Những bước đột phá chuyển đổi số nơi xứ Lạng

25/12/2023 - 10:59 AM

Trong xu thế toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế, cùng với cả nước, Lạng Sơn quyết tâm chuyển đổi số, mang lại những cơ hội mới cho đồng bào dân tộc. Đây cũng là nhiệm vụ trọng yếu của Tiểu dự án (Dự án 10: Ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ phát triển kinh tế – xã hội và đảm bảo an ninh trật tự vùng đồng bào DTTS & MN) thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Với đa phần người dân là đồng bào dân tộc thiểu số, làm nông, đời sống kinh tế còn nhiều khó khăn, đây là những thách thức không nhỏ trong hành trình chuyển đổi số của Lạng Sơn. Nhưng với quyết tâm chuyển đổi số toàn dân, toàn diện, ngày 28/9/2021, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 49-NQ/TU về chuyển đổi số tỉnh Lạng Sơn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Đây là một trong những tỉnh thành ban hành nghị quyết về chuyển đổi số sớm nhất trong cả nước. Nghị quyết 49 xác định 5 trụ cột chính gồm: Chuyển đối số trong cơ quan Đảng, phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số và cửa khẩu số. Nghị quyết đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, Lạng Sơn sẽ là 1 trong 10 tỉnh/thành phố dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số.

Triển khai Nghị quyết 49, Lạng Sơn đã huy động toàn bộ hệ thống chính trị, mọi nguồn lực xã hội để triển khai đồng bộ, toàn diện trên mọi lĩnh vực, nhằm tạo đà cho địa phương tăng trưởng và bứt phá trong tương lai. UBND Tỉnh đã thành lập Ban Chỉ đạo chuyển đổi số cấp tỉnh; 11/11 huyện, thành phố cũng nhanh chóng thành lập và kiện toàn ban chỉ đạo chuyển đổi số. Đồng thời, Lạng Sơn đã kiện toàn 1.658 tổ Công nghệ số cộng đồng với trên 9.000 thành viên, là cánh tay nối dài của Ban Chỉ đạo về chuyển đổi số các cấp, đóng vai trò then chốt đưa công nghệ số, kỹ năng số đến với người dân.
Những bước đột phá chuyển đổi số nơi xứ Lạng 2


Nhiều giải pháp đã được Lạng Sơn quyết liệt triển khai đồng bộ và toàn diện. Các cơ quan Đảng tăng cường ứng dụng các công nghệ số hiện đại như dữ liệu lớn (Bigdata), trí tuệ nhân tạo (AI), chuỗi khối (Blockchain) để triển khai chuyển đổi số; chuẩn hóa, số hóa dữ liệu. Tại UBND tỉnh đã triển khai xây dựng chính quyền số bằng việc xây dựng trung tâm chỉ đạo điều hành; triển khai hệ thống hội nghị trực tuyến đến tận các xã, thị trấn; xây dựng hệ thống quản lý điều hành 3 cấp; ứng dụng chữ kỹ số trong các cơ quan nhà nước. Hoạt động quản lý, điều hành thực hiện kinh tế số cũng được chú trọng thông qua các ứng dụng công nghệ số.

Các bệnh viện tuyến huyện, tuyến tỉnh kết nối với tuyến trên phục vụ khám chữa bệnh qua nền tảng công nghệ số, các doanh nghiệp vận tải, xuất nhập khẩu được cung cấp dịch vụ trên nền tảng cửa khẩu số… Với những kết quả trên, năm 2022, Lạng Sơn đã về đích mục tiêu đề ra trong Nghị quyết 49 phấn đấu đến năm 2025 là 1 trong 10 tỉnh/thành phố dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số với thứ hạng 6/63 tỉnh, thành phố trong kết quả xếp hạng chỉ số chuyển đổi số-DTI của Bộ Thông tin và Truyền thông. Lạng Sơn còn là 1 trong 5 tỉnh, thành phố dẫn đầu về mức độ lan tỏa công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) trong các ngành, hoạt động kinh tế khác.

Một trong những thành công nổi bật trong chuyển đổi số của tỉnh Lạng Sơn là triển khai thực hiện thành công Nền tảng Cửa khẩu số trong chương trình thí điểm chuyển đổi số tổng thể và toàn diện cửa khẩu Hữu Nghị, Tân Thanh. Nền tảng Cửa khẩu số được xây dựng từ tháng 7/2021 đến tháng 02/2022, sử dụng công nghệ hiện đại, giúp các lực lượng chức năng và các doanh nghiệp xuất nhập khẩu thực hiện các hoạt động trên một nền tảng số duy nhất, thực hiện số hóa hoàn toàn các thông tin khai báo của doanh nghiệp trước khi hàng hóa đến cửa khẩu. Mặt khác, nền tảng cửa khẩu số ứng dụng công nghệ camera AI để nhận dạng biển số xe, kết nối với bản đồ số và hệ thống định vị để điều tiết, giám sát mật độ lưu lượng xe và đặc biệt là kết nối liên thông, chia sẻ cơ sở dữ liệu với ngành Hải quan, cơ sở dữ liệu đăng kiểm Bộ Giao thông vận tải và cơ sở dữ liệu của các ngành chức năng khác.

Sau hơn một năm đi vào vận hành kể từ 21/02/2022 đến nay, Lạng Sơn đã có hơn 1.400 doanh nghiệp đăng ký tài khoản trên Nền tảng Cửa khẩu số, 100% các doanh nghiệp đã khai báo trực tuyến trên nền tảng trước khi phương tiện đến cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, cửa khẩu Tân Thanh và được xử lý. Trong 9 tháng đầu năm nay, số phương tiện đã được xử lý trên Nền tảng cửa khẩu số là trên 238.000 phương tiện.
Những bước đột phá chuyển đổi số nơi xứ Lạng 4


Việc triển khai thí điểm thành công Nền tảng cửa khẩu số giúp đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tiết kiệm thời gian, công sức, chi phí cho các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân tham gia vào hoạt động xuất nhập khẩu. Đồng thời, giúp công khai, minh bạch hóa trong hoạt động quản lý tại cửa khẩu, phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của các cấp lãnh đạo, cải cách hành chính, phục vụ người dân và doanh nghiệp tham gia hoạt động xuất nhập khẩu tốt hơn; góp phần hiện đại hóa khu vực cửa khẩu, đẩy mạnh hội nhập quốc tế. Với thành công của Nền tảng Cửa khẩu số, tỉnh Lạng Sơn được nhận giải thưởng Vietsolutions 2022 cho Bài toán chuyển đổi số xuất sắc địa phương và vinh dự là 01 trong 07 cơ quan, đơn vị trong toàn quốc đạt giải thưởng “Cơ quan nhà nước chuyển đổi số xuất sắc”.

Là Tỉnh đầu tiên trong cả nước ứng dụng công nghệ số trong quản lý hoạt động cửa khẩu, Nền tảng Cửa khẩu số của Lạng Sơn sẽ là một mô hình kiểu mẫu về cửa khẩu số trong cả nước, có khả năng nhân rộng áp dụng cho tất cả các cửa khẩu trên toàn quốc, góp phần hình thành hệ thống cửa khẩu số quốc gia, phục vụ cho quản lý nhà nước của Chính phủ và các địa phương, các lực lượng chức năng tại các khu vực cửa khẩu.

Với quan điểm chuyển đổi số phải lấy người dân làm trung tâm, làm động lực và là mục tiêu phát triển, cùng với thành công trên, năm 2022 Lạng Sơn đã triển khai nền tảng "Công dân số Xứ Lạng” và đẩy mạnh phát triển tài khoản thanh toán điện tử với nhiều ứng dụng được tích hợp như: Chức năng phản ánh kiến nghị, dịch vụ công; tra cứu thông tin đất đai; trợ lý ảo iSee; các ứng dụng Vỏ Sò, Postmart cho người mua. 

Để nâng cao nhận thức, trang bị kiến thức cho người dân có thể tiếp cận dễ dàng các ứng dụng thông minh được tích hợp trên một nền tảng số, các thành viên Tổ công nghệ cộng đồng của Tỉnh đã "đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người" hướng dẫn, hỗ trợ người dân cài đặt và sử dụng nền tảng "Công dân số Xứ Lạng" và các ứng dụng thương mại số, thanh toán số. Bên cạnh đó, Lạng Sơn đồng thời tích cực đào tạo, hướng dẫn người dân các kỹ năng số trong sản xuất nông nghiệp cho các hộ dân trên địa bàn. Thời gian qua, toàn Tỉnh có trên 228.000 số hộ sản xuất nông nghiệp được đào tạo kỹ năng số, tỷ lệ hộ sản xuất nông nghiệp được đào tạo kỹ năng số/hộ gia đình đạt 93% đứng thứ 3 toàn quốc.

Với những cách làm hiệu quả, Nền tảng Công dân số xứ Lạng được được đông đảo người dân sử dụng. Tính đến tháng 11/2023, đã có gần 645.000 tài khoản được cài đặt trên nền tảng, trong đó, tài khoản Công dân số Xứ Lạng là 240.300 tài khoản, đạt 151% kế hoạch; tài khoản thanh toán điện tử là 267.00 tài khoản; tài khoản mua/bán trên sàn thương mại điện tử là 238.500 tài khoản.
Những bước đột phá chuyển đổi số nơi xứ Lạng 6
Điều đáng nói, những nỗ lực chuyển đổi số làm thay đổi nhận thức, cách làm truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số nơi xứ Lạng. Đến nay, người dân Lạng Sơn đã quen thuộc với việc tiêu thụ sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử (voso.vn, postmart.vn...) và các nền tảng số như Zalo, Facebook, TikTok… để mở rộng không gian tiêu thụ sản phẩm ra toàn quốc. Hiện Lạng Sơn có 110 sản phẩm OCOP đã và đang được bán rộng rãi tại các sàn thương mại điện tử, các trung tâm thương mại, siêu thị lớn trong cả nước. Nhiều sản phẩm uy tín, có thương hiệu, được biết đến rộng rãi như hồng vành khuyên Văn Lãng, hồng không hạt Bảo Lâm, thạch đen Tràng Định, quýt vàng Bắc Sơn, na Chi Lăng, Hoa Hồi, chè đặc sản Đình Lập... Chỉ riêng 9 tháng năm 2023, Lạng Sơn có 49.000 giao dịch thành công trên các sàn thương mại điện tử, đứng thứ 04 toàn quốc.

Việc các nông sản địa phương tham gia sân chơi số không chỉ nâng giá trị sản phẩm mà còn đem đến nguồn thu nhập bền vững, làm thay đổi bộ mặt đời sống kinh tế của người nông dân những năm gần đây, từ đó góp phần tạo sức bật cho Lạng Sơn phát triển kinh tế số./.

 
Bích Ngọc - Trịnh Diệp
Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top