Phấn đấu đạt và vượt các mục tiêu, chỉ tiêu trong năm 2024

10/04/2024 - 10:06 AM
Trong 3 tháng đầu năm 2024, Chính phủ đã bám sát thực tiễn, tập trung chỉ đạo triển khai quyết liệt, linh hoạt, sáng tạo các nhiệm vụ, giải pháp, phản ứng chính sách linh hoạt, kịp thời, có trọng tâm, trọng điểm. Với sự chỉ đạo sát sao, quyết liệt của Chính phủ, tình hình kinh tế - xã hội quý I/2024 tiếp tục phục hồi tích cực, đạt nhiều kết quả quan trọng, đáng khích lệ, tạo đà cho cả hệ thống chính trị phấn đấu hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024.

 
Nhiều dấu ấn trong chỉ đạo, điều hành của Chính phủ

Trong 3 tháng đầu năm 2024, kinh tế thế giới và trong nước tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức. Trước bối cảnh đó, Chính phủ đã bám sát thực tiễn, tập trung chỉ đạo triển khai quyết liệt, linh hoạt, sáng tạo các nhiệm vụ, giải pháp, phản ứng chính sách linh hoạt, kịp thời hơn, có trọng tâm, trọng điểm, bảo đảm hài hòa giữa xử lý tình huống trong ngắn hạn và phát triển trong trung, dài hạn.

Nổi bật trong công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ trong quý I/2024 là đẩy mạnh công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, với việc hoàn thiện, trình Quốc hội thông qua Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) tại kỳ họp bất thường thứ 5; chuẩn bị các dự án luật phục vụ kỳ họp thứ 7 của Quốc hội; xem xét, cho ý kiến đối với 19 dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết.

Bên cạnh đó, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật, làm kim chỉ nam cho triển khai, thực hiện nhiệm vụ tại các bộ, ngành và địa phương. Cụ thể, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 36 văn bản quy phạm pháp luật (31 nghị định, 5 quyết định quy phạm); Thủ tướng Chính phủ ban hành 10 chỉ thị, 27 công điện, tập trung xử lý các vấn đề cấp bách, mới phát sinh.

Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, sửa đổi, bổ sung các chiến lược, chương trình, kế hoạch, đề án, quy hoạch; trong đó có Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII… Tổ chức phiên họp thứ hai Tiểu ban Kinh tế-xã hội Đại hội XIV của Đảng; trình Bộ Chính trị Tờ trình, Đề cương Báo cáo đánh giá 5 năm thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2021-2030, phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2026-2030.

Cùng với đó, Chính phủ triển khai hiệu quả nhiều hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế quan trọng; đàm phán, ký kết các điều ước, thỏa thuận quốc tế, trong đó nâng cấp quan hệ Việt Nam-Australia lên Đối tác Chiến lược toàn diện và nhiều sự kiện đối ngoại quan trọng khác.

Với sự chỉ đạo sát sao, quyết liệt của Chính phủ, tình hình kinh tế - xã hội quý I/2024 tiếp tục phục hồi tích cực, đạt nhiều kết quả quan trọng, đáng khích lệ, tạo đà cho cả hệ thống chính trị phấn đấu hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024.

Trong bức tranh kinh tế - xã hội quý I nổi lên nhiều điểm sáng. Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng được thúc đẩy, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tăng trưởng GDP quý I đạt 5,66% so với cùng kỳ năm trước, vượt kịch bản đề ra tại Nghị quyết số 01/NQ-CP, là mức tăng cao nhất trong quý I kể từ năm 2020 đến nay. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực (nông nghiệp chỉ còn chiếm 11,77%, công nghiệp và xây dựng chiếm 35,67%, dịch vụ chiếm 43,48%, thuế trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 9,02%). Một số địa phương có ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng cao so với cùng kỳ như: Quảng Ninh tăng 39,9%, Phú Thọ tăng 27,7%, Bắc Giang tăng 24%, Thanh Hoá tăng 18,6%, Hà Nam tăng 17,9%, Ninh Thuận tăng 17,4%, Tây Ninh tăng 14,4%, Hải Dương tăng 12,8%...

Lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) quý I tăng 3,77% so với cùng kỳ. Thị trường tiền tệ cơ bản ổn định; mặt bằng lãi suất duy trì ở mức thấp, nhu cầu ngoại tệ trong nước được đáp ứng, bảo đảm an toàn hệ thống ngân hàng, các cân đối lớn được bảo đảm. Trong 3 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 178 tỷ USD, tăng 15,5% so cùng kỳ; trong đó xuất khẩu tăng 17%, nhập khẩu tăng 13,9%. Xuất khẩu tăng cao đã đưa nền kinh tế tiếp tục đà xuất siêu lớn 8,08 tỷ USD, góp phần bảo đảm cán cân thanh toán.

Các lĩnh vực dịch vụ tiếp tục phục hồi, đặc biệt ngành du lịch phục hồi mạnh mẽ với lượng khách quốc tế đến nước ta trong quý I/2024 đạt trên 4,6 triệu lượt, tăng 72% so cùng kỳ năm trước và tăng 3,2% so với cùng kỳ năm 2019 trước khi xảy ra dịch Covid-19. Riêng lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng Ba đạt gần 1,6 triệu lượt, tăng 78,6% so với cùng kỳ.

Tình hình tài chính  -ngân sách Nhà nước tiếp tục được cải thiện rõ nét, thể hiện ở thu ngân sách Nhà nước trong 3 tháng đầu năm đạt 31,7% dự toán năm, tăng 9,8% so với cùng kỳ. Nợ công, nợ chính phủ, nợ nước ngoài quốc gia và bội chi ngân sách được kiểm soát tốt, thấp hơn nhiều giới hạn quy định. Thị trường chứng khoán phục hồi tích cực, chỉ số VNIndex tăng trên 13%, giá trị giao dịch tăng 28,2%, vốn hoá thị trường tăng 12,2% so với cuối năm 2023.

Một điểm sáng nổi bật khác trong bức tranh kinh tế - xã hội quý I/2024 là đầu tư phát triển tiếp tục đạt kết quả tích cực, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Trong 3 tháng đầu năm, tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng 5,2% so với cùng kỳ (quý I/2023 tăng 3,7%). Đến hết tháng 3 năm 2024, giải ngân vốn đầu tư công đạt gần 90 nghìn tỷ đồng, đạt 13,67% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, cao hơn 3,32% cùng kỳ năm trước. Tổng vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội tăng 5,2% so với cùng kỳ, tiếp tục tạo đà bứt phá cho các quý tiếp theo. Thu hút FDI đạt 6,17 tỷ USD, tăng 13,4% so với cùng kỳ; vốn FDI thực hiện đạt 4,63 tỷ USD, tăng 7,1%, mức tăng cao nhất trong 5 năm qua.

Cùng với những kết quả trên hoạt động sản xuất kinh doanh tiếp tục phục hồi và chuyển biến tích cực. Phát triển doanh nghiệp tăng theo xu hướng tích cực với 36.200 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trong quý I/2024, tăng 6,9% so với cùng kỳ và 23.600 doanh nghiệp hoạt động trở lại, tăng 2,4%.
 
Phấn đấu đạt và vượt các mục tiêu, chỉ tiêu trong năm 2024
Nhiều điểm sáng trong bức tranh kinh tế - xã hội năm 2024

Bên cạnh đó, cải cách hành chính được chú trọng, nhất là cắt giảm, đơn giản hoá thủ tục hành chính; phòng chống tham nhũng, tiêu cực được đẩy mạnh, không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Công tác bảo đảm an sinh xã hội được bảo đảm; đời sống nhân dân được cải thiện. Trong quý I có 93,6% số hộ gia đình đánh giá có thu nhập ổn định hoặc cao hơn cùng kỳ. Thu nhập bình quân của lao động quý I/2024 đạt 7,6 triệu đồng/tháng, tăng 7,8% so với cùng kỳ.

Với những kết quả trên, nhiều tổ chức, chuyên gia quốc tế đánh giá cao triển vọng của kinh tế Việt Nam với hàng loạt dự báo khả quan. Nếu như ADB dự báo khiêm tốn năm 2024 Việt Nam tăng trưởng 6%, thì Ngân hàng HSBC, Ngân hàng Standard Chartered và S&P đều đưa ra mức dự báo tăng trưởng của kinh tế nước ta ở mức cao hơn, lần lượt là 6,3%; 6,7% và 6,8%.

Mặc dù vậy, tình hình kinh tế - xã hội của nước ta cũng còn một số tồn tại, hạn chế và khó khăn, thách thức. Đó là, một số ngành sản xuất công nghiệp phục hồi chậm; các lĩnh vực dịch vụ ăn uống, giải trí chưa phục hồi rõ nét. Hoạt động sản xuất kinh doanh trong một số lĩnh vực còn khó khăn; số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường còn lớn. Mặc dù mặt bằng lãi suất cho vay giảm, nhưng lãi suất đối với các khoản dư nợ hiện tại còn cao; khả năng tiếp cận vốn trong nền kinh tế còn khó khăn. Khó khăn, vướng mắc trên thị trường bất động sản từng bước được xử lý nhưng giao dịch phục hồi còn chậm... Những tồn tại trên xuất phát từ cả nguyên nhân khách quan và chủ quan là: Tình hình thế giới tiếp tục khó khăn, trong khi nước ta là nước đang phát triển, nền kinh tế đang trong quá trình chuyển đổi, xuất phát điểm thấp, quy mô còn khiêm tốn, độ mở lớn, sức chống chịu và khả năng cạnh tranh còn hạn chế; Việc phân cấp, phân quyền một số lĩnh vực còn vướng mắc về thể chế; Chậm phản ứng chính sách trước những diễn biến mới…

Phấn đấu đạt và vượt các mục tiêu, chỉ tiêu trong năm 2024

Nhằm nỗ lực vượt qua thách thức, phấn đấu đạt và vượt các mục tiêu, chỉ tiêu trong năm 2024, tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2024 và Hội nghị Chính phủ với địa phương diễn ra vào ngày 03/4/2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu rõ quan điểm chỉ đạo, điều hành của Chính phủ trong thời gian tới là tiếp tục bám sát Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, sự lãnh đạo của Trung ương, Bộ Chính trị, Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 2021- 2030, các Kế hoạch 5 năm giai đoạn 2021-2025, các nghị quyết, chỉ thị của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Kiên định mục tiêu đề ra, Chính phủ xác định lấy nội lực là cơ bản, chiến lược, lâu dài, quyết định, ngoại lực là quan trọng, đột phá. Phát huy tinh thần đoàn kết, tự lực, tự cường, coi khó khăn, thách thức là động lực phấn đấu vươn lên. Tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, tạo công ăn việc làm, sinh kế cho người dân. Nắm chắc diễn biến tình hình trong nước, quốc tế; nâng cao năng lực phân tích, dự báo; huy động, sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực; kết hợp hài hòa, chặt chẽ giữa nguồn lực bên trong và bên ngoài, giữa Trung ương và địa phương, giữa sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại, giữa sức mạnh doanh nghiệp trong nước, ngoài nước với sức mạnh của nhân dân. Khắc phục kịp thời các hạn chế trong phản ứng chính sách; chủ động, linh hoạt, sáng tạo trong chỉ đạo, điều hành theo diễn biến thực tiễn. Kịp thời tháo gỡ những điểm nghẽn, khó khăn, vướng mắc trong từng lĩnh vực.

Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu thực hiện cao nhất, tốt nhất, phấn đấu đạt và vượt các mục tiêu, chỉ tiêu trong năm 2024, nhất là chỉ tiêu tăng trưởng khoảng 6,5%, với tinh thần "Năm quyết tâm", đó là: Quyết tâm khắc phục mọi khó khăn, vượt qua mọi thách thức để hoàn thành các mục tiêu, yêu cầu đề ra của năm 2024; Quyết tâm thực hiện không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm; không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác với phương châm "thắng không kiêu, bại không nản"; Quyết tâm bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung, đồng thời thúc đẩy phòng chống tiêu cực lợi ích nhóm; Quyết tâm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho người dân và doanh nghiệp; tăng cường phân cấp phân quyền, cắt giảm thủ tục hành chính, giảm chi phí tuân thủ cho người dân và doanh nghiệp; Quyết tâm nỗ lực phấn đấu cao nhất, thúc đẩy các động lực tăng trưởng.

Chính phủ yêu cầu thực hiện tốt "5 bảo đảm": (i) Bảo đảm thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp theo Kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, Lãnh đạo chủ chốt, các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ; (ii) Bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn của nền kinh tế và kiểm soát lạm phát, tạo nền tảng và điều kiện thuận lợi thúc đẩy tăng trưởng, phát triển nhanh và bền vững; (iii) Bảo đảm phát triển lành mạnh, công khai, minh bạch các loại thị trường: hàng hóa, dịch vụ; lao động; bất động sản; vốn (ngân hàng, chứng khoán, trái phiếu); khoa học công nghệ... Thúc đẩy phát triển các loại thị trường mới như thị trường tín chỉ các-bon, thị trường dữ liệu và nâng hạng thị trường chứng khoán; (iv) Bảo đảm đầy đủ điều kiện để triển khai chế độ tiền lương mới từ ngày 01 tháng 7 năm 2024; (v) Bảo đảm ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, an sinh xã hội, an ninh, an toàn, an dân để bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ.

Quyết liệt chỉ đạo để thực hiện mục tiêu đặt ra năm 2024, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tập trung thực hiện "5 đẩy mạnh": Đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế trên tất cả các lĩnh vực, trong đó tiếp tục làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống (đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu), đồng thời bổ sung và nâng cao chất lượng tăng trưởng của các động lực mới (tăng trưởng xanh, chuyển đổi số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức...); Đẩy mạnh huy động mọi nguồn lực để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, tạo công ăn việc làm, sinh kế cho người dân, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; Đẩy mạnh 3 đột phá chiến lược về hoàn thiện thể chế, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ hiện đại; Đẩy mạnh hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế để góp phần củng cố, tăng cường vai trò và nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế; Đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông, nhất là truyền thông chính sách, tạo đồng thuận xã hội.

Cụ thể hơn về các giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn của nền kinh tế và kiểm soát lạm phát, Thủ tướng yêu cầu điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả; phối hợp đồng bộ, hài hòa, chặt chẽ với chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm và các chính sách khác; bảo đảm cung ứng đủ vốn tín dụng phục vụ nền kinh tế; giám sát chặt chẽ tình hình nợ xấu, bảo đảm an toàn hệ thống; tiếp tục có biện pháp mạnh giảm mặt bằng lãi suất cho vay; nâng cao hiệu quả xử lý nợ xấu, năng lực, hiệu quả hoạt động, sự ổn định, an toàn của hệ thống ngân hàng; giữ vững ổn định thị trường ngoại tệ, thị trường vàng, không để xảy ra những biến động bất lợi; thu hẹp chênh lệch giá vàng trong nước – quốc tế; phấn đấu tiếp tục tăng dự trữ ngoại hối nhà nước. Thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam trong thời gian sớm nhất. Phấn đấu quyết liệt tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách Nhà nước với các nhiệm vụ chủ yếu là tập trung triển khai sử dụng hóa đơn điện tử, tạo chuyển biến rõ nét trong việc chống thất thu, nợ đọng thuế (phấn đấu giảm nợ đọng còn 3-4%).

Cùng với đó, chú trọng phát triển thị trường trong nước; thực hiện có hiệu quả các chương trình xúc tiến thương mại, thúc đẩy phân phối hàng hóa qua nền tảng số, thương mại điện tử. Chủ động đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức xúc tiến, quảng bá du lịch, nhất là dịp cao điểm du lịch hè 2024. Khẩn trương triển khai các giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu, nhất là đối với các thị trường lớn, tiềm năng, đẩy mạnh phát huy hiệu quả các hiệp định, thỏa thuận thương mại đã ký kết; hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp đáp ứng nhanh các tiêu chuẩn mới của nước đối tác xuất khẩu; tạo thuận lợi thực hiện thủ tục thông quan hàng hóa.

Quyết liệt giải ngân vốn đầu tư công; tập trung thúc đẩy tiến độ thi công các dự án, công trình trọng điểm, nhất là các công trình hạ tầng giao thông chiến lược, quan trọng quốc gia, như đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông; các dự án cao tốc Đông – Tây; sân bay, cảng biển; đường cao tốc, dự án liên vùng, liên tỉnh. Đẩy nhanh việc hoàn thiện, thẩm định, trình phê duyệt các quy hoạch còn lại trong hệ thống quy hoạch quốc gia; khẩn trương ban hành và triển khai có hiệu quả Kế hoạch thực hiện các quy hoạch đã được phê duyệt. Khôi phục và phát huy đà tăng trưởng ngành công nghiệp tại các địa phương và vùng kinh tế trọng điểm. Chủ động xây dựng kế hoạch, bảo đảm cung ứng đủ điện cho sản xuất kinh doanh, sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả. Theo dõi chặt chẽ tình hình thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp, chủ động ứng phó với các diễn biến, yếu tố rủi ro có thể phát sinh. Tăng cường công tác quản lý và thực hiện các giải pháp bình ổn thị trường vàng.

Tích cực, chủ động thu hút FDI có chọn lọc, bảo đảm chất lượng. Thúc đẩy mạnh mẽ đầu tư tư nhân và đầu tư nước ngoài. Tiếp tục phát huy nguồn lực đầu tư của các tập đoàn, doanh nghiệp Nhà nước.

Chính phủ đồng thời yêu cầu các bộ, ngành, địa phương chú trọng thực hiện các chính sách an sinh xã hội, quan tâm, hỗ trợ kịp thời các đối tượng chính sách; tăng cường kết nối cung cầu lao động; hỗ trợ doanh nghiệp khắc phục tình trạng thiếu lao động, phát triển nguồn nhân lực để đáp ứng yêu cầu của hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhất là trong các ngành, lĩnh vực công nghiệp mới. Khẩn trương rà soát, đề xuất phương án cắt giảm, đơn giản hóa giấy phép liên quan đến hoạt động kinh doanh. Tập trung triển khai các nhiệm vụ thực hiện chuyển đổi số theo chủ đề năm 2024 "Phát triển kinh tế số với 04 trụ cột công nghiệp công nghệ thông tin, số hóa các ngành kinh tế, quản trị số, dữ liệu số - Động lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững"...

Sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ sẽ tiếp tục là kim chỉ nam để chúng ta phát huy sức mạnh nội lực, tô đậm thêm những điểm sáng trong bức tranh kinh tế - xã hội cả nước, đạt và vượt các mục tiêu, chỉ tiêu trong năm 2024 như đã đề ra./.
 B.N

 

Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top