Xuất, nhập khẩu 2 tháng đầu năm 2024 - bước chạy đà mang kỳ vọng tăng tốc

04/03/2024 - 05:39 PM
Trong 2 tháng đầu năm 2024, hoạt động xuất khẩu hàng hoá của Việt Nam đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, thể hiện rõ nét trong tăng trưởng cả về quy mô và thị trường xuất khẩu. Khu vực sản xuất phục hồi tương đối tốt cùng với tín hiệu khả quan từ hoạt động nhập khẩu đặc biệt các mặt hàng phục vụ xuất khẩu là bước chạy đà khá tốt cho xuất khẩu trong thời gian tới.
 
Ước tính kim ngạch xuất khẩu trong 2 tháng đạt 59,3 tỷ USD, tăng 19,2% (9,6 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2023 (cùng kỳ năm 2023, kim ngạch xuất khẩu giảm tới 9,9%). Trong đó khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 43,2 tỷ USD, tăng 14,7%; khu vực kinh tế trong nước đạt 16,1 tỷ USD, tăng 33,3%. Đáng chú ý, tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu của khu vực trong nước chiếm 27,2%; tăng 2,9 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Đây là tín hiệu khá tích cực, cho thấy các doanh nghiệp trong nước đang tận dụng khá tốt năng lực xuất khẩu và sự hỗ trợ từ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan quản lý nhà nước.
 
Biểu đồ. Kim ngạch xuất khẩu và tốc độ tăng trưởng 2 tháng đầu năm 2024

Bước chạy đà tốt cho xuất khẩu trong 2 tháng đầu năm
Về mặt hàng: Trong tổng số 45 mặt hàng xuất khẩu chính trong 2 tháng đầu năm có đến 38 nhóm hàng tăng trưởng so với năm 2023, chiếm đến 92,5% giá trị xuất khẩu. Trong đó một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực tăng mạnh so với cùng kỳ như: Điện tử máy tính và linh kiện tăng 33,9%; Gỗ và sản phẩm gỗ tăng 43,8%; Một số mặt hàng xuất khẩu nông, lâm sản có lợi thế của Việt Nam tăng trưởng tốt so với cùng kỳ như: Cà phê tăng 67,5%; hạt điều tăng 60,5%; rau quả tăng 58,5%; gạo tăng 35,2%; thủy sản tăng 22,3%.
 
Về thị trường: Xuất khẩu cũng cho thấy đều có sự tăng trưởng mạnh mẽ so với cùng kỳ năm trước ở hầu hết các thị trường chủ lực của Việt Nam. Cụ thể như sau: Trung Quốc tăng 35,1%; Hoa Kỳ tăng 31,6%; Nhật Bản tăng 19,6%; Thị trường EU tăng 14,2%; thị trường ASEAN tăng 8,7%; Hàn Quốc tăng 4,3%.
 
Mức tăng về quy mô có sự tăng trưởng vượt bậc trong những năm gần đây cũng là một điểm sáng của hoạt động xuất khẩu trong 2 tháng đầu năm với mức tăng 9,6 tỷ USD, vượt cả thời điểm trước dịch Covid, cao nhất[1] trong giai đoạn 2019-2024.
 
Cán cân thương mại hàng hóa 2 tháng đầu năm duy trì thặng dư với giá trị xuất siêu đạt 4,72 tỷ USD (cao nhất trong vòng 6 năm gần đây), cao hơn so mức 3,5 tỷ USD của năm 2023 và âm 0,3 tỷ USD của năm 2022.
 
Biểu đồ. Cán cân thương mại 2 tháng đầu năm giai đoạn 2019 – 2024
 
Đơn vị tính: Tỷ USD
Bước chạy đà tốt cho xuất khẩu trong 2 tháng đầu năm 1
 
Bên cạnh đó, khu vực sản xuất có dấu hiệu phục hồi, chỉ số sản xuất công nghiệp 2 tháng đầu năm tăng 5,7%; trong đó tháng 1 tăng tới 18,9%; tháng 2 giảm nhẹ so với cùng kỳ do hoạt động sản xuất bị ảnh hưởng do kỳ nghỉ Tết kéo dài. Riêng ngành công nghiệp chế biến chế tạo 2 tháng đầu năm tăng 5,9%. Đây cũng là tín hiệu cho thấy xu hướng tăng trưởng về đơn hàng xuất khẩu của các doanh nghiệp.
 
Hoạt động nhập khẩu cũng có sự tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ năm 2023, đạt 18,0%; trong đó, các mặt hàng phục vụ xuất khẩu tăng cao như: Điện tử, máy tính và linh kiện tăng 24,4%; Hàng điện gia dụng và linh kiện tăng 21,8%; Điện thoại các loại và linh kiện tăng 17,7%; Máy ảnh, máy quay phim và linh kiện 17,2%; Máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác tăng 24,8%; Dây điện và cáp điện 57,1%. Xuất khẩu tăng mạnh được cho là bước chạy đà tiếp sức giúp xuất khẩu tăng trưởng trong thời gian tới.
 
Với những kết quả tích cực về xuất, nhập khẩu trong 2 tháng đầu năm sẽ là bước khởi động tốt cho mục tiêu xuất khẩu trong năm 2024. Tuy nhiên, thực tế cho thấy xuất khẩu Việt Nam vẫn phụ thuộc nhiều vào nguồn nguyên liệu và công nghiệp phụ trợ, tỷ trọng nhập khẩu nhóm hàng tư liệu sản xuất (máy móc thiết bị phụ tùng, nguyên nhiên vật liệu) tăng 0,9 điểm phần trăm so với năm 2023. Kim ngạch xuất nhập khẩu của các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam đều nhập siêu như: Điện tử, máy tính và linh kiện nhập siêu 6,2 tỷ USD; Máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng nhập siêu 1,7 triệu USD. Đồng thời, các mặt hàng thủy sản nông sản đã có sự tăng trưởng (tỷ trọng tăng 1,6 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm 2023) tuy nhiên tỷ trọng trong kim ngạch xuất khẩu vẫn còn rất thấp.
 
Do đó, để hoạt động xuất khẩu tiếp tục duy trì đà tăng trưởng cần tiếp tục tập trung vào một số giải pháp trọng tâm sau:
 
- Nâng cao hiệu quả và điều tiết tốt tốc độ thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu tại khu vực cửa khẩu thuộc biên giới giữa Việt Nam - Trung Quốc, đặc biệt là đối với các mặt hàng nông sản, thủy sản; đồng thời đẩy mạnh xây dựng thương hiệu quốc gia cho nông sản Việt nhằm quảng bá rộng rãi trên thị trường quốc tế vừa nâng cao giá trị nông sản xuất khẩu;
 
- Tiếp tục tận dụng tốt các hiệp định thương mại (đặc biệt là các FTA đã ký kết) và triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại trong bối cảnh tổng cầu thế giới phục hồi; lạm phát tại các thị trường là đối tác lớn của Việt Nam được kiểm soát;
 
- Theo dõi sát diễn biến của kinh tế thế giới, đặc biệt chính sách của các thị trường đối tác lớn như Mỹ, Trung Quốc, EU, Nhật Bản… ảnh hưởng tới thương mại với Việt Nam, từ đó kịp thời đưa ra cảnh báo, khuyến nghị cũng như các giải pháp hỗ trợ kịp thời cho các doanh nghiệp.
 

Đặng Thị Tư

 Vụ Thống kê Thương mại và Dịch vụ - TCTK
 

 
[1] Năm 2023 giảm 5,5 tỷ USD, năm 2022 tăng 6,4 tỷ USD, năm 2021 tăng 9,4 tỷ USD, năm 2020 tăng 3,3 tỷ USD và năm 2019 tăng 1,4 tỷ USD.


Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top