Để phát triển ngành thủy sản có quy mô và tỷ suất hàng hóa lớn

19/04/2024 - 09:43 AM

Thực hiện Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 với quan điểm phát triển thủy sản thành ngành kinh tế có quy mô và tỷ suất hàng hóa lớn, những năm qua, ngành thủy sản Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc và đang phát triển hướng tới một nền thủy sản minh bạch, trách nhiệm, bền vững và hội nhập.

Phát triển thủy sản minh bạch, trách nhiệm bền vững và hội nhập

Việt Nam có lợi thế là quốc gia có đường bờ biển dài và sự khác biệt về địa lý, khí hậu đã đem đến cho Việt Nam sự đa dạng trong sở hữu được nhiều chủng loại thủy sản. Bên cạnh đó, Việt Nam có ngành thủy sản phát triển lâu đời và đang tham gia vào hàng loạt các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới với các quốc gia, khu vực là thị trường tiêu thụ lớn như: Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP)…  Đây là những lợi thế và điều kiện thuận lợi cho thủy sản Việt Nam phát triển và mở rộng thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu.

Cũng với các điều kiện thuận lợi, những năm qua, Chính phủ cũng đã ban hành nhiều cơ chế chính sách, tạo điều kiện cho ngành thủy sản phát triển theo hướng khuyến khích sản xuất liên kết theo chuỗi giữa giá trị sản xuất - chế biến - tiêu thụ thủy sản trong đó có thể kể đến như: Nghị định số 98/2018/NĐ-CP, ngày 5/7/2018 của Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; Nghị quyết số 53/NQ-CP, ngày 17/7/2019 của Chính phủ về giải pháp khuyến khích, thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp hiệu quả, an toàn và bền vững...  Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã tổ chức các diễn đàn xúc tiến thương mại, hỗ trợ kết nối tiêu thụ nông sản; Tọa đàm phổ biến thông tin, quy định thị trường và thị hiếu tiêu dùng, kết nối tiêu thụ thông qua hệ thống tham tán thương mại.

Đến nay, ngành Thủy sản đã vững bước phát triển nhanh, toàn diện và ổn định, trở thành ngành kinh tế quan trọng của đất nước. Hoạt động sản xuất, kinh doanh thủy sản có nhiều chuyển biến vượt bậc. Doanh nghiệp sản xuất thủy sản có năng lực sản xuất ngày càng được nâng cao với quy mô sản xuất, kimh doanh ngày càng mở rộng.

Theo Tổng cục Thống kê, năm 2023, giá trị tăng thêm ngành nông nghiệp là 3,88% so với năm trước, đóng góp 0,34 điểm phần trăm vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế, trong đó ngành thủy sản tăng 3,71%, đóng góp 0,1 điểm phần trăm. Năm 2023, sản xuất thủy sản phát triển khá, tập trung chuyển đổi theo hướng bền vững, khai thác đi đôi với bảo vệ nguồn lợi, áp dụng rộng rãi nuôi trồng ứng dụng công nghệ cao. Năm 2023, sản lượng thủy sản ước đạt 9.312,3 nghìn tấn, tăng 2,2% so với năm trước. Trong đó, cá đạt 6.612,6 nghìn tấn, tăng 1,8%; tôm đạt 1.356,1 nghìn tấn, tăng 5%; thủy sản khác đạt 1.343,6 nghìn tấn, tăng 1,7%.

Năm 2023, sản lượng thủy sản nuôi trồng ước đạt 5.455,8 nghìn tấn, tăng 4,2% so với năm trước. Trong đó, cá đạt 3.631,4 nghìn tấn, tăng 3,7%; tôm đạt 1.211,6 nghìn tấn, tăng 5,8%; thủy sản khác đạt 612,8 nghìn tấn, tăng 4,8%. Sản lượng tôm nước lợ tăng trưởng cao do áp dụng mô hình công nghệ cao đối với tôm thẻ chân trắng mang lại hiệu quả kinh tế. Sản lượng tôm thẻ chân trắng năm 2023 ước đạt 858,6 nghìn tấn, tăng 7,1% so với năm 2022. Sản lượng tôm sú năm 2023 ước đạt 275 nghìn tấn, tăng 2% so với năm 2022.

Năm 2023, sản lượng thủy sản khai thác ước đạt 3.856,5 nghìn tấn, giảm 0,5% so với năm trước. Trong đó, cá đạt 2.981,2 nghìn tấn, giảm 0,4%; tôm đạt 144,5 nghìn tấn, giảm 0,8%, thủy sản khác đạt 730,8 nghìn tấn, giảm 0,8%. Khai thác thủy sản biển năm 2023 giảm do thực hiện khai thác bền vững đảm bảo tái tạo nguồn lợi thủy sản tự nhiên, đồng thời công tác phòng, chống khai thác thủy sản bất hợp pháp dần được thực hiện nghiêm túc. Năm 2023, sản lượng thủy sản khai thác biển đạt 3.643,9 nghìn tấn, giảm 0,7% so với năm trước. Trong đó, cá ước đạt 2.846,1 nghìn tấn, giảm 0,5%; tôm ước đạt 135,1 nghìn tấn, giảm 1,5%.

Xét về giá trị tăng thêm của ngành thủy sản trong ngành nông nghiệp cho thấy, quý I/2024, giá trị tăng thêm của ngành nông nghiệp tăng 2,81% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 0,26 điểm phần trăm vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế thì ngành thủy sản tăng 3,46%, đóng góp 0,08 điểm phần trăm. Về cơ cấu nền kinh tế, quý I/2024, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 11,77%, sản lượng thủy sản ước đạt 1.941,5 nghìn tấn, tăng 2,2% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: Cá đạt 1.440,8 nghìn tấn, tăng 2%; tôm đạt 193 nghìn tấn, tăng 3,9%; thủy sản khác đạt 307,7 nghìn tấn, tăng 2%.

Không chỉ tăng trưởng về sản lượng, giá trị sản phẩm thủy sản Việt Nam cũng được đánh giá cung cấp nguồn protein có chất lượng ổn định và giá trị dinh dưỡng ngày càng cao đóng góp vào nguồn thực phẩm giàu dinh dưỡng cho người tiêu dùng.

Thủy sản Việt Nam có thế mạnh về công nghệ chế biến. Nhiều doanh nghiệp có khả năng bắt kịp công nghệ chế biến của thế giới, trong đó doanh nghiệp tập trung vào chế biến sâu với các sản phẩm giá trị gia tăng cao. Trong Đề án phát triển ngành chế biến thủy sản giai đoạn 2021 - 2030, Việt Nam cũng đã đưa ra quan điểm định hướng sớm đưa Việt Nam trở thành trung tâm chế biến thủy sản toàn cầu. Với mục tiêu cụ thể, đến năm 2030 tốc độ tăng trưởng sản lượng thủy sản chế biến đạt trên 6%/năm; Tỷ trọng giá trị xuất khẩu sản phẩm thủy sản chế biến giá trị gia tăng đạt trung bình trên 40% (trong đó: Tôm đạt 60%, cá tra đạt 10%, cá ngừ đạt 70%, mực và bạch tuộc đạt 30%, thủy sản khác đạt 30%); Trên 70% số lượng cơ sở chế biến thủy sản xuất khẩu đạt trình độ và năng lực công nghệ sản xuất từ trung bình tiên tiến trở lên; Hình thành một số tập đoàn, doanh nghiệp chế biến thủy sản hiện đại, có tiềm lực kinh tế và trình độ quản lý ngang tầm thế giới; Giá trị chế biến thủy sản tiêu thụ nội địa đạt 40.000 - 45.000 tỷ đồng. Góp phần vào giá trị kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt khoảng 14 - 16 tỷ USD.

Trong mở rộng thị trường, hội nhập quốc tế, ngành thủy sản đã chủ động đi trước khi đẩy mạnh áp dụng khoa học công nghệ tiên tiến vào sản xuất, gắn liên kết giữa sản xuất nguyên liệu với chế biến. Tích cực đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu tới nhiều quốc gia trên thế giới. Hiện, sản phẩm thủy sản Việt Nam đã xuất khẩu tới hơn 170 quốc gia, vùng lãnh thổ và ngày càng được mở rộng, trong đó có những thị trường khó tính như: EU, Nhật Bản, Hàn Quốc… Việt Nam cũng nằm trong top 3 quốc gia xuất khẩu thủy sản lớn nhất thế giới, sau Trung Quốc và Na Uy. Kim ngạch xuất khẩu thủy sản những năm qua đạt mức tăng trưởng khá cao Theo Tổng cục Thống kê, năm 2023, xuất khẩu thủy sản ước đạt 9,01 tỷ USD, chiếm 2,5% cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu năm 2023. Quý I/2024, xuất khẩu thủy sản ước đạt 1,86 tỷ USD, chiếm 2% cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu quý I/2024.

 Để phát triển thủy sản thành ngành kinh tế có quy mô và tỷ suất hàng hóa lớn

Phát triển thủy sản thành ngành kinh tế có quy mô và tỷ suất hàng hóa lớn

Ngày 11/3/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 339/QĐ-TTg về Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Quan điểm của Chiến lược là phát triển thủy sản thành ngành kinh tế có quy mô và tỷ suất hàng hóa lớn, có thương hiệu uy tín, tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu, có khả năng cạnh tranh cao và bền vững. Hội nhập quốc tế sâu rộng, phát triển có trách nhiệm theo hướng kinh tế tuần hoàn, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng và hiệu quả. Đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa ngành thủy sản theo định hướng thị trường, thân thiện môi trường, bảo vệ, tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản, bảo tồn đa dạng sinh học; Thu hút các nguồn lực, các thành phần kinh tế đầu tư phát triển thủy sản hiệu quả với lực lượng doanh nghiệp là nòng cốt; tăng cường nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng công nghệ, ưu tiên ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số.

Một số chỉ tiêu chủ yếu đến năm 2030, cụ thể như: Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất thủy sản đạt 3,0 - 4,0%/năm. Tổng sản lượng thủy sản sản xuất trong nước đạt 9,8 triệu tấn; trong đó sản lượng nuôi trồng thủy sản 7,0 triệu tấn, sản lượng khai thác thủy sản 2,8 triệu tấn. Giá trị kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 14 - 16 tỷ USD.

Tầm nhìn đến năm 2045, thủy sản là ngành kinh tế thương mại hiện đại, bền vững, có trình độ quản lý, khoa học công nghệ tiên tiến; Việt Nam là trung tâm chế biến thủy sản sâu, thuộc nhóm ba nước sản xuất và xuất khẩu thủy sản dẫn đầu thế giới; giữ vị trí quan trọng trong cơ cấu các ngành kinh tế nông nghiệp và kinh tế biển, góp phần bảo đảm an ninh dinh dưỡng, thực phẩm...

Để thực hiện mục tiêu, Chiến lược đề ra các  giải pháp chủ yếu cần thực hiện trong thời gian tới như:

Một là,  phát triển kết cấu hạ tầng ngành thủy sản đồng bộ. Theo đó, xây dựng, hoàn thiện quy hoạch ngành quốc gia, chương trình, đề án, dự án lĩnh vực thủy sản. Tập trung các nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng ngành thủy sản đồng bộ, phù hợp quy hoạch, chương trình, đề án lĩnh vực thủy sản, đáp ứng tiêu chí, quy định của Luật Thủy sản.

Hai là, phát triển, ứng dụng khoa học công nghệ. Coi khoa học công nghệ là giải pháp then chốt, quan trọng, quyết định tăng năng suất, giảm giá thành, gia tăng giá trị khai thác, nuôi trồng, chế biến thủy sản. Đẩy mạnh xã hội hóa nguồn lực đầu tư cho hoạt động nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng khoa học công nghệ kỹ thuật tiên tiến; xây dựng và tổ chức thực hiện chính sách khuyến khích các doanh nghiệp tham gia nghiên cứu và chuyển giao công nghệ vào sản xuất. Nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến trong bảo quản gen, nhân giống thủy sản nhằm bảo tồn và phát triển các giống loài thủy sản bản địa, đặc hữu, có nguy cơ tuyệt chủng, có giá trị khoa học, kinh tế cao. Nghiên cứu, ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số trong quản lý, bảo vệ nguồn lợi thủy sản, dự báo ngư trường, nguồn lợi. Nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng công nghệ nuôi trồng thủy sản có năng suất cao, chất lượng, tuần hoàn, tiết kiệm nước, năng lượng, giảm giá thành sản xuất, bảo vệ môi trường, đặc biệt đối với các hệ thống nuôi thâm canh, siêu thâm canh, nuôi hữu cơ, sinh thái.

Ba là, đào tạo phát triển nguồn nhân lực là cán bộ khoa học, kỹ thuật, đặc biệt đối với cán bộ chuyên sâu trong các lĩnh vực về thủy sản. Đào tạo, bồi dưỡng, đào tạo lại, phát triển nguồn nhân lực có chuyên môn sâu, kỹ năng cao. Đào tạo cán bộ quản lý thủy sản đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế, có khả năng ứng dụng công nghệ cao trong quản lý, điều hành. Thu hút nguồn lực quốc tế trong hợp tác, đào tạo phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành thủy sản. Liên kết, kết nối giữa các cơ sở đào tạo, viện nghiên cứu và doanh nghiệp trong đào tạo phát triển nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động. Đầu tư, nâng cao năng lực Viện Nghiên cứu Hải sản; các Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản I, II, III; Viện Kinh tế và Quy hoạch thủy sản...

Bốn là, tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại, phát triển thị trường tại các nước, khu vực đã và đang ký kết các Hiệp định thương mại tự do; phát triển mở rộng các thị trường trọng điểm và tiềm năng. Nâng cao năng lực trao đổi, tiếp cận thông tin thị trường, thương mại thủy sản cho doanh nghiệp, cán bộ quản lý và các bên có liên quan. Xây dựng thương hiệu và tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, ưu tiên cho những sản phẩm thủy sản chủ lực, đáp ứng yêu cầu về chất lượng, mẫu mã và quy cách sản phẩm thủy sản của các thị trường tiêu thụ. Thúc đẩy quá trình đàm phán mở cửa thị trường, tháo gỡ rào cản cho các sản phẩm thủy sản Việt Nam tại các thị trường nhập khẩu. Bên cạnh đó, rà soát các cơ chế, chính sách phát triển sản xuất thủy sản phù hợp các quy định của Luật Thủy sản 2017, các Hiệp định thương mại tự do và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Năm là, nâng cao năng lực chế biến thủy sản. Theo đó, đổi mới thiết bị, công nghệ, đầu tư, nâng cấp các nhà máy chế biến thủy sản để tăng năng suất, giảm chi phí sản xuất, bảo vệ môi trường. Đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy định trong nước và quốc tế về chất lượng, an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, trách nhiệm xã hội và phát triển bền vững. Nâng cao tỷ trọng sản phẩm chế biến có chất lượng, sức cạnh tranh cao phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Hình thành một số tập đoàn, khu công nghiệp chế biến thủy sản lớn gắn với vùng nguyên liệu. Tổ chức xây dựng hệ thống logistics kết nối chặt chẽ giữa người sản xuất, thu gom, chế biến với nhà phân phối thủy sản./.

Trang Nguyễn

 


Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top