng bào DTTS, Hội đồng nhân dân tỉnh Kiên Giang đã ban hành Nghị quyết số 91/NQ-HĐND và Nghị quyết 92/NQ-HĐND ngày 15/8/2022 phân bổ kế hoạch vốn đầu tư phát triển giai đoạn 2021-2025 và năm 2022 thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn tỉnh. Với nguồn vốn hỗ trợ của Chương trình, các địa phương trên địa bàn tỉnh Kiên Giang đã nhanh chóng triển khai, xác định đối tượng, phân bổ đất sản xuất và phân bổ vốn kịp thời chuyển đổi nghề cho đồng bào DTTS.
Hỗ trợ chuyển đổi nghề - tiếp thêm động lực cho đồng bào DTTS tại Kiên Giang thoát nghèo 2
Hiệu quả từ sự linh hoạt
trong vận dụng chính sách vào cuộc sống


Phương án triển khai linh động trong việc lồng ghép thực hiện các chính sách hỗ trợ của Nhà nước ở Kiên Giang đã phát huy hiệu quả, qua đó giúp đồng bào tự tin vươn lên, cải thiện đời sống, góp phần xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đến nay, Tỉnh đã hỗ trợ đất ở cho 31 hộ đồng bào DTTS; hỗ trợ nhà ở cho 383 hộ; triển khai hỗ trợ đất sản xuất, chuyển đổi nghề cho 236 hộ. Bên cạnh đó, đối với những trường hợp hộ DTTS không bố trí được đất sản xuất hoặc thiếu đất sản xuất, Tỉnh thực hiện theo hướng dẫn tại Thông tư 15/2022/TT-BTC hỗ trợ cho hộ đó 01 lần chuyển đổi nghề. Mức hỗ trợ tối đa 10 triệu đồng/hộ để mua sắm nông cụ, máy móc làm dịch vụ sản xuất nông nghiệp, làm các ngành nghề khác. Trường hợp không có nhu cầu mua sắm nông cụ, máy móc thì Tỉnh hỗ trợ học nghề để chuyển đổi nghề theo quy định. Những bước triển khai thực hiện Chương trình nhận được sự hưởng ứng tích cực của Nhân dân trong tỉnh, nhất là với người dân vùng DTTS tại các xã khó khăn và đặc biệt khó khăn.

Chính sách đi vào cuộc sống, thay đổi diện mạo ấp, khóm và đời sống đồng bào DTTS


Theo thông tin từ Ban Dân tộc tỉnh Kiên Giang, từ năm 2010 đến nay, mỗi năm tỉnh Kiên Giang có khoảng 4.600 người dân tộc thiểu số, phần lớn là đồng bào dân tộc Khmer tham gia học nghề tập trung ở các trình độ cao đẳng, trung cấp nghề và học nghề. Sau khi tốt nghiệp đã giải quyết việc làm hơn 3.000 lao động/năm, góp phần giải quyết việc làm, chuyển đổi cơ cấu lao động nông nghiệp sang phi nông nghiệp, cải thiện cuộc sống trong đồng bào dân tộc thiểu số.

Tại ấp Giồng Kè và ấp Kinh 9 là các ấp đặc biệt khó khăn của xã Bình Giang, huyện Hòn Đất, hộ nghèo người dân tộc Khmer đã được nhận suất hỗ trợ chuyển đổi nghề, gồm: 250 con gà giống, thuộc loại gà nòi ô tía, trọng lượng mỗi con 100 gam và thức ăn cho gà; mỗi suất hỗ trợ trị giá 10 triệu đồng. Trước khi giao gà, Xã đã tổ chức 02 lớp tập huấn kiến thức về quy trình kỹ thuật nuôi gà thương phẩm theo hướng an toàn sinh học cho các hộ nuôi, nhằm giúp các hộ nuôi gia tăng năng suất, tăng thu nhập, nhất là chuyển đổi nghề bền vững.
Tại huyện Gò Quao, Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội Huyện tích cực triển khai cho vay các chương trình tín dụng chính sách đã được giao chỉ tiêu, kịp thời đáp ứng nhu cầu vốn cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, đặc biệt tiếp tục tập trung nguồn lực cho vay theo Nghị quyết 11/NQ-CP và đối tượng dân tộc thiểu số theo Nghị định 28/2022/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách tín dụng ưu đãi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030. Từ năm 2022 đến nay, Huyện Gò Quao đã hỗ trợ chuyển đổi nghề cho 184 hộ, với tổng số tiền 1,84 tỷ đồng.

Tại ấp 6, xã Vĩnh Hòa Hưng Nam (huyện Gò Quao) có 390 hộ gia đình, trong đó, 78% người Khmer và một thời là ấp nghèo nhất xã, đời sống người dân còn nhiều khó khăn. Hiến, ấp 6 đang tập trung thực hiện hỗ trợ tạo sinh kế cho người dân, giúp vốn, hỗ trợ nhà, tư vấn, giới thiệu việc làm... Đồng thời, vận động người dân cải tạo vườn tạp, lựa chọn giống cây trồng, vật nuôi phù hợp để phát triển sản xuất.  Sau hơn 10 năm lồng ghép các chương trình, dự án, chính sách dân tộc, đến nay, ấp 6 đã không còn hộ nghèo, số hộ khá, hộ giàu đang tăng lên.

Huyện Giồng Riềng kết hợp phân bổ đồng bộ các Chương trình mục tiêu quốc gia để hỗ trợ giải quyết sinh kế cho hộ nghèo dân tộc thiểu số và hộ nghèo người Kinh sinh sống ở vùng đặc biệt khó khăn. Hỗ trợ đất ở 09 hộ, với tổng kinh phí 318 triệu đồng; hỗ trợ chuyển đổi nghề 156 hộ, với tổng kinh phí 1,560 tỷ đồng; hỗ trợ 20 hộ thực hiện mô hình trồng Dong Riềng lấy ngó (hỗ trợ phân hữu cơ, máy hút chân không, bao bì nâng cao giá trị sản phẩm OCOP), với kinh phí 42 triệu đồng/hộ; mô hình nuôi cá rô trong vèo (hỗ trợ con giống, thức ăn, vèo), với tổng số tiền là 119 triệu đồng; hỗ trợ cho 20 hộ người dân tộc thiểu số sinh sống ở địa bàn ấp đặc biệt khó khăn của xã Bàn Thạch…

Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn I từ năm 2021-2025, là chương trình thiết thực của Đảng và Nhà nước, bám sát thực tế, hoàn cảnh của đồng bào DTTS. Chương trình đã mang đến cho bà con DTTS nghèo ở Kiên Giang có thêm cơ hội mới. Từ đó, giúp cho hộ nghèo, hộ cận nghèo DTTS phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống và vươn lên thoát nghèo, góp phần giảm hộ nghèo hàng năm trên địa bàn Tỉnh./. 

Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top