Xuất khẩu hàng hóa 4 tháng đầu năm 2024 tăng trưởng ấn tượng

06/05/2024 - 09:47 AM
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, 4 tháng đầu năm 2024, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa đạt 238,88 tỷ USD, tăng 15,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 15%; nhập khẩu tăng 15,4%.

21 mặt hàng xuất khẩu 'tỷ USD'

Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam 4 tháng đầu năm 2024 đạt gần 239 tỷ USD, tăng 31,48 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước, trong đó, xuất khẩu tiếp tục ghi nhận đà phục hồi khá tốt.

Xuất khẩu tháng Tư (tính đến ngày 26/4/2024) đạt 30,94 tỷ USD, đưa kim ngạch xuất khẩu 4 tháng năm 2024 đạt 123,64 tỷ USD, tăng 15% so với cùng kỳ năm 2023.

 
Ảnh minh họa

Đáng chú ý, xuất khẩu hồi phục mạnh ở những nhóm hàng chủ lực, đóng góp lớn vào tổng kim ngạch xuất khẩu, ấn tượng hơn cả là nhóm hàng máy tính, linh kiện; máy móc, thiết bị, phụ tùng; giày dép; dệt may; điện thoại... 5 nhóm hàng này đóng góp 71,5 tỷ USD vào tổng kim ngạch xuất khẩu 4 tháng của cả nước.

Tính chung trong 4 tháng đầu năm, cả nước có 21 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 86,4% tổng kim ngạch xuất khẩu (trong đó, 5 mặt hàng xuất khẩu trên 5 tỷ USD, chiếm 57,8%). 
 

Nguồn: Tổng cục Thống kê
 
Trong báo cáo Cập nhật tình hình kinh tế Việt Nam (tháng 4/2024), Ngân hàng Thế giới (WB) nhận định, sau khi trải qua giai đoạn giảm tốc trong năm 2023, nền kinh tế Việt Nam đang có một số tín hiệu phục hồi. Theo đó, tăng trưởng xuất khẩu đang phục hồi, tiêu dùng và đầu tư tư nhân trong nước cũng trên đà tăng dần.

Về cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu, 4 tháng đầu năm 2024, nhóm hàng công nghiệp chế biến ước đạt 108,27 tỷ USD, chiếm 87,5% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước, tăng 13,6% so với cùng kỳ nhờ xuất khẩu sang Hoa Kỳ, châu Âu và Trung Quốc tăng mạnh.

Xuất khẩu sang các thị trường lớn như Hoa Kỳ, EU, Trung Quốc đều tăng trưởng 2 con số. Trong đó, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 34,1 tỷ USD, tăng 19,1% so với cùng kỳ 2023. Xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 18 tỷ USD, tăng 14,4%; xuất khẩu sang thị trường EU đạt 16,4 tỷ USD, tăng 15%; xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc 8,4 tỷ USD, tăng 10,2%.

Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 4/2024 ước đạt 30,26 tỷ USD, giảm 2% so với tháng trước và tăng 19,9% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 4 tháng đầu năm 2024, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 115,24 tỷ USD, tăng 15,4% so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung 4 tháng đầu năm 2024, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 8,4 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 7,66 tỷ USD).

Xuất khẩu rau quả kỳ vọng lập mức kỷ lục mới 

Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, xuất khẩu nông lâm thủy sản 4 tháng đầu năm tiếp tục ghi nhận những tín hiệu khả quan khi đạt 19,06 tỷ USD, tăng 23,7% so với cùng kỳ năm ngoái.

Hoa Kỳ, Trung Quốc và Nhật Bản tiếp tục là 3 thị trường nhập khẩu lớn nhất nông lâm thủy sản Việt Nam. Trong đó, Trung Quốc đứng vị trí thứ 2, chiếm 18,9% tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản, tăng 15,1% so với cùng kỳ năm 2023.

Riêng xuất khẩu rau quả trong 4 tháng vừa qua ước đạt 520 triệu USD, đưa tổng giá trị xuất khẩu rau quả trong 4 tháng đầu năm của Việt Nam đạt 1,8 tỷ USD, tăng hơn 32% so với cùng kì năm ngoái.

Xuất khẩu rau quả giữ mức tăng trưởng cao và có nhiều chuyển biến tích cực về thị trường, đồng thời nâng cao năng lực chế biến. Ngành rau quả đang được kì vọng lập lên kỷ lục xuất khẩu mới trong năm 2024.

Tiếp tục duy trì đà tăng trưởng

Để bức tranh xuất khẩu tiếp tục duy trì gam màu sáng, nhiều chuyên gia khuyến nghị, các doanh nghiệp cần tận dụng tối đa tiềm năng của thị trường mà Việt Nam đã ký kết Hiệp định thương mại tự do (FTA) đặc biệt là các thị trường lân cận của Việt Nam, nơi mà có các FTA với các ưu đãi lớn như khu vực: Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), khu vực Mậu dịch Tự do ASEAN hay Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Cùng với đó là khai thác các thị trường mới, còn nhiều tiềm năng dư địa cho xuất khẩu như châu Phi, Trung Đông, Nam Mỹ.

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, hiện Bộ đang tiếp tục nỗ lực triển khai nhiều giải pháp đã đề ra. Trong đó, sẽ mở rộng đàm phán các FTA, phổ biến để hiện thực hóa các ưu đãi từ FTA mà Việt Nam đã ký kết và đi vào thực thi; Đổi mới hoạt động xúc tiến thương mại, thực hiện chuyển đổi số để giúp doanh nghiệp khơi thông xuất khẩu hàng hóa, đơn giản hóa thủ tục xuất nhập khẩu.

Đối với xuất khẩu nông sản, Bộ Công Thương khuyến nghị, doanh nghiệp cần chủ động trao đổi, kết nối thông tin về nhu cầu thị trường và các quy định, chính sách thương mại của Trung Quốc; tích cực tham dự các hội chợ, triển lãm quốc tế để kết nối trực tiếp, đẩy mạnh hoạt động giao thương, hợp tác kinh tế, thương mại ổn định, lâu dài, hiệu quả.

Bộ Công Thương đã và đang tổ chức nhiều đoàn doanh nghiệp Việt Nam giao dịch, làm việc tại các địa phương và hội chợ ở Trung Quốc để kết nối giao thương trực tiếp cũng như đón nhiều đoàn địa phương và doanh nghiệp Trung Quốc sang làm việc tại Việt Nam; phối hợp cùng các địa phương biên giới như Lào Cai tổ chức hội chợ thương mại quốc tế để tăng cường giao lưu thương mại giữa hai bên, đẩy mạnh tăng trưởng kim ngạch xuất nhập khẩu.


Việt Nam lần đầu vào TOP 5 nhà cung cấp thủy sản cho Singapore

Thông tin từ Thương vụ Việt Nam tại Singapore, quý I/2024, Singapore nhập khẩu thủy sản từ Việt Nam đạt hơn 24 triệu SGD, tương ứng khoảng 17,6 triệu USD, đưa Việt Nam trở thành nhà cung cấp lớn thứ 5 của thị trường này..

Đây cũng là lần đầu tiên Việt Nam vượt qua Nhật Bản để vươn lên vị trí đối tác xuất khẩu thủy sản lớn thứ 5 vào Singapore với thị phần là 8,58%. Quý I/2024, Singapore nhập khẩu thủy sản từ Việt Nam đạt 24 triệu SGD (khoảng 17,6 triệu USD), tăng 3,22% so với cùng kỳ năm trước.

Việt Nam hiện chiếm lĩnh thị trường thủy sản Singapore bằng các sản phẩm cá phi lê đông lạnh với (chiếm 26,85%) và cá chế biến (chiếm 16,88%).


PV

Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top