Quảng Ngãi: Đẩy mạnh đào tạo nghề gắn với tạo việc làm cho lao động nghèo, người dân tộc thiểu số

20/12/2023 - 06:24 PM
Quảng Ngãi: Đẩymạnh đào tạo nghề gắn với tạo việc làm cho lao động nghèo, người dân tộc thiểu số 1
Theo Báo cáo của Ban Dân tộc Tỉnh, Quảng Ngãi hiện có trên 1,4 triệu khẩu/374.573 hộ; trong đó dân tộc thiểu số là trên 187 nghìn người, chiếm 13,32% tổng dân số toàn tỉnh. (Dân tộc H’re là 133.104 người; dân tộc Co 33.227 người; dân tộc Ca Dong 19.689 người và 1.070 người thuộc các dân tộc thiểu số khác). Thời gian qua, công tác đào tạo nghề cho lao động gắn liền với đặc thù của từng địa phương trong toàn tỉnh Quảng Ngãi được triển khai đồng bộ, rộng khắp với nhiều hình thức mang lại hiệu quả tích cực. Trong đó, đối với khu vực các huyện đồng bằng trong Tỉnh, công tác đào tạo nghề theo hướng chuyển đổi cơ cấu lao động từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp, với trọng tâm là đáp ứng nhu cầu lao động trực tiếp của Khu kinh tế Dung Quất và các khu công nghiệp Tỉnh, bên cạnh đó là nâng cao kiến thức, kỹ năng, hỗ trợ ứng dụng công nghệ cho những người làm nghề truyền thống và cho nông dân sản xuất theo mô hình.

Tại Huyện Trà Bồng: Xác định công tác đào tạo nghề, giới thiệu việc làm là một trong những tiêu chí quan trọng góp phần giảm nghèo tại địa phương, huyện đã đẩy mạnh tuyên truyền về đào tạo nghề, định hướng nghề nghiệp bằng nhiều hình thức, nâng cao nhận thức người dân trong việc lựa chọn ngành nghề phù hợp. Trong năm 2023, Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Trà Bồng tổ chức đào tào nghề cho gần 800 lao động thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, người đồng bào dân tộc thiểu số với các ngành nghề chủ yếu như: Chăn nuôi - thú y, điện tử, điện dân dụng, nấu ăn, cắt may… Khi tham gia, các học viên được đào tạo theo phương châm cầm tay chỉ việc, dễ tiếp thu kiến thức và áp dụng vào thực tế.
Quảng Ngãi: Đẩymạnh đào tạo nghề gắn với tạo việc làm cho lao động nghèo, người dân tộc thiểu số 2
Trưởng Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Trà Bồng, Trương Công Lâm cho biết: Hàng năm, Phòng phối hợp với ban, ngành, đoàn thể và UBND các xã, thị trấn tăng cường tuyên truyền, tư vấn về nghề nghiệp, việc làm, rà soát số lượng lao động, tìm hiểu nhu cầu học nghề của người lao động trên địa bàn Huyện để xây dựng kế hoạch đào tạo phù hợp với tình hình phát triển của địa phương. Đồng thời, tập trung đẩy mạnh đào tạo nghề gắn với nhu cầu việc làm của các công ty, doanh nghiệp tại các khu công nghiệp của Tỉnh, tạo điều kiện cho người lao động, các hộ nghèo có việc làm ổn định, thực hiện hiệu quả mục tiêu giảm nghèo bền vững.

Tại huyện Mộ Đức, từ năm 2022 đến nay, huyện đã mở 03 lớp đào tạo nghề về chăn nuôi thú y, kỹ thuật pha chế đồ uống và chế biến món ăn với hàng trăm lao động người dân tộc thiểu số, các lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và lao động có thu nhập thấp đăng ký tham gia. Bên cạnh đào tạo nghề, giải quyết việc làm, huyện còn quan tâm hỗ trợ cho các hộ nghèo, cận nghèo... vay vốn tín dụng ưu đãi và hỗ trợ định hướng chăn nuôi, trồng trọt để phát triển kinh tế gia đình. Nhờ đó, nhiều học viên sau khi học nghề đã áp dụng vào thực tế và mang lại hiệu quả thiết thực. Đời sống ngày càng được nâng cao, góp phần đưa tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn Huyện giảm dần theo từng năm.

Lãnh đạo huyện Mộ Đức cho biết: “Đầu năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện Mộ Đức là 6,2%, đến cuối năm 2022 đã giảm còn 5,2%. Huyện Mộ Đức phấn đấu đến cuối năm 2023 giảm còn 4,7%. Để đạt được mục tiêu này, thời gian tới, Huyện sẽ tiếp tục tập trung đào tạo nghề theo nhu cầu người học, ngoài duy trì nghề truyền thống, địa phương sẽ triển khai thêm các ngành nghề mới, phù hợp xu thế phát triển, đảm bảo nhu cầu thực tế để tạo việc làm tăng thu nhập cho lao động, góp phần tích cực trong giảm nghèo ở địa phương”.
Quảng Ngãi: Đẩymạnh đào tạo nghề gắn với tạo việc làm cho lao động nghèo, người dân tộc thiểu số 3
Để triển khai thực hiện Tiểu dự án 3 thuộc Dự án 5 của Chương trình MTQG 1719 về đào tạo nghề, tạo việc làm cho lao động địa phương, năm 2023, UBND huyện Sơn Hà đã tổ chức Hội nghị chuyên đề về công tác đào tạo nghề và vận động lao động tham gia đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng trên địa bàn huyện; tổ chức “Ngày hội Tư vấn tuyển sinh- Định hướng nghề nghiệp và giới thiệu việc làm năm 2023”; phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tổ chức Sàn giao dịch việc làm hằng năm, năm 2023 đã tổ chức 2 phiên tại huyện với gần 600 người tham gia trực tiếp tại sàn và qua trang điện tử... Thông qua việc tổ chức các Sàn giao dịch việc làm, Ngày hội Tư vấn tuyển sinh - Định hướng nghề nghiệp và giới thiệu việc làm hằng năm, UBND huyện đã mời các công ty, doanh nghiệp trong và ngoài Tỉnh tham gia, tạo điều kiện kết nối và giải quyết việc làm cho người lao động, đặc biệt là người DTTS. Qua đó, đã góp phần đáng kể trong việc giải quyết việc làm cho người lao động trên địa bàn.

Có thể thấy, công tác đào tạo nghề gắn với tạo việc làm phù hợp, đảm bảo nhu cầu thực tế mỗi địa phương trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi đã mang lại hiệu quả rõ rệt, giúp người dân tự tạo việc làm, góp phần nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn Tỉnh.
Quảng Ngãi: Đẩymạnh đào tạo nghề gắn với tạo việc làm cho lao động nghèo, người dân tộc thiểu số 4
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, Đặng Văn Minh cho biết, theo Kế hoạch giai đoạn 2023 – 2025, Tỉnh sẽ có hơn 5.000 người dân ở nông thôn, miền núi Quảng Ngãi được đào tạo nghề. Trong đó, đào tạo nghề nông nghiệp cho 4.692 lao động tham gia các vùng nguyên liệu, thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, lao động tại các điểm du lịch nông thôn; lao động vùng đồng bào DTTS; hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; người lao động có thu nhập thấp nhằm giảm nghèo bền vững.

Đào tạo nghề Giám đốc hợp tác xã nông nghiệp cho 478 người, nhằm nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý các hợp tác xã để bảo đảm mục tiêu “80% Giám đốc hợp tác xã được đào tạo sơ cấp nghề” theo Quyết định số 340/QĐ-TTg ngày 12/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn Tỉnh.

Cũng trong năm 2023, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Ngãi có kế hoạch dạy nghề cho khoảng 10.000 lao động, chủ yếu là lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo và người đồng bào dân tộc thiểu số. Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Quảng Ngãi Nguyễn Tấn Đối nhấn mạnh: “Thời gian tới, Sở sẽ tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân tham gia học nghề, từng bước nâng cao chất lượng và hiệu quả dạy nghề gắn với tạo việc làm tại chỗ. Sở tăng cường kiểm tra, khảo sát nhu cầu học nghề, xây dựng các mô hình dạy nghề phù hợp điều kiện địa phương, đáp ứng nhu cầu của xã hội và thị trường lao động. Bên cạnh đó, tỉnh chú trọng nâng cao hiệu quả gắn kết giữa đào tạo nghề và nhu cầu của các doanh nghiệp, đồng thời, kết hợp giải quyết việc làm, đưa lao động đi xuất khẩu sang thị trường nước ngoài. Tỉnh phấn đấu đến năm 2025 có 100% lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, người đồng bào dân tộc thiểu số được đào tạo kỹ năng nghề phù hợp”.
Quảng Ngãi: Đẩymạnh đào tạo nghề gắn với tạo việc làm cho lao động nghèo, người dân tộc thiểu số 5
Quảng Ngãi xác định đào tạo nghề gắn với tạo việc làm cho người lao động, đặc biệt là lao động nghèo, lao động vùng đồng bào dân tộc thiểu số giữ vai trò quan trọng đối với chuyển dịch cơ cấu lao động nông nghiệp, nông thôn, phát triển nông nhiệp, nông thôn, hiện đại. Đào tạo nghề gắn với tạo việc làm không chỉ không chỉ tăng thu nhập, đảm bảo an sinh xã hội mà còn góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Hơn hết, đào tạo nghề sẽ góp phần hình thành ý thức, kỹ năng và tác phong làm việc của người lao động theo hướng công nghiệp, từ đó thu hút doanh nghiệp tham gia đầu tư, mở rộng sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm mới, thu nhập ổn định cho người lao động tại địa phương./.
 
Quảng Ngãi: Đẩymạnh đào tạo nghề gắn với tạo việc làm cho lao động nghèo, người dân tộc thiểu số 6
Thực hiện: Thu Hòa - Trịnh Diệp
Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top