Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị hai kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2024

04/04/2024 - 01:01 PM
Tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương và phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 3/2024, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã kiến nghị hai kịch bản tăng trưởng GDP năm 2024, sau khi tăng trưởng GDP quý I ước đạt 5,66%, nhưng Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị lựa chọn kịch bản 2 - với tăng trưởng GDP đạt 6,5%, cận trên mục tiêu Quốc hội quyết nghị.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, tăng trưởng GDP quý I/2024 ước tăng 5,66% so với cùng kỳ năm trước, vượt kịch bản đề ra tại Nghị quyết số 01/NQ-CP (5,2-5,6%) và là mức tăng cao nhất trong các quý I kể từ năm 2020 đến nay. Trên cơ sở kết quả quý I, dự báo tình hình quý II và cả năm, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã dự báo 2 kịch bản tăng trưởng năm 2024.

 
Ảnh minh họa

Ở kịch bản 1, tăng trưởng kinh tế cả năm dự kiến đạt 6%, tức là đạt cận dưới mục tiêu Quốc hội quyết nghị. Để đạt con số này, 9 tháng cuối năm phải tăng khoảng 6,12%, trong đó tăng trưởng quý II là 5,85%, quý III và IV lần lượt là 6,22% và 6,28%, đạt mức cận dưới hoặc thấp hơn kịch bản đề ra tại Nghị quyết số 01/NQ-CP.

Ở kịch bản 2, tăng trưởng kinh tế cả năm đạt 6,5%, cận trên mục tiêu Quốc hội quyết nghị. Theo đó, 9 tháng cuối năm phải tăng khoảng 6,75%; trong đó, tăng trưởng quý II là 6,32%, quý III và quý IV lần lượt là 6,79% và 7,08%. Tăng trưởng các quý cao hơn khoảng 0,1 điểm phần trăm so với cận trên kịch bản đề ra tại Nghị quyết số 01/NQ-CP. 

Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị lựa chọn kịch bản 2. Trong điều kiện tình hình thế giới, trong nước chuyển biến thuận lợi hơn, tiếp tục nghiên cứu, triển khai các chính sách hỗ trợ mới về tài khóa, tiền tệ... để phấn đấu đạt mức tăng trưởng cao nhất, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề xuất.

Để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đạt được kịch bản 2 như kiến nghị, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tham mưu, kiến nghị nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, cụ thể:

Thứ nhất, bảo đảm chất lượng, tiến độ các dự án luật, nghị quyết, nội dung trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 7; phối hợp chặt chẽ, từ sớm, từ xa với các cơ quan của Quốc hội để chủ động tiếp thu, giải trình, nhất là với những vấn đề thể chế, cơ chế, chính sách, quy định mới, thí điểm, đặc thù.

Thứ hai, tập trung xây dựng, ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Đất đai, Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở..., bảo đảm đủ điều kiện để trình Quốc hội cho phép sớm thi hành các luật này trong tháng 7/2024.

Các địa phương cần tập trung rà soát, sửa đổi văn bản thuộc thẩm quyền để có thể áp dụng Luật Đất đai ngay sau khi có hiệu lực, nhất là xây dựng bảng giá đất.

Thứ ba, tiếp tục thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp, chính sách hỗ trợ sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, sinh kế cho người dân. 

Thứ tư, bảo đảm yêu cầu, tiến độ thực hiện chế độ tiền lương mới kể từ ngày 1/7/2024 theo đúng chủ trương của Trung ương Đảng, nghị quyết của Quốc hội.

Thứ năm, tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ và làm mới các động lực tăng trưởng về đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu; khai thác tối đa các động lực tăng trưởng mới từ chuyển đổi số, chuyển đổi xanh... 

Cùng với đó, khẩn trương cụ thể hóa, khai thác có hiệu quả các điều ước quốc tế, thỏa thuận của lãnh đạo cấp cao; nghiên cứu, tham mưu các cơ chế, chính sách, giải pháp mới, toàn diện và đột phá để khai thác tối đa thời cơ, cơ hội, thuận lợi mới cho tăng trưởng và phát triển; 

Đẩy mạnh hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật, cải cách hành chính, cắt giảm thủ tục hành chính. Giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Chú trọng làm tốt công tác an sinh xã hội, phát triển văn hóa, giáo dục, y tế, bảo vệ môi trường. Bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội. Tăng cường hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả. Tăng cường thông tin, tuyên truyền...

 
PV
 

Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top