Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam trong 2 tháng đầu năm 2024 đạt 890 triệu USD, tăng 58,5% so với cùng kỳ năm 2023. Với kết quả này, các chuyên gia kỳ vọng, xuất khẩu rau quả năm 2024 có thể đạt 6,5- 7 tỷ USD, cao hơn so với mục tiêu đề ra là 6 tỷ USD…
Tăng trưởng tích cực ngay từ đầu năm
Năm 2023 được coi là năm kỷ lục của ngành hàng rau quả Việt Nam khi kim ngạch xuất khẩu đạt 5,57 tỷ USD, tăng gần 70% so với năm trước. Trước đó, mục tiêu ngành Nông nghiệp đề ra đối với mặt hàng rau quả năm 2024 đạt 4,5 tỷ USD, đến năm 2025 là 5 tỷ USD. Như vậy, năm 2023, mục tiêu đề ra đã cán đích và vượt 2 năm so với kế hoạch của Ngành.
Những tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu rau quả tiếp tục đạt mức tăng trưởng cao. Tháng 1/2024, xuất khẩu nhóm mặt hàng rau quả đã mang về trên 510 triệu USD, tăng 112% so với cùng kỳ năm trước. Sang tháng 2/2024, do trùng với Tết Nguyên đán, nên hoạt động xuất khẩu tạm ngừng trong 1 tuần. Tuy nhiên, xuất khẩu rau quả vẫn đạt 400 triệu USD, tăng 24,6% so với cùng kỳ.
Kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam sang đa số các thị trường trong 2 tháng đầu năm 2024 tăng so với 2 tháng đầu năm 2023. Trung Quốc vẫn là thị trường chính của rau quả Việt Nam xuất khẩu, chiếm 61,5% trong tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả của cả nước. Trong 2 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu rau quả sang thị trường này đạt trên 501,37 triệu USD, tăng mạnh 56,4% so với 2 tháng đầu năm 2023; riêng tháng 2/2024 xuất khẩu sang thị trường này đạt 195,9 triệu USD, giảm 36% so với tháng 1/2024 nhưng tăng 7,9% so với tháng 2/2023.
Đứng sau thị trường chủ đạo Trung Quốc là thị trường Đông Nam Á đạt trên 50,71 triệu USD, tăng 40% so với 2 tháng đầu năm 2023, chiếm 6,2%; Mỹ đạt 39,63 triệu USD, tăng 24,5%, chiếm 4,9%; Hàn Quốc đạt 41,02 triệu USD, tăng 52%, chiếm 5%; Thái Lan đạt 28,63 triệu USD, tăng 125%, chiếm 3,5%...
Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam (VINAFRUIT), triển vọng xuất khẩu ngành rau quả trong năm 2024 tiếp tục có diễn biến tích cực, đặc biệt từ thị trường Trung Quốc. Đáng chú ý, Việt Nam đang có 14 mặt hàng nông sản xuất khẩu chính ngạch sang thị trường này như: Sầu riêng, tổ yến, khoai lang, thanh long, nhãn, chôm chôm, xoài, mít, dưa hấu, chuối, thạch đen, măng cụt, vải và chanh dây…
Cùng với đó, Trung Quốc đang gia tăng nhập khẩu các sản phẩm rau quả chế biến từ Việt Nam. Đây là cơ hội tốt để Việt Nam tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu và nâng cao giá trị cho rau quả.
Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu rau quả cho biết, các đơn hàng xuất khẩu đã kín đơn hàng đến hết quý I/2024. Đây là những tín hiệu tích cực cho các doanh nghiệp xuất khẩu nói chung và ngành hàng rau quả nói riêng trong năm 2024.
Kỳ vọng lập kỷ lục mới trong năm 2024
Với những tín hiệu tích cực của thị trường, Bộ Nông Nghiệp và phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT) dự báo, năm 2024, ngành hàng rau quả tiếp tục đón nhận những kỷ lục mới, tăng trưởng ở mức 15-20% so với năm 2023, tương đương 6,5-7 tỷ USD nếu tận dụng tốt thời cơ từ các nghị định thư mang lại.
Theo Bộ NN&PTNT, trong năm 2023, Việt Nam đã hoàn thiện nhiều “visa” cho nhiều loại trái cây được phép xuất khẩu sang Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản. Năm 2024 sẽ tiếp tục đàm phán mở cửa thêm nhiều thị trường mới cho xuất khẩu rau quả.
Ảnh minh họa
Thứ trưởng NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho rằng, xuất khẩu nông sản nói chung và ngành hàng rau quả nói riêng sẽ đón nhận nhiều cơ hội tốt trong năm 2024. Riêng mặt hàng rau quả, sự mở rộng thị trường tại nhiều nước có dấu hiệu khả quan.
Thị trường Trung Quốc sẽ tiếp tục là thị trường tiềm năng cho mặt hàng rau quả của Việt Nam bởi lợi thế về địa lý, nhiều nét tương đồng trong văn hóa ẩm thực. Dự kiến, thời gian tới, sẽ có thêm 4 sản phẩm được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, bao gồm: Dược liệu, dừa, hoa quả đông lạnh và dưa hấu. Nếu triển khai được, nghị định này sẽ góp phần đẩy mạnh xuất khẩu nông sản Việt Nam tại thị trường này. Cụ thể, với trái dưa hấu, trước đây, Việt Nam chủ yếu bán ở chợ biên giới, số liệu không được ghi nhận, song việc Việt Nam và Trung Quốc ký Nghị định thư mở chính ngạch, giúp trái dưa hấu phát triển tốt vượt bậc tại đất nước 1,4 tỷ dân này. Đặc biệt, nếu Nghị định thư được ký kết, trái dừa cũng hứa hẹn sẽ đạt kim ngạch từ 500-600 triệu USD trong năm nay.
Bên cạnh đó, thị trường Hoa Kỳ, Nhật Bản, EU… đang mở rộng “cánh cửa” bởi trái cây Việt Nam có chất lượng tốt, là đặc sản mà nhiều quốc gia xuất khẩu khó cạnh tranh...
Tuy nhiên, đi cùng với thuận lợi là những thách thức không nhỏ. Theo Bộ NN&PTNT, những khó khăn mà ngành hàng rau quả cần khắc phục, đó là duy trì, nâng cao chất lượng, tuân thủ nghiêm quy định về chất lượng, truy xuất nguồn gốc…
Theo thống kê, kim ngạch xuất khẩu rau quả Việt Nam mới chiếm khoảng 2-3% tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả thế giới. Điều này đồng nghĩa với dư địa ngành hàng này rất lớn. Bộ NN&PTNT cho biết, sẽ tiếp tục đồng hành cùng các doanh nghiệp, đẩy mạnh công tác tiếp thị, xây dựng thương hiệu rau quả Việt Nam tại các thị trường xuất khẩu; phân tích, cập nhật thông tin từ các thị trường để có định hướng sản xuất trong nước phù hợp...
Tiến Long