Động lực tăng trưởng kim ngạch từ Hiệp định thương mại Việt Nam - Lào mới

11/04/2024 - 02:24 PM
Chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Lào Sonexay Siphandone và các kết quả đạt được tại Kỳ họp lần thứ 46 Ủy ban liên Chính phủ về hợp tác song phương Việt Nam - Lào diễn ra vào những ngày đầu năm 2024 đã góp phần thúc đẩy Hiệp định thương mại Việt Nam - Lào mới chính thức được ký kết vào ngày 08/4/2024 vừa qua.

Theo đó, Hiệp định Thương mại Việt Nam - Lào được ký lần đầu năm 2015, từ đây, kim ngạch thương mại song phương hai nước đã có sự tăng trưởng khả quan. Tuy nhiên, số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, kim ngạch thương mại Việt Nam - Lào đến năm 2023 mới đạt quy mô 1,63 tỷ USD, chỉ bằng khoảng 10% tổng kim ngạch ngoại thương của Lào và khoảng 0,2% tổng kim ngạch ngoại thương của Việt Nam. Con số này chưa tương xứng với tiềm năng và quan hệ đặc biệt của hai nước.

Tạị buổi ký kết, Bộ Công Thương cho biết, Việt Nam có kim ngạch xuất nhập khẩu đạt hơn 735 tỷ USD, nằm trong nhóm 20 nước có quy mô ngoại thương lớn nhất thế giới và nhóm các thị trường hấp dẫn nhất về thu hút FDI. Chính vì vậy, Việt Nam có nhu cầu nhập khẩu rất lớn các loại nguyên liệu đầu vào và điện năng từ các nước, trong đó có Lào. Lào đang dần trở thành một trong những nguồn cung cấp quan trọng các sản phẩm và nguyên liệu phục vụ sản xuất cho các nước ASEAN nói chung và cho Việt Nam nói riêng.

 
Động lực tăng trưởng kim ngạch từ Hiệp định thương mại Việt Nam - Lào mới
Chính thức ký kết Hiệp định thương mại Việt Nam - Lào mới. Ảnh: moit.com.vn

Để khai thác tiềm năng hợp tác thương mại, Việt Nam và Lào đã tiến hành đàm phán, sửa đổi, bổ sung để xây dựng Hiệp định Thương mại Việt Nam - Lào mới (Hiệp định) phù hợp với bối cảnh hiện nay. Sau quá trình đàm phán kéo dài 03 năm, hai nước đã thống nhất được các nội dung Hiệp định mới.

Hiệp định thương mại Việt Nam - Lào mới hướng tới mục tiêu tăng cường, củng cố hơn nữa quan hệ hữu nghị đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào, thúc đẩy tiếp cận thị trường cho hàng hóa, dịch vụ và tạo sự kết nối phát triển ổn định, bền vững và lâu dài. Các điều khoản của Hiệp định được xây dựng dựa trên nguyên tắc phù hợp với các luật, quy định và chính sách tương ứng của mỗi nước; bình đẳng, cùng có lợi; cùng hướng tới việc tạo thuận lợi tối đa trong việc xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa và cung ứng dịch vụ, dành cho nhau những ưu đãi đặc biệt về thương mại hàng hóa và dịch vụ.

Hiệp định gồm 05 chương, tương ứng với 15 điều khoản và 05 phụ lục đã bao phủ các vấn đề quan trọng trong hợp tác thương mại giữa hai nước, bao gồm: Quy định về việc tiếp cận thị trường đối với hàng hóa và dịch vụ; tạo thuận lợi thương mại; xúc tiến thương mại và ứng dụng thương mại điện tử; hợp tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, chống rửa tiền và vận chuyển trái phép qua biên giới.

Hiệp định Thương mại Việt Nam - Lào mới sau khi ký kết và đi vào thực thi sẽ góp phần giải quyết các vấn đề phát sinh sau một thời gian thực hiện Hiệp định Thương mại Việt Nam - Lào năm 2015; tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý cho hoạt động thương mại giữa Việt Nam - Lào; đặc biệt việc rà soát và đưa ra các ưu đãi về thuế suất thuế nhập khẩu đi trước lộ trình giảm thuế của Việt Nam và Lào trong ASEAN sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa, góp phần thúc đẩy hơn nữa quan hệ thương mại Việt Nam - Lào.

 
Tại kỳ họp lần thứ 46 Ủy ban liên Chính phủ về hợp tác song phương Việt Nam - Lào, hai nước đã nhất trí các giải pháp cụ thể triển khai cam kết, thỏa thuận; trong đó gồm các nội dung: (i) Thúc đẩy xuất khẩu hàng hoá giữa hai nước, gia tăng khối lượng kim ngạch thương mại giữa hai nước; đẩy mạnh việc tổ chức các hoạt động giao thương, kết nối doanh nghiệp hai nước như các diễn đàn doanh nghiệp, hội nghị kết nối giao thương doanh nghiệp, hội chợ thương mại, diễn đàn thúc đẩy thương mại, hội thảo thông tin thị trường. (ii) Thúc đẩy hợp tác phát triển hạ tầng thương mại biên giới Việt Nam - Lào; triển khai có hiệu quả Bản ghi nhớ về phát triển và kết nối hạ tầng thương mại biên giới Việt Nam - Lào (ký vào tháng 01/2024); rà soát, trao đổi để sửa đổi, bổ sung Thỏa thuận Hà Nội năm 2007 và Hiệp định Thương mại biên giới Việt Nam - Lào cho phù hợp với tình hình và bối cảnh mới. (iii) Tập trung khai thác tối đa hiệu quả của các khu công nghiệp, khu kinh tế cửa khẩu hiện có tại khu vực biên giới hai nước. (iv) Phối hợp chặt chẽ để đảm bảo ổn định thị trường xăng dầu của Lào. (v) Tăng cường hợp tác trong công tác quản lý thị trường; phát triển thương mại điện tử./.
 
P.V

Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top