Kết quả chỉ số PAPI cấp tỉnh năm 2023

09/04/2024 - 03:51 PM
Kết quả khảo sát Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) năm 2023 là nguồn dữ liệu và thông tin hữu ích giúp các cấp chính quyền nắm bắt được cảm nhận và trải nghiệm của người dân về điều kiện kinh tế - xã hội, mối quan ngại của người dân, cách thức hoạt động của chính quyền địa phương trong 12 tháng qua và so với kết quả của những năm trước. Bên cạnh đó, Báo cáo PAPI 2023 cũng thể hiện những kỳ vọng của người dân đối với bộ máy công vụ trong năm 2024 và những năm tiếp theo.

Tham gia của người dân ở cấp cơ sở

Tất cả các tỉnh/thành phố chỉ đạt từ 3,69 đến 5,91 điểm trên thang đo từ 1-10 điểm, hầu như ít biến chuyển so với kết quả của năm 2021. So với kết quả năm 2021, 24 tỉnh, thành phố có sự cải thiện đáng kể trong năm 2023, và chỉ có 8 tỉnh, thành phố có số điểm sụt giảm đáng kể. Điểm số của 27 tỉnh/thành phố còn lại không thay đổi đáng kể. Tất cả các tỉnh, thành phố cần nỗ lực nhiều hơn trong việc nâng cao hiểu biết của người dân về chính sách, pháp luật quan trọng liên quan đến công dân, bảo đảm người dân tham gia chủ động và tích cực vào công tác bầu cử trưởng thôn/tổ trưởng tổ dân phố, công tác ra quyết định cũng như giám sát các dự án công trình công cộng ở địa phương.

Công khai, minh bạch trong việc ra quyết định ở địa phương

Tất cả các tỉnh/thành phố chỉ đạt từ 4,31 đến 5,88 điểm trên thang đo từ 1–10 điểm, với khoảng điểm giảm đáng kể so với năm 2021. Năm 2023, 12 tỉnh, thành phố đạt điểm cao hơn đáng kể ở kết quả Chỉ số nội dung 2, song cũng có tới 23 tỉnh, thành phố có mức điểm giảm đáng kể; và 24 tỉnh, thành phố không có nhiều thay đổi so với kết quả năm 2021.

Tương tự kết quả những năm trước, các tỉnh, thành phố trong nhóm đạt điểm cao vẫn có xu hướng tập trung ở phía Bắc, với 5 tỉnh, thành phố thuộc vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung, 4 tỉnh thuộc vùng Đồng bằng sông Hồng và 3 tỉnh thuộc vùng Trung du và Miền núi phía Bắc. Trong khi đó, trong số 16 tỉnh, thành phố đạt điểm thấp nhất, có tới 8 tỉnh, thành phố thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long, 3 tỉnh thuộc vùng Tây Nguyên và 3 tỉnh, thành phố thuộc vùng Đông Nam Bộ.

Trách nhiệm giải trình với người dân

Tất cả các tỉnh/thành phố đều đạt dưới 4,66 điểm trên thang đo từ 1-10 điểm. Nhìn chung, không có sự tiến bộ đáng kể trong việc thực hiện trách nhiệm giải trình với người dân qua hai năm ở 44 tỉnh/thành phố trong năm 2023.

Chỉ có 5 tỉnh (gồm Cao Bằng, Điện Biên, Lai Châu, Sóc Trăng và Sơn La) đạt một số tiến bộ trong năm 2023 so với kết quả năm 2021. Trong khi đó, điểm số của 10 tỉnh (gồm Bến Tre, Cà Mau, Đồng Nai, Đồng Tháp, Hải Dương, Hải Phòng, Hậu Giang, Long An, Quảng Nam và Thanh Hóa) có mức sụt giảm hơn 5% điểm so với kết quả năm 2021.

Hiệu quả tương tác của chính quyền với người dân vẫn ở mức thấp, thể hiện qua mức điểm nội dung thành phần ‘Mức độ và hiệu quả tương tác với chính quyền địa phương’ của các tỉnh, thành phố dao động từ 1,65 đến 2,24 điểm trên thang từ 0,33-3,34 điểm. Trong số bốn vị trí được hỏi (gồm trưởng thôn/tổ trưởng tổ dân phố, cán bộ/công chức Ủy ban nhân dân, cán bộ Hội đồng nhân dân và cán bộ đoàn thể cấp xã), trưởng thôn/tổ trưởng tổ dân phố tiếp tục là kênh thường trực được người dân tin tưởng lựa chọn nhiều nhất khi có sự vụ cần giải quyết trong năm 2023. Tuy nhiên, mức độ tin tưởng này cũng giảm ở 44 tỉnh, thành phố so với năm 2021. Khi có khúc mắc, người dân có xu hướng tiếp cận cán bộ, công chức Ủy ban nhân dân xã/phường/thị trấn hơn đại biểu dân cử ở Hội đồng nhân dân xã/phường/thị trấn, tương tự với kết quả khảo sát những năm trước. Khoảng cách này rất rõ nét ở tất cả các tỉnh, thành phố.

Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công

Điểm số của tất cả các tỉnh/thành phố dao động từ 5,86 đến 8,15 trên thang đo từ 1-10 điểm. Khác với kết quả những năm trước, kết quả năm 2023 cho thấy, 5 tỉnh thuộc vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung và 5 tỉnh thuộc vùng Trung du và miền núi phía Bắc có tên trong nhóm đạt điểm cao nhất ở Chỉ số nội dung 4. Trong khi đó, 4 trong 5 tỉnh vùng Tây Nguyên (trừ tỉnh Đắk Lắk thuộc nhóm trung bình – thấp) và 4 trong 11 tỉnh vùng Đồng bằng sông Hồng gia nhập nhóm đạt điểm thấp nhất.

Thủ tục hành chính công: Điểm số của các tỉnh, thành phố năm 2023 dao động từ 6,68 điểm đến 7,64 điểm trên thang đo từ 1-10 điểm, thấp hơn so với khoảng điểm năm 2021. So với kết quả năm 2021, 5 tỉnh, thành phố có cải thiện đáng kể, trong đó Bà Rịa- Vũng Tàu và Tiền Giang đạt mức gia tăng về điểm tương ứng là 10,4% và 9,6%. Tuy nhiên, có tới 49 tỉnh/thành phố không có mức thay đổi nào, và 4 tỉnh (gồm Hải Dương, Hải Phòng, Vĩnh Phúc và Thừa Thiên-Huế) có mức suy giảm về điểm trên 5% sau 3 năm.

Dịch vụ hành chính công cấp xã được đánh giá khá cao. Phần lớn những người thực hiện các thủ tục xác nhận nhân thân hoặc thủ tục hành chính do cấp xã xử lý có trải nghiệm khá tốt với dịch vụ này, với điểm số của các tỉnh, thành phố đạt từ 2,28-2,59 điểm trên thang đo từ 0,33-3,34 điểm, tương tự với kết quả năm 2021. Tuy nhiên, các tỉnh Kon Tum, Lâm Đồng và Phú Yên chưa đạt được mức điểm cao từ người dùng dịch vụ hành chính công cấp xã. Thiếu niêm yết công khai phí và lệ phí ở bộ phận tiếp nhận và trả kết quả là vấn đề phổ biến ở cấp xã của tất cả các tỉnh, thành phố.

Cung ứng dịch vụ công

Điểm số của các tỉnh, thành phố năm 2023 dao động từ 6,76 đến 8,30 điểm trên thang đo từ 1-10 điểm, thấp hơn so với khoảng điểm năm 2021. Các tỉnh/thành phố trong nhóm ‘cao’ ở Chỉ số nội dung 6 chủ yếu tập trung ở vùng Đồng bằng sông Hồng (7 trong số 11 tỉnh, thành phố), và hai vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung (3 tỉnh) và Đồng bằng sông Cửu Long (3 tỉnh). Tuy nhiên, cũng có tới 7 tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long cùng với 4 tỉnh vùng Trung du và miền núi phía Bắc thuộc về nhóm ‘thấp’. Điện Biên là tỉnh duy nhất có mức gia tăng đáng kể, với điểm số tăng 9% so với năm 2021. Trong khi đó, 17 tỉnh, thành phố thành phố khác có mức sụt giảm đáng kể. Có tới 41 tỉnh/thành phố không có sự thay đổi đáng kể nào qua 3 năm.

Quản trị môi trường

Tất cả các tỉnh/thành phố trên toàn quốc chỉ đạt dưới 4,3 điểm (dưới mức trung bình) trên thang đo từ 1-10 điểm, thấp hơn mức điểm cao nhất (4,73 điểm) của năm 2021. So với năm 2021, 8 tỉnh (gồm Bà Rịa –Vũng Tàu, Bạc Liêu, Điện Biên, Hà Giang, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Sóc Trăng và Trà Vinh) đạt mức thay đổi về điểm đáng kể ở chỉ số nội dung này. Trong khi đó, có tới 26 tỉnh, thành phố đạt mức điểm thấp hơn 3 năm trước. Tương tự với kết quả của những năm trước, năm 2023, mối quan ngại về môi trường vẫn tập trung ở vùng Đồng bằng sông Hồng và vùng Đông Nam Bộ nơi tập trung nhiều tỉnh, thành phố phát triển công nghiệp, bên cạnh vùng Tây Nguyên. Trong số 16 tỉnh thuộc nhóm ‘thấp’, có 6 địa phương thuộc vùng Đồng bằng sông Hồng, 4 địa phương thuộc vùng Đông Nam Bộ và 4 địa phương thuộc vùng Tây Nguyên. Vùng Đồng bằng sông Cửu Long dường như có kết quả đánh giá khả quan hơn so với 5 vùng kinh tế-xã hội còn lại, với 8 trong số 13 tỉnh, thành phố trong vùng thuộc về nhóm ‘cao’.

Quản trị điện tử

Tất cả các tỉnh/thành phố trên toàn quốc vẫn chỉ đạt dưới 4 điểm trên thang điểm từ 1-10, tương tự kết quả khảo sát các năm 2020-2022. Tuy vậy, so với kết quả năm 2021, có tới 39 tỉnh, thành phố đạt mức cải thiện khá đáng kể. Mặt khác, cũng có 3 tỉnh (Hà Nam, Lâm Đồng và Nghệ An) có số điểm thấp hơn đáng kể vào năm 2023. Trong số 15 tỉnh, thành phố thuộc nhóm ‘cao’, có 5 địa phương thuộc vùng Đồng bằng sông Hồng và 3 địa phương thuộc vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung. Trong số này cũng có 3 thành phố trực thuộc trung ương là Đà Nẵng, Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Trong khi đó, 16 tỉnh, thành phố thuộc nhóm ‘thấp’ tập trung chủ yếu ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long (7 trong số 11 tỉnh, thành phố) và vùng Tây Nguyên (3 trong số 5 tỉnh).

 
Chỉ số tổng hợp PAPI 2023 cấp tỉnh

Kết quả khảo sát PAPI 2023 cho thấy, khoảng cách về hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh năm 2023 giữa các tỉnh, thành phố không lớn. Chỉ số PAPI 2023 tổng hợp giữa điểm thấp nhất (38,97 điểm) và điểm cao nhất (46,04 điểm) là khoảng 7,07 điểm, nhỏ hơn khoảng cách này của Chỉ số PAPI 2021 và 2022 (với khoảng cách tương ứng của hai năm là 9,07 điểm và 10,84 điểm). Khoảng cách này cho thấy điểm các chỉ số nội dung PAPI 2023 có xu hướng hội tụ hơn. Vì vậy, chính quyền các tỉnh, thành phố không nên coi trọng điểm số tổng hợp chung, mà cần xem xét kết quả ở các chỉ số, chỉ tiêu cụ thể.

Các tỉnh, thành phố phía Bắc và miền Trung có xu hướng được người dân đánh giá cao hơn so với các tỉnh, thành phố phía Nam. Trong số 15 tỉnh, thành phố thuộc nhóm ‘cao’ có 5 địa phương thuộc vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung và 4 địa phương thuộc vùng Đồng bằng sông Hồng. Trong số 16 tỉnh, thành phố thuộc nhóm ‘thấp’ có 7 địa phương thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long và 3 địa phương thuộc vùng Tây Nguyên.

 
So sánh điểm trung vị của tám chỉ số lĩnh vực nội dung năm 2023 với năm 2021

 
Những tỉnh, thành phố có sự cải thiện ở các chỉ số nội dung thành phần cần được ghi nhận, bởi đây là những địa phương đã quan tâm đổi mới những lĩnh vực còn yếu kém mà PAPI đã giúp chỉ ra những năm trước. So với kết quả năm 2021, 24 tỉnh, thành phố có mức độ cải thiện đáng kể ở Chỉ số nội dung 1 ‘Tham gia của người dân ở cấp cơ sở’; 12 tỉnh, thành phố có mức độ cải thiện đáng kể ở Chỉ số nội dung 2 ‘Công khai, minh bạch trong việc ra quyết định ở địa phương’; 5 tỉnh, thành phố có mức độ cải thiện đáng kể ở Chỉ số nội dung 3 ‘Trách nhiệm giải trình với người dân’; 12 tỉnh, thành phố có mức độ cải thiện đáng kể ở Chỉ số nội dung 4 ‘Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công’; và 39 tỉnh, thành phố có mức độ cải thiện đáng kể ở Chỉ số nội dung 8 ‘Quản trị điện tử’. Tuy nhiên, chỉ có 6 tỉnh, thành phố có mức độ cải thiện khá đáng kể ở Chỉ số nội dung 5 ‘Thủ tục hành chính công’ (với mức gia tăng nhẹ trên 5% điểm); 1 tỉnh có mức độ cải thiện khá đáng kể ở Chỉ số nội dung 6 ‘Cung ứng dịch vụ công’; và 8 tỉnh, thành phố có mức độ cải thiện khá đáng kể ở Chỉ số nội dung 7 ‘Quản trị môi trường’. Ngược lại, có tới 19 tỉnh, thành phố có mức điểm giảm sút đáng kể ở Chỉ số nội dung 4; 17 tỉnh, thành phố có mức điểm giảm sút đáng kể ở Chỉ số nội dung 6; và 17 tỉnh, thành phố có mức điểm giảm sút đáng kể ở Chỉ số nội dung 7.

Quản trị địa phương và cung ứng dịch vụ công chưa mang tính bao trùm đối với người tạm trú ngắn hạn và dài hạn ở các tỉnh, thành phố tiếp nhận người nhập cư nội địa. Kết quả khảo sát năm 2023 ở 11 địa phương tiếp nhận nhiều người nhập cư cho thấy, sự khác biệt trong đánh giá của hai tỉnh Đắk Nông và Thái Nguyên với 9 tỉnh, thành phố còn lại (Bắc Giang, Bắc Ninh, Bà Rịa- Vũng Tàu, Cần Thơ, Đà Nẵng, Đồng Nai, Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và Long An). Ở Đắk Nông và Thái Nguyên, đánh giá của người tạm trú dường như tích cực hơn so với người thường trú. Ngược lại, đánh giá của người tạm trú thấp hơn nhiều so với người thường trú ở Đồng Nai và Long An, và mức chênh lệch ở hai tỉnh này lớn hơn so với mức chênh lệch ở Bắc Giang, Bắc Ninh, Bà Rịa-Vũng Tàu, Cần Thơ, Đà Nẵng, Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.

Có thể nói, chỉ số PAPI 2023 nhấn mạnh tầm quan trọng của việc chính quyền các cấp xem xét, chú ý tới từng chỉ tiêu cụ thể để hiểu rõ hơn tâm tư, kỳ vọng của người dân tại địa phương mình, từ đó tìm giải pháp thích hợp để thực thi chính sách, pháp luật hiệu quả hơn, cung cấp dịch vụ công tốt hơn. Để người dân đánh giá tích cực hơn hiệu quả hoạt động công vụ, lãnh đạo chính quyền các cấp cần rà soát từng vấn đề qua hơn 120 tiêu chí đánh giá, xác định những vấn đề cần ưu tiên giải quyết trong ngắn hạn và trung hạn, giao nhiệm vụ cụ thể cho từng cấp, từng ngành liên quan nhằm đổi mới phương thức phục vụ nhân dân./.

 
Thu Hường

Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top